Câu chuyện cuối năm: Cái Tết của đôi vợ chồng già chạy thận

Không khí xuân đã tràn ngập trên từng nẻo đường, góc phố, mọi gia đình đều sum vầy, quân quần trong căn nhà của mình để đón những khoảnh khắc giao mùa. Thế nhưng, với một cặp vợ chồng già tại bệnh viện, dường như Tết vẫn còn ở rất xa…


Không biết từ bao giờ, khu dân cư tại ngõ 4, đường Phương Mai (quận Đống Đa, Hà Nội đã được gọi là xóm “chạy thận”. Cả xóm toàn những người bị bệnh tật, quê xa và cùng cảnh nghèo khó quây quần sống gần nhau, thêm chút hơi ấm tình người.

Ông là người đàn ông tốt bụng, đáng thương, thương binh hạng nặng sau cuộc chiến tranh giữ nước, bà - người phụ nữ tần tảo sớm hôm chịu thương chịu khó, những mong sẽ có người chăm sóc, đỡ đần và xây dựng hạnh phúc gia đình bền lâu.

Câu chuyện cuối năm: Cái Tết của đôi vợ chồng già chạy thận - 1 Ông Hồng và bà Minh ở xóm chạy thận.

Ông là Bùi Văn Hồng quê ở xã Hồng Tiến, Kiến Xương, Thái Bình, ông đi bộ đội và bị giặc bắn bị thương nặng ở gần tim. Trở lại quê hương sau những ngày chiến tranh gian khổ, nhờ mai mối ở nhà, ông gặp bà là Nguyễn Thị Minh. Theo tục "bố mẹ đặt đâu con ngồi đấy", ông bà nên duyên vợ duyên chồng. Đến với nhau không phải bằng tình yêu nhưng chính sự quan tâm chăm sóc của bà Minh dành cho ông Hồng, ngày qua ngày, ông bà đã đem lòng thương mến nhau.

Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ ban đầu hết sức khó khăn nhưng cả hai người đều chịu khó kiếm tiền. Rồi bà sinh cho ông hai người con gái trong niềm hạnh phúc vỡ òa. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Bà bắt đầu than mệt mỏi thường xuyên, người sút cân.

Sau thời gian đó, bà bị bệnh tật liên miên, ban đầu là căn bệnh viêm cầu thận hoành hành hơn chục năm rồi lại tiếp tục chiến đấu với căn bệnh tiểu đường 12 năm, giờ là suy thận giai đoạn cuối. Căn bệnh khiến bà phải đến hết viện này đến viện nọ để điều trị. Bao lần vì không có tiền, bà bỏ lửng việc chữa bệnh khiến cho bệnh tình ngày càng nặng hơn.

Đến cuối năm 2011, đầu 2012, bà phải lên Bệnh viện Bạch Mai chạy thận thường xuyên. Từ người chăm sóc cho chồng, bà được đổi vai thành người được chồng chăm sóc. Thế rồi nghèo lại càng nghèo, khổ lại càng khổ. Bà chia sẻ: “Ban đầu, tôi vẫn còn khỏe, mỗi lần chạy thận chỉ cần có ông ấy ở đây một vài ngày. Ông ấy cứ lên bệnh viện rồi lại về quê chạy vạy tiền”.

Những ngày đầu ở  bệnh viện Bạch Mai, ông còn khỏe, còn đẩy bà dọc theo những hành lang đi hóng gió để được khuây khỏa, quên đi những cơn đau. Sau này, khi cái tuổi nó đuổi xuân đi, công thêm việc di chứng do chiến tranh để lại, ông bị yếu hơn nhiều, rồi khi chăm sóc bà mệt quá ông cũng phải về bệnh viện tỉnh để chạy chữa, khi ấy con cái phải lên thay bố chăm mẹ. Cuộc sống gia đình bà vốn khó khăn lại nhân lên bội phần. “Cảnh nghèo, vợ chồng tôi phải sống nương nhờ xóm trọ, nương nhờ bệnh viện”, bà bùi ngùi kể lại.

Câu chuyện cuối năm: Cái Tết của đôi vợ chồng già chạy thận - 2

 

Nhiều đêm chạy thận về đau đớn không ngủ được, ông thường xuyên xoa bóp nắn tay cho bà.

Bà bảo, nhiều lúc, bà cũng không thiết sống nữa, sống mà làm khổ chồng làm khổ con...thì sống làm gì. Nhưng chính những lúc đó, ông luôn bên bà, an ủi động viên bà, bảo bà phải cố gắng ăn nhiều cho khỏe, bởi cuộc sống giờ là "còn nước thì còn tát".

 

"Nhớ những hôm trời mưa, đưa vợ đi chạy trên viện về, hai thân già lèo khèo đỡ nhau trên con đường nhỏ trong xóm trọ, ông ấy vội lấy cho tôi cái mũ trên đầu ông ấy và đội nó lên đầu tôi, ông ấy bảo tôi phải sống thật lâu, phải thật khỏe mạnh,.. dù có thế nào cũng không được đi trước ông ấy.

Rồi cũng có lần, tôi ốm đau mệt mỏi không ăn được cơm, ông ấy mắng tôi: "Mày mà không nghe lời tao, tao bỏ về quê luôn. Cánh cửa này khép lại thì cánh cửa khác sẽ mở ra chứ sao mày lại không ăn". Giận mà thương, thương mà giận, nói vậy chứ ông ấy cũng chẳng bỏ tôi mà về quê như thế bao giờ." - bà Minh mắt ngấn nước kể lại.

Đang thời gian giáp Tết, bà Minh chia sẻ: “Năm nay nhà tôi không có Tết. Ngày 30 và mồng 2, tôi chạy thận, không về quê đón Tết với con cháu được. Nghĩ mà buồn tủi quá, năm ngoái Tết trùng vào cuối tuần, tôi còn về được 3 ngày.” Chi phí cho mỗi lần mổ cũng rất lớn. Có người mổ 1 lần 20 năm chưa phải làm lại, còn bà 2 năm đã phải phẫu thuật 6 lần. Mổ nhân tạo lần đầu tốn cả chục triệu, còn chưa kể chi phí những lần sau.

Cái nghèo, cái khó và cả bệnh tật cứ bám lấy những con người khốn khổ, song chẳng vì vậy mà họ mất đi niềm vui sống. Đôi vợ chồng già ông bà Minh - Hồng cũng như những người khác trong xóm chạy thận tuy mang trong mình nỗi đau bệnh tật, nhưng họ vẫn luôn cùng nhau sinh sống, cùng nhau chia sẻ trong không gian chật hẹp của một căn phòng.

Ngày Tết cận kề, trong khi nhà nhà sum vầy, chúc nhau sức khỏe, an khang thì họ vẫn miệt mài mưu sinh, chiến đấu với bệnh tật.  Ngay cả một bữa cơm Tất niên ấm cúng, đoàn viên cùng gia đình, với ông bà cũng rất khó khăn. Nhưng họ tự hào, họ vẫn là con người có ích, không bị bệnh tật quật ngã. Họ vẫn mạnh mẽ bước tiếp, dù biết con đường đó chẳng còn quá dài...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Liên ([Tên nguồn])
Tết Nguyên đán 2016 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN