Tên cướp sống 25 năm trên biển để trốn nã

Vướng vào vòng lao lý, thay vì “quay đầu là bờ”, Thỏa chọn cách trốn chạy để đổi lấy những tháng ngày tự do. Nhưng cho đến lúc bị bắt, Thỏa mới hiểu, 25 năm qua, sống dưới vỏ bọc một ngư dân để che giấu thân phận tù tội, gã chưa có lấy một ngày tự do trong tâm hồn.

Thay tên đổi họ, lập gia đình và có tới 4 mặt con, lấy chiếc tàu nhỏ và những chuyến ra khơi để qua mắt cơ quan điều tra, nhưng cuối cùng, Thỏa vẫn phải tra tay vào còng để trả giá cho tội lỗi đã gây ra.

Nỗi kinh hoàng của lái xe qua Đèo Ngang

Đoàn Văn Thỏa (SN 1970), quê tại xã Quảng Lộc, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình). Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, Thỏa đua đòi theo đám bạn xấu chơi bời, lêu lổng, thường xuyên quậy phá tưng bừng ở vùng giáp ranh giữa Quảng Bình và Hà Tĩnh.

Theo thông tin do cơ quan điều tra cung cấp về vụ án xảy ra cách đây 25 năm, khi đó, Đoàn Văn Thỏa mới 19 tuổi nhưng đã cầm đầu một nhóm thanh niên lêu lổng, gây ra nhiều vụ trộm cắp tài sản của ngư dân ở xã Quảng Lộc và “xin đểu” các lái xe ở khu vực Đèo Ngang. Năm 1989, sau một loạt vụ án nhóm đối tượng gây ra, cơ quan chức năng đã đặt nhóm Thỏa vào tầm ngắm. Lộng hành một thời gian, băng nhóm này cũng đã bị xóa sổ. Mức án nặng nhất 7 năm 9 tháng tù dành cho kẻ đầu tàu Đoàn Văn Thỏa, với ba tội danh Cướp tài sản, Công nhiên chiếm đoạt tài sản công dân và Trộm cắp tài sản. Thụ án tại Trại giam Đồng Sơn, đóng trên địa bàn TP. Đồng Hới (Quảng Bình) được gần ba năm thì Thỏa trốn trại.

Tên cướp sống 25 năm trên biển để trốn nã - 1

Đoàn Văn Thỏa ngày đầu trốn nã.

Tỉnh Bình Định là địa danh đầu tiên Đoàn Văn Thỏa chọn làm nơi ẩn náu. Tại đây, Thỏa lấy nghề đánh cá trên biển để tạo nên lớp bọc an toàn cho mình trước sự phát hiện của cơ quan chức năng. Nhưng với tâm trạng nơm nớp lo sợ luôn thường trực trong lòng kẻ trốn nã, 6 tháng sau, Thỏa tiếp tục trốn chạy ra đảo Phú Quốc. Không hiểu suy nghĩ thế nào, Thỏa lại tiếp tục quay về đất liền, đến tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, chọn xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc làm điểm dừng chân tiếp theo. Bình Châu vốn là một xã tập hợp nhiều người dân tứ xứ đến sinh sống lập nghiệp nên sự có mặt của một người lạ như Thỏa không có gì là đặc biệt đối với những người dân địa phương.

Dưới cái tên Lâm Trung Thành, với xuất xứ từ miền Bắc vào đây làm kinh tế, Thỏa lấy nghề đánh bắt cá xa bờ làm vỏ bọc an toàn suốt thời gian dài. Phần lớn thời gian của Thỏa gắn liền với biển và con tàu nhỏ. Thỏa rất ít khi về nhà. Hễ thấy động tĩnh hoặc có gì bất an, Thỏa lại dong buồm ra khơi. Với cách này, Thỏa đã sống yên ổn suốt nhiều năm trời.

Thế rồi Thỏa phải lòng chị Huỳnh Thị H. (SN 1978), một thiếu nữ bản địa, rồi kết duyên vào năm 1998. Tuy nhiên, kể cả khi đã có vợ con, lối sinh hoạt bám biển của Thỏa vẫn không thay đổi. Thỏa lấy cớ bận những chuyến ra khơi xa để ở lại trên thuyền nhiều hơn ở nhà. Cuộc sống cứ tiếp diễn thế suốt 10 năm sau đó, kể cả khi chị H. đã hạ sinh ba mặt con.

Khi kinh tế gia đình đỡ vất vả, nhiều lần, chị H. tâm sự nhỏ to với chồng nghỉ nghề đi biển lên đất liền làm ăn, để vợ chồng con cái được gần nhau nhiều hơn, nhưng Thỏa cứ gạt phắt đi. Thấy chồng chỉ trở về nhà lúc trời đã xẩm tối và ra đi khi mặt người chưa tỏ, người làm vợ như chị H. cảm thấy rất muộn phiền. Ban đầu, chị nghĩ chắc Thỏa chán mẹ con chị nên không muốn về nhà, nhưng dần dà với lối sinh hoạt lạ lùng của chồng, chị H. nảy sinh nhiều nghi ngại. Suốt những năm sống bên vợ con, Thỏa không dám mở miệng ra nói thật về quá khứ bất hảo, cũng như thân phận thật của mình cho họ.

Vào đầu năm 2008, một tối mùa đông, khi Đoàn Văn Thỏa trở về từ một chuyến đi biển lâu ngày thì gia đình bất chợt đón những vị khách không mời. Ấy là ban công an xã và một đồng chí Công an huyện Xuyên Mộc đến để kiểm tra hộ khẩu của Lâm Trung Thành (tức Thỏa) và những người trong gia đình. Mấy ngày sau, Thỏa vội vã bán nhà, chuyển vợ con về sống với bà ngoại ở xã Bưng Riềng, còn mình thì ở miết trên con tàu đánh cá. Thỉnh thoảng hắn mới mò về thăm vợ, nhưng cũng phải thật khuya, mọi người đã đi ngủ hẳn. Thời gian này, vợ Thỏa hạ sinh đứa con thứ tư.

Chuyên án đấu tranh bắt gọn tên cướp vượt ngục

Và điều gì đến sẽ đến, nỗi lo lắng thường trực trong Thỏa cũng đã thành sự thật. Một ngày đầu tháng 3/2014, gã bị bắt trở lại trước sự ngỡ ngàng của vợ con.

Ngày 5/5/2012, phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã xác lập chuyên án đấu tranh, truy bắt Thỏa. Nhờ những manh mối góp nhặt có được, cơ quan điều tra đã xác định được công dân Lâm Trung Thành chính là tội phạm trốn nã Đoàn Văn Thỏa. Tuy nhiên, việc vây bắt kẻ trốn nã này không dễ dàng gì khi chiếc tàu nhỏ - nơi Thỏa ẩn nấp thường xuyên ra khơi, mỗi lần cập bến cũng chỉ neo lại khoảng 2 – 3 ngày. Đến ngày 22/3/2014, Thỏa đã phải miễn cưỡng đến trụ sở Công an thị trấn Long Hải để làm việc. Sau một hồi quanh co, Thỏa đã phải thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

Tên cướp sống 25 năm trên biển để trốn nã - 2

Đoàn Văn Thỏa tại Trại giam Đồng Sơn.

Giờ đây, khi đã an phận trong Trại giam Đồng Sơn, Thỏa không còn xốc nổi, khao khát tự do mãnh liệt như tên tội phạm 19 tuổi ngày ấy. Nhưng, điều khiến Thỏa day dứt, trằn trọc trong những đêm khó ngủ là gia đình. Thỏa nói: “Suốt mấy chục năm chung sống với nhau, H. (vợ Thỏa) luôn là người phụ nữ khiến tôi nhất mực tôn trọng. Cô ấy là một người vợ, người mẹ tốt, vì gia đình. Cũng định nhiều lần mở miệng tâm sự với cô ấy về quá khứ tội lỗi của mình, nhưng tôi sợ cô ấy không cảm thông cùng, rồi tan cửa nát nhà nên đành chôn chặt trong lòng. Ngày bị bắt, tôi không dám nhìn thẳng vào mặt vợ và các con, chỉ lặng lẽ ra đi. Chuyện ấy chắc đã khiến H. rất sốc, nhưng tôi tin, vợ con sẽ tha thứ và chờ đợi mình. Suy nghĩ ấy giúp tôi có thêm quyết tâm cải tạo thật tốt, đợi ngày đoàn viên”.

Trong thời gian trốn chạy, ở quê, bố mẹ của Đoàn Văn Thỏa đều đã qua đời. Sau này, khi biết hung tin, Thỏa lấy hết can đảm để lén lút về thắp nén nhang cho đấng sinh thành xin tha thứ. Vào trại đã được gần hai tháng, Thỏa bắt đầu quen dần với lối sinh hoạt, lao động nề nếp của trại giam, nhưng thỉnh thoảng, hình ảnh con tàu đánh cá vẫn vương vấn trong nỗi nhớ nhung của phạm nhân này. Tâm sự thêm với người viết, gã bảo, từ khi về lại trại giam, những giấc ngủ của Thỏa đã thưa dần những cơn mộng mị. Tuy ở trong tù nhưng tâm hồn gã đã thấy tự do hơn...

25 năm chưa một giấc ngủ ngon

Ngồi trút lòng với tôi, gã không giấu giếm gì khi bảo: “Hồi mới được đưa về Trại giam Đồng Sơn, tôi luôn nung nấu quyết tâm trốn trại. Cứ nghĩ đến những tháng ngày tự do bay nhảy bên ngoài, một cuộc sống khép chặt trong cánh cổng trại giam khiến tôi cảm thấy tù túng, bức bí vô cùng. Trong một lần đi làm rừng, lợi dụng sơ hở của cán bộ quản giáo, tôi đã tìm cách trốn trại. Sau khi cắm đầu chạy thục mạng để ra được khỏi rừng, tôi tìm cách bắt xe vô tận Bình Định để ẩn náu. Thời gian gần 25 năm ấy đối với tôi mà nói thật dài. Tôi chưa một ngày thôi ám ảnh bởi nỗi lo sợ sẽ bị phát hiện và bắt giam trở lại. Bỏ chạy sống chui lủi để đổi lấy tự do, nhưng kỳ thực, chừng ấy thời gian tôi chưa bao giờ cảm nhận được nó. Có vợ con, nhà cửa mà không dám về, tôi cứ trốn mình trên chiếc tàu nhỏ. Thấy công an, người lạ là lại giật thột mình nơm nớp”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đời Sống & Pháp Luật
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN