Triệt xóa thành công một tổ chức núp bóng công ty để “bán vịt giời”
Sau thời gian tiến hành xác minh, thu thập, củng cố chứng cứ, sáng 31/8/2023, Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Đồng Nai và Công an TP Hồ Chí Minh đã triệt xóa thành công một tổ chức lừa đảo núp bóng công ty kinh doanh bất động sản Lộc Phúc (số 34 Tiền Giang, phướng 2, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) do Nguyễn Văn An (sinh năm 1996) làm tổng giám đốc.
Khám xét khẩn cấp nơi ở và các địa chỉ mà Công ty này dùng làm nơi giao dịch, Cơ quan điều tra thu giữ hơn 2,4 tỷ đồng, 18 ngàn yên Nhật, 3,5 ngàn USD, 24,3 lượng vàng, 2 xe ô tô 4 chỗ ngồi, 5 xe ô tô loại 52 chỗ, 50 thùng tài liệu, nhiều máy tính, thiết bị điện tử có chứa dữ liệu liên quan đến hoạt động lừa đảo.
Vẽ dự án ma trên đất nông nghiệp để lừa đảo
Theo Trung tá Võ Nhật Hồng Phúc, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đồng Nai, thời gian gần đây, trực ban hình sự của đơn vị liên tiếp nhận được đơn thư cùng tin báo của người dân ở TP Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai với nội dung tố cáo Công ty Lộc Phúc, địa chỉ tại số 34 Tiền Giang, phường 2, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn lập dự án ảo trên đất nông nghiệp thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Bắt quả tang các đối tượng đang tổ chức sự kiện để lừa cán “dự án ma”.
Ngay sau khi tổng hợp, xác minh tính chính xác trong các đơn thư, thông tin trình báo, nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo, yêu cầu ban chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự xác lập chuyên án đấu tranh.
Chỉ sau ít ngày vào cuộc điều tra, các trinh sát đã xác định được nhóm đối tượng gồm Nguyễn Văn An (sinh năm 1996), Tổng Giám đốc Công ty Lộc Phúc cùng các tay chân đã thực hiện hành vi lừa đảo nhiều người. Tổ chức hoạt động lừa đảo này được dàn dựng hết sức tinh vi, có kịch bản phân công, phân cấp, phân vai rất chặt chẽ, cụ thể, chi tiết cho từng thành viên, phải bằng mọi cách để đưa nạn nhân vào bẫy do chúng giăng sẵn nhằm chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, Nguyễn Văn An và đám tay chân đã tự vẽ dự án ma, tự phân lô trên đất nông nghiệp ở huyện Trảng Bom, sau đó các đối tượng xua quân đi chụp hình ảnh một số căn nhà có thiết kế đẹp ở TP Hồ Chí Minh rồi đăng trên website của công ty và trang “Chợ tốt” để quảng cáo, mời gọi người mua. Khi có khách muốn xem nhà thì chúng hẹn ngày rồi gộp chung tất cả các khách đưa lên xe chở lên khu đất mà chúng lập dự án ma ở huyện Trảng Bom, sau đó sai đám nhân viên dùng lời đường mật dụ dỗ khách hàng đặt cọc. Giá thực của một lô đất nông nghiệp này chỉ khoảng vài trăm triệu nhưng chúng hét giá với khách từ 2 đến 3 tỷ đồng và nếu ai đặt cọc rồi mà sau đó biết là “dự án ma” thì cũng không thể nào rút tiền lại được...
Điều đáng nói là, trong số những nhân viên được công ty này thuê để lừa đảo khách hàng có rất nhiều em hiện đang là sinh viên.
Đêm 30/8/2023, nhận tin từ nhóm trinh sát ngoài hiện trường thông báo Công ty Lộc Phúc do Nguyễn Văn An đứng đầu tổ chức sự kiện mở “sàn giao dịch” để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại một “dự án ma” thuộc xã An Viễn, huyện Trảng Bom, các trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự được lệnh chia thành nhiều tổ phối hợp với các Phòng CSGT, Cảnh sát cơ động và Công an huyện Trảng Bom sẵn sàng chờ lệnh. Sáng 31/8/2023, khi Nguyễn Văn An cùng đám tay chân vừa triển khai tổ chức sự kiện thì các tổ công tác đồng loạt ập vào tóm gọn.
Đối tượng Nguyễn Văn An cầm đầu tổ chức lừa đảo.
Ngoài Nguyễn Văn An, các đơn vị phối hợp còn khống chế 122 nhân viên, 20 đối tượng được thuê giả làm khách hàng đưa về trụ sở lấy lời khai ban đầu. Ngay trong ngày, các trinh sát đã mời 43 khách hàng là nạn nhân của công ty này về Cơ quan Cảnh sát điều tra để cung cấp thông tin về bọn lừa đảo, đồng thời một tổ công tác khác đã lên đường phối hợp với Công an TP Hồ Chí Minh tiến hành khám xét trụ sở Công ty Lộc Phúc.
Qua khám xét, cơ quan điều tra thu giữ hơn 2,4 tỷ đồng, 18 ngàn yên Nhật, 3,5 ngàn USD, 24,3 lượng vàng, 2 xe ô tô 4 chỗ ngồi, 5 xe ô tô loại 52 chỗ, ngoài ra còn thu giữ 50 thùng tài liệu, nhiều máy tính, thiết bị điện tử có chứa nội dung thông tin liên quan đến hoạt động lừa đảo.
Thuê sinh viên, diễn viên quần chúng diễn chiêu lừa
Theo lời khai của Nguyễn Văn An và đám tay chân, sau khi dịch bệnh qua đi, thị trường bất động sản bắt đầu ấm trở lại. Một số đối tượng làm ăn chụp giật liên kết với đám cò tạo cơn sốt đất ảo ở Lâm Đồng, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước... khiến thị trường hỗn loạn, giá đất tăng chóng mặt từng ngày và những người dân có chút tiền tiết kiệm cũng nhấp nhổm muốn tham gia lướt ván kiếm chút tiền... dưỡng già.
Nhận thấy đây là cơ hội kiếm chác, tháng 6/2022, An bàn với đám tay chân dựng lên kịch bản lừa đảo thông qua chính Công ty Lộc Phúc do An lập ra với ý đồ tranh thủ gom món tiền lớn rồi cho phá sản, chạy trốn.
Để thực hiện các quy trình theo kịch bản lừa đảo đã dựng lên, An lệnh cho thuộc cấp trong công ty tuyển mộ hàng trăm sinh viên làm thêm, sinh viên thực tập làm nhân viên cấp dưới. Tuyển xong thì hướng dẫn họ vào các trang mạng xã hội tìm những căn nhà đẹp ở TP Hồ Chí Minh chụp ảnh, đăng trên website của công ty và trang web “Chợ tốt” để giới thiệu bán. Khi có người muốn tìm hiểu để mua nhà, các sinh viên sẽ ghi lại thông tin cá nhân, số điện thoại rồi giao lại cho bộ phận nhân viên cấp trên sử dụng sim rác điện thoại mà An và đám tay chân mua hàng loạt từ trước liên lạc lại với khách hàng hẹn ngày giờ đi xem nhà, đối với mỗi khách hàng sẽ chỉ sử dụng 1 sim riêng và nếu lừa được rồi thì hủy. Khi khách hàng yêu cầu được đi xem nhà ở TP Hồ Chí Minh, các đối tượng hẹn họ đến một quán cà phê đã định trước, rồi đưa họ lên xe ô tô 52 chỗ ngồi, kéo rèm che kín xe và tổ chức trò chơi có thưởng để khách tưởng mình đang được chở đi xem nhà nhưng thực chất bị các đối tượng ép buộc phải đi xem đất tại các “dự án ma”.
Cơ quan điều tra thu giữ tài liệu liên quan đến hoạt động lừa đảo tại trụ sở Công ty Lộc Phúc.
Nhằm tạo thêm sự tin tưởng cho các khách hàng, An cùng đồng bọn còn thuê những người thất nghiệp có lòng tham, những người chuyên đóng vai quần chúng của những bộ phim truyền hình, để bố trí cho ngồi sẵn trên xe ô tô mà chúng chuẩn bị đưa khách đến “dự án ma”. Những người được thuê này cầm tiền của công ty đưa cho giả làm người mua bất động sản rồi tìm cách tạo sự gần gũi, đồng cảm nhằm lôi kéo, dụ dỗ khách hàng cùng tham gia giao dịch. Khi đến dự án, mỗi khách hàng sẽ được hàng chục nhân viên, sinh viên vây quanh mời gọi, giới thiệu sản phẩm với giá trị cao gấp nhiều lần giá trị thực tế của lô đất, liên tục thúc ép nạn nhân đặt cọc và tác động tâm lý làm cho khách hoang mang không có sự lựa chọn nào khác. Cứ mỗi lần thúc giục khách đặt cọc thì nhân viên bán hàng lại ra ám hiệu để những “diễn viên quần chúng” ôm tiền chen vào đặt trước để làm mồi nhử rồi giả bộ ký vào phiếu thu và nhận chiết khấu. Ngay sau đó, “diễn viên quần chúng” quay sang kích thích, động viên khách hàng bằng những câu như: “Tranh thủ đặt ngay để kiếm chút lợi nhuận chứ chậm là mất cơ hội... Mà tiền tiết kiệm gửi ngân hàng cũng chỉ có chút lãi còm, chẳng ăn thua... Mua đi anh, chị...”.
Với các chiêu trò này, chúng nhanh chóng thu hút được các khách hàng quan tâm, hào hứng. Sau khi đặt cọc và viết biên nhận, khách hàng được đưa lên một xe ôtô loại 7 chỗ và đi cùng “diễn viên quần chúng” về lại trụ sở công ty để tiếp tục diễn màn kịch lừa đảo. Tại đây, khách hàng tiếp tục bị nhân viên tư vấn tác động rằng nếu muốn ra giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy phép xây dựng trong vài tuần đến một tháng thì bà con đặt ngay thêm tiền cọc từ 60-70% giá trị giao dịch trên lô đất đó và một tuần trước khi ra công chứng phải thanh toán nốt số tiền còn lại.
Các nhân viên dưới quyền Nguyễn Văn An viết bản ghi lời khai ban đầu.
Chiêu trò này tuy cũ rích nhưng đánh trúng tâm lý khiến nhiều khách hàng tưởng thật nên mau chóng gom tiền nộp cho chúng. Trường hợp khách hàng phát hiện lô đất đó cao hơn giá trị thực tế, yêu cầu trả lại cọc, sẽ bị nhân viên từ chối. Một số khách hàng tuy nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không phải ở vị trí đã được công ty đưa đến xem, mà là một lô đất ở vùng sâu, vùng xa cách đó hàng chục cây số. Nếu khách hàng khiếu nại, tố cáo thì nhân viên trực tiếp giao dịch với khách hàng đó sẽ hủy sim rác và chặn liên lạc.
Cũng theo Trung tá Võ Nhật Hồng Phúc, qua điều tra ban đầu phát hiện, trung bình mỗi tháng, Công ty Lộc Phúc của Nguyễn Văn An đã tổ chức hàng chục chuyến, đưa hàng trăm khách hàng đến “dự án ma” để lừa họ mua đất, thu lợi bất chính trên dưới 20 tỷ đồng. Qua đây cũng kêu gọi khách hàng là nạn nhân của Công ty Lộc Phúc hãy đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai để cung cấp thông tin về các đối tượng lừa đào nhằm nhanh chóng hoàn tất hồ sơ xử lý nghiêm minh theo pháp luật, đồng thời bảo vệ quyền lợi cho bà con.
Ngoài ra, cũng đề nghị người dân nếu có nhu cầu đầu tư mua bán đất ở, nhà ở thật sự thì trước khi nhắm đến nền đất, nhà ở tại một dự án nào đó phải lên cổng thông tin hành chính công hoặc trực tiếp đến phòng tiếp dân của các cơ quan chức năng có liên quan ở cấp xã (phường), huyện (quận) để tra cứu thông tin pháp lý về dự án, về nhà ở để tránh bị lừa.
Nguồn: [Link nguồn]
Ngày 8-7, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình cho biết, đơn vị vừa làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của đối tượng Bùi Văn Tuấn (SN 1991) trú tại xã...