Cử nhân giơ biển xin việc: Nhà tuyển dụng nói gì?

Liệu họ có tuyển dụng một ông bố cử nhân đứng giữa đường xin việc lấy tiền mua sữa cho con?

Sự việc nam thanh niên Phùng Đức Ninh (Bắc Ninh) đứng ở ngã tư đường giơ tấm biển xin việc với nội dung: “Tôi vừa tốt nghiệp, tôi đã là Bố. Tôi cần một công việc để mua sữa cho con. Bạn cần tuyển tôi…” cho đến nay vẫn chưa hết gây tranh cãi.

Cử nhân giơ biển xin việc: Nhà tuyển dụng nói gì? - 1

Ông bố 9x đứng giữa đường cầm bảng xin việc lấy tiền mua sữa cho con

Nhiều người cho rằng, đây là hành động của một ông bố dũng cảm, có trách nhiệm với bản thân và gia đình. Nhưng cũng không ít người cho rằng, hành động đó là tự hạ thấp bản thân, chưa nỗ lực hết mình tìm kiếm việc làm đã vội “ăn mày” lòng tốt của nhà tuyển dụng.

Vậy từ phía nhà tuyển dụng, họ nghĩ sao về hành động này. Liệu họ có chấp nhận tuyển một cử nhân đứng giữa đường giơ biển xin việc lấy tiền mua sữa cho con vào làm việc?

Chúng tôi xin ghi nhận ý kiến của hai CEO về trường hợp này:

Ông Ong Xuân Minh, GĐ Công ty Cổ phần Tìm việc nhanh

Đây là cách tìm việc nhảm nhí. Người tuyển dụng sẽ đánh giá thấp cách xin việc như vậy bởi, nó thể hiên sự yếu kém của cử nhân, vì thiếu kỹ năng nên phải đứng giữa đám đông để xin việc.

Bạn là người trẻ, bạn có thể nghĩ ra rất nhiều cách để tìm việc, như tìm trên các trang mạng chẳng hạn. Ở đó có hàng trăm công việc từ cao cấp đến lao động phổ thông cho bạn lựa chọn.

Cử nhân giơ biển xin việc: Nhà tuyển dụng nói gì? - 2

Ông Ong Xuân Minh  cho rằng, cách xin việc của ông bố cử nhân là nhảm nhí

Ở vị trí là nhà tuyển dụng, tôi sẽ không tuyển bạn trẻ này và tôi chắc rằng, nhiều doanh nghiệp khác cũng không muốn nhận bởi, nhìn cách cậu ấy xin việc, nhà tuyển dụng sẽ cho rằng, bạn ấy thiếu cách giải quyết vấn đề trong nhiều trường hợp khác nữa chứ không chỉ ở chuyện xin việc.

Tình trạng sinh viên mới ra trường không xin được việc như cậu cử nhân này cũng không ít. Tuy nhiên, không nên vội đổ lỗi cho nền giáo dục đào tạo ồ ạt, yếu kém, cơ chế khó khăn… mà trước hết mỗi cử nhân nên xem lại mình đã nỗ lực hết sức tìm kiếm việc làm hay chưa. Giáo dục có tốt đến đâu, cơ chế có mở cửa đến mấy mà bản thân cử nhân không chủ động, cố gắng thì cũng khó có công việc tốt.

Các bạn sinh viên sắp ra trường hay những người đang tìm việc hãy tận dụng bất cứ cơ hội nào dù là nhỏ nhất để trải nghiệm. Ở môi trường doanh nghiệp, bạn sẽ được cọ xát, thực hành… từ đó biết mình thiếu gì, cần bổ sung thêm kỹ năng gì.

Các bạn đừng ngộ nhận khả năng của bản thân rồi đòi hỏi mức lương và vị trí công việc. Hãy tìm kiếm những cơ hội dù là nhỏ nhất để rèn giũa bản thân, tôi tin rằng những cơ hội đó rất rất nhiều.

Ông Nguyễn Minh Ngọc, GĐ Giám đốc Gemslight Company Ltd

Trước một vấn đề luôn có nhiều ý kiến khác nhau. Tôi nghĩ, chắc chắn đó là sự lựa chọn tốt nhất tại thời điểm đó thì bạn ấy mới hành động như vậy. Nếu tôi cũng rơi vào tình trạng như bạn ấy, cùng hoàn cảnh ấy, kiến thức ấy, lượng thông tin ấy thì có lẽ tôi cũng sẽ làm thế.

Cử nhân giơ biển xin việc: Nhà tuyển dụng nói gì? - 3

Ông Nguyễn Minh Ngọc 

Nếu tỉnh táo hơn, tôi sẽ ghi rõ trong tấm bảng là tôi muốn làm ở đâu, công việc thế nào… thì khả năng “bán thân” sẽ thành công cao hơn. Còn như này thì tập đối tượng khách hàng bạn ấy nhắm đến là hơi rộng và không rõ ràng lắm.

Còn về phía nhà tuyển dụng, tôi nghĩ mỗi người sẽ có cách nhìn khác nhau, tùy vào vị trí họ muốn tuyển dụng mà quyết định có nhận trường hợp này vào làm việc hay không. Nếu ai đang cần một nhân viên có đủ ý chí, nghị lực, vượt qua mọi ngại ngùng để hoàn thành công việc thì họ sẽ tuyển. Hoặc nếu họ đã từng rơi vào hoàn cảnh như cậu cử nhân này thì họ cũng sẽ tuyển dụng vì lòng đồng cảm… Miễn sao họ nhận thấy rằng, việc nhận cậu cử nhân này vào làm việc có lợi cho đôi bên.

Riêng lĩnh vực của tôi thì rất tiếc, câu trả lời là không.

Theo tôi, nhiều bạn cử nhân không xin được việc làm là do họ thiếu kỹ năng truyền tải giá trị bản thân ra bên ngoài để thu về tài chính. Giống như trường học dạy cho các bạn thế nào là tình yêu. Nhưng khi thực sự yêu một cô gái các bạn lại không biết cách thể hiện nó ra bên ngoài thì làm sao có cơ hội được đáp lại.

Mọi người vẫn hay nói “kỹ năng mềm rất quan trọng” nhưng tôi xin khẳng định từ “rất quan trọng” ở đây vẫn không đủ để miêu tả mức độ quan trọng của nó.

Trước khi đi xin việc, các bạn hãy làm một bài toán chứng minh rằng, giá trị nhà tuyển dụng trả cho bạn nhỏ hơn giá trị họ nhận được. Nghĩa là, cho họ thấy rằng, họ sẽ có lợi khi nhận bạn vào làm việc. Hãy thuyết phục chính mình trước rồi tiến lên tuyết phục người khác.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hạ Nhiên - Nguyễn Hồng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN