Lòng bao dung lạ thường của người mẹ mất con

Một câu chuyện cảm động về tình người giữa gia đình nạn nhân và hung thủ sau thảm án giết người yêu từng một thời chấn động dư luận tại Quảng Nam.

Chỉ vì một phút nóng giận, hung thủ đã ra tay với cô người yêu của mình. Người thì mất mạng, kẻ phải vào tù. Nhưng người mẹ của nạn nhân với tấm lòng bao dung độ lượng vẫn thương xót cho kẻ đã gây ra cái chết oan uổng cho con gái mình.

Chuyện tình người phía sau thảm án

Cách đây bảy năm, tại xóm nghèo vùng cát trắng xã Bình Đào (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) đã xảy ra vụ án mạng khiến người dân nơi đây rúng động. Sự việc xảy ra vào rằm tháng tám cách đây đã 7 năm, tại ngôi nhà nhỏ đứng nép sau ở trong rừng phi lao vùng cát, đã xảy ra vụ án mạng kinh hoàng. Người thanh niên sau khi đến nhà người yêu cũ chơi, trong lúc lời qua tiếng lại, Trần Đăng Thủy (32 tuổi, trú xã Bình Đào, Thăng Bình, Quảng Nam) đã dùng dao đâm chết chị Trương Thị Trúc ngay trong nhà, rồi tự đâm mình tự tử nhưng không thành và Thuỷ phải chịu án tù chung thân. Thời gian trôi qua đã lâu vụ án đã kết thúc và mọi người cũng đã dần quên đi, chỉ còn hai bà mẹ với nỗi đau không thể nói thành lời.

Đã mấy năm trôi qua, người mẹ ấy giờ đã ngoài bảy mươi dáng gầy nhỏ, đôi mắt đã khô vì khóc quá nhiều. Bà Trần Thị Liên (70 tuổi) có năm người con (Trương Thị Trúc - nạn nhân của vụ thảm án năm xưa là con gái thứ 2 trong gia đình) tất cả đều đã thành danh và lập gia đình ở xa. Cái chết đến với con gái quá bất ngờ khiến người mẹ đã ngã bệnh trong thời gian dài. Khi nghe tôi nhắc lại nỗi đau ngày nào, bà Liên ngậm ngùi nhìn bức ảnh con gái trên bàn thờ rồi nói: "Nó hiền lắm, xóm làng ai cũng thương, học Sư phạm cũng gần ra trường rồi, thế mà!", bà Liên dừng lại, nước mắt trào ra như chuyện xưa đang xảy ra trước mặt bà.

Nhắc đến mối tình của con gái mình với Trần Đăng Thủy, người mà sau này trở thành kẻ giết con gái mình, bà Liên chỉ ngậm ngùi bảo: "Chúng nó cũng đã có một thời yêu nhau, nhưng con Trúc thấy không hợp nên chia tay, còn chuyện gì xảy ra ngày hôm ấy tôi cũng không rõ lắm!". Thật ra không phải bà Liên không nhớ mà có lẽ bà không muốn kể lại, bà muốn để mọi chuyện chôn sâu vào quên lãng. Cái chết của cô sinh viên cách đây nhiều năm khiến ai thấy cũng phải thương tiếc. Tiếc cho một đời con gái hồng nhan bạc phận.

Lòng bao dung lạ thường của người mẹ mất con - 1

Bà Liên với tấm lòng bao dung độ lượng. Ảnh: T.G

Thuỷ là kẻ đã đâm chết người yêu của mình, nhưng lạ thay khi nhắc đến Thuỷ người dân trong xóm cũng như mẹ của nạn nhân đều không tỏ thái độ căm ghét mà họ vẫn rất tôn trọng anh. Bà Liên khi nhắc đến Thuỷ còn tỏ vẻ ai ngại, thương xót như thương cho con gái mình: "Cái thằng sao mà yêu đến mê dại như thế, để đến nỗi hại người hại thân. Nó cũng là một người có học, có năng lực, đẹp trai nữa, chỉ có tội suy nghĩ không sâu mà gây hậu quả thế này!". Những câu bà Liên nói về Thuỷ không phải trách mắng với một kẻ đã giết con gái mình mà như đang nói về một người chẳng may lầm đường lỡ bước.

Người dân trong xóm cũng không mấy ai có thái độ căm ghét với Thuỷ mà họ cũng đều thông cảm và tiếc cho một người tài năng. Bà Tâm (mẹ của hung thủ) cũng ngậm ngùi cho biết: "Trời tiếc cho một đôi trai tài gái sắc, cái thằng đẹp trai và lịch sự lắm, gặp ai trong xóm cũng chào hỏi, thấy mà thương, giờ cuộc đời như đóng lại mất rồi!". Tất cả đã là quá khứ, nhưng vết thương để lại quá lớn trong lòng hai bà mẹ. Nhưng đằng sau đó, là cả một câu chuyện đẹp về lòng vị tha, về tình người của hai người phụ nữ tóc đã pha sương này.

Hóa giải nỗi đau từ lòng vị tha hiếm có

Sau vụ án mạng, người chết cũng đã chết, kẻ gây án cũng phải chịu cảnh tù tội. Nhưng nỗi đau để lại cho người thân của cả hai là quá lớn, tưởng chừng như không thể lành nổi. Hai bên gia đình, một là cha mẹ của nạn nhân, một là cha mẹ của kẻ sát nhân, cả hai đều hứng chịu nỗi đau của con trẻ, nên họ thông cảm và thấu hiểu cho nhau. Từ những nỗi đau nên họ cần có nhau, tình cảm giữa hai bên gia đình trở nên thân thiết và gắn bó hơn.

Thông thường, gia đình bên nạn nhân sẽ căm hận gia đình của kẻ đã cướp đi tính mạng của con gái mình, thế nhưng tình cảm giữa hai bên gia đình vẫn như xưa, họ vẫn qua lại thậm chí còn thân hơn trước. Bởi lẽ họ hiểu một điều là cả hai đều không mong muốn chuyện đau lòng này xảy ra. Họ hiểu được nỗi đau và thông cảm cho nhau. Điều này khiến bà con xóm làng nơi đây không còn căm ghét kẻ sát nhân nữa mà xem Thủy cũng là một nạn nhân mù quáng của tình yêu.

Bà Liên từ khi mất con gái bà chưa bao giờ có một lời oán hận kẻ đã gây ra cái chết cho con gái mình. Còn gia đình Thủy, trong ngày đám tang của Trúc cũng đã lo hết mọi bề, họ cũng thương xót Trúc không thua gì người thân. Bà Tâm tâm sự: "Thương cho con Trúc hồng nhan bạc phận, tôi cũng luôn mong nó trở thành dâu con trong nhà, ai ngờ mọi chuyện xảy ra như thế!". Nhắc đến Trúc mắt bà Tâm rơm rớm nước mắt, bà Liên vội vỗ nhẹ lên vai người đàn bà bây giờ đã trở thành bạn mình. Mọi ngày giỗ Trúc hay những ngày giỗ của nhà bà Liên, bà Tâm đều có mặt để giúp một tay. Mọi người trong gia đình bà Liên đều xem bà Tâm như người trong nhà, họ đối xử với nhau rất tốt và hoà thuận. Nhiều người dân trong xóm biết chuyện cũng tấm tắc bảo: "Chưa lần nào thấy hai bên họ cãi cọ nhau, hai bà thân lắm, chuyện xưa cũng ít khi ai nhắc lại, bây giờ chỉ hướng tới tương lai thôi!".

Bà Liên cũng từng tâm sự: "Chuyện của mấy đứa trẻ, mình là người lớn sao phải hận nhau làm gì, có ai mong muốn chuyện xảy ra đâu, trách mắng nhau liệu người chết có sống lại không. Sống như thế này có khoẻ hơn không!". Hai bà mẹ bây giờ giống như hai chị em, tình cảm sâu sắc, họ tìm đến nhau những lúc nhớ đến con và tâm sự cho nhau nghe những chuyện buồn vui. Chính sự thông cảm và thấu hiểu lẽ đời của mẹ nạn nhân đã tạo cho người mẹ của hung thủ đỡ phải dây dứt lương tâm, không phải chịu nhục nhã, tai tiếng của người đời.

Gia đình bà Tâm thì cảm phục, bảo rằng bà Liên rộng lượng đối xử với gia đình như vậy, làm cho bà thấy nhẹ lòng hơn, đỡ gánh nặng về tội lỗi mà đứa con trai ngốc nghếch của bà đã gây ra. "Tôi rất quý chị Liên cũng như gia đình chị, ở họ có một đức tính vị tha mà mấy ai có được. Sống với nhau ở trên đời cái khó nhất là có thể tha thứ khi một ai đó đã gây cho mình một tổn thương quá lớn!" bà Tâm tâm sự. Ở xóm làng này, cả hai người đều sống chưa bao giờ mất lòng ai trong xóm, những lúc hàng xóm khó khăn cả hai người đều sẵn sàng giúp đỡ mà không một chút tính toán. Anh Dương, anh trai của nạn nhân chia sẻ: "Thôi thì mọi chuyện cũng đã qua. Tuổi trẻ có những lỗi lầm và đã phải trả giá. Được gì đâu nếu cứ mãi hận thù nhau, sao không mở lòng mình ra, đối xử với nhau bằng cái tình có phải cuộc sống sẽ nhẹ nhàng thanh thản hơn không. Cuộc đời này có được bao năm sống đâu mà cứ phải mang mãi mối hận thù ấy!".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Thủy (giadinh.net.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN