Người điên và thảm án từ trên trời (P.2)

4 người con lần lượt tâm thần, mai này bố mẹ già nằm xuống, chúng sẽ ra sao?

Khốn cùng những gia đình có người thân bị “đeo án” tâm thần

Nhìn những đứa con có lớn và không có khôn cứ khóc, cười, rồi nói những câu ngây dại, họ chỉ biết thở dài và lắc đầu ngao ngán. Những giọt nước mắt cũng không thể rơi được nữa vì với họ nước mắt như đã cạn tự bao giờ. Không những hờn tủi vì số kiếp của mình, họ còn đắng xót nỗi âu lo, khi mai này họ nằm xuống, không biết những đứa con ngây dại kia sẽ sống ra sao?

Vợ chồng già nuôi 4 con điên dại

Đến xã Đồn Xá (Lục Bình, Hà Nam), hỏi thăm nhà vợ chồng ông Trần Đình Qúy (SN 1946), bà Ngô Thị Tâm (SN 1944) không ai không biết, bởi năm nay mặc dù đã bước sang tuổi 68 thế nhưng ông bà vẫn là trụ cột chính trong gia đình khi phải chăm sóc, thuốc thang cho bốn người con đang vật vã bởi căn bệnh tâm thần.

Chúng tôi tìm đến căn nhà của đôi vợ chồng gia đáng thương nay khi mặt trời đã đứng bóng. Trong căn nhà ẩm thấp sặc mùi xu uế, ông bà Qúy, Tâm đang chuẩn bị cho bữa ăn trưa của gia đình. Gọi là ăn trưa cho sang, chứ thực ra ngoài một nồi cơm bé bằng hai bàn tay và một nồi canh to dành cho 6 miệng ăn thì chẳng còn một thứ gì khác. Nhìn cảnh này, cô bạn đồng nghiệp đi cùng tôi đã không ngăn được nước mắt. Thấy có khách đến, bà Tâm đặt bát cơm ra tiếp chúng tôi. Vừa rót nước vào chiếc cốc nhựa, bà Tâm như cố phân trần về hoàn cảnh của gia đình mình: “Anh chị thông cảm, vợ chồng tôi phải dùng cốc nhựa, chứ dùng cốc bằng thủy tinh thì giờ chăng còn cái nào”. Kể về cuộc sống hiện tại của gia đình mình, bà Tâm nói như lạc đi bởi vợ chồng ông bà có bốn người con – ba gái, một trai, khi mới sinh ra, đứa nào cũng khỏe mạnh, nhanh nhẹn nhưng không hiểu vì lý do gì mà cứ đến tuổi trưởng thành, lần lượt cả bốn người con đều đổ bệnh rồi trở nên ngơ ngẩn, điên dại. Đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, chữa bằng tây y, đông y cũng có. Thậm chí nhờ hẳn thầy cao tay đến “trừ tà ma” nhưng tất cả vẫn phải bó tay trước can bệnh quái ác bỗng dưng cướp đi trí óc, phần người cả 4 đứa con của ông bà.

Năm 1969, ông bà quen nhau, cuối năm đó đám cưới của hai người được tổ chức. Không lâu sau đó, năm 1970 họ đón nhận một niềm vui khôn xiết đó là khi cậu con trai đầu lòng ra đời và đặt tên là Trần Đình Hóa với mong muốn cậu con trưởng này sẽ chăm sóc ông bà khi đã về già. Vốn là một người khỏe mạnh, nên mọi công việc đồng áng, chăm sóc các em, Hóa đã thay bố mẹ gánh vác. Đến tuổi lấy vợ, ông bà Tâm đã chọn cho Hóa một người con gái nết na để lấy làm vợ. Cứ tưởng rằng, Hóa sẽ cho bố mẹ được lên chức ông, chức bà, nào ngờ tự nhiên anh bị ốm nặng, sau đó đi đứng không vững, cả ngày chỉ ngồi lảm nhảm nói ra những lời ú ớ không ai hiểu. Vợ anh Hóa do quá sợ hãi nên cũng xin ông bà cho về nhà bố mẹ đẻ.

Vốn không lấy gì khả giả, hơn nữa từ khi cậu con trai đầu tiên lâm bệnh, kinh tế gia đình ông bà ngày càng thêm túng quẫn. Số tiền dành dụm được từ ngày còn mới cưới, ông bà đã dồn cả vào để chữa bệnh cho con, nhưng mỗi lần hy vọng là mỗi lần thất vọng bởi bệnh tình không hề suy chuyển.

Đau đớn lại thêm chồng chất khi cô con gái của họ là chị Trần Thị Hường (SN 1973) bỗng dưng phát bệnh và có biểu hiện giống hệt người anh trai của mình. Đưa con đi khám bệnh ông bà mới biết do con làm việc quá sức, tâm lý căng thẳng nên bị phát bệnh. Chị Hường cả ngày chỉ ngồi một góc, hết cười rồi lại khóc, không thể nhận thức được sự vật xung quanh. Ngay cả chuyện ăn uống, tắm giặt, vệ sinh cá nhân cũng đều do một tay bà Tâm lo toan, cáng đáng. Thấy bố mẹ vất vả, hai người con út Trần Thị Hưởng (SN 1977) và Trần Thị Thảo (SN 1987) xin gia đình vào Nam làm công nhân. Thời gian đầu thấy con vẫn gửi tiền về cho bố mẹ mua thuốc chữa bệnh cho anh chị, lâu lâu lại viết thư về động viên nên ông bà hy vọng rằng dù sao ông trời vẫn còn thương gia đình mình.

Thế nhưng chỉ vài tháng sau, ông bà không nhận được bất kỳ một thông tin nào từ hai đứa con của mình. Quá khứ phát bệnh của hai đứa con lớn hiện ra khiến ông bà kinh hãi. Sau một thời gian tìm hỏi, cả hai vợ chồng đã nhận được một tin sét đánh: Cả hai người con của ông bà đã phát điên và đang sống lang thang. Biết được thông tin này, hai vợ chồng gia như chết đứng, nuốt từng dòng nước mắt nghẹn đắng vào lòng, ông bà đành bỏ hết mọi công việc, nhờ hàng xóm trông nom, cơm nước cho hai người con tâm thần ở nhà để vào Nam đón hai người con gái đang điên dại về quê chăm sóc.

Hai vợ chồng già và bốn đứa con điên dại lâm vào cảnh sống không được, mà chết cũng chẳng xong, đã khiến cho rất nhiều người dân ở Đồn Xá cảm thương. Hễ ai có thứ gì có thể dùng được, thi thoảng họ lại mang đến nhằm giúp vợ chồng già vơi bớt những khó khăn. Tuy nhiên, ông bà tuổi đã cao, lại thường xuyên đau ốm, để có tiền nuôi các con ông bà vẫn làm hơn mười sào ruộng để có gạo ăn và thỉnh thoảng bán lấy tiền mua thuốc cho các con. Thường thì mỗi tuần ông bà phải đưa các con đi bệnh viện khám và lấy thuốc định kỳ một lần. Những lần quá túng thiếu, không thể vay mượn được tiền chạy thuốc thang cho con, cứ mỗi lúc chúng lên cơn là lại la hét đập phá mọi đồ đạc trong nhà. Thậm chí lúc ông bà đang xúc cơm cho ăn, những đứa con cũng dở chứng đánh cả bố mẹ. Chia tay ông bà Quý, Tâm chúng tôi bị ám ảnh bởi câu nói của bà Tâm: “Chỉ sợ rằng mai này vợ chồng già mà mất đi, không biết chúng nó sẽ sống ra sao nếu không có vợ chồng tôi bên cạnh?”.

Nghẹn đắng cha già 80 tuổi nuôi 3 con tâm thần

Sinh 6 đữa con, ngỡ tưởng mai này già yếu sẽ được cậy nhờ vì con đàn cháu đống, nhưng với ông Trương Bá Vinh (80 tuổi, trú tại xóm 3, xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) lại đang phải gồng mình chăm 3 người con tâm thần. Có đến đây, mới thấy được cảnh bần hàn khốn khổ của người cha khi lưng đã còng, mắt đã mờ nhưng từ khi gà chưa cất tiếng ông đã phải thức giấc, cứ quần quật cho đến xóm đã tắt đèn để lo cho mấy người con, mà theo ông bảo chúng bị bệnh “trời hành”. Vì chịu thương, chịu khó vất vả lo toan, bà cũng đã qua đời vì đau ốm, bệnh tạt, để lại mọi gánh nặng cho mình ông gánh vác.

Theo ông Vinh, ông và bà Mơn lấy nhau cách đây hơn 50 năm. Niềm hạnh phúc vợ chồng của ông bà không được tày gang khi lần lượt những người con của ông bà lại mang bệnh tâm thần. Những người con bị bệnh gồm Trương Bá Mai (1962), Trương Thị Tuyên (1967), Truong Bá Huấn (1972). Lúc mới sinh, nhìn ba người con của ông bà, không ai có thể ngờ được mai này chúng lại khác biệt, ngu ngơ như thế, bởi nhìn đứa nào cũng hồng hào nhanh nhẹn. Tuy nhiên, cứ được 4 – 5 tuổi, cả ba người Mai, Tuyên, Huấn đã không kiểm soát được hành động, cứ ngu ngơ, thường xuyên đau ốm. Thấy con như vậy, vợ chồng ông bà cứ thay nhau cõng bế đưa con đi viện, ai mách chỗ nào cũng tới nhưng cũng đành chịu mang con về bởi căn bệnh không hề thuyên giảm.

Cũng từ đó đến nay, hai vợ chồng già cứ như những người trông trẻ, sểnh ra là chúng lại đi khắp làng trên ngõ dưới mà chẳng biết đường về. Trương Bá Mai suốt ngày lang thang theo lũ chăn trâu đến tối mịt, ông bà phải đi tìm về. Người con gái Trương Thị Tuyên năm nay đã ngoài tứ tuần nhưng cũng ngu ngơ, ai bảo gì nghe nấy, nhiều khi lên cơn tâm thần còn xé nát hết quần áo. Còn người con trai út là Trương Bá Huấn thì luôn miệng lẩm bẩm suốt ngày và thường xuyên đi lang thang khắp làng trên, xóm dưới. Kể về những lần đi tìm con, người cha già lại rưng rưng nước mắt: “Có lần thẳng Vinh theo mấy đứa trẻ trâu đi chơi ngoài sông. Thấy bọn nhỏ bơi, nó cũng nhảy xuống mà chẳng biết bơi lội, may có người kéo lên rồi đưa về nhà, nỗi cùng cực mấy ai là người ngoài cuộc có thể thấy hiểu…”.

Trông ba đứa con điên dại đã là một chuyện, nhưng hàng ngày phải lo cho bốn miệng ăn khiến ông lão càng thêm khốn khổ. Bởi 3 người con lành lặn của ông cũng chẳng dư dả gì. Mọi chi phí giờ chỉ trông vào đồng lương hưu ít ỏi và tiền trợ cấp bệnh tật của các con, nhưng số tiền cũng chẳng thấm vào đâu khi bệnh tật vẫn đeo bám họ.

Còn nữa...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Bắc (Đời sống và Pháp luật)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN