Mẹ sẽ về với các con

Sự kiện: Đằng sau song sắt

Nguyễn Thị Dung đã khóc sướt mướt mỗi lần hai con vào trại giam thăm mình. Rất nhiều lần chị đã nói với con mẹ sắp về, làm chúng hy vọng rồi thất vọng. Chị đã làm chúng đau đớn trong chờ đợi. Hiểu được điều đó, Dung cố gắng cải tạo tốt và chị đã được giảm án, chỉ còn 2 năm nữa là mãn hạn tù.

Với Dung đó không phải chỉ là sự “ân xá” mà chị được hưởng mà nó còn là niềm an ủi lớn với những đứa con của chị. Chỉ còn 2 năm nữa chị sẽ được trở về với các con của mình. Hy vọng đó sẽ là sự trở về thực sự, sự trở về trong thức tỉnh chứ không phải chỉ là lời hứa.

1. Phạm nhân Nguyễn Thị Dung, đang cải tạo ở trại giam Hoàng Tiến (Chí Linh - Hải Dương) và cũng có chồng hiện đang phải thụ án về tội buôn bán ma túy. Chị cũng từng sống nghèo, vất vả vươn lên, hy vọng và rồi lại thất vọng. Chị nói đời mình cứ như cuốn phim quay chậm, phân cảnh nào cũng buồn.

Dung trú tại 106 Đại lộ Tôn Đức Thắng (An Dương - Lê Chân - Hải Phòng) là người phụ nữ cá tính và có phần mạnh mẽ. Sự mạnh mẽ của Dung giúp cho chị tồn tại và sống tạm yên ổn ở khu vực có rất nhiều đối tượng nghiện ngập, trộm cắp… Nhà gần đường tàu, hàng xóm của Dung rất nhiều đứa hư hỏng. Bản thân em trai Dung cũng mắc nghiện rồi mất trong một lần sốc nặng. Dung không được học hành nhiều. Hết lớp 7 Dung đã ở nhà phụ mẹ bán hàng vặt. Lớn lên tí chút thì đi làm bưng bê cho một quán cơm gần nhà, cũng chịu rất nhiều sự ghẻ lạnh, khinh thường của người đời.

Rồi Dung mở luôn quán cơm bình dân và tự mình chèo lái. Thời gian này, Dung quen biết một số đối tượng giang hồ, bậc đàn anh đàn chị. Rồi được giúp đỡ để có thể đứng lên cho vay nặng lãi. Không ai dám ăn quỵt tiền bởi Dung có một số đàn anh “máu mặt” hậu thuẫn.

Làm hàng cơm vất vả mà chẳng được lãi nhiều, nhưng Dung vẫn khấm khá vì cho vay lãi. Dung mải mê làm ăn đến gần 30 tuổi vẫn chưa lấy chồng. Rồi “người đó” xuất hiện. Đó là Trương Tuấn Ngọc, sinh năm 1961, ít hơn Dung 4 tuổi, cùng ở Hải Phòng. Ngọc xuất hiện và làm Dung chú ý qua những lần gã đến quán của chị ăn cơm. Dung cũng biết Ngọc vừa mới mãn hạn tù về tội Cố ý gây thương tích. Nhưng  Dung vẫn thương Ngọc. Dần dần họ yêu nhau.

2. Năm 1990, sau khi làm đám cưới, Dung “bố trí” cho chồng làm xe ôm ngoài phố, còn mình vẫn tiếp tục công việc trước đây. Nghĩ việc làm ăn lúc ấy vẫn phập phù, Dung quyết định bỏ bán hàng cơm để mở hiệu cầm đồ kết hợp cho vay nặng lãi. Dung cho biết: “Tôi cứ nghĩ việc chỉ đến đấy thôi. Tôi sẽ làm ăn cho tốt và dành tiền xây nhà, lo cho chồng con cuộc sống tươm tất. Nhưng đồng tiền đã khiến tôi hoa mắt. Tôi đã cầm đồ cả ma túy của đối tượng Nguyễn Thị Mai Phương và trở thành kẻ tòng phạm cho một đối tượng mua bán ma túy cộm cán. Dù có nói thế nào thì tôi cũng là người có tội, và tôi ân hận vì điều đó”. Kết cục cho hành vi tội lỗi đó là mức án 15 năm tù giam. Dung phải xa chồng, con gái sinh năm 1992 và con trai lúc đó chưa đầy 2 tuổi.

Trong khi phải đi cải tạo Dung trao trách nhiệm chăm sóc hai con cho chồng. Trong thâm tâm, Dung tin chồng đã “cải tà quy chính”, không bao giờ đi vào con đường phạm pháp nữa. Một vài lần chồng vào tận trại thăm vợ, Dung cũng vẫn tin thế. Nhưng cũng như vợ, Trương Tuấn Ngọc bị tiền làm mờ mắt và bị ma túy “hành”! Năm 2007, chỉ sau khi vợ đi tù vài năm, Ngọc đã dính vào ma túy. Suốt mấy năm trời trốn truy nã, Ngọc đã bị tóm gọn và chịu mức án 22 năm tù giam. Dung vừa khóc vừa kể: “Cho đến lúc vào tù giam, tôi vẫn chưa bao giờ nghĩ sẽ ân hận vì lấy Ngọc. Tôi kỳ vọng anh ấy sẽ làm ăn tử tế để nuôi dạy con. Ai ngờ… 

Đầu năm 2011, chỉ có hai con nhỏ vào thăm tôi. Tôi biết là đã có chuyện chẳng lành. Ai ngờ đúng thế. Tôi đã khóc ngất khi biết tin này. Giờ thì chồng tù, vợ tội, con cái bơ vơ. Sự nghiệt ngã này, sao lại trút lên gia đình tôi thế?”

3. Có người hỏi chuyện khiến Dung cồn cào nhớ con. Chị trách bản thân, dằn vặt mình rất nhiều, nhất là những ngày mới nhập trại. Nhưng con cái không trách chị. Suốt những năm qua, hai đứa nhỏ đều hỏi bao giờ mẹ về. Mẹ chúng nói “Tết”. Rất nhiều cái Tết đợi chờ, không thấy mẹ. Mới qua một cái Tết nữa, mà mẹ chúng vẫn chưa về. Nghịch cảnh mà tôi nhìn thấy đây không hề ít trong cuộc đời này.

Cũng may, Dung còn được niềm an ủi, là hai đứa con rất chăm ngoan, được người thân trông coi, nuôi nấng tử tế. Dung nói: “Đứa con gái của tôi học hết lớp 8 và được em tôi cho đi học nghề cắt tóc, thằng bé con vẫn còn đang đi học. Con gái tôi cũng làm được ít tiền rồi. Có lần còn gửi vào cho tôi nữa. Điều đó làm tôi nghĩ tích cực và gắng sống hơn. May mắn có một lần, tôi được chuyển lời động viên đến chồng. Tôi khuyên anh ấy cố gắng cải tạo cho tốt, mình làm thì mình chịu chứ biết làm thế nào. Tôi cũng nói với con phải ngoan ngoãn, đừng làm gì dại dột để phạm pháp.”

Mỗi lần hai con đi thăm Dung, chị đều nói: “Bố mẹ đã như thế, thì hai con phải ngoan, chịu khó học, làm và kiếm ra tiền bằng sức lao động, chứ không phải là những đồng tiền phạm pháp. Tôi dặn tỉ mỉ, không được chơi bời, lêu lổng, sa vào nghiện hút”. Vuốt nước mắt, Dung khoe, chị được Ban giám thị trại Hoàng Tiến nhìn nhận quá trình cải tạo, Dung được giao việc bảo đảm giờ giấc ăn ở, làm việc, chấp hành nội quy của các phạm nhân nữ. Dung cũng rất có uy tín trong việc “uốn nắn” các phạm nhân khác. Nhất là một số người mới vào, có tư tưởng tiêu cực, quậy phá, không hòa đồng. Với khả năng của mình, Dung đã hoàn thành tốt nhiệm vụ và được xét giảm án hơn 3 năm. Điều đó cho chị niềm hy vọng, rằng ngày trở về đoàn tụ với hai con đang rất gần.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo A Khoa (An ninh thủ đô)
Đằng sau song sắt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN