Tân sinh viên chật vật tìm nhà trọ, chi tiêu tằn tiện vì giá phòng tăng cao

Sự kiện: Giới trẻ 2024

Tháng 8 là thời điểm nhiều tân sinh viên từ các tỉnh thành đổ về Hà Nội để chuẩn bị cho năm học mới. Do đó, nhu cầu tìm kiếm nơi ở cũng tăng cao. Nhiều chủ trọ dựa dịp này đẩy giá phòng cho thuê lên cao.

Nhu cầu tìm nhà trọ mùa sinh viên nhập học tăng cao

Mùa tựu trường, nhu cầu thuê phòng của sinh viên ngoại tỉnh tăng cao do đó thị trường phòng trọ cho thuê cũng trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết.

Chỉ cần nhập từ khóa tìm phòng trọ trên các trang mạng xã hội đã cho ra hàng nghìn kết quả tìm kiếm. Những bài chào mời thuê phòng với đầy đủ thông tin mà người thuê cần như giá phòng, dịch vụ kèm theo, diện tích phòng, địa điểm và cả số điện thoại liên hệ với người cho thuê,....

Anh Xuân Triều - người môi giới thuê nhà cho biết, năm nay thị trường thuê - cho thuê nhà ở, phòng trọ rơi vào tình trạng cung ít cầu nhiều: "Thời gian gần đây, thị trường thuê phòng nhộn nhịp hơn hẳn, đa phần người có nhu cầu là sinh viên chuẩn bị lên nhập học và người dân từ các tỉnh về Hà Nội tìm việc làm sau đợt dịch COVID vừa qua. Giá phòng năm nay tăng nhanh so với các năm trước. Mặc dù vậy nguồn phòng cho thuê vẫn khan hiếm."

Nhiều người lựa chọn ở ghép để giảm gánh nặng tiền nhà. Ảnh NVCC

Nhiều người lựa chọn ở ghép để giảm gánh nặng tiền nhà. Ảnh NVCC

Bà Nguyễn Thị Lộc có một dãy nhà trọ cho thuê trong ngõ 201 Cầu Giấy, bà đăng thông tin phòng trọ lên các nhóm cho thuê trên Facebook từ 2 tuần nay. Bà Lộc cho biết: "Lúc đăng bài xong cũng có nhiều người ưng phòng nhưng họ gọi hỏi qua điện thoại, đa phần là tân sinh viên và phụ huynh. Họ gọi điện hỏi phòng tôi và hẹn ngày đến xem vì hiện tại vẫn đang còn ở quê chưa lên Hà Nội".

Bà cho biết thêm cũng có nhiều người liên hệ qua xem phòng trực tiếp nhưng phần lớn đều là môi giới. Những người môi giới bày tỏ ý dẫn người qua và đề nghị trả công bằng một nửa tiền cho thuê phòng mỗi tháng nếu người được dẫn đến thuê phòng nhưng bà Lộc đã từ chối vì cảm thấy không cần thiết và tránh những rườm rà về sau.

Theo bà Lộc, "nhà có vị trí ở trung tâm, phòng ốc sạch sẽ lại gần các trường đại học lớn nên chỉ cần tôi đăng vài ngày là đã có người đến thuê luôn rồi."

Ngoài những người có sẵn phòng trọ cho thuê như bà Lộc, nhiều người cũng lựa chọn việc cho thuê phòng trọ làm hình thức kinh doanh bằng cách thuê nguyên căn rồi cho thuê lại.

Chị Lê Lệ thuê nguyên một căn nhà 5 tầng 6 phòng ngủ ở đường Hoàng Quốc Việt với giá 9 triệu đồng của một người họ hàng. Chị cho biết: "Hiện tại tôi đang ở 1 phòng còn 5 phòng khác tôi cho thuê lại, giá mỗi phòng cho thuê dao động từ 2,3 triệu đến 2,8 triệu tùy diện tích phòng. Như vậy tôi vừa có chỗ ở, vừa có khoản thu nhập thụ động nho nhỏ từ việc cho thuê phòng."

Khu vệ sinh chung trên tầng 5 của căn nhà chị Lệ đang ở. Ảnh NVCC

Khu vệ sinh chung trên tầng 5 của căn nhà chị Lệ đang ở. Ảnh NVCC

Nhiều tân sinh viên loay hoay tìm phòng trọ nhưng vẫn chưa tìm được căn nào phù hợp. Minh Duyên (Thanh Hóa) - tân sinh viên Đại học Bách khoa đang đau đầu tìm phòng trọ. Duyên đã lên Hà Nội được gần một tuần, hiện tại Duyên đang ở nhờ nhà người quen ở bến xe Yên Nghĩa. Nữ sinh cho biết muốn tìm một phòng ở gần trường để tiện đi lại.

"Suốt 5 ngày nay, hôm nào tôi cũng bắt vài chặng xe bus để đến gần trường tìm phòng trọ, chủ yếu là ở khu Phương Mai, Trần Đại Nghĩa, Lê Thanh Nghị,.... Nhiều nhà còn phòng nhưng chỗ thì giá quá cao so với mức chi trả của tôi, chỗ giá mềm hơn một chút nhưng khi vào thì phòng có vẻ ẩm thấp."

Giá dịch vụ cũng "nhảy múa"

Chị Nguyễn Hằng đang thuê một phòng trọ ở ngõ 37 Dịch Vọng cho biết: "Tôi thuê ở đây đã 4 năm rồi, hàng năm đều tăng thêm mỗi đợt sinh viên chuẩn bị nhập học. Mới đây, chủ trọ lắp thêm mỗi phòng một điều hòa và "tiện thể" tăng giá phòng từ 2,2 triệu lên 2,8 triệu/tháng". Giá phòng tăng vọt khiến chị Hằng phải thiết lập lại chế độ chi tiêu hàng tháng cho phù hợp.

Chị Hằng chia sẻ: "Thu nhập mỗi tháng của tôi khoảng 8,5 triệu. Tôi dành ra 3,5 triệu mỗi tháng để gửi về quê, tiền nhà và điện nước rơi vào khoảng 3,2 triệu/tháng, còn lại là tiền ăn và tiêu lặt vặt. Nay tiền phòng tăng một lúc 600.000 đồng nên tôi phải ăn uống tiết kiệm lại, tôi hạn chế luôn những buổi gặp mặt bạn bè như thường lệ vì quá tốn kém. Thời gian tới tôi định tìm người vào ở ghép để đỡ tiền phòng hoặc sẽ tìm một phòng trọ khác với mức giá hợp lý hơn."

Giá phòng tăng, tiền dịch vụ đi kèm tăng khiến nhiều tân sinh viên phát hoảng. Ảnh NVCC

Giá phòng tăng, tiền dịch vụ đi kèm tăng khiến nhiều tân sinh viên phát hoảng. Ảnh NVCC

Không chỉ giá phòng tăng, nhiều phòng trọ khác còn tăng cả giá dịch vụ. Bạn Ngọc Hà hiện đang thuê một căn chung cư mini trong ngõ 201 Cầu Giấy cho biết, nơi cô bạn đang thuê tăng giá đủ thứ dịch vụ, riêng tiền dọn rác, tiền mạng Internet, gửi xe,... đã rơi vào khoảng 250.000-300.000 đồng/người/tháng, chưa kể tiền điện tăng từ 4.000 đồng/1 kw lên 4.500 đồng/1 kw tiền nước tăng từ 110.000 đồng/người/tháng lên tới 150.000 đồng/người/tháng.

Để giảm chi phí sinh hoạt hàng tháng, nhiều bạn trẻ đã lựa chọn ở chung, ở ghép với bạn hoặc tìm người ở ghép để chia tiền phòng. Ngọc Hà hiện cũng ở chung với bạn, cô cho biết tiền phòng và điện nước chia đều theo đầu người: "Chỗ mình hiện tại có 3 người ở nên mỗi tháng sẽ cộng tổng lại rồi chia 3, vệ sinh trong phòng cũng lên lịch thay phiên nhau dọn dẹp".

Nguồn: [Link nguồn]

Sinh viên chật vật tìm phòng trọ giá ‘sinh viên’

Không chỉ tăng giá thuê phòng, bán điện, nước vượt ngưỡng cho phép, nhiều chủ trọ, người kinh doanh phòng trọ còn gia tăng những khoản phí dịch vụ phát sinh kiểu “tận thu”...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lâm Thuỳ Dương ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN