Những vụ phá án của trinh sát hình sự đặc nhiệm TP.HCM

Sự kiện: Tin pháp luật

Tiền thân là Đội SBC (Săn bắt Cướp), khắc tinh tội phạm đường phố, song các trinh sát hình sự đặc nhiệm luôn có mặt trong các vụ án lớn.

Chiếc xe bán tải chạy chậm, rẽ vào đường số 3, khu dân cư phường Bình Hưng Hoà B (quận Bình Tân) chiều 20/3, rồi dừng lại bên đường. Hai người đàn ông xuống xe bỏ đi, ôtô tiếp tục chạy nhiều vòng trước khi đỗ tại bãi đất trống. Họ không biết xung quanh có hàng chục trinh sát mặc áo giáp, súng đã lên đạn.

Gã lái xe liên tục gọi điện, vẻ bồn chồn. Một người đàn ông đi đến, cùng lên xe, nổ máy. Chạy gần đến kho hàng của Công ty may mặc Hashan, xe bán tải phải giảm tốc độ do phía trước có ôtô 7 chỗ đang quay đầu. Cùng lúc, chiếc xe tải áp sát phía sau. Nhiều người bất ngờ lao ra từ hai ôtô, chĩa súng khống chế, khoá chặt tay hai kẻ trên xe bán tải. Trong thùng chiếc xe này có hơn 300 kg ma tuý đá được nguỵ trang trong các gói trà, ước tính có giá 100 tỷ đồng.

Những vụ phá án của trinh sát hình sự đặc nhiệm TP.HCM - 1

Đồng loạt, hàng trăm cảnh sát thuộc Cục điều tra tội phạm về ma tuý (C04, Bộ Công an) khám xét kho hàng Công ty Hashan và 4 địa điểm khác. Doanh nhân Wu HeShan (57 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) bị bắt cùng 4 đồng phạm, với vai trò cầm đầu đường dây vận chuyển tổng cộng hơn 1,1 tấn ma tuý đá.

Trước đó, Đội Cảnh sát Hình sự đặc nhiệm (Đội 3, Phòng cảnh sát Hình sự Công an TP HCM) nhận nhiệm vụ phối hợp Bộ Công an triệt phá đường dây ma tuý. Thiếu tá Nguyễn Xuân Lành (Đội phó) cùng 20 trinh sát thiện chiến trang bị súng, áo giáp tham gia chuyên án tuyệt mật. Suốt 4 ngày đêm, họ cùng các đồng nghiệp chia làm hai mũi bám sát chiếc ôtô bán tải chở ma tuý trong hành trình 700 km, từ Kon Tum sang Đăk Nông rồi về TP HCM.

"Tôi gọi điện cho đồng chí Lê Đông Phong - Giám đốc Công an TP HCM, đề nghị cử Đội đặc nhiệm tham gia phá án, khi phát hiện các đối tượng vận chuyển ma túy về thành phố", thiếu tướng Phạm Văn Các (Cục trưởng C04) cho biết. "Tội phạm ma tuý rất manh động, sẵn sàng chống trả bằng vũ khí nóng, nên thành viên ban chuyên án cơ bản là đặc nhiệm vì trình độ nghiệp vụ, nhạy bén, đáp ứng được tình hình, đối phó được tội phạm nguy hiểm".

Theo thiếu tướng Các, "thương hiệu" đặc nhiệm của Công an TP HCM đã có hơn 40 năm qua. Khi làm việc với các trinh sát, ông mừng vì họ có niềm tin, niềm say mê công việc. "Lúc sắp phá án có đồng chí bị ốm, chúng tôi cho về nghỉ nhưng không chịu, vẫn bám sát địa bàn", ông nói.

Đội Hình sự Đặc nhiệm tiền thân là Đội SBC (Săn Bắt Cướp) lừng danh một thời, được thành lập năm 2008, trong bối cảnh tội phạm cướp giật đường phố là vấn đề nhức nhối của TP HCM. Cũng với chức năng phòng chống tội phạm xâm hại sở hữu tài sản trên đường phố như SBC, song phương thức trấn áp được điều chỉnh để phù hợp với thực tế. Các trinh sát phải hạn chế truy đuổi cướp tốc độ cao trên đường nhằm giảm nguy hiểm cho người dân và cho cả tội phạm, đồng thời đẩy mạnh điều tra truy xét, bắt nguội sau khi xảy ra án.

Đội gồm hơn 60 người, quy tụ những trinh sát trẻ giỏi võ thuật, bắn súng, chạy xe máy tốc độ 150 km/h. Họ được chia làm 3 tổ, mặc thường phục tuần tra 24/24 tại nhiều quận trung tâm thành phố - nơi thường xuyên xảy ra các vụ cướp giật, nhất là với du khách nước ngoài.

"Đặc nhiệm được ví như bác sĩ chuyên khoa, nhìn vào sự việc là phải có phương án giải quyết. Trên đường phố, trinh sát có thể phát hiện đối tượng hình sự để xử lý, truy bắt. Những tên cướp khi bị truy đuổi thì điên cuồng chống trả nhằm thoát thân, đặc nhiệm phải bản lĩnh hơn mới bắt được", trung tá Mai Thống Nhất, Đội trưởng Hình sự đặc nhiệm nói.

Thường xuyên giáp mặt tội phạm hung hãn, luôn tìm cách chống trả để tẩu thoát, việc trinh sát đặc nhiệm bị thương do chạy xe tốc độ cao; bị xịt hơi cay; đâm dao, mã tấu... nhiều như cơm bữa. Do tính chất công việc, lính đặc nhiệm rất ít dịp mặc cảnh phục. Họ luôn xuất hiện trên đường, hay ở đơn vị trong trang phục bụi bặm; quần short, áo thun; thậm chí hàng xóm lâu năm của gia đình cũng không biết thân phận của họ.

Ông Hoàng Trọng Phương (60 tuổi) nhà trên đường Tây Thạnh (quận Tân Phú) nhớ như in đêm đầu tháng 4/2008, quán cà phê Hoàng Hạc ở gần nhà náo loạn, xung quanh có nhóm thanh niên bao vây. Chủ quán Đặng Quốc Đạt  (tức Đạt "Trắng") và ít nhất 3 đàn em bị quật ngã, khống chế, nhiều mã tấu bị thu giữ.

Đạt "Trắng" là đại ca của băng chăn dắt gái, đâm chém mướn và cướp giật tại các quận Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân... Hai hôm trước Đạt ra lệnh cho đàn em quay lại hẻm 622 Cộng Hòa chém trả thù những người dân trước đó đã truy cản bọn chúng trên đường đi cướp. Một cựu quân nhân bị chúng chém 8 nhát, thương tích 37% vĩnh viễn, một số người khác cũng trọng thương.

Vụ án gây rúng động dư luận do tính chất manh động, coi thường pháp luật của băng cướp. Đội đặc nhiệm cử những trinh sát giỏi nhất vào cuộc điều tra, ròng rã đeo bám cả ngày lẫn đêm để bắt trọn 8 người băng cướp của Đạt "Trắng". "Lúc này tôi mới biết mấy anh xe ôm, bán hàng rong ngày đêm qua lại khu vực này là cảnh sát đặc nhiệm", ông Phương nói.

Từ đầu năm đến nay Đội Hình sự đặc nhiệm đã bắt hàng trăm nghi can, phối hợp công an tỉnh Đồng Nai, Bình Dương giải cứu hơn 100 cô gái bị lừa bán vào các quán cà phê mại dâm trá hình, massage kích dục... Theo thống kê, án cướp tài sản giảm 22,6%; cướp giật giảm 3,22%; trộm tài sản giảm hơn 11% so với cùng kì năm ngoái.

Trinh sát đặc nhiệm ba lần bị xịt hơi cay vào mắt

Ba lần bị xịt hơi cay vào mắt, trước khi mù tạm thời trinh sát Long kịp bắn trúng chân kẻ cướp giật.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quốc Thắng ([Tên nguồn])
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN