Tết nhớ điều hay

Sự kiện: Những tâm sự hay

Thời còn nhỏ, nghe người ta nói “tết” là trong lòng tôi rộn ràng, nao nức và chờ đợi.

Tết có nhiều bánh kẹo, dưa mứt, tết được nghỉ học, được vui chơi với mấy đứa nhỏ gần nhà và đặc biệt tết được lì xì… Hồi đó, hồn nhiên không biết giá trị của đồng tiền nhưng ai cho thì vui lắm, phấn khởi lắm, có lẽ tiền đối với tôi chỉ là những viên kẹo, những cái bánh thơm ngon, những thú vui của thời trẻ nhỏ.

Bây giờ, nghe đến tết hình như cái cảm giác ngây thơ, sung sướng đó lại thay thế bằng sự tất bật cho một năm mới đến thật suôn sẻ, luôn ước mong sự an lành giữa những bộn bề của cuộc sống. Nhưng có lẽ vì vậy mới có thể hưởng trọn cái cảm giác đầy ý nghĩa trong những ngày đặc biệt này.

Xuân về, mọi người lại tất bật quét dọn, sửa sang để nhà cửa được khang trang, sạch đẹp; nhà nhà đều có chuẩn bị những chậu hoa, mâm ngũ quả, bánh mứt, một nồi thịt kho tàu trứng vịt và các món ngon để chiêu đãi khách; những gia đình khấm khá hơn sẽ trang hoàng thêm những ánh đèn đom đóm làm long lanh, óng ánh sắc màu của mùa xuân tuyệt đẹp hay sự công phu hơn trong cách bày trí và các món bánh mứt đa dạng, hấp dẫn hơn… Sự đầm ấm, thân thương nhất vẫn là mọi người trong gia đình từ lớn đến nhỏ ai cũng hăng hái tích cực cùng góp phần công sức của mình làm sạch và đẹp thêm cho ngôi nhà, cho mái ấm gia đình.

Ngày Tết quê tôi đơn giản lắm, mọi người đoàn tụ bên nhau với một bữa tiệc gia đình nhỏ, tương đối thịnh soạn nhưng đầm ấm và yên vui; bà con thì đến nhà chúc mừng, cầu mong cho sự thịnh vượng, an khang và sung túc. Vậy mà vui với cái tình, cái nghĩa xóm làng. Mấy đứa trẻ là phấn khởi hơn hết, chúng nô đùa với những chiếc áo mới thật xinh xắn được người lớn mua cho, được thỏa sức với những quả dưa đỏ, bánh kẹo ngọt ngào mà bình thường có thể bị ngăn cấm vì sợ bị bệnh. Tết là vậy, không bị la mà còn được làm nhiều điều mình thích, ai mà chẳng vui!

Tết nhớ điều hay - 1

Chúng con – những thế hệ sau sẽ luôn tiếp bước giữ gìn truyền thống tốt đẹp sống mãi với thời gian. (Ảnh minh họa)

Thời gian làm tôi lớn lên và ngày càng thấu hiểu được nỗi lo lắng, bộn bề của cha mẹ. Ngày tháng vất vả để cho con được ăn ngon, mặc đẹp và trải qua cái quãng hồn nhiên của tuổi học trò. Yêu sao cái lưng trần cõng con trong những ngày nước lũ, những ngày mưa to; Yêu sao phút giây chỉ dẫn con học hành đến nơi đến chốn, sợ con ham chơi quên bài, sợ con lười học, lười ăn… Mỗi năm tết đến thì càng vất vả hơn cho con chiếc áo mới để thăm viếng ông bà, thầy cô và vui chơi với bè bạn.

Thời gian vẫn cứ trôi, nhiều nền văn hóa du nhập nhưng ở mỗi con người trong xóm tôi đều giữ được cái truyền thống tốt đẹp trong ngày tết. Dù bận rộn đến đâu nhưng tết là ai cũng đến từng nhà tặng cho nhau những món quà nhỏ để chúc phúc cho nhau và hy vọng đem lại cuộc sống hạnh phúc, sung túc hơn. Sáng mồng một, con cháu lại quây tụ bên ông bà, cô bác bên nội dành tặng những lời chúc thân yêu và được nhận những phong lì xì màu đỏ thắm. Đến mồng hai cũng là cơ hội để con cháu báo hiếu với cha mẹ cậu dì bên ngoại. Sang mùng ba là tết thầy cô, có cơ hội thăm viếng những người với ơn sâu giáo dục và đem lại tri thức cho nhân loại. Mồng bốn lại là tết bạn bè, thật vui và phấn khởi biết bao khi được gặp lại những đứa bạn cùng trang lứa thuở cắp sách đến trường, cùng nhau vui chơi và ôn lại kỷ niệm thời thơ ấu. Tất cả những việc làm nhỏ nhoi đó lại góp một phần rất lớn cho sự giáo dục nhân cách thế hệ trẻ đó là uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo và đặc biệt là lòng hiếu thảo.

Sang năm mới, một điều ước của tôi và có thể cũng là cho những đứa con của toàn nhân loại sẽ là một hạnh phúc lớn lao nếu cha mẹ luôn được dồi dào sức khỏe và vui sống với chúng con trong nhiều cái tết nữa. Chúng con – những thế hệ sau sẽ luôn tiếp bước giữ gìn truyền thống tốt đẹp sống mãi với thời gian.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đỗ Quyên
Những tâm sự hay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN