Người trẻ vươn mình bứt phá (Bài 3): Nhiều giải pháp ở lĩnh vực xây dựng

Sự kiện: Giới trẻ 2024

Gần chục năm nghiên cứu khoa học, PGS.TS Huỳnh Trọng Phước (giải thưởng Quả Cầu vàng năm 2023) đã đóng góp nhiều giải pháp phát triển vật liệu mới phù hợp với định hướng phát triển vật liệu xanh và thân thiện môi trường; tận dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên, góp phần phát triển bền vững ngành vật liệu và xây dựng.

Nuôi đam mê từ công trường

PGS.TS Huỳnh Trọng Phước, SN 1988, giảng viên cao cấp khoa Kỹ thuật xây dựng, trường Bách khoa (ĐH Cần Thơ) lớn lên ở miền quê nghèo huyện Thoại Sơn, An Giang. Từ nhỏ anh đã tò mò “nhiều công đoạn không hiểu thợ xây làm thế nào” để hình thành ngôi nhà. Học hết cấp 3, anh quyết tâm thi đỗ vào ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp Trường Bách khoa - ĐH Cần Thơ. Đồng thời học văn bằng hai ngành xây dựng cầu đường tại chính ngôi trường này.

Hơn bốn năm học đại học, chàng sinh viên quê An Giang không chỉ học lý thuyết trên sách vở, mà tích cực đi thực tế. Anh tham gia thực hiện các đề tài của giảng viên, theo các thầy đi kiểm định kết cấu công trình, vật liệu xây dựng của nhiều công trình và tham gia xây cầu, làm đường nông thôn trong Mùa hè xanh. “Những bài học từ thực tiễn trên công trường đã giúp tôi hiểu hơn vai trò quan trọng của vật liệu xây dựng ảnh hưởng lớn đến giá thành và chất lượng công trình”, anh Phước nói.

PGS.TS Huỳnh Trọng Phước, giảng viên Trường Bách khoa (ĐH Cần Thơ) đã gặt hái được nhiều thành quả sau gần chục năm nghiên cứu về vật liệu mới trong lĩnh vực xây dựng

PGS.TS Huỳnh Trọng Phước, giảng viên Trường Bách khoa (ĐH Cần Thơ) đã gặt hái được nhiều thành quả sau gần chục năm nghiên cứu về vật liệu mới trong lĩnh vực xây dựng

Năm 2013, anh Phước giành được học bổng toàn phần của Đài Loan (Trung Quốc) để theo đuổi niềm đam mê nghiên cứu vật liệu mới ở Trường ĐH Khoa học Kỹ thuật Quốc lập Đài Loan. Anh đã dành nhiều thời gian trong phòng thực nghiệm để nghiên cứu cơ chế, phương pháp phối trộn các nguyên liệu nhằm tạo chất kết dính, vật liệu mới không nung, không sử dụng xi măng; cũng như mở rộng đi sâu vào ứng dụng sản xuất. Anh Phước cho biết, mảng nghiên cứu vật liệu đòi hỏi am hiểu nhiều lĩnh vực, trong đó nắm vững kiến thức hóa học như thành phần, cơ chế phản ứng... Vì vậy, để tìm ra một công thức tối ưu hay một sản phẩm đạt chất lượng, có khi phải làm cả trăm thí nghiệm.

Bài báo khoa học PGS.TS Huỳnh Trọng Phước tâm đắc nhất là về công trình nghiên cứu loại bê tông đặc biệt cho dầm cầu vượt, được xuất bản trên tạp chí khoa học Q1, thuộc tốp đình đám nhất lĩnh vực xây dựng. Nghiên cứu này được anh tiến hành từ năm 2016 đến 2018, mà phòng nghiên cứu của Trường ĐH Khoa học Kỹ thuật Quốc lập Đài Loan chưa làm bao giờ. Công trình đã được Bộ KHCN Đài Loan (Trung Quốc) tặng giải thưởng Công trình học thuật của nghiên cứu sinh sau tiến sĩ.

“Giai đoạn ở nước ngoài, thức đêm làm thí nghiệm ở phòng nghiên cứu đến 2h sáng là chuyện bình thường và diễn ra từ tháng này sang tháng khác. Nhưng được làm đúng đam mê nên năng lượng của tôi nhiều dữ lắm. Tôi luôn giữ tinh thần lạc quan và niềm tin sẽ thành công ngay cả khi thử nghiệm chưa đạt kết quả như mong muốn”, anh Phước chia sẻ.

Không chỉ “vùi đầu” vào nghiên cứu, anh Phước luôn tìm thấy động lực, niềm vui khi tham gia các hoạt động phong trào du học sinh Việt Nam và các hoạt động do Văn phòng Kinh tế văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc tổ chức. Anh từng được T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam trao tặng giải thưởng Sao tháng Giêng năm 2015.

Phát triển vật liệu xanh, bền vững

Với niềm đam mê nghiên cứu vật liệu mới trong ngành xây dựng, đến nay PGS.TS Huỳnh Trọng Phước đã có hai bằng độc quyền giải pháp hữu ích quốc gia. Anh là tác giả chính 4/19 bài báo công bố trên tạp chí khoa học quốc tế danh mục Q1 và 11/13 bài báo công bố trên tạp chí khoa học quốc tế danh mục Q2... Các công trình nghiên cứu đã góp phần giải quyết nhiều bài toán thực tiễn cuộc sống. Trong đó, có gạch không nung bằng tro bay, gạch không nung không sử dụng tro trấu để thay thế gạch nung truyền thống.

Đặc biệt, anh đã đóng góp giải pháp tận dụng hiệu quả lượng lớn bùn lắng từ các nhà máy xử lý nước và tro bay nhiệt điện để sản xuất vật liệu cường độ thấp có kiểm soát, với định hướng ứng dụng trong san lấp mặt bằng nhằm thay thế nguồn cát san lấp đang rất khan hiếm hiện nay. Nghiên cứu này đã xác định các thông số thiết kế tối ưu và xây dựng một hệ cơ sở dữ liệu thực nghiệm phong phú phục vụ cho các mục đích sử dụng khác nhau.

“Những giải pháp này tận dụng được nguồn phụ phẩm, phế phẩm từ các hoạt động công nghiệp giúp giảm thiểu tác động tiêu cực với môi trường; đồng thời tạo ra sản phẩm vật liệu mới có các đặc tính kỹ thuật phù hợp với tiềm năng ứng dụng cao trong các hoạt động xây dựng”, anh Phước cho biết.

Năm 2016, anh trở về nước tham gia đào tạo tại Trường Bách khoa. Bằng phương pháp giảng dạy linh hoạt, lôi cuốn, anh đã truyền tải nhiều kiến thức chuyên ngành và truyền lửa nghiên cứu đến sinh viên, học viên cao học. Anh đã xây dựng nhiều nhóm nghiên cứu khoa học trong sinh viên.

PGS.TS Huỳnh Trọng Phước luôn tâm niệm, “ý tưởng mới có thể xuất phát từ một cá nhân, nhưng thành công thường từ một tập thể có ý tưởng tương đồng”. Đến nay, anh đã hướng dẫn, đào tạo được 9 thạc sĩ. Hằng năm, anh đều nhận các đề tài và khuyến khích sinh viên đăng ký tham gia để có thêm cơ hội nghiên cứu.

Nguồn: [Link nguồn]

Người trẻ vươn mình bứt phá (Bài 2): Cuộc phiêu lưu, chinh phục mạng 5G, 6G

Chàng tiến sĩ trẻ quê xứ Thanh Trịnh Văn Chiến, một trong những nhà khoa học đang tham gia vào cuộc phiêu lưu đầy táo bạo để phác thảo đường nét đầu tiên để ứng dụng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Tùng ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN