Công an Hà Nội điểm “huyệt” những biến thể lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Sự kiện: Tin pháp luật

Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng “biến hóa” tinh vi với muôn hình vạn trạng khác nhau. Chúng như “ma trận” giăng bẫy người dân ở cả đời sống thực tế lẫn trên không gian mạng.

Xác định rõ mức độ nguy hiểm của loại tội phạm này, Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc CATP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ của CATP phối hợp chặt chẽ với công an các quận, huyện, thị xã trên địa bàn tập trung nghiên cứu, theo dõi, nhận định, từ đó đưa ra các biện pháp khắc chế, điểm trúng “huyệt” từng biến thể của tội phạm.

Đấu tranh với tội phạm sử dụng Công nghệ cao chiếm đoạt tài sản

Đấu tranh với tội phạm sử dụng Công nghệ cao chiếm đoạt tài sản

“Thiên la địa võng” lừa đảo

Tội phạm và các vi phạm pháp luật liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện vẫn xảy ra theo phương thức truyền thống như: Giả danh cán bộ cơ quan Nhà nước, người nhà lãnh đạo cấp cao để lừa xin việc làm, “chạy chức”, “chạy án”...; Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức, sau đó sử dụng vào mục đích ký kết các hợp đồng để lừa đảo; Làm giả cổ vật, đá quý, kim loại quý, cây cảnh (lan đột biến...) giá trị cao để lừa đảo; Lừa đảo trong hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản... Cùng với sự phát triển công nghệ thông tin, hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, có tính chất xuyên quốc gia, gây thiệt hại lớn và bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng tới tình hình an ninh trật tự.

Theo chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự - CATP Hà Nội, các thủ đoạn lừa đảo điển hình hiện nay là: Giả danh cơ quan tư pháp để gọi điện thông báo chủ thuê bao có liên quan đến các vụ án đang giải quyết, từ đó đe dọa chuyển tiền hoặc khai thác thông tin tài khoản ngân hàng của bị hại để đăng nhập sử dụng và chiếm đoạt; Sử dụng mạng xã hội để kết bạn, thông báo gửi quà, sau đó giả danh nhân viên sân bay, hải quan, thuế... rồi yêu cầu bị hại nộp cước vận chuyển, thuế, phí vào các tài khoản ngân hàng do đối tượng chỉ định để chiếm đoạt; Chiếm quyền quản trị (hack) hoặc giải lập các tài khoản mạng xã hội của người dân rồi nhắn tin, lừa gạt người thân quen của chủ tài khoản chuyển tiền sau đó chiếm đoạt; Lập các hộp thư điện tử tương tự hộp thư điện tử của các tổ chức, cá nhân kinh doanh, sản xuất có thực hiện các giao dịch bằng thư điện tử của các tổ chức, cá nhân chuyển tiền thanh toán...

Thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Đặc biệt, lợi dụng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không mạng ngày càng gia tăng, nổi lên một số thủ đoạn như: Tạo lập các website, trang giao dịch, các ứng dụng có giao diện tương tự sàn đầu tư tài chính quốc tế với mức lợi nhuận cao rồi sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để thu hút, lôi kéo nhiều người tham gia kinh doanh tiền ảo, ngoại hối, sàn giao dịch nhị phân theo hình thức đa cấp, sau đó can thiệp vào hệ thống kỹ thuật làm cho nhà đầu tư thua lỗ hoặc đánh sập để chiếm đoạt; Lợi dụng việc mua bán hàng trực tuyến nhất là các mặt hàng thiết bị y tế, khẩu trang… trong thời điểm dịch bệnh để lừa đảo chiếm đoạt tiền của đối tác mua bán hàng.

“Thực tế cho thấy, tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản luôn chiếm tỷ lệ cao trên tổng số tội phạm. Bên cạnh đó, đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản có xu hướng cấu kết thành ổ nhóm tội phạm, có tổ chức thành đường dây với nhiều đối tượng tham gia tại nhiều địa phương khác nhau và có yếu tố nước ngoài” - Chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự, CATP Hà Nội nhìn nhận.

Qua nhiều vụ việc cho thấy, nhân thân người bị hại có xu hướng ngày càng đa dạng về độ tuổi, trình độ học vấn, nghề nghiệp, khu vực sinh sống..., không còn tập trung vào người cao tuổi, phụ nữ trung niên nhẹ dạ cả tin, một bộ phận người dân thiếu kiến thức về kinh tế, trình độ khoa học ở khu vực nông thôn.

Cơ quan điều tra lấy lời khai của đối tượng Vũ Đình Hùng

Cơ quan điều tra lấy lời khai của đối tượng Vũ Đình Hùng

Đấu tranh quyết liệt

Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện kế hoạch “Tăng cường phòng ngừa hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn thành phố”, tình hình và kết quả phòng chống loại tội phạm này có nhiều chuyển biến tích cực, nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp và sự ủng hộ tích cực từ người dân.

Theo Chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự, năm 2021 CATP Hà Nội đã triển khai thực hiện đồng bộ quyết liệt các biện pháp, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội với phòng ngừa nghiệp vụ, chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và tuyên truyền các thủ đoạn hoạt động của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nâng cao hiệu quả công tác nắm tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng, tập trung phát hiện, xử lý, điều tra các vụ án lừa đảo, góp phần kiềm chế sự gia tăng của loại tội phạm này.

Cùng với đó, đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội liên quan công khai, minh bạch, tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn cho người dân về chủ trương phát triển kinh tế; an sinh xã hội; các dự án điện, đường, trường, trạm; quy hoạch xây dựng... để người dân hiểu rõ, chủ động đề cao cảnh giác phòng ngừa các thủ đoạn lừa đảo của tội phạm. Hướng dẫn nhân dân tự giác phát hiện và cung cấp kịp thời thông tin về hoạt động của tội phạm để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý kịp thời.

Cùng với việc tăng cường nâng cao nghiệp vụ, lực lượng Công an Hà Nội đã và đang tiếp tục “đi trước, đón đầu” để dự báo, nhận diện và đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này. Người dân cần nâng cao cảnh giác, liên tục cập nhật các thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để hiểu và biết về các thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khi phát hiện các dấu hiệu nghi vấn, cần thông báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để phối hợp giải quyết.

“Công an Hà Nội phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh, phối hợp kiểm tra về nội dung, điều kiện hoạt động của các doanh nghiệp, các loại hình kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh trên ứng dụng công nghệ số, kinh doanh theo phương thức đa cấp, kinh doanh môi giới việc làm, nhà đất, đưa người đi xuất khẩu lao động, du học... kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm. Tổ chức hậu kiểm việc chấp hành quy định của pháp luật về đầu tư, kinh doanh, phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản” - Đại tá Nguyễn Thế Hùng, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự cho biết.

Không chỉ có thế, CATP Hà Nội còn phối hợp với các cơ quan truyền thông tổ chức tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật và chế tài xử lý đối với tội phạm và các vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; thông tin thủ đoạn hoạt động lừa đảo gắn với các vụ việc, vụ án cụ thể mang tính điển hình để người dân chấp hành pháp luật, đề cao cảnh giác, tăng cường các biện pháp quản lý tự phòng ngừa, bảo vệ tài sản.

“Công an Hà Nội đã đăng nhiều bài cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo sử dụng công nghệ cao trên mạng xã hội, khuyến cáo người dân cảnh giác, không cung cấp số tài khoản, thông tin cá nhân cho người lạ” - Chỉ huy Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, CATP Hà Nội thông tin. Cũng theo chỉ huy đơn vị này, thời gian vừa qua các đơn vị nghiệp vụ và công an các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố đã tiến hành rà soát, kịp thời phát hiện, kiến nghị tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đề xuất hoàn thiện các quy định của pháp luật để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước liên quan đến phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, nhất là đối với các lĩnh vực dễ nảy sinh hoặc có sơ hở để các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo như bất động sản, chứng khoán, đầu tư, kinh doanh, xuất khẩu lao động và lừa đảo trên không gian mạng…

Xử lý gần 1.500 vụ có dấu hiệu lừa đảo

Thống kê của CATP Hà Nội cho thấy, năm 2021, các đơn vị trong CATP đã phát hiện, giải quyết gần 1.500 vụ có dấu hiệu lừa đảo, khởi tố vụ án hình sự 243 vụ, với 259 bị can. Trong đó, chủ yếu là các vụ sử dụng mạng xã hội để kết bạn, thông báo gửi quà sau đó giả danh nhân viên sân bay, hải quan, thuế yêu cầu nộp tiền để nhận quà; Lập tài sản mạng xã hội hoặc chiếm quyền quản trị tài khoản mạng xã hội của người khác rồi nhắn tin lừa người thân, bạn bè; Giao bán các mặt hàng rồi lừa bị hại chuyển tiền để chiếm đoạt; Giả danh nhân viên Nhà nước, Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát, gọi điện để đe dọa, lừa đảo…

Ngày 28-1-2021, Cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội đã khám phá chuyên án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, bắt giữ Nguyễn Hoàng Gia Bảo (SN 1998, trú tại xã Tân Phú, huyện Đức Hòa, Long An) sử dụng tài khoản Facebook đăng bài bán đô la Singapore (SGD). Do có nhu cầu mua SGD, chị T (hộ khẩu ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, hiện đang ở Singapore) đã liên hệ với Bảo để thỏa thuận mua bán. Tuy nhiên, sau khi chị T chuyển tiền, Bảo đã tạo lập 1 giao dịch giả chuyển SGD đến tài khoản của chị T và chụp ảnh màn hình thể hiện giao dịch đang gửi tiền để chị T tin tưởng. Ngay khi nhận được tiền của bị hại, Bảo đã cắt liên lạc và “ôm tiền” lặn mất tăm.

Ngày 5-4-2021, Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao CATP điều tra vụ án sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, làm rõ 4 đối tượng phạm tội là Phạm Thị Thái (SN 1985), Vũ Đình Hùng (SN 1983), Phạm Mạnh Hùng (SN 1985) và Nguyễn Ngọc Lương (SN 1991). Các đối tượng này đã tạo lập trang web trên nền tảng phần mềm MetaTraders5 (MT5), kết nối với sàn giao dịch ngoại hối Forex, sau đó lôi kéo khách hàng tham gia đầu tư. Các đối tượng sử dụng kỹ thuật để can thiệp và phép vào tài khoản của khách hàng để chiếm đoạt tài sản.

Trong thời gian qua, các đơn vị nghiệp vụ CATP đã tập trung khám phá nhanh nhiều vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua việc sử dụng công nghệ cao, trong đó nhiều vụ án lừa đảo xuyên quốc gia, liên quan đến người nước ngoài gây tiếng vang. Từ thực tế cho thấy, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng tinh vi, phức tạp. Đặc biệt, các đối tượng sử dụng nhiều yếu tố công nghệ cao để giăng bẫy “con mồi”. Chính vì thế, cùng với việc tăng cường nâng cao nghiệp vụ, lực lượng Công an Hà Nội đã và đang tiếp tục “đi trước, đón đầu” để dự báo, nhận diện và đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này. Người dân cần nâng cao cảnh giác, liên tục cập nhật các thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để hiểu và biết về các thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khi phát hiện các dấu hiệu nghi vấn, cần thông báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để phối hợp giải quyết.

Một số nguyên tắc cần lưu ý để tránh sập bẫy lừa đảo

CAQ Đống Đa bắt nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt 438 triệu đồng qua mạng Zalo, bằng hình thức chuyển tiền qua Internet Banking

CAQ Đống Đa bắt nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt 438 triệu đồng qua mạng Zalo, bằng hình thức chuyển tiền qua Internet Banking

Hoạt động tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản đang có diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức khác nhau. Thủ đoạn phổ biến hiện nay được tội phạm áp dụng là sử dụng các dịch vụ có chức năng giả mạo đầu số điện thoại, mạo danh cán bộ của cơ quan chức năng trong các cơ quan Nhà nước như Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án gọi điện cho người dân để gây sức ép, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản do các đối tượng lừa đảo cung cấp để chiếm đoạt… Ngoài ra, trong thời điểm hiện nay, đối tượng lừa đảo còn giả danh ngân hàng mời chào, cung cấp các khoản vay online từ ngân hàng, hay giả danh cơ quan, tổ chức thông báo “trúng thưởng may mắn để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của những người nhẹ dạ...

Đối với các thủ đoạn lừa đảo, người dân cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến bằng số điện thoại cố định, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan Nhà nước, Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát… để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nơi ở cho đối tượng lạ khi không rõ nhân thân và lai lịch họ. Mọi người dân cần lưu ý khi lực lượng chức năng, nhất là Công an, Viện kiểm sát, Tòa án nếu làm việc với dân sẽ có quyết định triệu tập, giấy mời gửi đến tận tay người liên quan để đến làm việc trực tiếp tại các trụ sở cơ quan pháp luật, không làm việc thông qua mạng viễn thông. Một nguyên tắc khác người dân cần lưu ý là thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội và tuyệt đối không cho mượn, thuê các giấy tờ cá nhân liên quan, không nhận chuyển khoản ngân hàng hoặc nhận tiền chuyển khoản của các ngân hàng cho người không quen biết.

Đối với các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng, nhất là chuyển tiền qua Internet Banking, Mobile Banking, khi phát hiện hoạt động tội phạm người dân cần thông báo cơ quan công an để tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.

Thượng tá Cao Văn Thái - Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, CATP Hà Nội

Cảnh giác với vay tiền nhanh qua ứng dụng trên điện thoại

Người dân cần cảnh giác khi cài “app” vay tiền

Người dân cần cảnh giác khi cài “app” vay tiền

Thống kê sơ bộ của Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (CATP Hà Nội) cho thấy, trên không gian mạng hiện có khoảng trên 200 hình thức cho vay trực tuyến thông qua website, ứng dụng (app) trên điện thoại di động như: Tamo, Vdong, Movay, Ucash, ATMonline... Các ứng dụng cho vay ngày càng xuất hiện nhiều biến tướng, trở thành một dạng của “tín dụng đen”, đồng thời phát sinh nhiều tội phạm lừa đảo. Các đối tượng đã lợi dụng nhu cầu thực tế của hoạt động cho vay để giả mạo thương hiệu các ứng dụng vay ngang hàng.

Điều tra của lực lượng an ninh mạng cho thấy, đã xuất hiện một số đối tượng là người nước ngoài cấu kết với đối tượng trong nước thành lập công ty trá hình cho vay tài chính, tín dụng phi ngân hàng để hoạt động vi phạm pháp luật, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Trước tình trạng cho vay qua “app” càng ngày càng có nhiều biến tướng, cơ quan chức năng đã liên tục cảnh báo các trang web trục lợi tài chính, đồng thời phổ biến kiến thức an toàn thông tin giúp người dân nâng cao cảnh giác, không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng trong một số trường hợp cụ thể để tránh trở thành nạn nhân bị các đối tượng xấu lợi dụng. Khi có kiến thức cơ bản về an toàn thông tin, người dân cũng có thể nhận diện được các hình thức cho vay ngang hàng núp bóng “tín dụng đen” để cảnh giác và phòng tránh.

Cơ quan công an đề nghị người dân cảnh giác khi cài “app” vay tiền, bởi một là phải chịu lãi suất cao cùng việc đòi nợ theo kiểu “tín dụng đen”, hai là dính vào những đường link cài “app” lừa đảo. Ngoài ra, khi cài app qua kho ứng dụng, các app vay tiền đều đòi hỏi người cài đặt cho truy cập danh bạ điện thoại, từ đó sẽ có cơ sở tìm ra những người liên lạc thường xuyên và không chỉ gửi tin nhắn đe dọa đến người vay, mà có thể những người trong danh bạ cũng bị vạ lây. Với những hệ lụy nhìn thấy rõ từ việc vay tiền qua app, chỉ huy Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đề nghị người dân khi quyết định vay tiền qua app cần có sự thận trọng khi lựa chọn. Tuyệt đối không bấm vào các đường link do đối tượng gửi đến và hướng dẫn đóng thuế thu nhập hoặc nạp tiền để tăng hạn mức rút tiền.

Thượng tá Phạm Đức Hà - Phó trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, CATP Hà Nội

Nguồn: [Link nguồn]

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Linh Nhi ([Tên nguồn])
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN