Vết trượt của cô sinh viên trường Múa

Nếu biến cố không xảy ra, sự ác nghiệt không chọn chính gia đình em để trút xuống thì chắc chắn tại cửa ngõ phía Đông của tỉnh Yên Bái, huyện Yên Bình hẳn sẽ vẫn bình yên như chính tên gọi của nó.

Gia đình em vốn là một gia đình khá giả. Bố làm nghề khai thác đá quý nên thu nhập cũng không đến nỗi nào. Ngôi nhà lúc nào cũng tràn ngập hạnh phúc và tiếng cười. Vậy mà, dông bão đã nổi lên….

Tai họa

Tai họa đã ập xuống gia đình em năm 1992, trong một lần sang huyện Trần Yên bên cạnh làm đá quý, bố đã không chiến thắng được bản thân để ma lực của “nàng tiên nâu” chế ngự…. Cô con gái lớn Trúc Q. cứ thế rành mạch kể về một quá khứ tuy chẳng thể nào quên về bi kịch của chính gia đình mình. Giờ đây gia đình cô đã vắng bặt tiếng cười, thay vào đó chỉ còn sự lạnh lẽo và cô đơn. Mất mát dường như là quá đủ. Trúc Q. kể lại: “Mẹ không biết bố dính vào thuốc phiện khi nào bởi bố thường xuyên đi làm xa, thi thoảng mới về nhà.

Mãi sau này khi bố đã nghiện nặng trở về nhà thì mọi chuyện mới vỡ lở. Những ngày đầu “làm bạn” với “nàng tiên nâu” bố còn tự kiếm tiền để hút chích nhưng sức khỏe ngày một yếu đi trông thấy. Đến khi sức lực không còn lao động được nữa, mỗi khi cơn nghiện trỗi dậy, để thỏa mãn là bố lại khuân trộm đồ trong nhà đi bán. Thế rồi mẹ em đã làm đơn ra tòa li dị. Giờ đây em mới hiểu, khi đó mẹ vẫn còn rất yêu bố nhưng sức chịu đựng của con người cũng có giới hạn, một mình mẹ cứ quần quật từ tinh mơ bảnh mắt đến khuya khoắt kiếm từng đồng nuôi gia đình, đầu óc lúc nào cũng quay cuồng, về đến nhà là người mẹ cứ lả đi như một cái xác không hồn, đôi chân như muốn khuỵu xuống. Bố thì cứ sểnh ra là mang đồ đi “đốt” sạch theo làn khói trắng. Sau khi bố mẹ li dị, em về ở với bố, còn cậu em trai thì ở với mẹ.

Những tưởng chia tay là một sự giải thoát cho mẹ nhưng chưa hết, khi không còn người chu cấp về kinh tế thì mọi thứ trong nhà cứ đội nón ra đi sau mỗi lần bố “phê” thuốc. Túng quá làm liều, để thỏa mãn cơn nghiện, bố đã gọi điện cho bà nội em yêu cầu đưa tiền nếu không sẽ bán em cho người khác. Giận con, thương cháu nên bà đã đưa tiền cho bố đi mua thuốc. Em bỗng dưng trở thành “vật thế thần” của bố để uy hiếp bà… Cứ để thế mãi không được, bà nội đã cách ly em với bố bằng cách gửi em xuống Hà Nội học. Còn bố, sống vật vờ bữa thiếu, bữa đói cộng thêm cơn nghiện hành hạ thể xác lẫn tình thần, năm 2001, bố em đã giã từ cuộc đời!”...

Mê hoặc


Nghe kể lại câu chuyện cũ, tôi tin cô bé Trần Thị Trúc Q. là một cô gái vững vàng và bản lĩnh. Bởi lẽ, sau khi được bà nội gửi xuống Hà Nội, dù mới 13 tuổi nhưng Q. đã thi đỗ vào trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Sau khi thi đỗ, học xa gia đình, trong sự mất mát nhưng nhờ đam mê và sự cố gắng nỗ lực của bản thân nên Q. đã đạt nhiều thành tích xuất sắc và được nhà trường chọn đi biểu diễn ở nhiều nơi.

Nhưng đúng 3 năm sau, biến cố lại xảy ra với gia đình Q. thêm một lần nữa mà lần này “nhân vật chính” lại là Q. Với một tuổi thơ đầy biến động khi chứng kiến bố nghiện, gia đình tan nát cũng làm ảnh hưởng nhiều đến suy nghĩ của một cô gái mới lớn cộng thêm cuộc sống thành thị phồn hoa với những cám dỗ, thị phi đầy rẫy sẵn sàng giăng lưới bất kỳ ai mà Q. cũng không phải ngoại lệ.

Năm 2004 đánh dấu bước ngoặt của cuộc đời Q. Thứ âm thanh chát chúa, dưới ánh sáng trang kim chập chờn nơi vũ trường đã hấp dẫn Q, mê hoặc Q. Không biết tự lúc nào Q thích lui tới những nơi chốn đó và lúc nào cũng muốn mình trở thành  nữ hoàng của cuộc chơi. Q. đã “bay” bằng những viên thuốc. Cám dỗ luôn là vậy!

Q. kể lại: “Em thường đi chơi với một tốp bạn khoảng hơn chục người. Mỗi lần đi chơi cả nhóm góp tiền lại để mua thuốc “cắn” và “bay”. Đến 2, 3 giờ sáng khi cơ thể mệt nhoài, đầu óc trống trơn, mắt đờ đẫn, mồ hôi túa ra thì cả nhóm mới ra về”. Trong cái thế giới “ảo”, thuốc lắc đưa người “chơi” nó đến với “niềm vui… ảo”, “niềm vui” sẽ dần cắm sâu vào tiềm thức và khiến người “chơi” muốn “chơi” tiếp để được khoái cảm. Cấp độ ngày một tăng, nó đúng với câu chuyện đã xảy ra với Q. Và để có cảm giác mạnh hơn nữa, Q. đã chuyển sang sử dụng heroin.

Vết trượt

Trong 2 năm từ 2004 đến 2006, Q. cũng không thể nhớ được đã có bao nhiêu đêm trắng “bay”, “lắc” điên cuồng dưới ánh đèn mờ và làn khói trắng. Cô vẫn gồng gượng đến lớp học tập bình thường, nhưng “hàng trắng” đã quật ngã cả tinh thần lẫn thể xác cô đến mức không còn đủ sức để theo học. Năm 2006, Q. bị lưu ban do nghỉ quá số tiết quy định của nhà trường sau 6 năm đứng trên đôi giầy múa.

Có khả năng và sức chịu đựng mãnh liệt, năm 2007, Q. tiếp tục thi và đỗ vào trường Cao đẳng Múa Việt Nam. Nhưng mọi cố gắng cũng chỉ duy trì được sau nửa năm theo học, ma túy và những cuộc chơi thâu đêm đã khiến Q. bị nhà trường đình chỉ học tập. Với suy nghĩ đã mất tất cả, Q. khăn gói trở về quê. Q. kể lại: “Em biết là mình đã giết mẹ lần thứ hai khi đi vào chính vết xe đổ của bố năm xưa. Khi biết chuyện mẹ vừa đắng cay vừa xót xa, nhiều lúc tủi hổ quá mẹ còn định bán nhà đi biệt xứ nhưng rồi lại thôi”. Kể từ khi trở về quê sống với mẹ, gọi là về nhà nhưng nhà chẳng khác nào nơi trọ khi mỗi tuần Q. về ngủ 1, 2 lần. Thời gian còn lại Q. cứ đi lang thang dặt dẹo theo đám bạn nay chỗ nọ, mai chỗ khác để tìm thuốc. Q. kể: “Trước đây ở dưới Hà Nội em toàn “phê” bằng cách đốt giấy bạc và chỉ thi thoảng mới “chơi hàng” nên không nghiện nặng lắm. Nhưng từ hồi về quê được bạn bè dạy cho cách chích ma túy thế là em chuyển sang dùng cách này và cũng chính vì chích thuốc nó ngấm trực tiếp vào máu nên em mới trở nên nghiện nặng”.

Thương mẹ, nhiều lần Q. cũng cố gắng nhốt mình trong nhà nhưng ý chí của nàng “Thiên Nga” bé nhỏ không thể chiến thắng được sức mê hoặc của “nàng tiên trắng”. Điều gì đến cũng sẽ đến, trong một lần Q. bỏ nhà đi tìm… thuốc, thì vào 2010, tổ Q  bị CA thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ bắt vì tàng trữ trái phép ma túy. Và bản án 24 tháng tù đã dành cho Q.

Phía sau song sắt

Cuộc đời mỗi người bị lật sang trang khác khi bước qua cánh cổng nhà tù. Tại Trạm giam Quyết Tiến, thuộc Tổng cục VIII, Bộ Công an, chúng tôi gặp Q. Gương mặt thanh tú, cặp mắt sáng tròn toát lên một ánh nhìn thâu suốt. Tiếc thay cho một cô sinh viên trường múa. Lẽ ra chỗ của Q. bây giờ phải là nơi sân khấu nhấp nhoáng ánh đèn với những tiếng vỗ tay khen ngợi của công chúng, lẽ ra cô đã được bay cao và tỏa sáng trên những thánh đường nghệ thuật. Chứ không phải ở chỗ này, nơi giam giữ cải tạo những phạm nhân.

Q. kể: “Những ngày đầu bị bắt do “đói” thuốc nên chân tay em cứ bủn rủn, người mệt rã rời, bên cạnh đó do đang ở ngoài tự do, thoải mái bỗng dưng bị gò bó một chỗ khiến người càng bứt rứt hơn. Nhưng được sự quan tâm chăm sóc của cán bộ trại giam nên khoảng hơn 1 tháng sau là em cắt được cơn nghiện và lấy lại thăng bằng, thậm chí còn tăng được cân”.

…Khi hồi tưởng về gia đình mình ngày xưa, đôi mắt Q. nhòe nước. Một nơi mà em nghe đủ tiếng cười của bố, của mẹ và cậu em trai đã là quá vãng. Ở đó có cả những nỗi xót xa về người bố đã đi xa: “Ngày đó bố đánh em nhiều lắm, có lần bố khóa cửa phía ngoài rồi tẩm xăng đốt nhà nhưng em đã may mắn thoát chết”; và còn cả nỗi ân hận với mẹ: “Mẹ em là một người phụ nữ thật bất hạnh khi lấy phải bố và sinh ra đứa con nghiện ngập như em, ngày trước em cũng giận bố lắm nhưng bây giờ ở trong hoàn cảnh đó em mới thấy thương bố hơn. Sau này ra trại em sẽ quyết tâm làm lại từ đầu để mẹ không phải mất đi một người thân nữa, em nghĩ mình sẽ làm được!”.

Tôi tin Q. bởi em có một người mẹ tuyệt vời ở bên. Ngày Q. phải đi thi hành án ở Trại giam Quyết Tiến không có tháng nào người mẹ ấy vắng mặt! Tôi tin Q. bởi cô sẽ biết vượt lên tất cả để tiếp tục cuộc hành trình. 24 tháng chấp hành bản án cũng là đủ để Q. hiểu được giá trị của cuộc sống. Chỉ cần biết đứng dậy khi lầm lỗi, làm lại không bao giờ là muộn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quân Trần (An ninh thủ đô)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN