Mong ước được gặp vợ trong "buồng hạnh phúc" của phạm nhân thoát án tử hình

Sự kiện: Tin pháp luật

Quân nói, cải tạo ở mức án cao nên điều anh ta mong mỏi nhất là được gặp riêng vợ tại buồng hạnh phúc.

Tình cờ chứng kiến cuộc trao đổi mua bán ma túy của người hàng xóm, Vũ Đình Quân, SN 1974, trú tại xã Xuân Lai, huyện Gia Bình (Bắc Ninh) nghĩ ngay tới người đang nhờ mình bán hộ cặp heroin nên nhận lời giáp mối. Muốn đánh quả lớn, Quân mua thêm 1 bánh heroin nữa rồi hí hửng đến trao cho khách mà không ngờ vì 3 bánh heroin này mà suýt mất mạng.

Suýt mất mạng vì tham

Tâm sự với chúng tôi về quãng thời gian sống trong buồng tử tù, Vũ Đình Quân bảo mỗi khi nhớ lại vẫn nổi gai khắp người, để rồi sau đó lại thầm cảm ơn số phận may mắn đã cho sống thêm lần nữa. "Hai năm trời sống trong buồng biệt giam làm tôi vô cùng thấm thía. Đã có thời điểm nếu không cảm nhận được việc ăn cơm và uống nước, tôi tưởng mình chết rồi".

Theo lời Quân thì cuộc sống của anh ta cứ bình lặng trôi qua với người vợ tảo tần và 3 đứa con khỏe mạnh. Ngoài làm ruộng, vợ chồng Quân còn có thu nhập thêm từ nghề mổ lợn. 

Năm vợ sinh con thứ ba, Quân quyết định xây nhà nhưng khi có được căn nhà khang trang thì vốn làm ăn cũng cạn. Chính vì thế mà từ việc mua lợn về giết mổ, vợ chồng Quân chuyển sang đi lấy hàng về bán lẻ. Những lúc vãn khách, Quân còn chạy xe ôm để có thêm thu nhập và cái lần chở người hàng xóm trung tuần tháng 7-2008 đã trở thành chuyến đi định mệnh cuộc đời Quân.

"Thực ra chúng tôi chơi với nhau rất thân nên khi anh ấy bảo chở ra Hải Phòng, tôi nể lắm mới đi vì nghĩ mình còn hàng quán, vợ thì không thể đứng bán cả buổi được vì con nhỏ. Nhưng vì anh ấy cứ năn nỉ nên tôi đã nể tình", Quân nhớ lại.

Phạm nhân Vũ Đình Quân.

Phạm nhân Vũ Đình Quân.

Người hàng xóm mà Quân nhắc tới chính là Nguyễn Văn Hiên, SN 1981, cùng trú tại xã Xuân Lai, huyện Gia Bình (Bắc Ninh). Hiên ra Hải Phòng gặp người chị kết nghĩa tên là Toàn để bàn chuyện làm ăn. 

Trong lúc ngồi nghỉ, Quân vô tình nghe được cuộc trao đổi giữa hai người này về việc mua bán ma túy. Theo đó, Toàn đồng ý mua của Hiên ma túy với giá 175 triệu/bánh. Quân chợt nhớ tới lần đang bán hàng thì một người quen biết tới nhờ bán hộ ma túy với giá 140 triệu đồng/bánh. Tuy nhiên, Quân không tham gia vào cuộc trò chuyện của hai chị em Hiên. Anh ta im lặng, coi như không nghe thấy gì.

Trên đường quay về, Hiên hỏi Quân có biết nguồn bán ma túy, sẽ mua lại với giá 170 triệu đồng/bánh. Quân chỉ ậm ừ bảo sẽ trả lời sau. Quân không nhận lời ngay vì không biết người nhờ bán ma túy kia còn hay đã bán đi rồi. Khi biết người quen đó vẫn chưa bán, Quân đồng ý giúp Hiên với thỏa thuận sẽ bán cho Hiên với giá 168 triệu đồng/bánh. 

Nhẩm tính số tiền lời, Quân muốn đánh quả lớn nên rủ em rể tham gia. Sau khi mua được 3 bánh heroin, hai anh em Quân mang ra điểm hẹn trao cho vợ chồng Hiên thì bị lực lượng chức năng bắt quả tang. Sau 2 lần xét xử, Vũ Đình Quân và Nguyễn Văn Hiên cùng lĩnh án tử hình; Nguyễn Thị Luân, SN 1983, vợ Hiên lĩnh 17 năm tù giam và Nguyễn Bá Thanh, SN 1979, em rể Quân lĩnh án 20 năm.

Khi nghe bản án tử dành cho mình, Quân đã khóc nức nở như một đứa trẻ. Biết rằng, tội lỗi của mình không gì có thể tha thứ, Quân chỉ thấy ân hận khi nghĩ tới người vợ tần tảo, không biết sẽ phải chèo chống thế nào với ba đứa con thơ dại. 

Rồi Quân nghĩ đến con, những đứa trẻ sinh ra vốn chẳng có tội tình gì, còn chưa biết làm gì phạm lỗi, thế mà giờ phải chịu điều tiếng về người cha chết vì tử hình… Cứ nghĩ như thế, Quân càng ân hận. Và rồi, Quân đã cầm bút viết đơn gửi Chủ tịch nước xin được tha tội chết.

"Xác định đây là cơ hội duy nhất, cuối cùng để được sống nên tôi dồn mọi tâm huyết, suy nghĩ của mình vào lá thư. Tôi bộc bạch hết những ân hận và cả những nuối tiếc, day dứt để mong được lượng thứ", Vũ Đình Quân nhớ lại.

Các phạm nhân có án cao, nhiều tiền án phải lao động trong rào vây.

Các phạm nhân có án cao, nhiều tiền án phải lao động trong rào vây.

Mong được gặp vợ trong buồng hạnh phúc

Những ngày chờ đợi thật nặng nề, ngột ngạt và bất lực, có thời điểm Quân chẳng thiết ăn uống. Đến tắm và thậm chí là thay quần áo thôi, anh ta cũng không làm. Quân bảo rằng thời điểm đó, nếu không cảm nhận được miếng cơm, ngụm nước đang mắc trên cổ thì Quân tưởng mình đã chết rồi. Nỗi cô đơn, sự tủi nhục và sự sám hối muộn mằn ùa về. Quân tâm sự, lúc ấy, nếu có điều kiện được là trâu, là ngựa để đổi lấy sự sống, anh ta cũng làm.

"Buồng biệt giam rất nhỏ, tài sản bên người chỉ là manh chiếu, chiếc vỏ chăn và 2 bộ quần áo, tôi ứa nước mắt vì nản. Rồi khi cán bộ khuyên, tôi cũng cố gắng gượng nghĩ rằng sống được ngày nào hay ngày đó…", Quân chia sẻ.

Nhớ lại ngày được ân xá, Quân bảo đến chết cũng không quên. 

"Trong lúc tôi sống vô thức với tâm trạng như người chết rồi thì buổi trưa rằm tháng Giêng năm 2012, trực tiếp Phó Giám thị trại tạm giam đem tin vui xuống cho tôi. Tôi đứng dậy, trong lòng hoang mang lắm. Sau khi ra một cái chòi nơi có một số cán bộ đang đứng, tôi chỉ nhớ rằng có một người đã đọc cái gì đó. 

Đầu óc tôi cứ lơ lửng vì không hiểu đây là quyết định được sống hay chết. Chỉ khi có một bàn tay vỗ vào vai tôi nói chúc mừng rồi những tiếng "được sống rồi nhé" khiến tôi sực tỉnh. Tay chân tôi luống cuống. Tôi muốn ôm cán bộ để hét lên sung sướng nhưng chợt nhận ra là cả tháng nay không tắm nên chẳng dám…", Quân nở nụ cười tươi khi kể về cái ngày mang dấu ấn tái sinh cuộc đời mình.

Chuyên gia tâm lý nói chuyện với các phạm nhân nữ ở Trại Hoàng Tiến.

Chuyên gia tâm lý nói chuyện với các phạm nhân nữ ở Trại Hoàng Tiến.

Về Trại giam Hoàng Tiến thụ án, Quân tâm sự, về đây lao động, anh ta không nề hà bất cứ việc gì được giao. Rồi những đêm thức trắng thương vợ, nhớ con, Quân ngẫm nghĩ lại cuộc đời mình. Ngày Quân vướng vào lao lý, đứa con út mới được 2 tuổi, thi thoảng được mẹ cho vào thăm bố. Thấy con thắc mắc sao chỗ bố nhiều người mặc áo giống nhau thế, Quân cứ thấy nhói lòng. Hơn chục năm nay, mỗi lần gặp vợ, nhìn vợ da sạm, tóc bạc, Quân lại thấy xót xa.

"Cái được nhất của cuộc đời tôi là sau bao nhiêu chuyện buồn tôi gây ra cho vợ con nhưng cả bốn người không một lời trách móc. Ba đứa con tôi biết nghe lời mẹ, bảo ban nhau học hành nên đứa nào cũng học tốt…", Quân tâm sự. Hai con lớn của Quân đã học xong đại học, đều đã có việc làm ổn định. Đứa con út năm vừa rồi vừa học hết tiểu học.

Quân nói, cải tạo ở mức án cao nên điều anh ta mong mỏi nhất là được gặp riêng vợ tại buồng hạnh phúc.

"Tôi muốn gặp riêng vợ để nói cho cô ấy nghe những điều riêng tư, thầm kín nhất mà hơn chục năm nay chưa có dịp nói ra", Quân cười bộc bạch. Theo như lời Quân thì chỉ có cách đó mới giúp anh ta vợi bớt tâm tư trong lòng và đó cũng là động lực để tiếp tục phấn đấu cải tạo tốt hơn nữa.

”Chỗ dựa” của người đàn bà thoát án tử

Bị người tình rủ rê đi buôn ma túy, Ly Thị Mai, sinh năm 1987, ở xã Na Ư (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) không ngờ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vĩnh Hà ([Tên nguồn])
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN