Tình yêu giới trẻ và quan niệm bất hủ

"Yêu mà không có tiền thì cạp đất mà ăn" – phát ngôn “hồn nhiên” của Nữ hoàng nội y Ngọc Trinh tưởng chừng như một câu nói đùa nhưng thực tế nó lại đang là quan điểm của một bộ phận giới trẻ về tình yêu hiện nay.

Mặc dù trong xu thế phát triển và hội nhập của xã hội, quan niệm một túp lều tranh hai trái tim vàng không còn hiện hữu, các bạn trẻ có thể cân nhắc về tình yêu, tài chính, địa vị của đối phương khi quyết định yêu để đi đến kết hôn, nhưng trong tình yêu có nên quá rạch ròi đặt tiền và tình lên bàn cân như vậy?

Phải yêu… đại gia

Xưa, mặc dù sống trong quan niệm khắt khe của lễ giáo phong kiến là yêu nhau cũng phải nhìn sao cho “xứng đôi vừa lứa”, “môn đăng hộ đối” thì mới được chấp nhận. Nhưng các cụ khi ấy phần lớn chỉ mong được lấy người mình yêu là mãn nguyện lắm, sẵn sàng từ bỏ vinh hoa phú quý để “rau cháo nuôi nhau”, nhưng giờ đây, khi mà trong xã hội giá trị đồng tiền luôn được coi trọng thì câu chuyện “một túp lều tranh hai trái tim vàng” dường như chỉ có trong cổ tích.

Ngày nay, nhiều người cho rằng chuyện “môn đăng hộ đối” đã không còn được mang ra là thước đo nữa nhưng thực tế thì nó vẫn tồn tại. Chưa cần các phụ huynh phải đưa ra yêu cầu, phần lớn các bạn trẻ cũng đã biết tự đặt cho mình những tiêu chuẩn riêng để tìm một nửa cân xứng.

Yến, một cô sinh viên tỉnh lẻ, có gương mặt xinh xắn, ngoại hình đẹp. Bố mất sớm, cô trở thành chỗ dựa cho người mẹ đã luống tuổi và đứa em gái đang tuổi ăn tuổi lớn. Sau khi về Hà nội nhập học, nghe người ta bảo “chân dài phải đi với đại gia” mới xứng, cô liền bỏ qua những mối tình đẹp thuở học trò, quyết tâm tìm cho mình một chỗ đàng hoàng để nương tựa và có thể chăm lo cho gia đình. Sau nhiều lần cân nhắc, Yến nhận lời yêu Thành- một anh chàng khá giả có nghề nghiệp ổn định trong ngành dầu khí. Được người yêu chăm sóc, chiều chuộng, Yến ngày càng xinh ra, còn có tiền gửi về chu cấp cho mẹ và em gái, cô hãnh diện với bạn bè và tự thấy sự lựa chọn của mình thật đúng đắn.

Minh và Tiệp học cùng trường, Minh học sau Tiệp hai khóa. Tốt nghiệp xong Tiệp học tiếp lên cao học tại trường nên hai người vẫn được gần nhau. Vì học cùng ngành nên Tiệp giúp được Minh rất nhiều, khi kỳ thi đến có khi anh còn thức cả đêm để giúp người yêu làm tiểu luận. Nhìn mối tình của đôi trẻ, bạn bè hai bên đều mừng cho họ và mong chờ ngày được đi dự lễ vu quy. Khi Minh tốt nghiệp thì Thành cũng chuẩn bị bảo vệ luận văn thạc sĩ, bố mẹ Minh giục con gái lấy chồng. Vì chưa học xong, hoàn cảnh gia đình cũng khó khăn nên Tiệp xin bố mẹ người yêu cho hoãn vài năm. Trong khi Tiệp đang hoàn thành nốt những thủ tục tốt nghiệp thì Minh đi làm thêm giúp đỡ anh. Minh làm quản lý cho một tòa nhà. Tại đây cô gặp gỡ Quyền- một giám đốc trẻ đẹp trai, trước những lời ong bướm, hứa hẹn sẽ kết hôn ngay trong năm và xin việc cho cô của Quyền, Minh quyết định chia tay với Tiệp để tìm đến tình mới. Mặc cho Tiệp ra sức níu kéo, Minh tìm mọi cách để chấm dứt ba năm yêu đương với Tiệp để đi theo người mới sau một tháng quen biết. Ai khuyên bảo cô cũng lấy lí do hai người đã hết yêu từ lâu, và hoàn cảnh của Tiệp thì không thể lo cho cô một cuộc sống sung túc, không thể xin cho cô một công việc như ý. Cô là con gái nên phải tính sao cho mình có một cuộc sống tương lai ổn định, bởi theo Minh trong cuộc sống gia đình nếu chỉ yêu thôi thì chưa đủ.

Còn Mai, một cô gái xinh xắn trường Văn hóa nghệ thuật, có chút năng khiếu âm nhạc, rất mong muốn được trở thành một ca sĩ nổi tiếng. Sau khi vào trường, cô có đi hát tại một số sự kiện, phòng trà. Trong một lần hát tại bar, sau khi hát xong cô nhận được một bó hoa lớn từ một người đàn ông đã ngoại tứ tuần. Ông này tự giới thiệu là một người làm kinh doanh, quen biết nhiều người làm nghệ thuật, thấy giọng hát của cô khá triển vọng nên muốn giúp cô lăng xê tên tuổi để thành ca sĩ. Biết mình không thực sự nổi trội, lại không quen biết rộng, nếu muốn nổi tiếng, cô sẽ phải đánh đổi nhiều thứ…. Nhưng người đàn ông kia đã chạm tới ước mơ, khao khát của cô, cô đành nhắm mắt đưa chân.

Kết quả của tình – tiền

Tình yêu giới trẻ và quan niệm bất hủ - 1

Trong tình yêu có nên quá rạch ròi đặt tiền và tình lên bàn cân như vậy? (Ảnh minh họa)

Cặp kè với những người giàu sang, có địa vị là mục tiêu của không ít bạn trẻ, trong đó có cả các “boy”. Họ tính toán thiệt hơn khi yêu, chọn sống như “cây tầm gửi” để được chăm sóc, “tài trợ” từ A đến Z. Nhưng, khi “cuộc chơi” kết thúc, liệu họ có nhận được hạnh phúc hay tất cả chỉ là phù du?

Yến sau khi ra trường, cô có bầu và ngỏ ý muốn kết hôn thì Thành khuyên cô phá thai và khất lần lữa không đưa cô về ra mắt gia đình. Yến lấy đứa bé ra ép Thành cưới thì anh chàng tắt máy lặn mất tăm. Sau khi dò hỏi bạn bè Yến mới vỡ lẽ chàng trong mộng của mình đã có vợ và con nhỏ. Yến phải ê chề đi phá thai một mình.

Còn Minh, sau một thời gian cùng người mới, cô thỉnh thoảng lại nhắn tin, gọi điện cho Tiệp kêu khổ than sở vì người yêu mới không quan tâm chăm sóc cô được như anh và ngỏ ý muốn quay lại với Tiệp. Tuy nhiên, trước những hành động thực dụng, cả thèm chóng chán, không tôn trọng tình nghĩa của Minh, Tiệp không đồng ý và khuyên cô nên trân trọng những gì mình đang có.

Mai, sau khi đánh đổi đời con gái của mình, nghe những lời tâng bốc và đi theo ông “bầu dởm” gặp gỡ hết người này người khác kết quả thu về cũng chỉ là con số không với những lời hứa suông. Chờ lâu, cô gái quyết định tự tìm gặp những vị khách nghệ thuật của bạn trai để hỏi chuyện mới vỡ lẽ họ chỉ là bạn bè của anh ta và được nhờ đóng giả làm người hoạt động trong ngành nghệ thuật. Chuyện vỡ lở người tình già cũng lặn tăm như cá.

Người trẻ nói gì?

Hằng – sinh viên HV BCTT: “yêu thời nào cũng vậy, phải chân thành, thật lòng. Yêu vì tiền, vì địa vị hay vì sự ghen tỵ thì tình yêu đều dễ dàng mất đi, chỉ có tình yêu chung thủy mới trường tồn mãi mãi. Hạnh phúc sẽ đến với những người yêu chân thành, tiền hay địa vị chỉ là phù du, hết tình, những thứ ấy sẽ tan đi như làn khói”.

Duy (ĐH GTVT) lại tâm sự: ai cũng có quyền lựa chọn cho mình một người phù hợp. Tính toán, cân nhắc xem ai là người mình có thể tin tưởng, dựa vào là điều không sai nhưng không nên quá rạch ròi tình tiền. Làm sao có thể đặt tình và tiền lên cùng một bàn cân? Lựa chọn bạn đời cũng phải nhìn vào thực tế nhưng không nên quá thực dụng. Nếu chỉ có tiền bạc và địa vị thì không mang lại được hạnh phúc thực sự.

Trái ngược với những ý kiến tên, bạn trẻ có nick name NAT khẳng định: tôi nghĩ chuyện yêu vì tiền cũng đúng thôi. Các bạn lúc nào cũng nói tôn thờ tình yêu thì nên nhìn lại mình đi. Nếu các bạn có quá nhiều tiền thì tôi không nhắc tới nữa, còn những người khác, ai cũng muốn lấy một tấm chồng là trụ cột gia đình, là một người đàn ông đích thực chứ không phải kẻ lúc nào cũng bám váy vợ. Có bạn nữ nào dám can đảm chọn bạn trai là một kẻ khố rách áo ôm chưa? Có bạn nữ nào dám chọn một bạn trai bất tài vô dụng chưa?

Và, đây là quan điểm của bạn Vicent, được nhiều bạn ủng hộ: “Nhiều người nghĩ con gái yêu vì tiền là xấu, là thực dụng nhưng theo quan điểm của tôi, điều đó hoàn toàn bình thường. Trong mắt người phụ nữ, đàn ông thành đạt có sức hút đối với họ hơn những vẻ đẹp trai. Sự thành đạt làm tôn nét nam tính của người đàn ông trong mắt họ vì họ biết những người đó sẽ đảm bảo cuộc sống của họ sau này. Đó là lý do tại sao tôi nói yêu vì tiền không phải xấu, mà chỉ xấu ở cách họ đối xử hay thể hiện thực dụng hoặc vô tình mà thôi”.

Thay cho lời kết

Quan điểm của mỗi bạn trẻ đều có những khía cạnh đúng, nếu cứ đem ra so sánh và tranh luận thì sẽ không thể có hồi kết. Có lẽ, do sống trong một xã hội mà đồng tiền có khả năng chi phối tất cả nên nhiều bạn trẻ có suy nghĩ thực dụng trong tình yêu, hôn nhân. Khi quyết định yêu hay cưới ai đó, với nhiều người, điều họ quan tâm không phải tính cách của người họ chọn, mà là túi tiền của đối phương.

Tiền bạc và tình yêu là hai mặt không thể thiếu của cuộc sống. Cân nhắc để lựa chọn đối phương phù hợp với bản thân là điều hoàn toàn đúng, nó thể hiện cái nhìn thực tế. Bởi, làm sao mà sống nổi nếu không có tiền, nhưng nếu vì thế mà coi tiền là tiêu chí cần và đủ đề đánh giá tình yêu và “không có tiền cạp đất mà ăn” được đẩy lên thành quan điểm sống, hay lý do để bất chấp tất cả mọi thứ để có tiền, thì các bạn trẻ cần phải xem lại quan điểm và nhân cách sống của mình. Thực dụng không chỉ đánh mất tình yêu, hạnh phúc mà còn dễ làm các bạn trẻ đánh mất mình nữa. Ranh giới của thực tế và thực dụng rất mong manh, bước qua hay không là phụ thuộc vào quan điểm, lối sống và bản lĩnh của mỗi người.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồng Thơm (Gia đình)
Tình yêu giới trẻ hiện nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN