Đau xót vì mẹ người yêu khinh miệt

Sự kiện: Tình yêu nữ giới

Mẹ anh quăng trả túi trái cây lên bàn: “Cháu đem về ăn đi, nhà bác không thiếu, mà con bác cũng không ăn được mấy thứ mua ở lề đường như vậy”. Tôi điếng người nhìn bà, có cảm giác đấy là những giọt nước làm tràn ly lòng tự trọng của mình.

Những điều tốt đẹp về một người mẹ hết dạ yêu con, thủy chung với chồng, tốt bụng với hàng xóm láng giềng phút chốc đã tan như mây khói. Mẹ của anh đó ư? Người mẹ mà trước đây khi chưa gặp, chỉ nghe kể, tôi đã tôn thờ. Thế mà…

Tôi quen Nam đã 5 năm và cũng ngần ấy thời gian tôi để tình yêu giấu kín trong lòng. Có thể nói, tôi yêu anh ngay từ giây phút đầu tiên gặp gỡ trong một lần hai bên phối hợp tổ chức sự kiện gặp gỡ các doanh nhân. Tác phong làm việc nhanh nhẹn, chuyên nghiệp, đặc biệt là giọng nói ấm áp của anh khiến tôi như bị ma ám.

Tôi cứ nghĩ mãi về anh cho đến khi gặp lại và trở thành thân thiết. Rồi anh nói yêu tôi cách nay vừa đúng 1 năm. Khi ấy tôi đã xúc động đến phát khóc bởi tôi không nghĩ mình xứng đáng với người đàn ông giỏi giang ấy. Trong thâm tâm, tôi chỉ biết ngưỡng mộ anh và mơ ước…

Ba tôi cũng mất sớm như ba anh nhưng mẹ tôi đã đi bước nữa. Một đàn em nheo nhóc ra đời nên cuộc sống của mẹ và dượng thật vất vả. Chính vì vậy mà tôi đã phải bươn chải một mình để tự lớn, tự học thành người khi mới 15 tuổi. Tôi vất vả từ bé, lại xuất thân từ ruộng vườn nên không thể có được cái cốt cách cao sang của những nhà quyền quý. Có lẽ đó là lý do mà mẹ anh không chấp nhận tình yêu của chúng tôi.

Tôi còn nhớ rõ, lần đầu tiên anh đưa tôi về thăm nhà. Nhìn nét mặt lạnh lùng của mẹ anh, tôi đã thấy bất an. Nhưng anh động viên: “Mẹ anh bề ngoài như vậy nhưng trong lòng rất ấm áp. Đối với mẹ, anh là số một”. Lần thứ hai, thứ ba, tôi đến có khi được mời lại ăn cơm, tôi cũng muốn cùng vô bếp nấu nướng với mọi người nhưng mẹ anh gạt đi: “Cháu cứ ngồi chơi, chuyện bếp núc có người giúp việc làm”.

Đau xót vì mẹ người yêu khinh miệt - 1

Tôi còn cảm nhận được sự khinh miệt của bà đối với gia đình tôi (Ảnh minh họa)

Thật sự tôi không thấy gần gũi, ấm áp khi ở bên cạnh bà dù tôi đã hết sức cố gắng. Khi tôi nói điều này với Nam thì anh lại động viên: “Em thương anh thì cố gắng một chút. Tính mẹ như vậy là do trước đây đã quá vất vả, một mình thờ chồng, nuôi con, phải chống chọi với đủ thứ khó khăn, cám dỗ”.

Tôi lại nghe anh, lại cố gắng tìm đủ mọi cách để yêu thương, để hòa nhập… Nhưng dường như tôi đã không có phương pháp đúng để xóa đi khoảng cách với người phụ nữ đầu tiên của người yêu mình.

Cho đến hôm nghe Nam báo tin bà bị bệnh trong khi anh đang đi nước ngoài, tôi nghĩ có lẽ đây là cơ hội tốt để tôi đến thăm hỏi, chăm sóc bà nhằm hóa giải những lạnh lùng, ngăn cách. Thế mà, sự nhiệt tình của tôi đã bị dội một gáo nước lạnh. Thậm chí, tôi còn cảm nhận được sự khinh miệt của bà đối với gia đình tôi…

Nghèo đâu có phải là một cái tội? Tôi đã nghe nhiều người nói điều đó và thấy hoàn toàn đúng. Mẹ và dượng tôi rất nghèo, nghèo đến nỗi không thể chăm lo cho các con đầy đủ nhưng đứa nào cũng được học hành, không đứa nào trở thành đầu trộm đuôi cướp thì tôi có quyền tự hào đứng thẳng để sống chứ? Chẳng lẽ nghèo thì không có lòng tự trọng hay sao? Hà cớ gì tôi phải nhún nhường, quỳ lụy trước mẹ anh; một người luôn tự cao, tự đại bởi cái danh vị suốt đời thờ chồng, nuôi con?

Và tôi quyết định rời xa anh, rời xa người phụ nữ khắc nghiệt ấy trước khi Nam trở về. Thế nhưng nghĩ là một chuyện, còn làm lại là một chuyện khác.
 
Tôi thật sự không muốn mất anh, mất một người đàn ông mà mình biết chắc đó là người rất đáng để trao thân, gởi phận. Nhưng tôi cũng không muốn chung sống với người phụ nữ ấy trong một mái nhà, thậm chí phải giành giật với bà một người đàn ông…
 
Tôi không muốn chọn lựa giữa hai người cũng không muốn họ phải chọn lựa giữa tôi và một người thương yêu nhất của mình.
 
Có lẽ, tốt nhất là tôi nên rời bỏ cả hai...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thảo Mai (Người lao động)
Tình yêu nữ giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN