Những màn tư vấn "bá đạo" trong "Ai là triệu phú"
Người chơi dở khóc dở cười khi cả ba người tư vấn đều chọn đáp án sai.
Ngày 9/9 vừa qua, trong chương trình "Ai là triệu phú" tuần thứ 2 của tháng thứ 9, chị Trúc Anh (đến từ Long An) đã dở khóc dở cười khi phải dừng cuộc chơi ở câu hỏi thứ 9.
Điều khiến chị Trúc Anh tiếc nuối khi rời ghế nóng là quá tin tưởng vào sự tư vấn của tổ tư vấn tại chỗ bởi, cả ba chàng trai - là sinh viên của các trường đại học có tiếng ở Hà Nội đều chọn đáp án A (Vật lý) trong câu hỏi: "Định lý Vi-et được áp dụng trong lĩnh vực nào?” (A: Vật lý; B: Toán học; C: Sinh học; D: Hóa học). Tuy nhiên, đáp án của chương trình là đáp án B (Toán học).
Chị Trúc Anh phải dừng cuộc chơi Ai là triệu phú ở câu hỏi số 9
Trước đó, có khá nhiều người chơi trong chương trình "Ai là triệu phú" cũng đã vấp phải trường hợp tương tự như chị Trúc Anh, khi cả 3 vị khán giả trong tổ tư vấn đều đưa chung một đáp án - là đáp án sai.
Cũng chính vì có nhiều trường hợp như vậy nên mỗi lần hỏi ý kiến của tổ tư vấn tại chỗ, MC Lại Văn Sâm thường nhắc đi nhắc lại: "Ai biết chắc chắn câu trả lời đúng thì trợ giúp". Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp không biết chắc chắn câu trả lời vẫn nhiệt tình tư vấn cho người chơi, khiến họ phải tiếc nuối chia tay với ghế nóng.
Sau đây là các trường hợp tư vấn "bá đạo" khác:
Trường hợp 1: Bài hát này cháu đã từng nghe qua rồi
Người chơi băn khoăn trước câu hỏi về ca khúc Ngẫu hứng phố của nhạc sĩ Trần Tiến
Khi nhận được câu hỏi của chương trình: "Ca khúc Ngẫu hứng phố của nhạc sĩ Trần Tiến nhắc đến loại đồ uống nào?" (A: Trà đá; B: Bia hơi; C: Cà phê; D: Trà chanh), người chơi đã dùng sự trợ giúp của tổ tư vấn tại chỗ.
Trong câu hỏi này, cả ba khán giả đều tư vấn đáp án D (Trà chanh). Tuy nhiên, khi người chơi yêu cầu tổ tư vấn hát ca khúc có từ "trà chanh" thì người tư vấn thứ nhất cho rằng: "Em không hát được nhưng em chắc chắn đáp án trà chanh"; người tư vấn thứ hai cũng khẳng định: "Bài hát này cháu đã từng nghe qua rồi và cháu chắc chắn là trà chanh".
Vì không dám chắc vào sự tư vấn của khán giả trường quay nên sau đó, người chơi đã sử dụng tiếp quyền trợ giúp 50/50. Và cuối cùng, người chơi đã cũng đã tìm được đáp án chính xác, là B (Bia hơi).
Người chơi "tỉnh táo" chọn phương án loại trừ 50/50 sau khi dùng sự trợ giúp của tổ tư vấn tại chỗ
Trường hợp 2: Chắc chắn với phương án này
Ngay từ đầu, người chơi đã loại bỏ phương án A (Sơn La)
Khi người chơi nhận dùng sự trợ giúp tổ tư vấn tại chỗ ở câu hỏi: "Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn giữa Việt Nam và Lào ở tỉnh nào?" (A: Sơn La; B: Thanh Hóa; C: Nghệ An; D: Quảng Bình) thì cả ba người chơi đều có chung đáp ánlà A (Sơn La) và khẳng định: "chắc chắn với phương án này".
Tuy nhiên, ngay từ đầu, người chơi đã loại bỏ đáp án Sơn La nên sau khi dùng sự trợ giúp tổ tư vấn tại chỗ, người chơi lại tiếp tục dùng sự trợ giúp loại bỏ 50/50 và loại bỏ được đáp án A (Sơn La).
Nhưng người chơi này cũng đã phải dừng cuộc chơi khi chọn đáp án sai, là B (Thanh Hóa) vì câu trả lời chính xác là C (Nghệ An).
Người chơi phải dùng sự trợ giúp 50/50 sau khi dùng sự trợ giúp tư vấn tại chỗ
Trường hợp 3: Chắc chắn vì "Tôi là người Thái"
Cuối tháng 9/2011, anh Trịnh Quốc Linh dùng sự trợ giúp tư vấn tại chỗ với câu hỏi "Múa nến là điệu múa của dân tộc nào?" (A: Mường; B: Thái; C: Nùng; D: Xá) thì cả ba khán giả đều có chung một đáp án là B (Thái).
Điều khiến người chơi dành trọn niềm tin cho tổ tư vấn vì người thứ nhất khẳng định là đáp án B (Thái) vì "Đã đọc qua tài liệu này trên mạng"; người thứ hai cũng chọn đáp án B và chắc chắn: "Điệu múa nến là của dân tộc Thái vì tôi là người Thái ở Sơn La"; người thứ ba cũng chọn B "vì có một người bạn cũng là người Thái và mình đã được xem một clip rất hay về điệu múa nến này".
Ngay từ đầu, vì không nghiêng về phương án nào nên khi được cả ba người tư vấn đều chọn phương án B (Thái), anh Linh cũng tin tưởng khán giả và chọn phương án B.
Tuy nhiên, với câu trả lời này, anh Linh đã phải dừng cuộc chơi vì đáp án chính xác của chương trình là D (Xá).
Người chơi ngỡ ngàng khi đáp án là D (Xá)