Ngày Tết nghe cán bộ điều tra kể chuyện phá án
Tết luôn là dịp để mọi người nghỉ ngơi, sum vầy với gia đình. Thế nhưng, đối với những người làm trong ngành công an nói chung và lực lượng Công an tỉnh Cà Mau nói riêng, thì những điều tưởng chừng hiển nhiên ấy lại vô cùng “hiếm hoi”. Những dịp Lễ, Tết luôn là lúc họ phải căng mình để thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh nhằm bảo đảm cho mọi người được hưởng một cái Tết bình yên…
Làm án ngày Tết
Những ngày cận Tết Nguyên đán 2020, PV được nghe Đội trưởng đội Điều tra tội phạm về Trật tự xã hội thuộc Công an tỉnh Cà Mau Hà Sơn Lâm, kể lại những câu chuyện phá án trong năm hay những vụ trọng án xảy ra vào đúng dịp Tết mới thấy được sự hy sinh, vất vả của các anh.
Như thường lệ, vào những ngày cuối năm, các anh đồng loạt mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, đảm bảo ANTT trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Những điểm vui chơi, giải trí luôn có mặt các anh. Bởi đây là nơi mà tội phạm thường lợi dụng để “hành sự”.
Mặt khác, dịp Tết, rượu bia được xem là một thức uống không thể thiếu trong những cuộc vui. Thế nhưng, sau mỗi cuộc vui như vậy, nhiều người sẽ không còn được tỉnh táo và không làm chủ được hành vi của mình. Vì thế, nhiều vụ án mạng thương tâm cũng thường xuất phát từ... men rượu.
Điển hình là vụ án xảy ra vào ngày 28 Tết Đoan Ngọ (28/1/2014).
Thời điểm đó, phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an tỉnh Cà Mau nhận được tin báo từ bệnh viện Đa khoa tỉnh có một nạn nhân bị đâm tử vong trước khi đưa vào bệnh viện, nhưng không xác định được nhân thân.
Tiếp nhận tin báo, Trung tá Hà Sơn Lâm được ban Chỉ huy phòng CSHS phân công xuống khám nghiệm hiện trường điều tra, làm rõ vụ việc. Nhưng lúc này, mọi thông tin về nạn nhân và hung thủ gây án cũng chỉ là con số “0”.
Dưới sự chỉ đạo kiên quyết của ban Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau, lực lượng xác định phá án với tinh thần không quản gian khó, dù ngày hay đêm phải bám sát nhiệm vụ. Đặc biệt, vụ án còn xảy ra vào dịp Tết đến xuân về nên việc tìm ra manh mối, triệu tập các đối tượng nghi vấn gặp muôn vàn khó khăn.
Trung tá Hà Sơn Lâm kể câu chuyện phá án những ngày Tết.
Một phương án được áp dụng đó là ban Chỉ huy phòng CSHS phân công cán bộ điều tra chụp ảnh nạn nhân rồi cử trinh sát đến từng xã, phường của TP.Cà Mau để truy tìm manh mối.
Chỉ trong thời gian ngắn, lực lượng làm nhiệm vụ đã nhanh chóng xác định được danh tính nạn nhân là Trần Tuấn A. (SN 1993, ngụ phường 1, TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau). Danh tính nạn nhân cũng đã được xác định.
Trung tá Lâm nhấn mạnh: “Thời điểm này, đối tượng gây án cũng chỉ mờ mịt, chỉ xác định được nạn nhân có đi chơi chung một nhóm đối tượng rồi xảy ra mâu thuẫn dẫn đến đánh nhau, nhưng chưa xác định được ai gây ra cái chết của nạn nhân.
Từ những manh mối ít ỏi ở hiện trường, các mũi điều tra chia thành nhiều hướng để truy xét nóng tên tội phạm giấu mặt. Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, cái chết bí ẩn của nam thanh niên tên A. dần được làm rõ”.
Lực lượng điều tra xác minh được là trước khi án mạng xảy ra, nạn nhân tham gia một cuộc nhậu với Võ Hoàng Đ., Hữu Bé Th., Phạm Thanh T. cùng Lê Trọng Q. tại phòng trọ của Lê Văn T., Trần Phương Th. (Văn T. và Phương Th. là vợ chồng – PV) ở khóm 1, phường 1, TP.Cà Mau.
Trong lúc nhậu, Trần Phương Th. phát hiện mình mất điện thoại nên cả nhóm ngừng nhậu. Một lúc sau, Trần Tuấn A. đến nghe chuyện cái điện thoại bị mất nên đã hỏi T. có lấy điện thoại của Phương Th. hay không?
Tức giận việc A. nghi ngờ mình lấy trộm điện thoại nên Thanh T. rủ Q. chạy về nhà lấy 3 cây dao Thái Lan tìm A. “nói chuyện”.
Khi quay trở lại, cả hai liền ra tay đánh A. Bị đánh bất ngờ, A. liền bỏ chạy nhưng chạy được một đoạn thì Thanh T. đuổi kịp, dùng hai con dao đâm vào ngực và lưng của nạn nhân.
Chưa dừng lại ở đó, Thanh T. và Q. chạy đến đâm liên tiếp vào đùi trái và đùi phải của A., còn dùng chân đá vào mặt A. bất tỉnh.
Sau khi gây án, cả hai thấy nạn nhân bị thương tích ra máu nhiều, nằm bất tỉnh nên đưa đến bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu nhưng A. đã tử vong.
Trong lúc đưa A. đi bệnh viện điều trị, Thanh T. thấy A. có một cái điện thoại và một cái ví da có tiền 100.000 đồng nên chiếm đoạt. Sau đó, cả hai lấy điện thoại bán cho người lái xe ôm lạ mặt 200.000 đồng rồi chia tiêu xài cá nhân.
Ẩn số tên “bí danh”
Với lực lượng CSHS thuộc Công an tỉnh Cà Mau, mỗi khi nhắc đến những vụ phá án vào dịp Tết, các anh không thể nào không nhớ đến vụ án liên quan đến 8 đối tượng có tuổi đời còn khá trẻ (từ 16 – 23 tuổi), nhưng tính chất manh động, hung hãn khi gây án thì khó có thể chấp nhận được.
Trung tá Hà Sơn Lâm kể: “Ngày 3/2/2012 (nhằm ngày 12 Tết Nhâm Thìn), phòng CSHS nhận được tin báo của Công an TP.Cà Mau về vụ án giết người xảy ra tại khóm 3, phường 7, TP.Cà Mau.
Nạn nhân là em Ngô Phi B. (ngụ TP.Cà Mau) đã tử vong do bị đâm thấu ngực, đứt động mạch cảnh phải, thủng phổi trái…”.
Qua công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và thu thập lời khai những người chứng kiến, Trung tá Lâm xác định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng nên trình báo ban Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau.
Dưới sự chỉ đạo kỳ quyết của ban Giám đốc, cơ quan điều tra nhanh chóng xác định được nạn nhân trước khi chết có xảy ra mâu thuẫn đánh nhau với nhóm đối tượng.
Thế nhưng, cơ quan điều tra chỉ xác định được tên "bí danh" của nhóm tuổi teen như: Cu Thi, Đốc, Tô,… Đây là một trong những vấn đề cực khó trong việc xác định tên thật của nhóm đối tượng.
Sau đó, nhiều mũi điều tra được chia thành nhiều hướng rà soát những đối tượng có tên “bí danh” nêu trên nhằm xác định các mối quan hệ những người này với nạn nhân.
Quá trình điều tra, công an xác định nhóm tuổi teen trên gồm 8 đối tượng nên triệu tập về trụ sở làm việc.
Bước đầu, tại cơ quan công an, nhóm đối tượng đùn đẩy cho một mình Trương Nhật Th. (SN 1995, ngụ phường 8, TP.Cà Mau) nhận tội.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm điều tra, phá án nhiều năm, Trung tá Lâm nhận thấy, lời khai của đối tượng có sự mâu thuẫn với dấu vết thương tích trên người nạn nhân nên tiếp tục mời các đối tượng có liên quan đến tiếp tục xét hỏi.
Hiện trường những vụ án mạng nghiêm trọng được những “người lính hình sự” ghi chép cẩn thận nhằm tránh bỏ lọt tội phạm.
“Quá trình làm việc, do những đối tượng này có một số người dưới 18 tuổi nên phải có người giám hộ. Nhưng vào dịp Tết, việc mời người giám hộ những đối tượng này là điều rất khó khăn, dính phải điều kiêng kỵ,…
Thế nhưng, bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, các đối tượng đã từ từ thừa nhận vai trò từng người gây ra vụ án mạng”, Trung tá Lâm chia sẻ.
Do có mâu thuẫn từ trước nên khoảng 20h ngày 3/2/2012, Th. cùng người bạn chuẩn bị sẵn con dao Thái Lan đi gặp nhóm Pham Văn Hậu A. và Phạm Văn Hậu E. để trả thù, nhưng bị nhóm của Hậu A., Hậu E. rượt chém.
Th. chạy về kể lại câu chuyện cho nhóm bạn nghe và tất cả đều đồng ý đi tìm nhóm Hậu A., Hậu E. rửa hận.
Tất cả sau đó điều khiển xe đến địa bàn khóm 3, phường 7, TP.Cà Mau (giữa cầu Gành Hào – PV) thì phát hiện Ngô Phi B.. Th. nhận ra B. là người trong nhóm Hậu A., Hậu E. đã đuổi chém mình nên ra dấu hiệu cho đồng bọn “nó kìa”.
Th. chạy đến dùng dao đâm một nhát vào ngực B., rồi bị một người trong nhóm của Thi đâm thêm một nhát phía sau lưng dẫn đến tử vong. Sau khi gây án, Th. đã đến Công an TP.Cà Mau đầu thú.
Cho đến bây giờ, mỗi khi nhắc đến những vụ án xảy ra vào những dịp Tết, Trung tá Lâm cùng các đồng đội luôn cảm thấy chạnh lòng, nhưng có lẽ việc không thường xuyên được ở bên cạnh gia đình đón cái Tết an lành, hạnh phúc đã quá quen thuộc với họ.
Mỗi con người sinh ra đều có một sứ mệnh riêng biệt, sứ mệnh của những người lính hình sự chính là việc bắt được tên tội phạm nguy hiểm, mang lại sự bình yên cho người dân.
Vì sự bình yên của nhân dân, những người lính đã gác lại niềm vui đoàn viên với gia đình để “thức cho dân ngủ, gác cho dân vui chơi”. Đó là món quà năm mới ý nghĩa nhất mà họ nhận được....
Nguồn: [Link nguồn]
Vụ án nữ sinh đi giao gà bị giết là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, nhiều tình tiết hết sức phức tạp, đối tượng...