Một việc làm thêm

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Thế là từ cậu nhóc giao báo tôi trở thành anh chàng giúp việc nhà.

Phải có mặt sớm ở chung cư để giao báo và tạp chí đến từng căn hộ kịp trước 6 giờ sáng, đối với tôi đây không phải là công việc nặng nhọc, nếu so với hồi Hè đứng phát tờ rơi giữa trưa nắng chang chang. Điều chính yếu là phải làm mau, không giao nhầm báo và nhất là đừng để anh nhân viên an ninh vốn ác cảm với ai lạ mặt “đột nhập” chung cư cao cấp tóm cổ. Lần nọ khi tôi đang phân trần với anh nhân viên khó tính dưới tầng trệt, một bác đeo kính trắng đã lên tiếng can thiệp để tôi được tiếp tục công việc. Bác ấy còn bấm nút cho tôi cùng vô thang máy. Bác ngoài năm mươi, mặc bộ đồ chạy và đeo máy kiểm tra nhịp thở nơi cổ tay, nét mặt nghiêm lạnh. Bác còn hỏi tôi vài câu về lý do làm thêm sáng sớm. Tôi thành thật cho biết hoàn cảnh gia đình khó khăn của mình. Ba tôi mất sớm. Má tôi mấy tháng rồi nằm nhà vì bệnh khớp, không thể ra chợ bán hàng. Tôi trở thành nguồn kiếm tiền chính. Mà tôi đã lên tới lớp 11 rồi. Sức học cũng khá nên tôi sẽ cố gắng để không phải nghỉ học giữa chừng. Tôi kể xong chuyện thì thấy mình đứng trước cửa căn hộ lớn nhất chung cư, nằm ở tầng trên cùng.

Bác Tín chính là chủ căn hộ. Tôi được mời vào không gian rộng chiếm hơn nửa tầng nhà, có cả sân vườn lợp kiếng chắn gió. Hai cô con gái sinh đôi đã du học nên nhà chỉ còn vợ chồng bác mà thôi. Mọi tiện nghi có đủ nên gia đình chỉ cần người làm việc nhà mỗi ngày 2 giờ. Công việc cụ thể là tưới cây, hút bụi, lau sàn gỗ và mang rác đi đổ. Bác hỏi tôi có muốn nhận thêm việc này không. Mức lương một triệu rưỡi. Tôi đồng ý ngay.

Thế là từ cậu nhóc giao báo tôi trở thành anh chàng giúp việc nhà. Bảy giờ sáng tôi có mặt tại căn hộ, làm tới hơn chín giờ chạy về nhà vẫn còn kịp ôn bài cho giờ học chiều. Công việc không nặng chút nào vì mọi khâu đều có máy móc hỗ trợ. Chỉ xoay cần gạt là hệ thống phun sương cho dàn phong loan hoạt động. Máy hút bụi cầm tay tôi lướt một vòng là xong hết đồ đạc các phòng. Điểm hơi lấn cấn một chút là bác gái. Cách bác ấy thỉnh thoảng đưa mắt nhìn khiến tôi hiểu, bác ấy không yên tâm với người lạ. Cũng đúng thôi, ở căn hộ cao cấp này, một đồ vật dù bé nhỏ đều rất giá trị. Nhưng dù chúng hấp dẫn đến đâu thì tôi cũng không để tâm vì chúng đâu phải của mình.

Hết học kỳ mùa Thu, hai chị sinh đôi trở về thăm gia đình. Hai chị rất sôi nổi nhưng khá bừa bãi. Công việc của tôi nhiều thêm vì phải thu dọn bánh kẹo trong phòng ngủ, xếp tạp chí ngổn ngang khắp nơi, cất lại đúng chỗ những món đồng hồ, iPhone, mắt kinh hai chị khi thì để trên cửa sổ, khi lại bỏ ngoài sân. Tuy nhiên, chuyện tồi tệ nhất xảy ra vào một cuối tuần. Khi tôi bấm chuông, cánh cửa mở ra. Một trong hai chị sinh đôi hỏi tôi hôm qua có nhìn thấy cái phong bì màu hồng đặt trên bàn ăn đâu không. Tôi cho biết chưa từng nhìn thấy phong bì nào như vậy. Chị ấy nhíu mày: “Cậu phải thấy chứ, vì trong đó có một ngàn đô mà!” Tôi tái mặt, thu hết bình tĩnh: “Em không thấy. Nếu có thấy, thì cũng sẽ giao lại cho hai bác ngay!”. Đúng lúc đó, bác Tin bước ra. Bác bảo tôi cứ vào làm việc như bình thường. Khi ra ngoài sân trời, tôi loáng thoáng nghe bác và hai chị sinh đôi trao đổi khá to tiếng. Bác nói rằng tôi là đứa trẻ trung thực. Hơn nữa, không ai được phép nghi ngờ người khác nếu không có bằng chứng. Một chị nói, nếu ai tìm đó tìm cách giấu món tiền, chẳng hạn như nhét cái phong bì vào bao chứa rác mang ra khỏi căn hộ, thì sẽ chẳng còn bằng chứng gì đâu. Tôi đã mím chặt môi khỏi bật ra tiếng kêu oan ức.

Một việc làm thêm - 1

Bác đưa tay cho tôi bắt. Tôi vụng về nắm bàn tay bác, siết chặt (Ảnh minh họa)

Ngày hôm sau, rồi hôm sau nữa, tôi vẫn đến căn hộ cao nhất tòa nhà chung cư làm việc. Không phải tôi không thấy ánh mắt nghi ngờ ghẻ lạnh của hai chị sinh đôi hay không nghe thấy mấy lời bóng gió của bác gái. Chỉ là tôi gắng cứng rắn, bình tĩnh làm hết phần việc của mình. Bởi tôi nghĩ rằng, nếu tôi nghỉ ngang, thì chắc những ngờ vực kia sẽ được khẳng định. Mấy lần, khi nghe những lời nói đau như cắt đó, tôi muốn chạy tới nói to lên rằng, nhà tôi nghèo thiệt đó, tôi cần tiền thiệt đó, nhưng không bao giờ và sẽ không bao giờ lấy thứ gì không thuộc về mình. Thế rồi tôi vẫn im lặng. Nếu tôi làm ồn lên như vậy, ai sẽ tin tôi?

Sắp hết kỳ nghỉ, hai chị em sinh đôi xếp hành lý qua Úc trở lại. Lúc mở túi đồ sắm sửa hai tuần trước nhét trong hộc tủ, một chị bỗng ồ lên khi thấy chiếc phong bì. Chị kia vỗ tay lên trán, nói rằng bữa đó shopping về, nhét tiền vô bịch rồi quên bẵng luôn. Hai chị chạy khoe bác gái, sau đó ngắc tôi lại, cười và xin lỗi. Tôi cũng chỉ cười rồi tiếp tục công việc của mình.

Cuối buổi làm việc đó, tôi xin phép hai bác cho tôi được nhận lương theo số ngày đã làm, rồi cho tôi nghỉ hẳn. Bác gái vội vã đứng lên, nói tôi đừng bồng bột. Bác xin lỗi về hiểu lầm đã qua và sẵn sàng tăng lương cho tôi. Tôi lắc đầu. Tôi mới 16 tuổi. Nhưng tôi đã kịp biết có những điều quan trọng hơn tiền bạc rất nhiều. Một khi niềm tin và sự tôn trọng đã mất, không nên cố gắng cứu chữa nữa.

Tôi vào thang máy, xuống tầng hầm. Tôi sẽ quay lại đại lý phát hành, xin một chân giao báo lúc sáng sớm. Lúc tôi loay hoay lấy ra chiếc xe đạp, bác Tín đi xuống. Bác đề nghị vào tiệm bánh gần đó để hai bác trao đổi vài vấn đề.

Bác Tín dành cho tôi một công việc ở công ty của bác: Sắp xếp tài liệu, vào số liệu báo chí, ngoài ra tôi sẽ được bồi dưỡng một số kỹ năng văn phòng và kế toán. Một tuần tôi chỉ làm ba buổi sáng thôi, trong đó có một thứ Bảy rồi, nên tôi mới nói lên lời:

- Bác giúp con, vì tội nghiệp nhà con nghèo đúng không?

Bác lắc đầu:

- Bác muốn công ty của bác mai này có một nhân viên bản lĩnh như con. Đồng ý tới làm việc nhé!

Bác đưa tay cho tôi bắt. Tôi vụng về nắm bàn tay bác, siết chặt. Một bàn tay cứng rắn nhưng cũng thật ấm áp của trái tim rộng lượng, nhân từ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Giang (Hoa học trò)
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN