Tổng Giám đốc 2 công ty cấu kết, lập khống hồ sơ chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của ngân hàng

Sự kiện: Tin nóng

Phan Thị Hồng Vân (sinh năm 1976, trú tại 270A đường Điện Biên Phủ, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế)  - nguyên Tổng giám đốc của 2 công ty cổ phần (CTCP) Thủy điện miền Trung Việt Nam và Công ty Cổ phần Thương mại (CTCPTM) Đức Phương (đều có trụ sở tại đường Điện Biên Phủ, TP Huế) đã cấu kết với Giám đốc Phòng giao dịch chi nhánh ngân hàng VIB Trường Tiền (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) lập hàng loạt hồ sơ vay khống để chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của ngân hàng.

“Tay trong, tay ngoài” cấu kết lừa đảo

Theo hồ sơ vụ án, Lê Thị Lệ Hằng (sinh năm 1978, trú đường Đặng Huy Trứ, TP Huế), nguyên Giám đốc phòng giao dịch chi nhánh ngân hàng VIB Trường Tiền đóng tại TP Huế (Thừa Thiên Huế) được tín nhiệm giao cho quyền quyết định giải quyết các công việc quản lý kinh doanh tại VIB Trường Tiền và có thẩm quyền phán quyết hạn mức tín dụng độc lập và chịu trách nhiệm về các phán quyết của mình.

Phan Thị Hồng Vân tại phiên tòa xét xử sơ thẩm.

Phan Thị Hồng Vân tại phiên tòa xét xử sơ thẩm.

Lợi dụng sự tin tưởng của cấp trên, Hằng đã cấu kết với Phan Thị Hồng Vân (SN 1976), Tổng giám đốc CTCP đầu tư Thủy điện miền Trung Việt Nam và Tổng giám đốc CTCPTM Đức Phương có thủ đoạn gian dối lập hồ sơ vay khống chiếm đoạt của VIB số tiền hàng chục tỷ đồng để đầu tư các dự án. Điều đáng nói, vụ án dù xảy ra hơn 1 thập kỷ nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Cuối tháng 10 vừa qua, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với bị can Phan Thị Hồng Vân. Tuy nhiên, Lê Thị Lệ Hằng đã qua đời do mắc bệnh hiểm nghèo nên có một số nội dung trong cáo trạng cần phải làm rõ và hiện TAND tỉnh đã trả hồ sơ cho cơ quan điều tra…

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Thừa Thiên Huế, Phan Thị Hồng Vân là một trong những khách hàng được Lê Thị Lệ Hằng ký hồ sơ cho vay để cùng ăn chia theo tỷ lệ. Theo kết quả điều tra, từ tháng 4 - 6/2011, Hằng đã hàng chục lần làm hồ sơ vay vốn cho các cá nhân, đơn vị không có tài sản thế chấp, trong đó có Vân. Những sai phạm về cho vay trong hoạt động tín dụng xảy ra từ năm 2011, khi Hằng còn làm Trưởng phòng giao dịch tại Ngân hàng VIB. Cụ thể, theo thẩm quyền thì Hằng chỉ được độc lập duyệt cho vay tối đa 20 tỷ đồng nếu có tài sản đảm bảo giấy tờ có giá trị; tối đa 750 triệu đồng đối với tài sản đảm bảo khác. Để che đậy hành vi phạm pháp của mình, Hằng đã huy động vốn để bù vào những khế vay kể trên... Tuy nhiên, khế ước vay của các doanh nghiệp và cá nhân mà Hằng lập hồ sơ hoàn toàn không có tài sản thế chấp tại ngân hàng với giá trị vay hàng chục tỷ đồng.Tổng thiệt hại dư nợ Hằng gây ra cho chi nhánh ngân hàng tại Huế trên 40 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, căn cứ hồ sơ thực tế thu thập tại VIB Trường Tiền thể hiện, ngày 4/3/2011, Phan Thị Hồng Vân được Lê Thị Lệ Hằng duyệt cho vay 7,5 tỷ đồng với tài sản đảm bảo là tài khoản tiền gửi của CTCP Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (APEC) theo đề nghị cầm cố kiêm khế ước nhận nợ số 256/HĐCC1-VIB409/10 ngày 4/3/2011, thời hạn bảo lãnh đến 25/8/2011. Khoản vay này được Lê Ngọc Dũng (nguyên là nhân viên ngân hàng VIB) và Lê Thị Lệ Hằng vào hệ thống điện tử của VIB để giải ngân vào tài khoản trung gian của Ngân hàng VIB Trường Tiền với số tiền 7,5 tỷ đồng ngay trong ngày. Trên hợp đồng vay thể hiện thời gian bảo lãnh bị sửa chữa từ 7 ngày (từ ngày 4/3/2011 - 10/3/2011) thành 5 tháng 21 ngày. Lê Ngọc Dũng khai nhận, Dũng chỉ soạn hồ sơ vay, giải ngân vốn vay, quản lý hồ sơ, thu nợ theo yêu cầu của Hằng; Hằng là người tiếp xúc, ký kết hợp đồng vay với khách hàng.

Thời điểm đó, lãnh đạo CTCP APEC xác nhận hợp đồng bảo lãnh 7,5 tỷ đồng (từ ngày 4 - 10/3/2011), Công ty APEC có thực hiện theo đề nghị của Giám đốc VIB Trường Tiền (thông qua chi nhánh APEC tại Huế). Sau đó, hợp đồng này đã được thanh lý theo thông báo giải tỏa tài khoản Công ty APEC tại VIB Trường Tiền ngày 9/3/2011 (thông báo giải tỏa do Lê Thị Lệ Hằng ký). Ngày 9/3/2011, Hằng đã dùng 5,5 tỷ đồng từ tài khoản của Hằng để thu nợ cho khoản vay này. Khoản vay này còn dư nợ 2 tỷ đồng. Hằng đã lợi dụng sự tín nhiệm của VIB cấu kết với Vân có thủ đoạn gian dối, lập hồ sơ giả rút tiền của VIB chiếm đoạt 2 tỷ đồng và Hằng chuyển tiền cho Vân để đầu tư dự án.

Không có tài sản đảm bảo vẫn được vay hàng tỷ đồng   

Theo hồ sơ vụ án, có nhiều khoản vay do Phan Thị Hồng Vân đứng tên, dù không hề có tài sản cầm cố nhưng vẫn được Hằng “phù phép” giải ngân. Cụ thể, ngày 3/6/2011, CTCPTM Đức Phương do Vân đại diện ký hồ sơ vay 3,7 tỷ đồng tại VIB Trường Tiền.

Hồ sơ chỉ có 1 hợp đồng tín dụng số 332A/HĐCC1, trong hợp đồng thể hiện tài sản đảm bảo là tiền gửi cầm cố tại VIB trị giá 4 tỷ đồng nhưng không thể hiện rõ là tiền gửi của ai, không có hợp đồng cầm cố bảo lãnh, không có giấy đề nghị vay vốn, nhưng Hằng vẫn ký duyệt cho vay và giải ngân số tiền vào tài khoản của CTCPTM Đức Phương. Lúc đó, Phan Thị Hồng Vân, đại diện CTCPTM Đức Phương ký đóng dấu ủy nhiệm chi 3,7 tỷ đồng này vào tài khoản của Lê Quý Trung (trú tại phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế - là lái xe của Vân) ngay trong ngày và Trung đã rút, giao số tiền này cho Vân.

Thực tế kiểm tra trên hệ thống điện tử, cơ quan chức năng phát hiện, không có hợp đồng cầm cố tiền gửi nào thể hiện bảo lãnh cho khoản vay này. Nhân viên ngân hàng Lê Ngọc Dũng thừa nhận, khi nhận hồ sơ vay vốn từ Hằng để giải ngân khoản vay thì chỉ có hợp đồng tín dụng và yêu cầu cứ giải ngân, phân bổ tài sản đảm bảo là hợp đồng tiền gửi 3 tỷ đồng của 1 doanh nghiệp khác đang gửi tiền tại đây bảo sẽ bổ sung hợp đồng bảo lãnh sau nhưng thực tế không hề có bổ sung tài sản đảm bảo nào…

Tại kết luận giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, cho thấy kết luận chữ ký, con dấu bên vay trong hợp đồng tín dụng chữ ký của Phan Thị Hồng Vân và con dấu của CTCPTM Đức Phương. Vân thừa nhận đã ký vào hợp đồng 332A/HĐCC1 ngày 3/6/2011 nêu trên để giúp Lê Thị Lệ Hằng tăng trưởng doanh số, thừa nhận chữ ký trong ủy nhiệm chi là chữ ký của Vân, do Vân ký khống để sẵn tại nhà 270A Điện Biên Phủ thì bị mất. Vân thừa nhận đã nhận khoản tiền 3,7 tỷ đồng trong ngày 3/6/2011 nhưng cho rằng đây là tiền Hằng trả nợ (không có chứng từ chứng minh Hằng nợ Vân). Vân cho rằng không vay nên từ chối trách nhiệm trả nợ. Cơ quan điều tra cho rằng, Hằng đã cấu kết với Vân lập hồ sơ vay khống rút tiền của VIB chiếm đoạt số tiền gần 3, 7 tỷ đồng.

Vay 17 tỷ đồng được “ưu ái” duyệt lên 27 tỷ đồng

Về khoản vay 27 tỷ đồng đứng tên CTCP Thương mại Đức Phương ngày 21/6/2011, Vân đại diện công ty này đề nghị vay vốn kèm cầm cố tài sản và giấy nhận nợ (không số) thể hiện Công ty APEC đồng ý bảo lãnh cho Công ty CPTM Đức Phương vay 17 tỷ đồng tại VIB Trường Tiền, thời hạn vay vốn từ 5 ngày bị sửa chữa thành 3 tháng. Đề nghị đã được Hằng phê duyệt. Đồng thời, Hằng duyệt cho giải ngân vào tài khoản trung gian ngân hàng với số tiền 27 tỷ đồng (vượt 10 tỷ đồng và không vào tài khoản của CTCPTM Đức Phương).

Vụ án Phan Thị Hồng Vân bị truy tố về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” kéo dài hơn 1 thập kỷ vẫn chưa khép lại.

Vụ án Phan Thị Hồng Vân bị truy tố về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” kéo dài hơn 1 thập kỷ vẫn chưa khép lại.

Từ tài khoản trung gian ngân hàng, CTCPTM Đức Phương ủy nhiệm chi 15 tỷ đồng vào tài khoản Lê Quý Tr. (lái xe của Vân) mở tại 1 ngân hàng chi nhánh ở Quảng Bình; 12 tỷ đồng còn lại từ tài khoản trung gian của ngân hàng VIB được làm hợp đồng tiền gửi cho CTCPTM Đức Phương. Kiểm tra bảng kê tiền gửi trong ngày này có thể hiện tiền gửi 12 tỷ tiền đồng của CTCPTM Đức Phương được theo dõi bằng mã khách hàng và số Deal.

Trong hồ sơ, Hằng đưa ra một loạt khách hàng có tiền gửi ký kết bổ sung hợp đồng bảo lãnh cho khoản vay 27 tỷ đồng nhưng thực tế những khách hàng này không hề bão lãnh cho khoản vay. Hằng thừa nhận trong hợp đồng này Hằng đã cắt dán sửa chữa thời hạn vay vốn 5 ngày thành 3 tháng để đối phó với Đoàn kiểm tra. Hằng cũng biết rõ trong ngày 21/6/2011, Phan Thị Hồng Vân đang ở Quảng Bình để ký kết dự án nhà máy xi măng Thanh Trường nên trước đó, Vân đã ký hồ sơ vay vốn, ký sẵn các ủy nhiệm chi, giấy rút tiền, giấy nộp tiền giao cho Hằng để Hằng tự thao tác chuyển khoản theo yêu cầu của Vân và tiến hành tự cân đối xử lý thu hồi nợ khi nguồn vốn dự án giải ngân về.

Vân thừa nhận đã ký sẵn nhiều chứng từ ủy nhiệm chi, giấy rút tiền, giấy nộp tiền theo đề nghị của Hằng để tiện giao dịch. Đối với hợp đồng tiền gửi 12 tỷ đồng của CTCPTM Đức Phương ngày 21/6/2011 do Vân ký, nhưng trong bảng kê chi tiết thông tin tiền gửi cầm cố cùng ngày thì không phải do Vân ký. Hợp đồng tiền gửi này cũng được dùng làm tài sản bảo lãnh cho Công ty TNHH DLTM Lê Phong ngày 21/6/2011, nhưng đến ngày 23/6/2011, Lê Thị Lệ Hằng đã tự dùng thẩm quyền của Hằng và các chứng từ Vân ký sẵn để tất toán hợp đồng tiền gửi để trả nợ. Hằng cho rằng do nguồn vốn dự án về chậm nên theo yêu cầu của Vân, Hằng tự tất toán để thu hồi các khoản nợ mà Hằng và Vân đã nợ người khác đến hạn.

Thủy điện - một trong những lĩnh vực mà Phan Thị Hồng Vân từng đầu tư kinh doanh.

Thủy điện - một trong những lĩnh vực mà Phan Thị Hồng Vân từng đầu tư kinh doanh.

Theo cơ quan điều tra, qua thu thập trong tin nhắn thể hiện rất rõ sự trao đổi, bàn bạc giữa Vân và Hằng. Hằng nhắn với Vân là: “Đang thật cố gắng bình tĩnh đây kẻo lúng túng sợ bị nhân viên nó biết”, tin nhắn ngày 23/6/2011 còn thể hiện Vân nhắn cho Hằng là “Sau khi có tiền, bạn dùng giấy rút tiền Vân đã ký rút hết tiền ra”... Tất cả điều này cho thấy Vân và Hằng có sự cấu kết chặt chẽ với nhau, gian dối tìm mọi cách chuyển dịch một cách bất hợp pháp tài sản của ngân hàng để chiếm đoạt. Theo cơ quan điều tra, hành vi của Hằng và Vân đủ yếu tố cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Cặp “bài trùng” lừa đảo Hằng - Vân vốn là bạn bè thân thiết, do có ý định chiếm đoạt tiền của ngân hàng nên đã bàn bạc, thỏa thuận từ trước. Vân, với vỏ bọc là Tổng giám đốc 2 công ty lớn, dù không có tài sản thế chấp nhưng vẫn ký khống hồ sơ vay và được giải quyết. Liên quan đến vụ án này, cơ quan điều tra xác định đối tượng Vân đã giúp sức đắc lực cho Hằng chiếm đoạt tiền của Ngân hàng VIB. Để tạo sự tin tưởng, trong mỗi giấy vay Vân đều cam kết chấp hành đầy đủ các quy định hiện hành; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, hợp pháp của các nội dung thông tin cung cấp…

Theo đó, Vân đã nhiều lần vay với khế ước vay cao nhất là 27 tỷ đồng, khế thấp nhất là 1 tỷ đồng với tổng giá trị vay gần 40 tỷ đồng. Các đối tượng móc nối, ký khống khế ước vay chiếm đoạt của ngân hàng này hơn 40 tỷ đồng (chưa tính lãi). Sau mỗi lần trót lọt, Vân đều chia cho Hằng một nửa. Trong đó, Hằng lấy 20 tỷ đồng để trả nợ, tiêu xài cá nhân; Vân ôm 20 tỷ đồng đầu tư vào các dự án.

Cơ quan điều tra xác định, Hằng là đối tượng chủ mưu, cầm đầu và trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội. Tuy nhiên, do Hằng bị bệnh hiểm nghèo (đã qua đời) nên Cơ quan điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can. Còn Vân đồng phạm với vai trò giúp sức tích cực. Đối với Lê Ngọc Dũng, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế đã xét xử sơ thẩm Dũng về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và tuyên phạt Dũng 11 năm tù giam. Hiện, đối tượng Dũng đang thi hành án… Dư luận cũng đang mong chờ một bản án nghiêm khắc đối với Phan Thị Hồng Vân.

Nguồn: [Link nguồn]

Bắt giam nữ trưởng phòng của một ngân hàng lừa đảo 25 tỷ đồng

Nữ trưởng phòng của một ngân hàng bị khởi tố, bắt tạm giam do có hành vi lừa đảo chiếm đoạt 25 tỷ đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Anh ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN