Nghẹn lòng tâm nguyện cuối của cậu bé 10 tuổi
“Em biết bệnh của em đang nặng hơn rồi. Em chỉ mong gặp được ca sĩ Sơn Tùng mà em hâm mộ thôi” - em Minh chia sẻ khi vừa trải qua 1 cơn đau.
Ước mơ làm ca sĩ để kiếm tiền làm từ thiện
Tôi gặp em Nguyễn Đỗ Nhật Minh (10 tuổi) lần đầu vào những ngày đầu tháng 11 tại Khoa Nhi, Bệnh viện K3, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội. Lúc đó, tôi cứ nghĩ em đến thăm người nhà đang điều trị nơi đây.
Bởi em trông rất hoạt bát, khoẻ mạnh chẳng giống bệnh nhân chút nào. Nhưng hỏi ra mới biết em là một trong những bệnh nhân rất nặng đang điều trị tại viện. Bà ngoại đã ở cái tuổi ngoài 60 ngày đêm chăm sóc em tại viện.
Em sinh ra trong 1 gia đình ở 40 phố Hàng Quạt và lớn lên trong niềm tự hào của gia đình bởi tố chất thiên bẩm được bộc lộ từ rất sớm suốt những năm đi học em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Cô giáo chủ nhiệm của em tại trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc cũng nói rằng: "Trong lớp, các môn em đều học rất nhanh. Cô giáo mới giảng bài hỏi lại em đã thuộc bài ngay trên lớp. Thực sự, hiếm thấy đứa trẻ nào thông minh như vậy".
Em Nguyễn Đỗ Nhật Minh và dì.
Vậy mà vào những ngày cuối cùng của năm học 2014-2015, em chịu những cơn đau kéo dài ở vai. Gia đình đưa em đi viện thì đau xót thay các bác sĩ nói rằng em bị u trung thất. Bao nhiêu niềm hy vọng của gia đình giờ phủ 1 màu đen đặc. Em buộc phải tạm dừng ước mơ đến trường để vào điều trị tại Bệnh viện K3 Tân Triều. Sau 2 lần mổ cấp cứu chỉ trong vòng 27 ngày, em trải qua 4 đợt truyền hoá chất và hiện đang trong quá trình xạ trị.
Bước vào căn phòng em đang nằm điều trị, tôi hỏi em về ước mơ sau này. Minh rất hồn nhiên nói : “Em ước mơ làm ca sĩ để kiếm thật nhiều tiền làm từ thiện. Em muốn chữa khỏi bệnh cho tất cả các bạn nơi đây bị bệnh giống như em nữa chứ”.
"Nhỡ trời bắt nó đi thì tôi không biết phải sống sao?!"
Để hiểu hơn về cuộc sống quanh Minh, tôi tìm đến gia đình em tại căn nhà ở số 40 Hàng Quạt. Bố em đang công tác ở công ty May 10. Mẹ thì bán đồ thờ cúng tại nhà. Một căn nhà chật chội đặc trưng trên khu phố cổ gánh lên đó ba thế hệ sinh sống. Gia đình em rất cởi mở tâm sự khá nhiều với tôi.
"Thằng bé dễ làm quen với những đứa trẻ khác lắm. Mới gặp lần đầu mà thằng bé đã đến tươi cười hớn hở. Mỗi lần nó về nhà là lũ trẻ hàng xóm lại tíu tít rủ đi chơi" - chị Tuyết (mẹ em Minh) chia sẻ.
Mẹ của Minh chia sẻ rằng, cả ngày Minh mới mổ xong về trường các bạn cứ nhào lấy định ôm Minh. Song nhưng cô giáo phải gọi lại bảo Minh mới mổ xong thì các bạn mới cố kìm nén.
Ông ngoại Minh nghẹn ngào nói: "Mỗi lần tôi vào viện thăm cháu lại bị sock. Tôi nhìn cháu chơi với bọn trẻ con vô tư nghĩ đến bệnh của nó mà buồn. Tính tôi hay bị sock nên không dám vào thăm cháu kẻo không thể chịu nổi. Đành để bà ngoại nó vào chăm. Nhiều lúc nghĩ thằng bé thông minh vậy nhỡ trời bắt đi thì tôi không biết phải sống sao đây".
Mỗi khi được về nhà, Minh đều "đòi" cô giáo giao bài tập.
Mỗi khi được về nhà, Minh đều "đòi" cô giáo giao bài tập. Thậm chí, có hôm chiều vào viện để truyền thì cả sáng em ở nhà để làm hết bài tập trước khi vào. Nhìn hình ảnh 1 đứa trẻ chăm học như vậy trong lúc đang mang căn bệnh hiểm nghèo khiến gia đình em và cả những người hàng xóm đều thấy xót xa.
Tâm nguyện còn dang dở...
Ở Bệnh viện K3 Tân Triều, Minh rất ngoan. Mỗi khi khoẻ lại chút, em thường xuống chơi, động viên các bạn đang điều trị tại Khoa Nhi. Nhìn thấy nụ cười rạng rỡ của em, các bạn cũng thấy nhẹ nhõm hơn hẳn trong những ngày điều trị.
Tâm nguyện cuối cùng của em Minh.
Bà ngoại Minh nói rằng: “Nói thực với cháu, nhà bác không phải quá khó khăn như gia đình các bé đang điều trị nơi đây. Nhưng đối với bác giá trị tinh thần rất quan trọng. Chỉ mong có ngày thằng bé được hát cùng ca sĩ nó yêu thích hoặc chỉ cần gặp thôi để nó được thanh thản. Chứ khối u cũng chạy vào gần cuống tim rồi. Giờ lại di căn sang xương. Chẳng còn mấy thời gian nữa đâu cháu ạ”.
Thế rồi, trong cơn đau triền miên của Minh những ngày gần đây, tôi nhìn gương mặt em hốc hác hẳn đi. Sự hoạt bát như những ngày đầu dần biến mất. Có lẽ, lúc này, em đang phải trở lại thực tại nghiệt ngã trong một số phận mong manh.
Mới bớt đau chút, em thều thào tôi: “Em biết bệnh của em đang nặng hơn rồi. Em chỉ mong gặp được ca sĩ Sơn Tùng mà em hâm mộ thôi. Anh có thể gửi lá thư của em đến Sơn Tùng được không?”.
Minh vẫn hồn nhiên trong những ngày điều trị cuối cùng tại viện.
Dường như lúc đó, tôi nhận ra được ẩn chứa đằng sao sự hồn nhiên, ngây thơ hàng ngày đó vẫn là những cảm nhận rất riêng từ một đứa trẻ đang chịu sự dày vò bởi căn bệnh hiểm nghèo này. Chợt trong đầu hình dung về một ngày phải chia ly thực sự với em như bao đứa trẻ khác tôi từng chứng kiến nơi đây cảm giác như lòng nặng trĩu. Lúc này đây, tôi chỉ mong tâm nguyện có lẽ là cuối cùng này của em được thực hiện.