Ước vọng về nẻo thiện của tử tù được “tái sinh”!

Sự kiện: Tin pháp luật

Giây phút từ tử tù được ân giảm xuống chung thân, Trí hạnh phúc không thể diễn tả thành lời.

Vỡ òa khi được "tái sinh"

“Học hết lớp 7 rồi nghỉ học, tôi giao du với bạn bè, thường xuyên đi đánh nhau. Có lần, tôi bỏ nhà đi bụi đến 2 năm sau mới về, rồi chỉ trong mấy tháng sau lại vi phạm. Tất cả quãng thời gian nông nổi đó cũng chỉ vì tuổi trẻ chưa suy nghĩ được thấu đáo” - Đó là những lời tâm sự đầu tiên về một thời tuổi trẻ bốc đồng của phạm nhân Phạm Trí (SN 1978).

Với một quá khứ bất hảo và những chuỗi ngày quậy phá khi mới nhận án, Phạm Trí đã phải chuyển từ hết trại giam này đến trại giam khác, vẫn chưa xác định được tư tưởng. Đến khi được chuyển về trại giam Đắc Tân (bộ Công an) từ hơn 5 năm trước, Trí mới bắt đầu cảm nhận rõ nét vết thương mà mình đang mang lại cho gia đình, mong sớm được trở về chuộc lỗi với cha mẹ…

Sinh ra trong một gia đình có 7 người con tại Ninh Hòa (Khánh Hòa), Phạm Trí không những bỏ học ngang chừng, còn sớm lang bạt khắp nơi, theo đuổi cuộc sống bồng bột của tuổi trẻ. Đến năm 23 tuổi, vừa trở về sau hơn 2 năm “đi bụi”, Trí lại gây ra một lỗi lầm lớn, khiến anh ta phải rời xa gia đình thật lâu.

Theo đó, khoảng giữa năm 2001, khi nhận công việc “bảo kê” cho quán bia của người tình, lại thấy chính quyền địa phương thường xuyên phối hợp đến kiểm tra hành chính, Trí sinh ra thù ghét, nên đã có nhiều phản ứng. Đỉnh điểm, trong một đêm, Trí rủ đồng bọn núp ở bụi cây bên đường và xông vào tấn công lực lượng dân quân của thôn, cuối cùng, khiến 1 người tử vong.

Sau đó, Trí cùng 1 đồng phạm bắt xe, bỏ trốn lên Đắk Lắk, rồi hơn 1 tháng sau thì bị bắt theo lệnh truy nã.

Phạm nhân Phạm Trí đang cải tạo tại trại giam Đắc Tân (bộ Công an).

Phạm nhân Phạm Trí đang cải tạo tại trại giam Đắc Tân (bộ Công an).

Nam phạm nhân hồi tưởng: “Với tội Giết người và Cố ý gây thương tích, lúc nghe mình bị tuyên án tử hình, tôi có chút bủn rủn, vì nghĩ là mình sẽ không còn tồn tại nữa. Đêm nào cũng trằn trọc không ngủ được, chỉ chờ cán bộ đọc tên đi thi hành án mà lạnh toát cả người… Đón Tết đầu tiên phía sau những song sắt, lòng tôi vô cùng trống trải. Trong dòng suy nghĩ mịt mờ, lần đầu tiên tôi cảm thấy nhớ nhà, tôi gục mặt khóc suốt.

Khoảng 2 năm sau, trong một buổi chiều như bao ngày khác, một cán bộ xuống kêu tên “Phạm Trí!”. Tôi chỉ biết đi theo, vừa đi vừa dò hỏi, xem mình đang đi đâu.

Đến khi cán bộ tòa án đứng đọc quyết định ân xá xuống chung thân, tôi mừng không có cách nào tả được cảm giác lúc đó. Giống như mình được sống lại một lần nữa vậy. Sau đó, tôi được gọi điện về cho gia đình, vừa òa khóc vừa báo cho cha mẹ. Đến khi cha mẹ vào thăm tôi cũng ôm họ khóc rất nhiều…”.

Nghĩ tự tử mấy lần không được

Những tưởng, bước qua “ngưỡng cửa sinh tử” ấy, Phạm Trí sẽ cải tạo thật tốt để cha mẹ yên lòng. Nhưng, chỉ được vài ngày, anh ta lại tiếp tục nổi loạn.

“Trong lòng tôi bỗng nhiên lại xuất hiện những suy nghĩ rất tiêu cực, tôi cảm thấy mông lung khi nghĩ mình vẫn không có ngày về, thì liên tục quậy phá, vi phạm nội quy cải tạo, thậm chí, còn sử dụng đồ cấm trong trại. Đó cũng chính là lý do khiến tôi bị chuyển qua 4-5 trại giam khác nhau trong những tháng ngày đó. Các quản giáo nhắc đến tôi trong câu chuyện như một kẻ “bất trị”... Cứ như vậy, phải mất mấy năm, tôi mới được thức tỉnh”, anh ta rành rọt kể lại.

Đã không ít lần, nam phạm nhân này tự nhủ: “Thôi, chết đi cho rồi”, sau đó, tìm mọi cách để tự tử, nhưng đều bất thành. Cán bộ quản giáo cũng ngày càng quan tâm hơn và thường xuyên chia sẻ những câu chuyện tích cực, mở ra những tương lai trong hành trình cuộc đời của mỗi người, để Trí có thêm khát vọng sống, khát vọng làm lại cuộc đời.

Nam phạm nhân nghẹn ngào, đưa tay lau nước mắt khi nhắc đến cha mẹ già.

Nam phạm nhân nghẹn ngào, đưa tay lau nước mắt khi nhắc đến cha mẹ già.

Từ khi được giảm án xuống 30 năm tù giam, Phạm Trí bắt đầu nuôi lại những hy vọng, anh ta cũng mong cải tạo tốt để sớm ngày được trở về đoàn tụ bên gia đình.

“Cha mẹ giờ cũng đã gần 70 tuổi, cũng chẳng còn đủ sức khỏe để làm việc nữa. Mấy năm qua, cũng may là có mấy anh em chí cốt cùng bị bắt với tôi trước đây, sau khi hết án, trở về rồi cũng thường xuyên lên thăm tôi. Thậm chí, còn gửi tiền phụ giúp, chứ gia đình tôi khó khăn quá, lấy đâu ra tiền trang trải... Không chỉ nợ gia đình, tôi cũng nợ các anh em một cái ân”, người đàn ông 43 tuổi chậm rãi tâm sự.

Đón bao nhiêu mùa Xuân xa gia đình, cảm giác trong lòng Trí cũng dần trở nên chai lì, anh ta lý giải: “Ở cái tuổi này, tôi chẳng còn quá buồn tủi khi phải đón Tết trong này. Cũng không hẳn là tôi không mong một cái Tết đoàn viên trọn vẹn, mà có lẽ, với tôi, chỉ cần một bữa cơm quây quần, ấm áp là đã đủ hạnh phúc. Tôi mong ngày đó hơn rất nhiều!”.

Cõ lẽ, ngày Phạm Trí bắt đầu biết suy nghĩ cho gia đình, bắt đầu biết thương và lo lắng cho cha mẹ, cũng là lúc anh ta bước qua ngưỡng trưởng thành, sẵn sàng để làm lại cuộc đời sau khi rời khỏi cánh cổng trại giam kia.

Thương cha mẹ nhiều, nhưng chẳng biết làm thế nào…

“Tôi là anh trai trong gia đình mà đến từng này tuổi đầu, cha mẹ vẫn phải lo lắng. Những năm gần đây, cha mẹ bảo lên thăm nhưng tôi phải gạt đi, vì đường sá xa xôi, cả hai đều có tuổi rồi, đi lại có vấn đề gì thì tôi hối hận không kịp. Giờ đây, thương cha mẹ nhiều lắm, nhưng tôi đang trả án, cũng chẳng biết phải làm thế nào, ngoài việc chấp hành, cải tạo thật tốt. Nhiều lúc nhớ cha mẹ lắm, nhưng chỉ cần gọi điện về để nghe tiếng thôi là tôi đã mừng lắm rồi” - Phạm Trí chia sẻ.

Nguồn: [Link nguồn]

Khát khao tình mẫu tử của nam phạm nhân lãnh 15 năm tù vì giở trò đồi bại với bạn thân

Tuổi mới lớn, tò mò, Linh thường xuyên sử dụng điện thoại thông minh để xem “phim đen”. Theo năm tháng, những thước...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Hường - Thủy Tiên ([Tên nguồn])
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN