Mất hàng trăm triệu vì... mua đồ qua mạng
Ngày 6/10, cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP Hà Nội đã kết thúc điều tra và đề nghị truy tố đối với Đoàn Anh Đức, trú tại phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Trước đó, sau gần một năm lẩn trốn, Đức đã bị bắt theo quyết định truy nã.
Lợi dụng tâm lý thích xài "hàng hiệu", "hàng độc", giá cả lại rẻ hơn các shop thời trang, Đức đã sưu tầm trên mạng Internet một số hình ảnh như túi xách, giầy, dép, guốc, kính... của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, sau đó đưa hình ảnh này lên website thương mại điện tử như một "quầy hàng trực tuyến" để rao bán các sản phẩm "ảo".
Bằng cách này, nhiều chị em có nhu cầu mua sắm đã gọi điện thoại cho Đức qua số điện thoại mà Đức quảng bá trên trang web. Sau khi thống nhất giá cả, chị em phải chuyển tiền vào tài khoản mà Đức yêu cầu. Biết tiền đã nằm trong tài khoản rồi, Đức sẽ cắt liên lạc hoặc bỏ số sim điện thoại đó nhằm chiếm đoạt tiền mà khách hàng gửi cho Đức.
Trong số 13 nữ nạn nhân mà cơ quan điều tra xác định được, người ít thì bị lừa hơn 1 triệu đồng, người nhiều thì bị mất tới 85 triệu đồng. Tổng số tiền mà Đức lừa đảo của các nạn nhân này là 233 triệu đồng, trong đó, duy nhất trường hợp của chị Trần Thị Phương Ly, trú tại Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội bị lừa 17 triệu đồng, chị Ly dọa sẽ tố cáo Công an nên Đức đã trả lại cho chị Ly số tiền trên!
Mua sắm trên mạng Internet trong thời đại "thương mại điện tử" đem lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng cũng như các chủ thể kinh doanh. Tuy nhiên, cách thức mua hàng như vậy rõ ràng tạo ra một lỗ hổng lớn, để kẻ xấu lợi dụng lừa đảo.
Thiết nghĩ, đơn vị quản lý website cần có biện pháp quản lý và chịu trách nhiệm với những thông tin đăng trên website của mình. Đối với những website không rõ nguồn gốc và đơn vị chủ quản, thì chính người tiêu dùng cần cảnh giác hoặc tự kiểm tra thông tin một cách kỹ lưỡng trước khi chuyển tiền vào tài khoản của ai đó để mua hàng.