Tội phạm tham nhũng: Nên cấm án treo

Tội phạm về tham nhũng ngày một gia tăng nhưng việc phát hiện loại tội phạm này chiếm tỉ lệ thấp.

Khi đưa các vụ án tham nhũng ra xét xử thì hình phạt áp dụng với người phạm tội chưa tương xứng với tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội mà họ thực hiện. Đặc biệt việc cho người phạm tội tham nhũng được hưởng án treo chiếm tỉ lệ khá cao làm xã hội hoài nghi vào hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Nhiều ý kiến đề nghị không áp dụng án treo đối với người phạm tội tham nhũng nhưng cũng có ý kiến cho rằng pháp luật phải công bằng, nếu họ có đủ điều kiện quy định tại Điều 60 BLHS thì vẫn phải cho họ được hưởng án treo; không áp dụng án treo đối với họ thì khác gì họ bị “tăng nặng” hai lần… Các học giả tranh cãi nhiều về án treo với người phạm tội tham nhũng nhưng dư luận luôn không hài lòng về việc tòa án cho nhiều người phạm tội tham nhũng được hưởng án treo.

Vấn đề đặt ra là có nên cho người phạm tội tham nhũng được hưởng án treo không và nếu không cho người phạm tội tham nhũng được hưởng án treo, có trái với quy định của BLHS và hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao?

Không phải đến giờ vấn đề án treo và tham nhũng mới được quan tâm mà cách đây vài thập niên, người dân đã nghi ngờ về tính nghiêm minh của pháp luật đối với người phạm tội tham nhũng. Lúc ấy, tổng kết công tác xét xử, chánh án TAND Tối cao kết luận: Đối với người phạm tội tham nhũng thì dứt khoát không được áp dụng án treo. Trường hợp đặc biệt, nếu tòa án áp dụng án treo thì phải báo cáo TAND Tối cao. Tuy nhiên, kết luận này phai nhạt dần theo năm tháng vì nó không phải là văn bản quy phạm pháp luật.

Còn hiện hành, theo quy định tại Điều 60 BLHS, khi xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù thì tòa án cho hưởng án treo. Còn theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, muốn được tòa án cho hưởng án treo, ngoài các điều kiện quy định tại Điều 60 BLHS, người phạm tội phải có nhân thân tốt, tức là ngoài lần phạm tội này họ luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân; chưa có tiền án, tiền sự; có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú cụ thể, rõ ràng. Như vậy, không có quy định nào hễ người phạm tội cứ có đủ điều kiện quy định tại Điều 60 BLHS và hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán là bắt buộc tòa án cho hưởng án treo. Việc người phạm tội có được hưởng án treo hay không là do hội đồng xét xử quyết chứ không phải là quy định bắt buộc dù họ có đủ “tiêu chuẩn” theo Điều 60 BLHS và hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.

Thực tiễn xét xử, nhiều tòa án đã quán triệt được tinh thần này nên dù bị cáo chỉ bị phạt sáu tháng tù, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có nhân thân tốt nhưng vẫn không được hưởng án treo. Tuy nhiên, không ít trường hợp có thể thẩm phán nhận thức chưa đúng về các quy định của BLHS mà cho rằng hễ người phạm tội hội tụ đủ các điều kiện theo luật định là cho hưởng án treo mà bỏ qua việc xem xét, đánh giá “có cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù hay không”.

Nếu người phạm tội có các tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 BLHS, trong đó có tình tiết phạm tội lần đầu và có nhân thân tốt mà tòa án không áp dụng đối với họ là trái pháp luật nhưng nếu các tòa án không cho người phạm tội tham nhũng được hưởng án treo, dù họ có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không những không trái pháp luật mà còn đáp ứng được yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay. Thiết nghĩ Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng cần thống nhất với TAND Tối cao hướng dẫn tòa án các cấp chấm dứt việc áp dụng án treo đối với người phạm tội tham nhũng cũng là một biện pháp góp phần đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này trong tình hình hiện nay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo ĐINH VĂN QUẾ (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN