SV buộc thôi học vì tín chỉ nửa vời
Có rất nhiều sinh viên của các trường đại học, cao đẳng bị buộc thôi học vì không theo kịp chương trình học tín chỉ
Năm 2013 là thời hạn cuối cùng mà Bộ GD-ĐT đưa ra cho các trường đại học, cao đẳng để chuyển từ loại hình đào tạo niên chế sang tín chỉ. Tuy nhiên, sự thiếu thống nhất trong khâu triển khai, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện khiến nhiều sinh viên thiệt thòi.
Không như bản chất
Thống kê của Viện Nghiên cứu giáo dục, trường ĐH Sư phạm TP. HCM cho thấy, hiện nay, chỉ có 60% trường đại học và 30% trường cao đẳng trong cả nước thực hiện đào tạo theo hình thức tín chỉ. Hình thức đào tạo này xuất phát từ trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP. HCM) vào năm 1993. Theo PGS. TS Nguyễn Thiện Tống (trường ĐH Bách khoa), loại hình đào tạo này chỉ phát huy tác dụng ở những năm đầu. Càng về sau thì chất lượng đào tạo càng đi xuống và hiện nay đang cố gắng duy trì. Loại hình đào tạo này đã có 20 năm tuổi nhưng hiệu quả không cao, sinh viên vẫn bị thụ động trong môi trường học tập.
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường triển khai đào tạo tín chỉ nhưng không hiểu bản chất của tín chỉ. Nếu dạy theo đúng bản chất của tín chỉ thì 1 tiết, sinh viên học trên lớp phải có 2 tiết tự học ở nhà. Đáng tiếc, phần lớn giảng viên dạy không yêu cầu sinh viên làm việc này. Vô tình, 1 tiết học nhưng sinh viên chỉ học được có 1/3 tiết. Điều này là thiệt thòi lớn cho sinh viên. PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nhấn mạnh: “Ở Úc, đào tạo theo hệ tín chỉ là giảng viên phải khơi gợi được tinh thần tự học của sinh viên. Giảng viên ra bài tập để kiểm tra sinh viên thường xuyên. Tối về nhà, giảng viên phải chấm bài. Như vậy, sinh viên cuốn vào guồng bài tập của giảng viên mà tự học. Có lẽ, do ngại vất vả, nhiều giảng viên ở nước ta lờ đi việc này”.
Nhà trường cần bố trí các phòng trống để 10 giảng viên trợ giảng đó chia nhỏ số lượng sinh viên ra làm bài tập (Ảnh minh họa)
Khảo sát của TS Tô Minh Thanh, phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng, trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) cho thấy nhiều kết quả đáng buồn. Trong 1.691 sinh viên được hỏi, chỉ có 17% hài lòng với phương pháp và hiệu quả học tập của hình thức đào tạo tín chỉ, 64,5% tạm hài lòng và 18,5% muốn được đào tạo theo hình thức khác. Theo TS Tô Minh Phong, sinh viên không hài lòng nhiều nhất là việc xếp thời khóa biểu không hợp lý. Các bạn phải học dồn vào đầu mỗi học kỳ, thi nhiều môn cùng lúc, số giờ lên lớp không rải đều ra các ngày trong tuần để sinh viên có thời gian tự học. Ngoài ra, các bạn cũng cho biết, nhiều trường thiếu phòng tự học và hệ thống thư viện chưa đáp ứng được nhu cầu.
Để loại hình đào tạo theo hệ tín chỉ phát huy tác dụng, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng, các trường cần phải quy định giờ giảng và hạn chế việc chạy “show” thỉnh giảng. Đồng thời, nhà trường cần bố trí thêm trợ giảng cho giảng viên. Một giảng viên có thể dạy 1 lớp học có đến 200 sinh viên. Nhưng trong lớp học đó, giảng viên giảng chính cần ít nhất 10 trợ giảng. Nhà trường cần bố trí các phòng trống để 10 giảng viên trợ giảng đó chia nhỏ số lượng sinh viên ra làm bài tập. Ngoài giờ đứng lớp, các giảng viên dạy phải có giờ trực ở văn phòng khoa để sinh viên lên trao đổi kiến thức, hỏi bài tập. PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho biết: “Rất ít trường đại học, cao đẳng ở nước ta làm được như tôi vừa nói. Các trường đều sộ tốn tiền thuê giảng viên thỉnh giảng, không ai thực hiện. Càng ngày, chất lượng đào tạo hệ thống tín chỉ càng đi xuống”.
Bất cập trong đánh giá
Tại điểm 1, điều 22, Quy chế 43 về “Đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ”, do Bộ GD-ĐT ban hành năm 2007, quy định rõ: “Điểm đánh giá bộ phận và điểm thi kết thúc học phần của sinh viên được chấm theo thang điểm 10, làm tròn đến một số thập phân”. Quy định là vậy nhưng trên thực tế, mỗi trường áp dụng một kiểu khiến sinh viên thiệt thòi. Chẳng hạn, trường ĐH Bách khoa Hà Nội áp dụng thang điểm 4 cho việc đánh giá kết quả học tập của sinh viên. Còn trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM) sử dụng thang điểm 100. Riêng trường ĐH Cần Thơ dùng thang điểm chữ A, B, C, D, E, F… Việc làm tròn điểm số của sinh viên, mỗi trường cũng có cách tính khác nhau. Cụ thể, trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) làm tròn điểm lẻ đến 0,25. Còn trường ĐH KHTN (ĐHQG TP. HCM) chỉ xét đến 0,5 điểm. Riêng trường ĐH Sài Gòn và trường ĐH Y Dược TP. HCM chỉ tính điểm nguyên, không xét điểm lẻ thập phân.
Điều khác biệt lớn nhất khi các trường áp dụng hình thức đào tạo tín chỉ là quy ước điểm đạt cho sinh viên ở từng học phần của các trường đại học ở từng phần của các trường đại học, cao đẳng. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, điểm đạt từng môn học của sinh viên được tính là trên 4, sinh viên phải đóng tiền học lại hoặc thi lại ở học kỳ sau. Tuy nhiên, các trường đều áp dụng mức điểm đạt bình quân cho mỗi môn học là 5, dưới 5 sinh viên phải đóng tiền học lại hoặc thi lại. Như vậy, sinh viên đang học trường này muốn chuyển sang trường khác hoặc sử dụng bảng điểm để làm hồ sơ xét tuyển du học sẽ gặp nhiều khó khăn. Để hạn chế tình trạng trên, giải pháp duy nhất là các trường khi xuất phiếu điểm cho sinh viên nên xuất cả ba cột theo thang điểm 4, 10 và 100, giúp sinh viên không bị thiệt thòi khi chuyển đổi thang điểm. Tuy nhiên, không phải trường nào cũng làm được điều này.
Sẽ đổi mới?
Phát biểu tại buổi Hội thảo “Đổi mới kiểm tra, đánh giá đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo theo hệ thống tín chỉ”, do trường ĐH Sài Gòn tổ chức mới đây, TS Phạm Xuân Thanh, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết, đào tạo theo tín chỉ là hình thức đào tạo theo nhu cầu người học. Ông Thanh phát biểu: “Đào tạo đại học từ trước đến nay chủ yếu dựa vào kết quả kiểm tra, đánh giá cuối kỳ mà bỏ qua quá trìn học tập, tự rèn luyện của sinh viên. Vì vậy, các trường nên tổ chức thêm cột điểm đánh giá quá trình, chiếm từ 20% - 50% kết quả học tập, tránh dựa quá nhiều vào điểm kiểm tra cuối kỳ, tạo áp lực nặng nề cho sinh viên. Bên cạnh đó, việc tăng tần suất tổ chức các bài thi, kiểm tra dưới nhiều hình thức cũng góp phần tạo thêm động lực cho người học tự tìm tòi, nắm vững tri thức”.
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng, mỗi môn học cần có một hình thức kiểm tra, đánh giá khác nhau, không nên đồng nhất, cứng nhắc theo cùng một hệ số. Thời gian làm bài thi nên kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ để sinh viên có đủ điều kiện thể hiện hết khả năng sáng tạo và năng lực lĩnh hội tri thức.
Nhiều sinh viên bị buộc thôi học
Trao đổi với phóng viên, nhiều chuyên gia cho rằng, vì không hiểu rõ bản chất tín chỉ nên nhiều trường không tạo được động lực tự học cho sinh viên. Từ đó, nhiều sinh viên không theo kịp chương trình và bị buộc thôi học giữa chừng. Cụ thể, đã có 7,4% sinh viên khóa 15 đại học và khóa 7 cao đẳng, năm học 2011 – 2012 của trường ĐH Tôn Đức Thắng bị buộc thôi học. Ở trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), nhiều sinh viên đã bị buộc thôi học ngay từ năm đầu tiên. Như vào năm học 2008 – 2009, đã hơn 1.000 sinh viên rơi vào diện phải buộc thôi học do không đủ điểm. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở trường ĐH Hàng Hải, ngay ở năm đầu tiên áp dụng hình thức đào tạo tín chỉ. Còn trường ĐH Mỏ - Địa chất cũng buộc thôi học 856 sinh viên, sau khi kết thúc năm học đầu tiên áp dụng hình thức đào tạo tín chỉ. Ngày 7/4/2010, trường ĐH Khoa học (ĐH Huế) ra quyết định buộc thôi học 107 sinh viên do không theo kịp chương trình…