Đằng sau công việc sinh viên chạy Grab có đáng lo?
Liệu công việc và số tiền kiếm được quá dễ dàng từ Grab có khiến cho giới trẻ trở nên thụ động hơn?
Chuyện sinh viên đi chạy Grabbike, hay những người mới ra trường chưa tìm được việc quyết định mặc chiếc áo xanh của Grab chạy xe hàng ngày khiến nhiều người trăn trở, suy nghĩ. Nhiều vấn đề được nói đến: chi phí cơ hội cho các bạn sinh viên cho công việc này? Liệu chạy Grab có làm bào mòn tính sáng tạo và vươn lên của giới trẻ? Liệu công việc và số tiền kiếm được quá dễ dàng từ Grab có khiến cho giới trẻ trở nên thụ động hơn? Liệu có phải lý do lớn nhất của giới trẻ khi tìm đến Grab đó là mong muốn một công việc nhàn hạ?
Thế nhưng trên thực tế, việc các bạn trẻ chạy Grab có đáng sợ như chúng ta đang nghĩ?
1. Tiền tươi thóc thật là lý do quyết định
Nguyễn Duy K đã tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật công nghiệp được 2 năm. Chưa xin được việc, K quyết định đăng kí chạy Grab kiếm thêm thu nhập hàng ngày. Cũng giống như nhiều người chạy Grab khác, nếu chăm chỉ thì K có thể kiếm được mức thu nhập đủ sống, thậm chí là cao so với mức thu nhập trung bình của một sinh viên mới ra trường.
Với quãng thời gian hoạt động từ 4h sáng đến trưa, Duy K có thể kiếm được từ 200 – 300 nghìn một ngày. Những ngày chăm chỉ, đắt khách có thể kiếm được nhiều hơn. Một tháng thu nhập trung bình từ grab của Duy K có thể từ 6 triệu đồng lên tới 10 triệu đồng.
K cho biết, lý do lớn nhất để K xin làm một chân chạy Grab chính là “tiền tươi thóc thật”. Nghĩa là ngày hôm nay chạy, lấy tiền và tiêu tiền luôn. Tính chất này phù hợp cho những người như K, chưa có công việc, cần tiền ngay để trang trải cuộc sống.
“Nếu như làm các công việc khác, mình cần phải chờ 1 tháng sau mới có thể nhận được luơng tháng đầu. Mà những người như mình không có tiền sinh hoạt, gia đình đã ngưng trợ cấp thì không thể chờ đợi 1 tháng mới nhận lương được. Chính vì thế, grab có lẽ là lựa chọn hợp lý nhất.”, K chia sẻ.
Đỗ Đình Vương đã làm rất nhiều công việc trước khi đến với Grab
Cũng như Duy K, Đỗ Đình Vương (sinh viên năm 3 trường Đại học Bách Khoa) cũng lựa chọn Grab vì lý do trên: “Mình đã từng làm rất nhiều công việc khác nhau trước khi quyết định chạy Grab. Thế nhưng các công việc khác thường phải làm full time và nhận lương cuối tháng. Grab thì linh động về thời gian hơn, tiền công cũng nhận được ngay. Mình thích tính chủ động và linh hoạt của nỏ”.
Nguyễn Văn Hùng (Trường Cao Đẳng Hà Đông) cho biết: “Chạy Grab cho vui, đỡ chán, lại còn kiếm thêm thu nhập. Bố mẹ em cũng muốn cho em chạy để trải nghiệm, độc lập hơn nữa”.
Với Nguyễn Văn Hùng chạy Grab chỉ để trải nghiệm và kiếm thêm thu nhập.
2. Không có ý định gắn bó lâu dài
Mặc dù thu nhập cao, dễ tìm việc, không đòi hỏi trình độ cao, không đòi hỏi thời gian làm việc ngặt nghèo, không có sếp quản lý, không vướng phải nhiều mối quan hệ đồng nghiệp phức tạp,… Thế nhưng đó vẫn không là công việc lý tưởng dành cho các bạn trẻ.
Đỗ Đình Vương nói: “Chạy Grab cũng giúp mình trở nên linh hoạt hơn. Mình giao tiếp được nhiều với khách hàng, nói chuyện với khách hàng, đáp ứng các yêu cầu của khách hàng,…Kĩ năng lớn nhất học được có lẽ là giao tiếp. Sau này xin việc chắc chắn là mình đã dạn dĩ hơn rất nhiều rồi. Thế nhưng ra trường làm sao mà chạy grab suốt được. Mình muốn kiếm một công việc ổn định hơn với thu nhập không thất thường như Grab”.
Duy K cũng đang tìm kiếm cơ hội cho phù hợp với ngành học của mình giữa những chuyến Grab mặc dù đã 2 năm trôi qua. “Mình chỉ chạy trong thời gian tìm kiếm cơ hội việc làm thôi, chưa có tiền nên cứ phải kiếm sống trước đã. Chứ không thể chạy Grab suốt được. Nó không ổn định”.
Duy K đang cố gắng tìm kiếm công việc ổn định cho mình mặc dù thu nhập từ grab khá cao
Đình Vương cũng cho biết: “Chạy Grab không quản lý thời gian thật. Thế nhưng mình dự định cũng chỉ làm một thời gian thôi. Tính mình thích cái mới, muốn thử thách ở nhiều công việc khác nhau. Cứ chạy Grab mãi cũng chán”.
Trước câu hỏi có sợ chạy Grab sẽ làm mất đi cơ hội của mình so với các công việc khác hay không, Đình Vương cũng chia sẻ: “Mình cũng đã thử nhiều công việc. Mỗi công việc cho mình những bài học, kĩ năng khác nhau, Grab cũng vậy. Chuyện có cơ hội hay không thì nó là do mình, không thể nói trước được, cũng không thể nói rằng vì chạy Grab mà mình mất đi cơ hội của mình được”.
3. Không quan tâm đến xã hội nghĩ gì, gia đình nghĩ gì mới là quan trọng
Nhiều người cho rằng người trẻ chạy Grab vì muốn kiếm một công việc nhàn hạ và không mất công mất sức tìm kiếm.
Duy K cho biết: “Ai nói chạy Grab nhàn chắc chưa bao giờ chạy Grab mà chỉ ngồi trong nhà nhìn. Nắng mưa có khách mình vẫn chạy. Kiếm được một chuyến xe cũng không phải đơn giản. Cho đến giờ bố mẹ mình vẫn chưa biết mình chạy Grab. Mình cũng không muốn cho bố mẹ biết. Theo quan điểm của mình thì mình đang cần tiền, mình đi. Mình rất thoải mái, không suy nghĩ gì quá nhiều về việc này”.
Nguyễn Thành Trung đang cố giấu bố mẹ chuyện mình chạy Grab
Nguyễn Thành Trung (sinh viên năm cuối trường Đại học dân lập Phương Đông) thì rụt rè hơn: “Mình không quá quan trọng mọi người nghĩ gì, chỉ thế nào kiếm được tiền là được. Mình chỉ đang giấu bố mẹ vì bố mẹ mình không biết mình chạy Grab. Mình sợ bố mẹ biết mình chạy Grab thì lại sợ bố mẹ nghĩ con mình chạy xe ôm đầu đường xó chợ. Bố mẹ mình ở quê nên tư tưởng chưa được thoáng, cứ muốn con có được công việc khác tốt hơn”.
4. Kết
Có thể đối với các bạn sinh viên, chuyện đi chạy Grab đơn thuần chỉ là vấn đề làm thêm, kiếm thêm thu nhập. Họ không có ý định gắn bó cả đời mà vẫn có ý thức tìm kiếm cơ hội cho bản thân,…. Vì thế có lẽ chuyện đánh mất cơ hội, hay lo lắng cho một thế hệ ỷ lại là chưa cần thiết. Ít nhất chúng ta nên mừng vì giới trẻ sẵn sàng đổ xuống đường tìm kiếm việc làm, kiếm tiền một cách chân chính và hiểu giá trị của đồng tiền.
Chúng ta nên mừng vì các bạn đã sẵn sàng bỏ xuống các mác “sinh viên trường Bách Khoa mà đi lái grab”, “ra trường rồi không đi làm công chức mà đi chạy xe ôm”,…để tự nuôi sống bản thân mình thay vì dựa dẫm vào sự cứu tế của gia đình. Họ dám bỏ mặc ý kiến của người khác để tập trung vào công việc của mình, tập trung vào tương lai của mình.
Chúng ta nên lo cho họ, khi họ mãi mãi chỉ muốn kiếm 200 nghìn một ngày nhờ những cuốc Grab mà không muốn tìm kiếm cơ hội cho bản thân.
Không ít cô gái vì ham tiền, tự biến mình thành thú vui bệnh hoạn của kẻ khác.
Bạn có những băn khoăn muốn chia sẻ, những tâm tư muốn được giãi bày, những khúc mắc muốn nhờ tư vấn? Hãy gửi ngay những tâm sự của bạn tới mail bantrecuocsong@24h.com.vn để các chuyên gia tâm lý, tình yêu gỡ rối giùm bạn |