Lá thư gửi người yêu từ chiến trường

Với họ những lá thư này được ví như “Những cánh thư thần thánh”.

Suốt 46 năm, bà Lui vẫn giữ cẩn thận những kỷ vật xưa, chiếc áo bộ đội, mũ tai bèo, nhẫn đính ước, chiếc khăn tay, hàng trăm lá thư cùng cuốn nhật ký. Đó là kỷ vật của liệt sỹ Trần Minh Tiến – người yêu cũ của bà.

Đối với người lính trong chiến tranh thì những lá thư viết vội gửi về gia đình "còn vương mùi khói súng", bom đạn hay những lá thư từ hậu phương gửi ra tiền tuyến là động lực để họ có thêm nghị lực chiến đấu giành độc lập, thống nhất đất nước. Với họ những lá thư này được ví như “Những cánh thư thần thánh”.

Người phụ nữ có khuôn mặt phúc hậu, bàn tay run run vuốt lại chiếc mỹ tai bèo, gấp lại chiếc áo bộ đội đã cũ, cùng những lá thư, cuốn nhật ký đã ố vàng, kỷ vật của Liệt sỹ Trần Minh Tiến, sinh năm 1945, ở thôn Cầu Đơ, xã Hà Cầu, thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) – người yêu của bà cách đây 46 năm. Người phụ nữ đó chính là bà Vũ Thị Lui (thường gọi Lưu Liên), sinh năm 1946 quê ở thôn Hà Trì, cũng xã với liệt sỹ Trần Minh Tiến. Hiện bà Lui đang sống cùng với chồng tại khu tập thể trường Đại học sư phạm ngoại ngữ Hà Nội.

Lá thư gửi người yêu từ chiến trường - 1

  Bà Vũ Thị Lui (Ảnh: Xuân Hải)

Bà Lui kể: Từ nhỏ tôi học ở thị xã Hà Đông, khi lên lớp 6, tôi được gia đình cho chuyển về quê để học và từ đó tôi và anh Tiến học cùng nhau rồi trở nên thân thiết.

Bà bồi hồi nhớ lại: Lớn lên, anh Tiến là một người hát hay, tính tình vui vẻ, ăn nói có duyên, nên được rất nhiều bạn gái yêu thích, khi ấy tình cảm của chúng tôi vẫn chỉ dừng lại ở mức độ bạn bè. Mãi đến khi đi bộ đội anh ấy mới ngỏ lời yêu tôi. Năm 1963, anh Tiến nhập ngũ và đóng quân tại trung đội 1, đại đội 2, tiểu đoàn 7, trung đoàn 102, sư đoàn 308 (đóng quân tại Tam Đảo). Gần 5 năm, từ lúc nhận lời yêu, đến khi anh ngã xuống vào rạng sáng ngày 1/6/1968 (tức ngày 5/5/1968 âm lịch), tại cao điểm 202, đồi Bằng, Tây Làng Cát, xã Đa Krông, huyện Đa Krông, tỉnh Quảng Trị, tôi và anh Tiến gặp nhau không quá 20 lần.

Đã 46 năm, nhưng những ký ức một thời chiến tranh vẫn còn hiện nguyên trong tâm trí bà. Giọng bà Lui như nghẹn lại khi kể về chuyện tình của mình với liệt sỹ Trần Minh Tiến. Tay run run lật giở từng lá thư đã ố vàng, bà Lui đọc lá thư mà người yêu bà – liệt sỹ Trần Minh Tiến gửi cho mình từ chiến trường năm 1968.

Chúng tôi xin đăng nguyên văn lá thư này:

“16-5-1968

Từ miền đất lửa – Bình Trị Thiên

Lui em thân yêu!

Nếu lá thư này may mắn đến tay em thì chỉ nhìn qua nét chữ và mảnh giấy cũng thấy ngay cái không khí của lính. Anh đã vào tới chiến trường nơi đây bom đạn luôn thay mặt cho thần chết để ký nhận sự sống còn.

Anh còn nhớ mấy ngày Tết vừa qua ở ngoài Bắc, anh còn luôn hát bài “Tiếng đàn Ta Lư” ca ngợi mặt trận đường 9 thì hôm nay ngay sát đồi Tà Cơn, anh nằm trong “công sự” viết thư cho em, mặc cho đủ thứ máy bay bom đạn trên đầu. Cuộc sống tuy có khó khăn, nhưng bọn anh vẫn đàng hoàng viết thư ngay dưới chiến hào còn vương khói súng. Vài ngày nữa là được tròn 2 tháng vừa đi vừa nghỉ và cũng đã đến ngày anh hết hạn dự bị lên đảng viên chính thức. Còn 1 tháng nữa là tròn tuổi quân và cũng trọn 5 năm mùa hè để nhớ đời.

Em thân yêu sự nghiệp cách mạng vĩ đại lắm, còn đang làm dở vả lại tương lai đang chờ đón, toàn Việt Nam dốc sức.

Lá thư gửi người yêu từ chiến trường - 2

Lá thư liệt sỹ Trần Minh Tiến gửi cho bà Lui viết từ chiến trường (Ảnh:XH)

5 năm qua, chúng ta thử thách ở cây số và thời gian. Còn nay thì là bom đạn. Anh đã gặp nhiều những anh chị thương binh, họ đều là những người đẹp nhất. Riêng anh tuy mới vào nhưng cũng đã 2 lần bị bom mỹ đuổi tương đối căng, nhưng sức khỏe thì “cha bố” lắm. Cả đơn vị phải ngạc nhiên khi anh tắm. Họ thấy anh béo trắng ra, to khỏe vô cùng. Thực vậy, từ ngày ở Nghệ An anh không trà, lá nữa mà chỉ nặng ăn uống, bồi bổ thôi. Vào đến đây hiện nay thì bên túi cóc vẫn luôn có hai hộp đầy đường sữa.

Anh muốn viết thư cho em, nhưng anh lại muốn chờ cho trận đánh sắp tới xong để anh báo công về nhân thể.

Hiện nay đồi Tà Cơn là vị trí cố thủ nhất của lính thủy đánh bộ mỹ và kỵ binh mỹ đang bị bọn anh nhốt chặt. Có phía bọn anh đào hào tới hàng rào thứ 5 cách chúng không đầy 50m.

Bọn mỹ sợ quân mũ sắt lắm cơ, ban đêm bọn chúng bắn đèn dò suốt, nhưng bọn anh vẫn đào hào lấn đất, nhiều tên bị tổ bắn tỉa lia cho cứ lên khỏi hầm là gục, dù tiếp tế của chúng cũng nhiều lắm.

Chuyện thì dài để sau trận chiến anh kể tiếp.Riêng em, anh biết em buồn là lo cho anh nhiều hơn chính bản thân em nhiều lắm, nhưng biết làm thế nào được khi chưa tan hết kẻ thù, khi chưa hết chiến tranh đẫm máu.

Anh chỉ mong duy nhất là em hãy tiếp bước của anh phấn đấu hết mình cho cách mạng. Như vậy thì sớm hay muộn khi nhắm mắt xuôi tay ta không ân hận vì năm tháng sống phí hoài. Anh thấy em thương anh vô hạn, nhưng đừng vì thương yêu mà làm cho tâm hồn mềm yếu, quên hết xung quanh. Em hãy thương yêu anh hơn nữa vì công việc hàng ngày trong nhà máy, góp sức cùng anh và muôn người quyết tâm đánh thắng giắc Mỹ trên mọi lĩnh vực công tác.

Anh còn mong em hãy rèn luyện và bồi dưỡng cho sức khỏe tăng lên, ngày anh về em hãy ôm hoa mặc tà áo trắng nhé.

Hôn em yêu”.

Xem thêm các bài viết liên quan:

Xúc động lá thư tình của cụ ông 90 tuổi

Lá thư xúc động của con gái phi công Malaysia

Lá thư của chàng "phi công trẻ" si tình

Lá thư tạ từ của trai bao tỉ phú

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Hải (Infonet)
Những câu chuyện tình lãng mạn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN