Vụ nhân viên kĩ thuật FPT Shop lấy cắp dữ liệu nhạy cảm của khách: FPT sẽ mời Công an vào cuộc nếu khách hàng đề nghị
Đại diện FPT cho biết, sau khi vụ việc xảy ra, đơn vị đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm đảm bảo việc thông tin khách hàng không bị rò rỉ. Trong trường hợp, khách hàng yêu cầu, FPT sẽ mời Công an vào cuộc điều tra, làm rõ.
Những ngày qua, thông tin vụ việc nhân viên kỹ thuật FPT Shop đánh cắp dữ liệu nhạy cảm của khách hàng thu hút được sự quan tâm rất lớn từ phía dư luận.
Sáng 23/9, trao đổi với PV, đại diện FPT cho biết, sau khi vụ việc xảy ra, đơn vị đã tổ chức nhiều cuộc họp để xác minh, làm rõ. Hiện phía FPT đã tiến hành sa thải 3 người liên quan gồm: Nhân viên kĩ thuật vi phạm, quản lý trực tiếp và nhân viên tổng đài.
"Nhằm đảm bảo thông tin khách hàng không bị phát tán, FPT đã cho Giám đốc kĩ thuật áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ để xử lý, đồng thời đề nghị hãng Apple hỗ trợ. Trong trường hợp, nếu thông tin của khách bị rò rỉ xuất phát từ FPT Shop, đơn vị sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm", đại diện FPT cho biết thêm.
Ngoài ra, trong trường hợp nếu khách hàng yêu cầu, FPT sẵn sàng mời Công an vào cuộc để tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc.
FPT Shop thông tin vụ việc trên Fanpage. Ảnh:DT
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) bày tỏ quan điểm: Đây là hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp. Đơn vị kinh doanh này cần phải làm rõ trách nhiệm của những cá nhân liên quan và có hình thức xử lý phù hợp, đồng thời có thể đưa sự việc ra cơ quan chức năng để làm rõ, xem xét trách nhiệm pháp lý.
Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi và hậu quả xảy ra mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Những thông tin có trong tài khoản cá nhân là những thông tin thuộc về bí mật đời tư. Việc tự ý thu thập trái phép thông tin dữ liệu cá nhân của người khác là hành vi vi phạm pháp luật, riêng hành vi này đã bị xử phạt vi phạm hành chính có thể 10 đến 30 triệu đồng theo quy định tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện.
Trường hợp thông tin bị lấy cắp là những hình ảnh, clip có tính chất nhạy cảm nhưng đã bị phát tán thì hành vi này còn có thể bị xử về hành vi làm nhục người khác hoặc hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy… Tùy thuộc vào động cơ mục đích, tùy thuộc vào hành vi và hậu quả cụ thể.
Pháp luật cũng có quy định về hành vi xâm phạm bí mật thư tín, điện tín, điện thoại.
Cụ thể, khoản 2 (Điều 21, Hiến pháp 2013) quy định: Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.
Điều 159 (Bộ luật Hình sự năm 2015) quy định về tội: "Xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác".
Bởi vậy, trong tình huống này nếu nạn nhân có đơn tố cáo thì cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ hành vi vi phạm của những người liên quan và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Chiều 21/9, mạng xã hội xuất hiện bài viết tố cáo nhân viên FPT Shop số 8 Láng Hạ lấy cắp thông tin nhạy cảm của khách hàng. Chủ tài khoản cho biết chiều 17/9, người này cùng một cô gái tới sửa máy tính tại cửa hàng. Do nhân viên kỹ thuật đi vắng, họ để máy lại. Tới tối cùng ngày, cô gái phát hiện bị đăng nhập tài khoản Facebook cá nhân. Nhân viên kỹ thuật thừa nhận đã truy cập tài khoản mạng xã hội rồi sao chép chia sẻ dữ liệu nhạy cảm về điện thoại. Quá bức xúc, khách hàng đã báo cáo sự việc lên tổng đài FPT Shop. Lúc này, một người trả lời điện thoại đưa ra đề nghị giải quyết bằng cách tặng một voucher mua hàng trị giá 500.000 đồng. |
Điều 159. Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác 1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm a) Chiếm đoạt thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông dưới bất kỳ hình thức nào b) Cố ý làm hư hỏng, thất lạc hoặc cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông c) Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật d) Khám xét, thu giữ thư tín, điện tín trái pháp luật đ) Hành vi khác xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Phạm tội 02 lần trở lên; d) Tiết lộ các thông tin đã chiếm đoạt, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; đ) Làm nạn nhân tự sát. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm. |
Nguồn: [Link nguồn]
Do thiếu tiền trả nợ, Trường đã nảy sinh ý đồ đen tối với những bức ảnh nhạy cảm của bạn gái cũ.