Vết trượt của người đàn ông có 3 bằng đại học
Nhà nghèo phấn đấu có 3 bằng đại học nhưng y không giữ nổi mình trước quyền lực của đồng tiền.
Chết vì tham
Người đàn ông ấy là phạm nhân Vũ Xuân Đông, đang cải tạo tại trại giam Vĩnh Quang. Tích cực cải tạo, được giảm án 4 lần với thời gian là 2 năm 3 tháng, đến ngày 16/8/2013 là Đông mãn hạn. Còn hơn một năm nữa, Đông hồi hộp đếm ngược thời gian chờ ngày được đoàn tụ với vợ con.
“Tôi vốn có tính tham nên khi đi học bao giờ cũng muốn thu được kết quả nhiều hơn người khác và cũng chính vì cái tính tham lam ấy nên khi được tiếp xúc với đồng tiền, tôi đã trả giá đắt khi muốn chiếm hưởng những thứ không phải của mình”, Đông mở đầu câu chuyện về vết trượt sai lầm của mình như thế trong một buổi chiều nắng nóng khi tiếp xúc với chúng tôi.
Đông sinh năm 1972, trong một gia đình nghèo ở huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Cái nghèo khó của gia đình đã buộc anh thay vì bước chân vào đường đại học ngay từ năm đầu tiên rời ghế mái trường phổ thông bằng 3 năm đi lính. Đi bộ đội để kéo dài thời gian có kinh tế đi học, Đông đã không phụ công cha mẹ khi anh trở về, thi đậu liền lúc 2 trường ĐH là ĐH Giao thông vận tải và ĐH Kinh tế quốc dân. Đặt chân lên giảng đường, đêm đầu tiên Đông đã khóc vì sung sướng và cả một quyết tâm dù kinh tế gia đình có phập phù thì anh sẽ cố xoay sở để sự nghiệp học hành của mình đi đến đích.
Làm gia sư là công việc thích hợp với một người vừa có kiến thức, vừa chăm chỉ như Đông. Thế nhưng, anh còn khiến bạn bè ngạc nhiên và thán phục hơn nữa khi đã có trong tay 2 tấm bằng đại học loại khá, Đông còn thi thêm ĐH Luật với suy nghĩ đã làm kinh tế thì phải có kiến thức về luật để làm việc cho tốt hơn.
Không phải thời bấy giờ mà ngay cả bây giờ, một sinh viên sở hữu liền lúc 3 tấm bằng đại học loại khá luôn là niềm mơ ước của rất nhiều bạn trẻ. Với một hành trang như thế, Đông dễ dàng kiếm được việc làm ở những công ty lớn. Thời gian đầu, anh làm cho một tập đoàn của Đài Loan, hoạt động trong lĩnh vực bất động sản nhưng khi đã có một vị trí xứng đáng thì anh lại bỏ. Sang Công ty cổ phần Vigracera, Đông vẫn tiếp tục nghiệp kế toán của mình và chính tại cơ quan này, Đông đã đánh mất mình.
Nhanh nhẹn, nắm chắc nghiệp vụ kế toán lại có hiểu biết về pháp luật nên Đông được Giám đốc tin tưởng, trọng dụng. Thế nhưng, đúng lúc sự nghiệp đang lên như diều gặp gió thì cũng chính máu tham đã đẩy cuộc đời anh rẽ lối. Trước món tiền 800 triệu đồng của cơ quan, Đông đã thông đồng với thủ quỹ biển thủ khoản tiền này để rồi phải trả giá bằng mức án 11 năm tù.
Và một quyết tâm phục thiện
Khoác trên vai tội tham ô, Đông về trại giam Vĩnh Quang cải tạo trong sự tiếc nuối của rất nhiều bạn bè và đồng nghiệp. Nhiều bạn học và ngay cả bố mẹ và vợ anh đều không hiểu tại sao Đông lại dại dột đến vậy. Vợ con, nhà cửa đàng hoàng, công việc ổn định, anh lại không đam mê cờ bạc… thì đâu có cớ gì khiến Đông phải làm liều, vậy mà anh đã đánh đổi tất cả. Đông bảo: “Nhiều lúc nghĩ lại, ngay cả tôi cũng không hiểu được mình”. Anh không vòng vo, không biện minh cho sai lầm của mình mà chỉ lắc đầu tiếc nuối.
Thời gian đầu đi cải tạo, nghĩ tới chặng đường 11 năm sống cách ly gia đình, xã hội, Đông thấy chán nản, tuyệt vọng như kẻ không tìm thấy đường đi. Nhưng rồi thấy xung quanh có rất nhiều mảnh đời bất hạnh hơn mình mà người ta vẫn lạc quan về cuộc sống phía trước khiến anh phải nhìn nhận lại. Rồi sự động viên của người vợ, sự hiện diện của hai đứa con nhỏ mà mỗi lần lên thăm anh, người vợ lai mang theo đã vực dậy trong anh quyết tâm làm lại. Đông thấy mình thật yếu hèn nếu như rũ bỏ trách nhiệm một người chủ gia đình. Anh quyết tâm phục thiện, phấn đấu cải tạo và trong suốt quá trình cải tạo được 4 lần giảm án. Đông bảo mỗi lần nghe thông báo, biết thời gian ở trại của mình được rút ngắn, dù chỉ một ngày cũng vui lắm, huống hồ anh được giảm án tới 2 năm 3 tháng.
“Chỉ còn hơn 1 năm nữa thôi là tôi được ra trại, mừng nhưng cũng lo lắm”, Đông thành thật. Không được xét giảm án bởi số tiền tham ô chưa trả xong, những ngày còn ở trong trại giam, mỗi khi rảnh rỗi, Đông lại viết ra kế hoạch cho ngày trở về của mình. Đông bảo vợ anh tuy có thu nhập nhưng việc làm không ổn định, lại gánh vác việc nuôi dạy 2 con nhỏ, chăm sóc bố mẹ già nên Đông ân hận lắm. Cuốn nhật ký anh mang bên mình đầy ắp những dòng tự sự, nghĩ về cha mẹ và người vợ. Anh bảo ngày xưa lấy vợ vì yêu nhưng giờ thì ngoài tình yêu nguyên vẹn ngày nào, anh còn nể phục chị, chưa bao giờ hết thương chị. Ngày anh hầu Tòa, chị đang mang thai đứa con thứ hai nên khi nhìn thấy vợ đổ gục khi nghe Tòa tuyên án, Đông ân hận lắm. Hình ảnh đau khổ của vợ luôn xuất hiện trong tâm trí Đông khiến anh day dứt và cũng thêm có quyết tâm cho ngày trở về đoàn tụ.
Đông bảo biết là sau một thời gian dài ở trại, bắt nhập với cuộc sống là rất khó nhưng anh tin mình sẽ làm lại được. “Dẫu phải làm gì thì tôi cũng sẽ quyết tâm, cái giá của sự tham lam đã cho tôi một bài học xương máu nên tôi sẽ không lặp lại sai lầm nữa đâu. Ngày xưa tôi sống vì gia đình nhưng giờ mục đích càng rõ ràng hơn bởi tôi không thể để gánh nặng gia đình trên đôi vai gầy của vợ mãi như thế. Tôi phải làm phận sự của mình để lấy lại lòng tin trong gia đình và cả bạn bè”. Nghe anh nói, tôi tin anh sẽ làm được bởi anh từng là một người đàn ông vươn lên từ nghèo khó để có 3 tấm bằng đại học thì giờ đây sau những vấp váp của mình, anh sẽ đủ nghị lực để làm những việc có ý nghĩa hơn.