Thức tỉnh
Họ cố làm ra vẻ lạnh lùng, bất cần khi phải trả lời thẩm vấn của HĐXX nhưng trước tình cảm ruột rà thiêng liêng và sự tha thứ của người thân, phần Người trong họ đã thức tỉnh...
Người phụ nữ gầy guộc, khắc khổ khóc ròng khi cầu xin HĐXX xem xét cho bị cáo cơ hội được sống. Nếu không theo dõi từ đầu, khó có thể nghĩ bà là mẹ nạn nhân, người đang mang nỗi đau mất cô con gái duy nhất.
“Xin lỗi mẹ, con biết lỗi rồi…!”
H.T.T (tự Tý, SN 1983, ngụ Long An) và chị N.T.K.G (SN 1990) yêu rồi cưới nhau vào năm 2006. T. làm phụ hồ còn chị G. ở nhà bán cà phê. Do công việc bấp bênh, chị G. xin làm công nhân tại Bến Lức và cũng từ đó, vợ chồng họ thường cãi vã do T. nghi ngờ vợ ngoại tình. Rồi trong một lần uống rượu say, nghe G. đòi đi làm ăn xa, T. đã dùng dây dù siết cổ vợ cho đến chết. Nhìn vợ nằm bất động, T. sợ hãi tự tử nhưng bất thành.
Ngồi lặng lẽ, đau đớn nghe T. trả lời thẩm vấn, khi được HĐXX hỏi đến, bà T.T.M (SN 1963, ngụ Tiền Giang, mẹ chị G.) lẩy bẩy đứng dậy, nghẹn ngào: “Biết là pháp luật đã có những khung hình phạt nhất định nhưng tôi vẫn mong tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho nó. Con tôi giờ đã chết, có xử nó tử hình cũng không làm con tôi sống lại được. Xin tòa cho nó cơ hội được sống, làm lại từ đầu…”.
Trong lá đơn kháng cáo gửi Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM, bà M. cho rằng mức án mà HĐXX sơ thẩm tuyên phạt T. là “quá nặng”. Bằng tình thương của người mẹ, bà đã viết những dòng chữ đau đớn nhưng đầy lòng nhân ái: “Là một người mẹ vừa mất con nên tôi biết và thấu hiểu sự mất mát ấy đau đớn như thế nào… Dù gì trước đây T. cũng có một thời gian khá dài là con rể của tôi, nếu T. lãnh án tử hình thì đó không chỉ là nỗi đau cho gia đình T. mà còn là nỗi xót xa cho tôi…”. Nghe những lời nói đầy bao dung, tha thứ của mẹ vợ, T. đã bật khóc.
Cuối cùng, HĐXX đã chấp nhận kháng cáo xin giảm án của đại diện hợp pháp người bị hại, tuyên phạt T. mức án tù chung thân về tội giết người.
Án tuyên xong, bà M. liền chạy đến bên cửa sổ, nước mắt lưng tròng nhìn con rể bị dẫn giải ra xe. Bước ngang qua mẹ vợ, đôi chân T. ngập ngừng rồi dừng lại: “Mẹ ơi! Con xin lỗi mẹ. Con biết lỗi rồi…”. Bà nhè nhẹ gật đầu. Từ lâu, bà đã tha thứ cho T. rồi.
“Nhớ lên thăm ba nghen con…!”
Mười bảy tuổi, N.T.Th (SN 1977, ngụ quận Bình Thạnh-TPHCM) đã có con nhưng rồi tuổi trẻ không quen chịu sự ràng buộc bởi trách nhiệm gia đình, Th. bỏ nhà đi. Trong thời gian sống bằng nghề chạy xe ôm, Th. quen biết và chung sống như vợ chồng với bà L.S.K (SN 1961), người đàn bà lớn hơn Th. 16 tuổi.
Quá trình chung sống, cả hai nảy sinh nhiều mâu thuẫn do Th. nghi ngờ bà K. không chung thủy. Trong một lần ghen cuồng, Th. đã lấy cây gỗ đánh liên tiếp nhiều cái làm bà K. gãy cả hai tay rồi thản nhiên lấy vàng của bà đem đi bán lấy tiền tiêu xài. Vô lý hơn, Th. còn 2 lần truy sát bạn của bà K. vì nghĩ người này xúi giục “vợ” bỏ mình. Với những hành vi trên, Th. bị truy tố cùng lúc 3 tội “Giết người”, “Cố ý gây thương tích” và “Cướp tài sản”.
Trong suốt phiên tòa, Th. luôn tỏ vẻ dửng dưng, lạnh lùng, không một lời xin lỗi người bị hại. Thái độ ấy dễ khiến cho nhiều người tham dự phiên tòa nghĩ rằng Th. không biết phục thiện. Cho đến khi HĐXX nghị án, cái vẻ lầm lì ấy biến mất. Th. cứ nhấp nhổm dõi mắt ra cửa tìm kiếm con trai lúc này đang tất tả đi photocopy giấy tờ liên quan với mong muốn giảm nhẹ phần nào mức hình phạt cho cha. Dường như đối với Th. lúc này, đứa con mà Th. chưa làm tròn trách nhiệm của người cha lại là “cái phao” duy nhất để anh ta biết mình còn có người thân.
Nhìn cha như vậy, con trai của Th. mếu máo với chúng tôi: “Là phận con, em thương và không trách giận ba. Dù không ở cùng nhưng ba vẫn thương em, lâu lâu có tiền là gửi về cho em…”.
Sau khi xem xét các tình tiết, TAND TPHCM xử sơ thẩm đã tuyên phạt Th. tổng cộng 18 năm tù giam. Nghe tòa tuyên án xong, con trai của Th. lao theo cha thét lên thất thanh: “Ba ơi, ba…”. Gương mặt Th. tái lại, khắc khổ và đau đớn. Ngoái đầu ra sau, Th. nghẹn ngào: “Ba xin lỗi. Con nhớ giữ sức khỏe, rảnh nhớ lên thăm ba nghen con…!” rồi lầm lũi bước đi. Hy vọng tình phụ tử sẽ giúp Th. biết sửa mình để sống có ích hơn.
Bị cáo H.T.T đã thoát án tử, được sống lại lần nữa nhờ tình thân và sự tha thứ. Còn bị cáo N.T.Th cuối cùng cũng nhận ra sống ở đời cần phải có trách nhiệm, nhất là đối với người thân của mình. |