Cô gái trẻ và hành trình đến giáo dục bền vững

Sự kiện: Giới trẻ 2024

Phạm Ngọc Anh - cô gái trẻ tràn đầy năng lượng sống tích cực đang ngày đêm nỗ lực đem giáo dục toàn diện, công bằng và bền vững đến thế hệ trẻ.

Cô gái kính cận với một trái tim chân thành, ấm áp (Ảnh nhân vật cung cấp)

Cô gái kính cận với một trái tim chân thành, ấm áp (Ảnh nhân vật cung cấp)

Trên phố Phạm Thận Duật, quận Cầu Giấy, Hà Nội, nhiều người đã quen với không khí tất bật của các bạn tình nguyện viên Việt Nam và quốc tế đến giao lưu, cùng chia sẻ niềm vui thông qua việc giúp đỡ cộng đồng. Dịch Covid-19 khiến hoạt động của các bạn trở nên khó khăn hơn nhưng nhiệt huyết thì chưa bao giờ tắt. Điều này thể hiện qua nụ cười rạng rỡ của cô gái Phạm Ngọc Anh, cán bộ chương trình, tổ chức tình nguyện Vì hòa bình Việt Nam - một tổ chức phi chính phủ quốc tế.

Tình cờ bén duyên với giáo dục bền vững

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất tổ Phú Thọ, lại được gia đình quan tâm về học tập từ nhỏ, Ngọc Anh mang trong mình niềm đam mê lớn với tri thức. Không chỉ lọt top 10 điểm thi đầu vào trường THPT Chuyên Hùng Vương, cô bạn còn xuất sắc giành giải Nhì kỳ thi học sinh giỏi tiếng Anh cấp tỉnh năm lớp 12.

Đặt chân đến Thủ đô với nhiều hoài bão, Ngọc Anh đã theo học khoa Luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội. Chính từ đây, cơ duyên với giáo dục bền vững của cô gái trẻ nhen nhóm và bùng cháy.

Trong lần tình cờ tham gia lớp học cộng đồng của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Bền vững (Center for Sustainable Development Studies - CSDS), cô sinh viên năm hai khi ấy đã bắt đầu tình yêu với “phát triển bền vững” nói chung và “giáo dục bền vững” nói riêng từ lúc nào không hay.

Từ tình nguyện viên đến điều phối chương trình, cô bạn đã cùng các đồng nghiệp của mình thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt là người khuyết tật; Giúp đỡ sinh viên nghèo vượt khó; Cung cấp cơ hội học tiếng Anh và giao lưu văn hóa cho thanh thiếu niên Việt Nam với bạn bè quốc tế…

Ngọc Anh chia sẻ: “Mình tham gia hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực như: Y tế cộng đồng, thể thao, môi trường… Tuy nhiên, lĩnh vực mà mình có nhiều kinh nghiệm cũng như yêu thích, tập trung nhất là giáo dục, mà chủ yếu là giáo dục phi chính quy (non-formal education). Nói đơn giản, đó là giáo dục có chủ đích, bối cảnh và phong cách học tập đa dạng, tập trung vào quá trình phát triển của người học…”.

Giờ đây, tuy đã chuyển công tác và trở thành cán bộ chương trình của tổ chức Tình nguyện Vì hòa bình Việt Nam, cô vẫn hết mình với hoạt động giáo dục. Bởi lẽ, theo đuổi giáo dục bền vững không chỉ là cách thực hiện đam mê mà còn là cách cô gái ấy kết nối và lan tỏa những điều tốt đẹp đến mọi người, nhất là trẻ em - thế hệ tương lai của đất nước.

Nỗ lực không ngừng nghỉ

Hơn bốn năm trên chặng đường hoạt động xã hội của mình, Ngọc Anh đã trải qua biết bao kỷ niệm, cảm xúc thăng trầm nhưng mọi thứ chỉ thực sự khó khăn khi dịch bệnh ập đến…

Covid-19 khiến nhiều hoạt động bị đình trệ hoàn toàn, Ngọc Anh thừa nhận, có thời điểm sức khỏe thể chất và tinh thần của cô xuống rất thấp. Nhiệt huyết bỗng trở thành tảng đá vô hình đè trên ngực, khiến cô không ngừng trăn trở về các kế hoạch còn dang dở. Sau tất cả, cô bạn đã mạnh mẽ vượt qua và tiếp tục duy trì hoạt động.

Ngọc Anh tham gia dự án Second Chance ở Nam Phi thuộc chương trình Erasmus+ do Ủy ban Châu Âu tài trợ (Ảnh nhân vật cung cấp)

Ngọc Anh tham gia dự án Second Chance ở Nam Phi thuộc chương trình Erasmus+ do Ủy ban Châu Âu tài trợ (Ảnh nhân vật cung cấp)

Xuyên suốt mùa dịch, Ngọc Anh là cán bộ điều phối hoạt động cố vấn cho chương trình tình nguyện giáo dục Hyundai Jump School. Đây là chương trình thu hút sinh viên từ các trường đại học trên địa bàn Hà Nội đi dạy và tổ chức hoạt động cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, nhằm thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giáo dục. Cô tích cực làm cầu nối giữa các cố vấn đồng hành và sinh viên, hỗ trợ để các sự kiện, hoạt động diễn ra trơn tru và hiệu quả.

“Trẻ em được hỗ trợ trong chương trình có hoàn cảnh khác nhau như: Trẻ mồ côi hoặc từng chịu bạo lực gia đình; trẻ khuyết tật; nạn nhân chất độc da cam; trẻ đến từ các gia đình không có điều kiện... Chúng mình sẽ đến chia sẻ kiến thức, kỹ năng sống và trò chuyện cùng các em. Thời gian thành viên chương trình gắn bó với các em khá lâu. Mỗi bạn sẽ phụ trách 3 - 4 em trong suốt 10 tháng liên tiếp, ít nhất 4 tiếng mỗi tuần chưa kể thời gian chuẩn bị giáo án, lên kế hoạch hoạt động... Chính vì vậy, tình cảm của các bạn đối với các những học trò nhỏ của mình rất lớn”, cô gái với đôi mắt biết cười tâm sự.

Trong lễ tổng kết chương trình, video do ban tổ chức thực hiện gồm những lời nhắn nhủ của thầy cô, cán bộ và trẻ em tại điểm dự án được gửi tới các sinh viên tình nguyện đã khiến trái tim mọi người ngập tràn yêu thương và xúc động. "Em không còn sợ việc học như trước nữa!"; "Em được điểm 8 môn tiếng Anh đấy! Chị ơi, chị có vui không?"; "Em mong sớm được gặp lại chị. Chị nhớ giữ gìn sức khỏe!"... Tất cả những tình cảm ngây thơ và trong sáng ấy sẽ trở thành ký ức đẹp trong lòng mỗi bạn trẻ.

Giáo dục đúng cách - chìa khóa cho cuộc đời hạnh phúc

Chia sẻ về lý do đặc biệt quan tâm tới giáo dục, cô bạn trẻ cho biết: “Theo mình, giáo dục đúng cách chính là chìa khóa cho cuộc đời hạnh phúc. Giáo dục không chỉ là học giỏi ở trường lớp mà còn có hiểu biết thực tiễn ngoài xã hội, biết yêu thương và nhận thức rằng mỗi người đều có tiềm năng vô hạn nếu hiểu và khai thác được bản thân… Mình đang không ngừng nỗ lực để góp phần thay đổi thực tế này”.

Phạm Ngọc Anh với nụ cười luôn nở trên môi (Ảnh nhân vật cung cấp)

Phạm Ngọc Anh với nụ cười luôn nở trên môi (Ảnh nhân vật cung cấp)

Những ngày cuối tháng 10, cô bạn vừa trở về từ Hà Giang sau khi thực hiện một dự án cho trẻ em. Chỉ vỏn vẹn bốn ngày ba đêm nhưng Ngọc Anh đã thấm thía những khó khăn về đời sống và giáo dục của các em nhỏ vùng cao.

“Mục đích chính chúng mình tới Hà Giang là tổ chức summer camp (đáng ra là vào tháng 7) cho các em nhỏ trong chương trình bảo trợ của GTV - tổ chức phi chính phủ của Ý. Summer camp năm nay có chủ đề "Chất lượng giáo dục - Giáo dục cho sự phát triển bền vững", tổ chức ở 3 điểm trường thuộc xã Tả Nhìu, xã Nấm Dẩn và thị trấn Cốc Pài, đều thuộc huyện Xín Mần.

Cơ hội được tiếp xúc trực tiếp với các em nhỏ và người dân địa phương dù không nhiều nhưng đã để lại cho chúng mình nhiều cảm xúc. Vẫn còn đó rất nhiều khó khăn, chúng mình hy vọng các em nhỏ sẽ được hỗ trợ nhiều hơn, được đi học để có tương lai tươi sáng”.

Ngọc Anh khiêm tốn bày tỏ, ước mơ giáo dục toàn diện, công bằng và bền vững cho trẻ em là vô cùng to lớn nhưng những điều cô thực hiện được chưa đáng kể. Mong muốn của cô bạn là giúp đỡ được nhiều người hơn nữa, cả trực tiếp và gián tiếp, để rồi nhận lại được niềm vui vô bờ khi các em được học điều mới, hay chỉ đơn giản là có thêm cơ hội để trang trải cuộc sống...

"Luôn có điều gì đó có thể làm tốt hơn" là tâm niệm của cô khi thực hiện bất kỳ một dự án nào. Đối với cô, chỉ không ngừng học hỏi mới là cách tốt nhất để hiện thực hóa giấc mơ.

Nguồn: [Link nguồn]

Thông thạo 4 ngoại ngữ, cô gái dạy tiếng Anh miễn phí cho người Việt tại Singapore

“Mỗi con người sinh ra trên đời đều mang trong mình một ý nghĩa về cuộc sống chứ không phải chỉ là tồn tại…” và...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thùy Dương ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN