Mẹ đảm làm vườn sen ‘lười’ trên sân thượng, trồng một lần ngắm vài năm ở Hà Nội

Vườn sen trên sân thượng của gia đình chị Trang có 50 chậu với gần 20 giống nội, ngoại, đã cho hoa được 3 năm mà không cần chăm sóc nhiều. Hoa nở từ tháng 4 đến tháng 11.

“Trừ khâu trồng công phu ra thì chơi sen rất nhàn, phù hợp với những người bận rộn vì không sợ quên tưới nước hàng ngày, hay lo đi xa cả tuần cây sẽ bị chết héo. Sen cũng xanh tốt suốt mùa và ít bệnh nên không tốn nhiều công phun thuốc hay bón phân như các loại cây cảnh khác”, chị Phạm Thiên Trang (34 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) – chủ nhân vườn sen trên sân thượng gây “sốt” mạng gần đây cho hay.

Vườn sen trên sân thượng tầng 4 của gia đình chị Trang nhận được nhiều lời khen từ cộng đồng mạng

Vườn sen trên sân thượng tầng 4 của gia đình chị Trang nhận được nhiều lời khen từ cộng đồng mạng

Chia sẻ với PV VietNamNet, chị Trang cho biết mình “bén duyên” với thú vui trồng sen cách đây 4 năm. Bắt đầu từ một vài chậu, chị dần nâng số lượng, quy mô lên thành cả vườn sen trên cao, bố trí ở sân thượng và ban công.

Khi xây nhà, chị Trang đã thiết kế khu vực sân thượng rộng tới 60m2 để có thể thỏa thích trồng sen và một số loại hoa theo mùa khác.

Mẹ đảm làm vườn sen ‘lười’ trên sân thượng, trồng một lần ngắm vài năm ở Hà Nội - 2

Khu vườn tràn ngập các loài sen có màu sắc khác nhau như hồng, trắng, xanh cốm...

Khu vườn tràn ngập các loài sen có màu sắc khác nhau như hồng, trắng, xanh cốm...

Hiện vườn sen của gia đình chị có 50 chậu, đủ kích thước lớn nhỏ với gần 20 giống sen nội, ngoại khác nhau. 

Các giống sen truyền thống gồm có: Quan âm trắng, quan âm hồng, hoàng yến... Còn lại là các giống sen ngoại, đa dạng màu sắc như: Blood drop, red flag, super red, new lanceolate, phật âm, pink rose, dragon ball, vạn thọ hồng, s1000, z1000...

Ngoài ra, trong vườn còn có cả một số giống sen màu trắng hoặc xanh cốm rất đẹp mắt như: Trắng hoàng kim, white peony, new bracero, green cloud...

Mẹ đảm làm vườn sen ‘lười’ trên sân thượng, trồng một lần ngắm vài năm ở Hà Nội - 4

Mùa sen thường kéo dài từ tháng 4 đến tháng 11. Khi hết mùa, chị sẽ trồng hoa hồng và các loại hoa như cúc, ngọc thảo... còn các chậu sen vẫn được giữ lại để hè năm sau chơi tiếp

Về giống sen phù hợp trồng trên ban công, sân thượng, theo chị Trang, nên chọn các giống sen ngoại có thân thấp, nhiều lá, hoa sai và to, cánh dày để tránh bị gió táp hay che mất tầm nhìn, lại phù hợp với không gian rộng.

Nữ gia chủ thừa nhận, việc trồng hoa sen trên sân thượng và ban công đòi hỏi đầu tư khá công phu. Từ khâu thiết kế chậu và bồn trồng cây phù hợp với ngôi nhà cho đến chống thấm, làm thoát nước và vận chuyển đất, vật tư trồng lên cao.

“Tuy nhiên, sen là giống cây trồng một lần và chơi nhiều năm nên mình thấy rất bõ công”, chị nói.

Hầu hết các chậu khá nhỏ, nên chị cung cấp dinh dưỡng cho sen một tuần một lần, đa số là phân hữu cơ ủ hoai và các loại phân vi sinh giàu dinh dưỡng

Hầu hết các chậu khá nhỏ, nên chị cung cấp dinh dưỡng cho sen một tuần một lần, đa số là phân hữu cơ ủ hoai và các loại phân vi sinh giàu dinh dưỡng

Theo chị Trang, trồng sen trên sân thượng không khó như nhiều người nghĩ. Hoa sen dễ chăm sóc và ít bệnh, lại không quá tốn chi phí đầu tư.

Để trồng sen đẹp, chị tập trung nhất vào khâu lựa chọn giống và chuẩn bị bùn trồng. Chị ưu tiên những loại sai hoa, cây khỏe và nhiều lá. Còn bùn được lấy từ ao, trộn với phân hữu cơ ủ hoai, vừa giàu dinh dưỡng, lại mát rễ nên sen phát triển rất mạnh, lá xanh bóng, hoa nở căng và nhiều bông, bền cây.

Về chậu trồng, chị sử dụng chậu gốm và xi măng kích thước 30 - 60cm, trong đó ưu tiên dùng chậu xi măng đá mài hình chữ nhật. Loại chậu này có độ dày, cách nhiệt tốt, giúp rễ sen phát triển mạnh, đồng thời đảm bảo tính thẩm mỹ, gọn gàng phù hợp với ban công, sân thượng nhỏ.

Chị cung cấp dinh dưỡng cho sen khoảng một tuần một lần

Chị cung cấp dinh dưỡng cho sen khoảng một tuần một lần

Để đảm bảo sen phát triển lâu dài và chăm sóc dễ dàng, chị Trang không dùng đất thịt ngâm, mà dùng bùn đã qua xử lý.

Người phụ nữ 34 tuổi cũng lưu ý, với hoa sen quan trọng nhất là cần chọn vị trí trồng có nắng, tối thiểu 4 tiếng nắng/ngày, nếu được 6-8 tiếng thì càng tốt.

Trong vườn chủ yếu là các giống sen ngoại, bông to, dày và tỏa mùi thơm

Trong vườn chủ yếu là các giống sen ngoại, bông to, dày và tỏa mùi thơm

Nếu ít nắng, sen sẽ ít lá và hoa. Ngoài ra cần tránh trồng nơi lộng gió, vì điều này làm ảnh hưởng đến quá trình nở hoa của sen.

“Nếu chưa có kinh nghiệm ươm giống, chăm sóc và muốn tiết kiệm thời gian, các gia đình có thể trồng từ các chậu giống sen được ươm sẵn từ những vườn uy tín thay vì ươm từ hạt, ngó và củ. Giá bán các chậu sen loại này không quá cao, các gia đình có thể chơi hoa được luôn và dễ dàng chăm sóc”, bà mẹ đảm chia sẻ.

Theo nữ gia chủ, trừ khâu trồng đòi hỏi công phu thì các công đoạn chăm sóc sen khá nhàn, không quá vất vả

Theo nữ gia chủ, trừ khâu trồng đòi hỏi công phu thì các công đoạn chăm sóc sen khá nhàn, không quá vất vả

Hàng ngày, chị Trang thường tranh thủ chút thời gian rảnh buổi sáng và tối để lên vườn tưới nước, cắt tỉa và chăm bón cho sen. Cách 2 - 3 ngày, chị dành 20-30 phút vớt rêu, nhặt bỏ phần lá hỏng, hoa tàn và xả tràn nước để chậu sen luôn đẹp.

Khoảng 1 - 2 tuần, chị bón thêm cho sen ít phân nước hữu cơ chuyên dụng hoặc rắc vài hạt NPK để lá sen xanh mướt, nụ hoa nở nhiều và đều.

Bên cạnh đó, chị cũng chú ý thường xuyên cắt tỉa lá già hay hoa tàn, để kích thích sen ra lá và hoa mới, hạn chế sâu bệnh.

Mẹ đảm làm vườn sen ‘lười’ trên sân thượng, trồng một lần ngắm vài năm ở Hà Nội - 9

Vườn sen trên sân thượng trở thành chốn thư giãn lý tưởng của các thành viên trong gia đình

Vườn sen trên sân thượng trở thành chốn thư giãn lý tưởng của các thành viên trong gia đình

Năm nay, vì trong vườn đa số là sen cũ nên chị Trang chỉ chăm sóc thêm và chờ cây ra hoa chứ không phải trồng mới. Vườn sen sân thượng của gia đình chị đã cho ra hoa được 3 năm mà không cần chăm sóc quá nhiều.

“Vườn sen như người bạn của gia đình mình, là nơi để các con gần gũi với thiên nhiên, là nơi để gia đình quây quần bên nhau. Hôm nào mát trời, cả nhà rủ nhau lên sân thượng chụp ảnh, thưởng trà và đọc sách. Các con mình rất thích lên tưới nước cho sen giúp mẹ, thỉnh thoảng còn thu được nhiều đài sen để nhâm nhi”, chị kể.

Ảnh: Phạm Thiên Trang

Nguồn: [Link nguồn]

Dưa hấu vốn là cây thân bò trên mặt đất nhưng do trồng ở sân thượng hạn chế không gian nên chị Thanh quyết định làm giàn treo. Vụ dưa năm nay, chị về đích thành công hơn 100 gốc, thu 600 quả, mỗi quả nặng 1,5 - 2kg.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thảo Trinh ([Tên nguồn])
Phụ nữ và gia đình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN