“Phát điên” vì bạn cùng phòng keo kiệt

Đây là một trong 1001 câu chuyện bi hài của sinh viên khi ở ghép.

Ở ghép là giải pháp tiết kiệm tiền của hầu hết sinh viên rời quê ra thành phố học đại học. Dù đã xác định trước tư tưởng phải san sẻ, nhường nhịn, lắng nghe để có thể dung hòa nhau thế nhưng việc ăn chung, ngủ chung với người lạ chưa bao giờ là chuyện đơn giản.

Có cả 1001 câu chuyện bi hài về chuyện sinh viên ở ghép, mà nhìn vào đó, bất cứ bạn trẻ nào từng ở chung với người lạ cũng đều thấy bóng dáng mình. 

Chia từng gói bột canh, lọ sữa tắm khi chuyển phòng

Câu chuyện tưởng chừng rất khó tin này đang được cộng đồng mạng chia sẻ rầm rộ trong nhiều ngày gần đây. Đó là những bức xúc của một bạn trẻ về chuyện sinh viên tính toán quá chi li với người bạn cùng phòng trọ.

“Phát điên” vì bạn cùng phòng keo kiệt - 1

Danh sách chi tiết đồ đạc cần chia do một bạn sinh viên liệt kê ra khi chuyển phòng

Theo chia sẻ của nick name này, dù đây không phải là chuyện của cô nhưng vẫn khiến cô tức tối vì sự chi li quá mức của nhân vật đề cập đến. Khi chuyển phòng trọ, bạn sinh viên trong câu chuyện đã liệt kê ra một danh sách những đồ vật hiện có trong phòng để chia chác. Trong đó, từ gói bột ngọt, lọ nước mắm cho đến chai dầu gội, nước xả vải… đều được định giá tiền và đo đếm xem đã dùng được bao nhiêu, từ đó yêu cầu bạn cùng phòng phải thanh toán sòng phẳng.

Câu chuyện hài hước này dường như “gãi đúng chỗ ngứa” của nhiều sinh viên đang ở ghép nên đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng mạng. Hầu hết đều tỏ ra bất ngờ trước sự tính toán quá cụ tỉ của nữ sinh đã liệt kê ra hàng loạt những vật dụng còn dư thừa cần chia chác kia.

Bên cạnh đó, một số người cũng tỏ ra thông cảm cho sự tỉ mỉ của cô gái bởi, với sinh viên thì vài nghìn đồng cũng là tiền. Hơn nữa, đối với các sinh viên ở ghép thì việc sòng phẳng trong chuyện đồ đạc, tiền nong là điều nên làm.

Câu chuyện hiện vẫn được chia sẻ rộng rãi và gây ra nhiều tranh cãi. Cũng từ đây, nhiều câu chuyện dở khóc dở cười liên quan đến việc sinh viên ở ghép cũng được đông đảo người trong cuộc chia sẻ.

“Phát điên” vì bạn cùng phòng trọ keo kiệt

Dù biết sống chung với người lạ rất phức tạp nhưng để tiết kiệm chi phí nhà trọ Nguyễn Phương (sinh năm 1996, hiện là sinh viên trường Đại học Mỏ địa chất) vẫn phải ở ghép với ba người. Trong suốt 2 năm sống chung, cô nhiều lần rơi vào tình trạng ấm ức, bực bội chỉ vì cái tính tiết kiệm quá mức của bạn mình.

“Phát điên” vì bạn cùng phòng keo kiệt - 2

Ở ghép là giải pháp tiết kiệm tiền của rất nhiều sinh viên ra thành phố học đại học (ảnh minh họa)

Do lịch học khác nhau nên bọn mình phân chia nhau đứa nấu cơm buổi trưa, đứa nấu cơm buổi tối. Và thế là, cứ buổi nào đến lượt bạn ấy nấu cơm, y như rằng bọn mình được thưởng thức món trứng rán hoặc cá khô với rau luộc. Đã bao nhiêu lần mình đề xuất, mỗi bữa bỏ ra khoảng 30.000  đồng mua thức ăn, vậy mà bạn ấy vẫn nhất quyết chỉ mua trong vòng 15.000 - 20.000 đồng”, Phương chia sẻ.

Chưa hết, Phương cho hay, bạn cùng phòng còn có một cái tính rất xấu là… ăn một mình. Phương kể, bạn cô thường mua một bịch bánh mỳ, mỗi sáng lấy ra ăn một cái, còn lại cất vào hòm khóa lại, tuyệt nhiên chưa một lần mời các bạn còn lại. Điều này khiến cho cô và các bạn khác khá bất mãn.

Việc tính toán chi li, tỉ mỉ vốn thường thấy ở các bạn nữ, thế nhưng, trong thời kỳ sinh viên thiếu thốn đủ đường thì ngay cả các bạn nam cũng “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”.

Quốc Hải (sinh năm 1994, sinh viên trường ĐH Điện lực) kể: “Ngay từ năm đầu mình đã ở một mình nên hầu như cả quãng đời sinh viên đều không phải chịu cảnh chung đụng. Thế nhưng, nhìn cuộc sống của mấy bạn hàng xóm mình cũng thấy hãi. Bên đó có hai người ở với nhau, cứ cuối tháng lại cãi nhau om sòm một trận vì chuyện tiền nong, ăn uống. Hôm nọ, một người chuyển đi, cả hai ngồi chia nhau, đứa thì túi mì chính, nửa gói bột canh, đứa lấy chai nước mắm sắp hết và gói xà phòng… Ngay cả cái chổi, cái thùng đựng rác cũng mỗi đứa một cái…”.

“Phát điên” vì bạn cùng phòng keo kiệt - 3

Những cuốn sổ liệt kê tiền ăn, tiêu hàng tháng không hiếm có trong các căn phòng trọ

Lê Phụng (sinh năm 1995, sinh viên trường ĐH Điện Lực) cũng từng ức đến phát khóc khi một lần trót cho bạn học cùng lớp ở nhờ. Phụng kể, phòng cô khá chật chội nhưng khi thấy bạn cùng lớp bị chủ nhà trọ đuổi, cô vẫn cho ở nhờ "vì tội nghiệp". Trước khi ở, Phụng trao đổi cụ thể, mỗi ngày phải đóng 10.000 đồng tiền ăn, tiền nước, tiền điện không phải đóng. Thế nhưng, sau 1 tháng ở nhờ, cô bạn kia chỉ đưa cho Phụng 40.000 đồng với lý do ăn ít nên chỉ phải đóng 10.000 đồng/tuần.

Đúng là làm ơn mắc oán, sau đợt đó mình cạch mặt đến già. Đã đi ở nhờ, không mất tiền nhà,  tiền điện, nước lại còn tính toán chi li tiền ăn. Ăn ít mà không phải là ăn chắc, có thiếu bữa nào đâu… Sinh viên nghèo thật đấy, ai cũng nghèo, nhưng cư xử kiểu đó thì không chấp nhận được”, Phụng bức xúc.

Tức tối, bực bội vì bạn cùng phòng quá chi li, tính toán chỉ là một trong số rất nhiều những câu chuyện bi hài của sinh viên ở ghép. Ở thời kỳ được cho là nghèo khó nhất cuộc đời này, việc tính toán, tiết kiệm là điều nên làm, tuy nhiên, nếu tính toán quá mức sẽ dẫn đến những rắc rối không nhỏ trong việc ăn, ở. 

...

Không chỉ tiết kiệm tiền, nhiều bạn sinh viên còn tiết kiệm cả sức lao động và thời gian quá mức cần thiết khiến người cùng phòng tức tối, bực bội. Đó cũng là nguyên nhân của không ít “cuộc chia ly” bạn cùng phòng trọ.

Cùng đón đọc bài viết: “Khổ sở vì bạn cùng phòng ở bẩn” vào lúc 19h00 ngày 6/4/2016. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hạ Nhiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN