Vụ Tàng Keangnam: Luật sư chỉ định cho “ông trùm” không đủ điều kiện bào chữa

Theo dự kiến, ngày 14/7 tới, vụ án Tráng A Tàng (tức Tàng Keangnam, 32 tuổi, trú tại tập thể Nông trường Mộc Châu, Sơn La) cùng 11 bị cáo khác sẽ được Tòa án Nhân dân tỉnh Bắc Ninh đưa ra xét xử về tội “Mua bán,vận chuyển trái phép chất ma túy”. Tuy nhiên, nguồn tin của phóng viên cho biết, phiên xử này chưa thể diễn ra như dự kiến và hiện vẫn chưa có lịch xử cho vụ án này.

Luật sư không đủ điều kiện hành nghề

Theo đó, phiên tòa xét xử Tráng A Tàng cùng 11 bị cáo liên quan về tội “Mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy” phải tạm hoãn vì trùm ma túy chưa có luật sư bào chữa. Cụ thể, trong giai đoạn điều tra và cho tới khi vụ án chuẩn bị đưa ra xét xử, một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội đã được các cơ quan tiến hành tố tụng cấp giấy chứng nhận bào chữa cho Tráng A Tàng, theo diện luật sư chỉ định. Tuy nhiên, cho tới tận sát ngày mở phiên tòa, Tòa án Nhân dân tỉnh Bắc Ninh mới phát hiện vị luật sư này không còn là thành viên ở bất cứ đoàn luật sư nào nữa. Như vậy, tuy trước đó vị luật sư này đã được cấp giấy chứng nhận bào chữa cho Tàng nhưng vào thời điểm phiên tòa được mở thì đã không còn đủ điều kiện hành nghề.

Vụ Tàng Keangnam: Luật sư chỉ định cho “ông trùm” không đủ điều kiện bào chữa - 1

Đối tượng Tráng A Tàng tại cơ quan điều tra. Ảnh: TL

Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, luật sư Dương Kim Sơn (Giám đốc Công ty Luật Minh Sơn, thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: Về nguyên tắc, một luật sư ngoài việc được cấp chứng chỉ hành nghề của Bộ Tư pháp thì phải đảm bảo các yếu tố khác mới được phép tiến hành các hoạt động nghề nghiệp. Trong đó, có một quy định rất rõ, luật sư đó phải là thành viên của một đoàn luật sư. Nếu luật sư này hoạt động độc lập thì phải đăng ký hoạt động độc lập hoặc phải làm việc trong một công ty luật…

Theo Khoản 2, Điều 57 Bộ luật Tố tụng hình sự, trường hợp bị cáo bị truy tố về tội danh có mức án cao nhất là tử hình thì bắt buộc phải có luật sư bào chữa trong quá trình xét xử vụ án. Với trường hợp của Tráng A Tàng, đối tượng này bị Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bắc Ninh truy tố với tội danh mà khung hình phạt cao nhất là tử hình nên bắt buộc phải có luật sư bào chữa tranh tụng tại tòa. Việc không có luật sư đã khiến Tòa án Nhân dân tỉnh Bắc Ninh phải quyết định tạm hoãn phiên xét xử Tráng A Tàng cùng đồng phạm.

Ủy quyền cho Tòa án Nhân dân tỉnh Bắc Ninh xét xử

Vụ bắt giữ Tàng Keangnam nằm trong một chuyên án do Cục Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy (C47, Bộ Công an) chủ trì. Vào 13h ngày 26/7/2013, tổ công tác của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy phối hợp với Công an tỉnh Bắc Ninh, Công an tỉnh Bắc Giang phát hiện 2 xe ô tô BKS 29C-125.79 và 29A-862.69 có biểu hiện nghi vấn. Tổ công tác đã tiến hành đuổi bắt đến địa phận xã Song Khê, TP Bắc Giang thì bắt giữ được 2 xe ô tô trên.

Kiểm tra chiếc ô tô do Tráng A Tàng, Tráng A Nếnh điều khiển, cơ quan công an đã thu giữ được 265 bánh heroin có trọng lượng 92.760,1g và 553 viên Methamphetamine có trọng lượng 51,5g. Cũng tại thời điểm này, cơ quan công an đã bắt giữ Giàng Thị Sua (vợ của Tàng) đang điều khiển chiếc ô tô còn lại.

Sau thời gian tích cực điều tra, cơ quan điều tra Bộ Công an đã thu thập được đầy đủ tài liệu, chứng cứ về hành vi của từng đối tượng trong vụ án. Cơ quan điều tra đã khởi tố và bắt tạm giam 12 đối tượng, ra quyết định truy nã đối với 6 đối tượng. Trong các đối tượng này, gia đình của Tráng A Tàng có nhiều người tham gia. Ngoài vợ chồng Tàng, còn có bố đẻ, bố vợ, anh trai Tàng, em trai của Sua…

Ngày 17/11/2013, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy đã ra kết luận điều tra Tráng A Tàng cùng đồng bọn mua bán trái phép chất ma túy xảy ra tại các tỉnh, thành phố: Sơn La, Hòa Bình, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang. Đến ngày 13/12/2013, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã tống đạt cáo trạng truy tố Tráng A Tàng cùng 11 bị can khác bị truy tố về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”, quy định tại Điều 194 Bộ luật Hình sự. Ngay sau đó, vụ án được ủy quyền cho Tòa án Nhân dân tỉnh Bắc Ninh tiến hành xét xử.

Về vấn đề này, luật sư Dương Kim Sơn cho hay, việc Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ủy quyền cho Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bắc Ninh và Tòa án Nhân dân tỉnh Bắc Ninh xét xử vụ án ma túy Tráng A Tàng là hoàn toàn hợp lý. Theo luật sư Dương Kim Sơn, việc này là để đảm bảo nguyên tắc xét xử hai cấp. Khi cơ quan điều tra Bộ Công an bắt giữ Tàng đã phối hợp với cơ quan điều tra công an các địa phương liên quan, trong đó có Công an tỉnh Bắc Ninh. Vì thế Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã ủy quyền cho Tòa án Nhân dân tỉnh Bắc Ninh xét xử. Luật sư Dương Kim Sơn cho biết thêm, với nguyên tắc xét xử hai cấp, việc ủy quyền xét xử thường được chuyển cho địa phương nơi xảy ra vụ án.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Sơn (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN