Nỗi đau vụ chồng sắp cưới bị đâm chết

Vừa mới thấy dáng kẻ giết chồng sắp cưới, cô gái nhỏ nhắn đã liếc nhìn với ánh mắt sắc lẻm, sự oán giận đong đầy trong mắt. Không nói được với bị cáo, cô quay qua chì chiết, trách mắng chồng kẻ giết người.

Giữa cái nắng oi ả của những ngày cuối hè, hàng trăm người chen chúc nhau cố tìm một bóng râm để được nghe hết phiên xét xử kẻ giết người. Bước xuống từ xe đặc chủng, Nguyễn Thị Vàng (SN 1980, quê An Giang, ngụ Bình Tân, TP.HCM) dáo dác tìm người thân. Chị không thể ngờ một phút giây thiếu kiềm chế, chị đã tước đi những gì quý giá nhất của cuộc đời.

Vì đâu nên tội

Là con thứ trong một gia đình làm nghề nông, từ bé Nguyễn Thị Vàng đã sớm phụ giúp cha mẹ chăm nom nhà cửa. Tuy không xinh đẹp, mặn mòi như những cô bạn cùng trang lứa nhưng Vàng lại có vẻ chân chất, thật thà của riêng mình.

Học hết lớp 10, Vàng nghỉ học đi làm thuê lấy tiền nuôi em ăn học. Tuy nhỏ hơn Vàng 3 tuổi, nhưng thấy cô gái cần cù, chịu khó, Trần Thanh Hùng Em đã đem lòng yêu thương. Trong sự chúc phúc của người thân, Vàng và Hùng Em chính thức về làm người một nhà khi cô vừa tròn 19 tuổi.

Sau khi sinh hai đứa con, vợ chồng Vàng đi làm thuê, và mặc dù rất cố gắng nhưng số tiền công vẫn không đủ để lo cái ăn cái mặc cho 4 người. Vàng bàn với chồng lên TP.HCM với hy vọng cuộc sống sẽ khấm khá hơn.

Thế nhưng mọi việc không dễ dàng như Vàng suy nghĩ. Không học vấn, chẳng tay nghề, Vàng và chồng chỉ biết xin làm công nhân cho những cơ sở kinh doanh nhỏ, lẻ. Cuộc sống đắt đỏ ở chốn Sài Thành gần như vắt kiệt sức lao động của vợ chồng Vàng.

Nỗi đau vụ chồng sắp cưới bị đâm chết - 1

Bị cáo Nguyễn Thị Vàng

Làm công nhân trong một cơ sở sản xuất túi nilon, Vàng được lòng bà chủ khi tỏ ra chăm chỉ, ngoan ngoãn. Nhưng cũng vì vậy Vàng không tránh khỏi sự ghen ghét, đố kỵ của đồng nghiệp. Trong đó có cô công nhân Nguyễn Thị Ngọc H. (SN 1994, quê Tiền Giang, ngụ Tân Phú). Cho rằng Vàng nói xấu mình với bà chủ nên H. thường gây sự với Vàng.

Mỗi khi thấy H. cãi nhau với Vàng thì Nguyễn Thành Ngọc (SN 1990, quê Tiền Giang, ngụ Tân Phú, người yêu của H.) ra mặt bênh vực bạn gái. Mặc dù vợ chồng Vàng và Ngọc, H. cùng làm chung nhưng chưa lần nào cả 4 người ngồi với nhau để giải quyết mâu thuẫn. Từ khi bị anh Ngọc dọa đánh, mỗi lần đi làm, vợ chồng Vàng đều mang dao trong người để phòng thân.

Chiều 5/8/2012, sau khi tan ca, Hùng Em chở vợ về nhà. Ấm ức vì chuyện bạn gái bị bà chủ đuổi việc, anh Ngọc quyết gặp vợ chồng Vàng nói chuyện. Ngọc cùng H. và một người bạn đã đứng đợi trong đường hẻm nơi vợ chồng Vàng thường đi về. Thấy Ngọc và H. đứng đợi, Hùng Em vội dừng xe cách nhóm này một đoạn.

Anh Ngọc đi bộ đến bên vợ chồng Vàng chửi mắng, đổ lỗi cho Vàng làm H. bị đuổi việc, sau đó xắn tay áo định đánh, thấy vậy, Vàng liền rút dao để sẵn trong người đâm một nhát vào ngực trái của anh Ngọc, nạn nhân chết trên đường đi cấp cứu. Thấy vợ đâm người, Hùng Em nổ máy xe chở Vàng rời khỏi hiện trường và đến công an phường Tân Thới Hoà đầu thú.

Đánh mất yêu thương

Vừa mới thấy dáng kẻ giết chồng sắp cưới, cô gái nhỏ nhắn ngồi bên cạnh người phụ nữ trung niên đã liếc nhìn với ánh mắt sắc lẻm, sự oán giận đong đầy trong mắt. Không nói được với bị cáo, cô quay qua chì chiết, trách mắng chồng kẻ giết người.

Nỗi đau vụ chồng sắp cưới bị đâm chết - 2

Người nhà đau khổ vì cái chết của anh Ngọc

Nghe đại diện Viện kiểm sát công bố cáo trạng, không ít người lắc đầu khi thấy bị cáo quá manh động trong cách giải quyết sự việc.

Biết vợ và H. có mâu thuẫn, Hùng Em không tìm cách giải quyết mà còn để Vàng mang theo dao bên người. Được vị chủ toạ chất vấn, người đàn ông vội đứng dậy. Vừa nhìn vào dáng dấp thân quen của vợ, anh vừa bộc bạch:

“Tôi biết vợ tôi đã làm điều sai trái và tôi cũng có lỗi trong việc này. Hoàn cảnh của vợ chồng tôi rất khó khăn nhưng tôi cũng sẽ cố gắng khắc phục hậu quả để mong gia đình anh Ngọc tha thứ. Tôi chỉ mong toà cho Vàng được hưởng mức án nhẹ để sớm về nuôi con”.

Được hỏi về phần yêu cầu, mẹ của anh Ngọc đề nghị được nhận lại tiền mai tang phí và tổn thất tinh thần. Quay về phía H., bà cũng bảo cô đòi bị cáo phải cấp dưỡng nuôi con của anh Ngọc (H và Ngọc chưa cưới nhưng H. đã có thai trước).

Tuy nhiên, H. từ chối: “Tiền mai táng, tổn thất tinh thần mẹ anh Ngọc đòi thì cứ lấy. Riêng tôi, tôi có đủ sức nuôi con. Tôi không muốn dính dáng bất cứ việc gì với bị cáo nữa”.

Giờ nghị án, Hùng Em vội tránh mặt gia đình bị hại khi thấy mẹ anh Ngọc đau khổ nói về cái chết của con trai. “Nó hiền lành, ngoan ngoãn và hiếu thảo lắm. Tôi không tin nó lại dữ dằn đến độ đòi đánh người ta như thế. Con tôi chết oan uổng vậy mà Viện kiểm sát chỉ đề nghị có mười mấy năm tù. Làm sao thằng Ngọc ở dưới suối vàng có thể nhắm mắt được. Mạng phải đền mạng. Nó có con, thằng Ngọc cũng có con. Con nó cần có mẹ thì cháu tôi cũng cần có cha”.

Giờ nghị án kết thúc, HĐXX nhận định, hành vi của bị cáo đặc biệt nghiêm trọng, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống mà dùng dao đâm chết người, gây mất trật xã hội, do đó cần có biện pháp xử lý nghiêm khắc nhằm giáo dục riêng và phòng ngừa chung.

Tuy nhiên, tòa cũng xem xét các tình tiết như lần đầu phạm tội, đầu thú, thành khẩn nhận tội, gia đình khó khăn, đã bồi thường một phần thiệt hại… nên tuyên phạt Nguyễn Thị Vàng 20 năm tù giam về tội giết người.

Nhận mức án không ngờ, Vàng mếu máo khóc. Ôm con trai trong lòng, mắt người đàn ông chung chăn gối với bị cáo cũng rớm lệ. Dẫu cuộc sống của công nhân ở chốn Sài Gòn hoa lệ không ít khó khăn nhưng với Vàng được chồng yêu thương, có 2 con ngoan ngoãn là quá đủ đầy. Thế nhưng chỉ vì sốc nổi, thiếu kiềm chế, chị đã ra tay giết người. Cũng chính từ lúc ấy, chị đã tự mình tước đi vai trò làm vợ, làm mẹ, làm một người tự do. Nhìn đôi tay tội lỗi, nước mắt chị lại rơi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quốc Bảo (giadinh.net.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN