Làm "chuyện người lớn" quá sớm

“Thưa thầy, em năm nay học lớp 8. Cách đây một tuần em có quan hệ với bạn gái…”. Câu hỏi phát ra từ một cậu bé ngây thơ trong buổi trò chuyện chớp nhoáng với chuyên gia tâm lý bên lề một buổi tư vấn tại trường trung học. Nhìn cậu, không bố mẹ nào có thể nghĩ con mình đã bước sâu vào “vùng đất cấm”.

Còn trẻ nhưng không còn nhỏ

“… Trong lần quan hệ đó em bị rách thằng nhỏ, máu chảy rất nhiều. Em không biết cách cầm máu thế nào nên rất hoảng sợ. Nhưng thật may, khoảng năm phút sau máu ngừng chảy. Đến bây giờ em vẫn còn đau nhức. Em muốn hỏi thầy là em có thể tiếp tục quan hệ được nữa không vì mấy bữa nay bạn gái em réo gọi em quá trời?”. Đầu óc tôi choáng váng khi nhận ra vấn đề ngày nay lứa tuổi bắt đầu khám phá về tình dục đã sớm hơn rất nhiều, tuổi nhỏ đã bắt đầu biết “làm chuyện người lớn” từ rất sớm.

Trong một lớp học kỹ năng sống, khi đang dạy về những hậu quả của việc “ăn cơm trước kẻng” và “kỹ năng từ chối” dành cho bạn gái, một học viên (lớp 9) đã chia sẻ: “Nhỏ bạn thân của em nói mỗi tuần nó quan hệ tới 3 – 4 lần, mà lớp em không phải một đứa như vậy đâu thầy!”. Lần này tôi tự “trấn an” mình bằng suy nghĩ “Không phải em nào cũng thế!” nhưng thực sự tâm tôi phải công nhận rằng người lớn chúng ta cần phải có một cái nhìn khác, một cái nhìn thẳng vào sự thật rằng trẻ con bây giờ không còn là tuổi ngây thơ chưa biết gì về “chuyện đó”.

“Bạo” nhưng thiếu kỹ năng trầm trọng

Trong quá trình tư vấn về chủ đề giới tính tuổi mới lớn, hầu hết câu chuyện sống động đang xảy ra trong lớp trẻ mà tôi biết đều thông qua sự bộc bạch của chính các em bên lề những buổi tư vấn này. Sau 45 phút ngắn ngủi hướng dẫn các em một số biện pháp “thoát hiểm” khi bị đối phương đòi hỏi, tôi chuẩn bị ra về thì một nữ sinh da ngăm đen có vẻ lo âu, khẩn khoản xin được đặt một câu hỏi riêng tư. “Em năm nay học lớp 10, em đang có thai hơn năm tháng. Để ba mẹ, thầy cô, bạn bè không phát hiện, em tìm cách nịt bụng cho nhỏ lại. Em muốn hỏi thầy nếu em nịt bụng như vậy có làm chết cái thai bên trong không?”. Hỏi ra mới biết đó không chỉ là cách em giấu người lớn và bạn bè, mà còn là cách để em phá thai! Em không hề biết biện pháp phá thai điên rồ ấy không chỉ gây tổn thương nặng nề cho đứa bé em sẽ sinh ra mà còn gây nguy hiểm đến tính mạng của chính em.

Một trường hợp khác “ứng xử nhanh” hơn khi tìm đến dịch vụ nạo phá thai tại một bệnh viện lớn của TP.HCM. Tuy nhiên, chưa kịp vào nộp hồ sơ thì một “cò mồi” trước cổng bệnh viện hù dọa về chi phí cao ngất ngưởng và thủ tục rườm rà nếu vào phá thai trong bệnh viện. Trong lúc lo lắng bối rối thì ông ta giới thiệu ngay một bác sĩ rất “mát tay”, đã hút thai thành công hàng trăm ca với giá cả rất “học sinh sinh viên”. Đã đến đường cùng, cô bé đồng ý và được ông đưa đến một ngôi nhà tương đối cũ kỹ trong con hẻm gần đó. Trước lúc mất tri giác hoàn toàn khi bị chụp thuốc mê, cô bé vẫn còn kịp nhận ra “ông bác sĩ” nọ đã cầm một vật nhọn, dài, lạnh toát thọc thẳng vào tử cung để phá nát bào thai trong ấy.

Có một thực tế không thể phủ nhận: ở rất nhiều bạn trẻ, tâm thế “hăng hái khám phá” thì cao nhưng kỹ năng xử lý hậu quả lại thiếu trầm trọng. Đôi khi chỉ cần có một bao cao su trong ví hay đơn giản chỉ cần biết sử dụng viên tránh thai khẩn cấp sau khi “sự cố” xảy ra thì đã tránh được biết bao hậu quả thương tâm đến sức khỏe và tính mạng. Nhưng không, hầu như các em chỉ lo xử lý khi hậu quả ấy không còn xử lý được nữa.

Làm "chuyện người lớn" quá sớm - 1

Có nhiều bạn trẻ còn thiếu kỹ năng xử lý "hậu quả" trầm trọng (Ảnh minh họa)

Giáo dục giới tính “nhỏ giọt”

Ngay từ thời thơ bé, các em đã bắt đầu có những băn khoăn, thắc mắc về giới tính. Câu hỏi kinh điển “Em bé từ đâu mà có?” đến nay hẳn nhiều phụ huynh cũng chỉ biết tránh né hoặc trả lời đại loại “Từ nách chui ra” hay “Có con cò mang đến cho các bà mẹ”. Những câu chuyện liên quan đến chỗ kín xem như là chủ đề kín như bưng, không phù hợp với tuổi “miệng còn hơi sữa” theo cách nói của người lớn chúng ta. Trong khi đó, hiểu biết về giới tính của mình, kỹ năng chăm sóc bản thân, kỹ năng phòng vệ và ứng xử khi bị xâm hại thì không phải đợi đến lớn mới cần trang bị. Câu trả lời “lớn lên rồi con sẽ hiểu” kèm theo bảng cảnh báo “cấm trẻ con bén mảng” càng khiến các em tò mò và khám phá.

Sức khỏe sinh sản và rộng hơn là sức khỏe giới tính là một mảng rất lớn trong đời sống con người. Trẻ cần phải là một người biết sống trước khi trở thành một nhà khoa học. Thế nhưng trong 12 môn học thì nội dung này chỉ là nhánh cây tầm gửi được lồng ghép chắp vá vài ba tiết trong môn sinh học và môn giáo dục công dân. Thời lượng đã ít, thế nhưng nhiều giáo viên thừa nhận họ cũng chưa dám “chạm” đến cụm từ tình dục, thuốc ngừa thai hoặc thậm chí bao cao su, nói chi đến việc phân tích sâu về chúng! Một số trường đã cố gắng – đưa nội dung giáo dục giới tính vào một vào buổi sinh hoạt dưới cờ. Đây là tín hiệu đáng trân trọng, tuy nhiên một vài buổi cũng chỉ “phơn phớt bên ngoài” mà chưa thể “đi sâu vào trong”. Ngoài ra, không khí đám đông cũng khiến các em ngại hỏi.

Ngày nay, các tổ chức đoàn thể (Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ) và một số cơ quan truyền thông báo chí đã đưa nội dung này vào chương trình hoạt động của mình. Tuy nhiên so với “cầu” thì “cung” như muối bỏ bể. “Ông thầy” thường xuyên nhất, túc trực nhất, gần gũi nhất của trẻ không phải bố mẹ mà chính là Internet. Trên đấy, các em không chỉ được “dạy bảo” rất nhiều những nội dung “thâm cung bí sử” mà còn được “nhìn tận mắt, nghe tận tai” và thậm chí “làm quen tìm hiểu” với cả trăm người chỉ qua cú click chuột vào các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, thông tin trên mạng thì không ai trịu trách nhiệm, thế nên độ xác thực của chúng chỉ ở mức độ xác thực của chúng chỉ ở mức “Đúng thì tốt, sai thì thôi”. Điều này cực kỳ nguy hiểm bởi hiểu sai sẽ làm sai, mà làm sai thì hậu quả thật.

Cần nhìn vào sự thật và phải hành động thật

Để hành động, người lớn – trong đó có cha mẹ, thầy cô và cả xã hội – cần nhìn thẳng vào sự thật ngày nay: trẻ con bây giờ dậy thì tâm lý rất sớm, có hành vi khám phá rất sớm và nguy cơ từ đó cũng đến sớm hơn thời đại của chúng ta.

Giới tính là chủ đề nhạy cảm, vì vậy gia đình chính là nơi có bầu không khí thuận lợi nhất để giải đáp một cách gần gũi cho con cái. Bố mẹ – những người ít ra cũng từng trải – sẽ là những người bạn tốt giải đáp thắc mắc cho con. Đừng tưởng rằng khi động chạm đến chuyện này sẽ vẽ đường cho hươu chạy. Thật ra cần vẽ đường và vẽ cả các ổ gà, hầm hố để trẻ biết mà né tránh.

Thực tế khi đã được cha mẹ giải đáp, thắc mắc được đả thông, trẻ sẽ ít cần đến việc hiểu bằng cách mày mò “làm thử”. Bên cạnh đó, về lâu về dài, chuyện khám phá tất yếu là chuyện sớm muộn cũng thế. Thế nên trang bị cho con các bảo bối tự bảo vệ mình như kỹ năng từ chối, kỹ năng phòng tránh thai, kỹ năng xử lý sự cố và hậu quả là điều cực kỳ cần thiết. Một ông bố bà mẹ hiện đại cần dẹp bỏ cái ngại ngùng, mất vài giờ để nói về giới tính với con nhưng có thể cứu cả cuộc đời của chúng.

Lãnh đạo ngành giáo dục một tay đưa nội dung này vào nhà trường, nhưng tay kia vẫn trói chúng trong sự tù túng của việc thiếu thời gian, thiếu giáo viên có chuyên môn, thiếu tài liệu và thiếu cơ chế kiểm tra đánh giá. Dạy trẻ trở thành nhà khoa học, biết cống hiến cho xã hội là tốt nhưng trước tiên phải dạy trẻ biết tự lo cho bản thân mình. Một trăm tiết học khoa học trên lớp chưa chắc mang đến cho trẻ thành công, nhưng trăm tiết học giáo dục giới tính có thể giúp cuộc đời trẻ vững vàng hơn hẳn.

Ths Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo tuổi trẻ cuối tuần
Kiến thức giới tính Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN