Lần theo “tour du lịch hút hít” trên đỉnh Mã Pí Lèng: Họ từng rủ tôi mua lanh Mèo về để làm ma túy
Ở các bài trước, Dân Việt đã điều tra và phản ánh tình trạng một số đối tượng đã thành lập cả tour du lịch có sử dụng cần sa, lanh Mèo tại các điểm dừng, tại Dong Van Bar Coffee của đối tượng Khanh Vu trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.
Để làm rõ hơn về tính chất "gây nghiện" của cây lanh Mèo, chúng tôi có cuộc phỏng vấn Tiến sỹ danh dự Lê Trung Tuấn, người sáng lập và là Chủ tịch Hội đồng quản lý viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD). TS Lê Trung Tuấn khẳng định:
- Cây lanh này có 3 đến 4 loại. Phổ biến nhất là Canibis sativa và Canabis indica của Ấn Độ. Hai dòng cây này vào Việt Nam lúc đầu chỉ phục vụ cho việc lấy sợi rồi dệt vải nhưng rồi có những nhóm người chuyên săn lùng chúng để kiếm tìm ảo giác. Cây cần sa có một số hoạt chất gây kích thích thần kinh, trong đó có Tetrahydrocannabinol hay còn gọi là THC. Đây là cái có thể được chiết xuất từ cây cần sa hay chúng ta còn gọi là cây lanh Mèo, lanh Mán hay gai dầu. Chúng đều là một họ.
TS Lê Trung Tuấn trong cuộc trả lời phỏng vấn PV Dân Việt.
Nhưng cái hiểu lầm chết người nhất là nhiều người lại nghĩ rằng cần sa là cây khác, cây lanh Mèo rồi gai dầu là khác. Thật ra nó là một loài. Một loài có 2 đến 3 họ nhưng tỷ lệ THC lại tương đương nhau, đều có thể chiết xuất ra hoạt chất THC để phục vụ vừa là cho y tế, vừa trong nghi lễ tôn giáo (trước kia) để tạo ra những ảo giác, hưng phấn nhất định. Và cần sa, lanh Mèo, gai dầu thực chất đều là một và đều cho ra một loại hoạt chất.
Chỉ khác nhau về cách gọi
Như ông nói người ta phân biệt cần sa và lanh Mèo qua hàm lượng THC. Nếu tỉ lệ THC ở cây này chưa vượt qua ngưỡng để coi là ma túy thì chỉ đơn giản nó là lanh trồng để lấy sợi chứ không thể nào nói là cây gai dầu, cây lanh Mèo cây cần sa là một được?
- Như tôi vừa rồi trao đổi, đây là một sự ngộ nhận chết người của chính chúng ta trong quá trình nghiên cứu, ngăn ngừa ma túy. Bởi vì chúng ta không phân định rõ rằng đó là một nhóm hay là một cây để bây giờ trong cộng đồng xã hội cũng như là trong không ít giới chức chính quyền đang “hiểu lầm hoàn toàn”. Rằng nó là những loại cây khác nhau.
Nhưng qua quá trình nghiên cứu tôi phải khẳng định một điều: Cần sa, lanh Mèo rồi gai dầu chỉ là một loài. Quá trình nghiên cứu về nó tôi đã đi khá nhiều tỉnh miền núi phía Bắc. Ở đây bà con đang trồng lanh với mục đích lấy sợi và phát triển kinh tế, nhưng đằng sau đó tiềm ẩn những nguy cơ, rủi ro khi bắt đầu có nhiều đối tượng “phát hiện” đây là cây cần sa.
Họ bắt đầu tổ chức những chuyến đi tour, những chương trình nhỏ lẻ đến đấy để “du lịch” nhưng thực chất là sử dụng ma túy trá hình. Đây là điều chúng ta phải hết sức ngăn ngừa.
Cây lanh Mèo chứa hàm lượng ma túy được "chế" và sử dụng để phê.
Tôi không dám khẳng định chắc chắn, nhưng có thể có tới hàng nghìn ha đang trồng loại cây này với mục đích phát triển kinh tế. Có những tỉnh đang khuyến khích trồng loại cây này để phát triển ngành nghề dệt vải truyền thống, góp phần đắc lực xóa đói giảm nghèo...
Một mặt chúng ta ủng hộ bà con, nhưng cũng cần thấy được nó tiềm ẩn nguy cơ của việc chiết xuất tinh dầu có trong thân, lá của cây lanh để phục vụ cho những nhóm sản xuất, buôn bán ma túy. Họ đang sử dụng loại tinh dầu này cho thuốc lá điện tử, pha trộn vào thực phẩm hoặc... thuốc lào để hút.
Hiện có rất nhiều chế phẩm được làm từ cần sa mà chúng ta không biết mặc dù cần sa đã bị đưa vào danh mục cấm. Nhưng cái đáng nói là cấm cần sa chứ không cấm lanh vì bao nhiêu năm qua chúng ta đã không làm rõ hai cây này chỉ là một. Với một cơ quan nghiên cứu rất lâu và sâu về ma túy, chúng tôi khẳng định cần sa, lanh Mèo hay gai dầu là một, chỉ khác nhau về tên gọi tùy từng vùng miền khác nhau
Vậy ông có thể xác nhận lại: Cây lanh Mèo cũng là cây cần sa?
- Tôi khẳng định lại một lần nữa đó là cần sa. Và khi tôi khẳng định điều đó tôi sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Căn cứ vào hình dạng, mùi vị của lá và đặc biệt là đối với mùi vị, nguồn gốc của dòng lá này chỉ có 1 chứ không thể có 2 được.
Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy của chúng tôi cũng đã xét nghiệm và kết luận. Vì nếu không kết luận sẽ không đưa ra được những lời cảnh báo và đề xuất “cấm” sử dụng chúng trong những trường hợp nguy hiểm.
Chúng có hàm lượng chất ma túy (THC) đủ điều kiện để luật Việt Nam cấm như cấm anh túc, cần sa, cocain không?
- Hàm lượng THC trong cây cần sa, gai dầu, lanh Mèo là một thì đã được pháp luật Việt Nam đưa vào danh mục nghiêm cấm sử dụng và chỉ phục vụ cho mục đích y tế. Nhưng cách chúng ta quy định nó là một hay chia tách nó để sử dụng nhiều tên gọi khác nhau trong việc vận hành về mặt thể chế thì điều này thuộc về thẩm quyền của các cơ quan chức năng.
Đây là một "ruộng lanh" theo cách gọi của chủ quán Dong Van Bar Coffee.
Được biết gần đây ông đưa chuyện này (lanh Mèo và cần sa là một và nguy hiểm như nhau - PV) lên mạng xã hội đã bị phản ứng "ném đã" dữ dội?
- Một số người lao vào “ném đá” tôi là bởi vì hầu hết họ đều trong những nhóm đang sử dụng cần sa nổi tiếng trên mạng như nhóm “Cần sa…”, nhóm “Canab…”. Tất cả những nhóm này đều phản ứng mạnh khi nói rằng cần sa tốt cho y tế, con người vì nó được sử dụng rất lâu rồi.
Tôi cũng khẳng định lại một lần nữa: Cần sa là một, anh túc là hai đều có nguồn gốc từ tự nhiên nhưng sau này con người đã lạm dụng chúng. Từ anh túc có thể chiết xuất ra các chất ma túy như heroin và vô số loại ma túy tổng hợp khác, từ cần sa chiết xuất ra THC. Tất cả những cái này chúng ta đều sử dụng cho nhiều mục đích, có cả tích cực và tiêu cực.
Nói khác đi, con người đã lạm dụng nó. Nhựa anh túc hay nhựa cần sa thì đều sử dụng cho cả thực phẩm, y tế và trong nghi lễ tôn giáo. Trong đó nhóm cần sa thì đem lại ảo giác và hưng phấn cao hơn thuốc phiện rất nhiều.
Nếu đúng như ông phân tích thì liệu chúng ta có cần điều chỉnh các kế hoạch trồng phổ biến cây lanh Mèo để tránh việc bị lợi dụng không?
- Việc chúng ta xác định tên gọi để khu định chung thành tên gọi nhóm cần sa - rồi nghiêm cấm trồng hoặc có cơ chế quản lý chặt chẽ để tránh bị lợi dụng là bước đầu tiên mà chính quyền các cấp nên nỗ lực thực hiện. Sau đó mới là mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ngày hôm nay nó chỉ là nguy cơ, hoặc các đối tượng mới nhen nhóm hoạt động trên quy mô chưa quá lớn, nhưng ngày mai nó sẽ trở thành thảm kịch và ngày kia trở thành thảm họa.
Tôi nhận định bất cứ lúc nào, những nhóm có liên quan đến trồng, chế biến, sử dụng và tổ chức sử dụng ma túy - đặc biệt là những nhóm có sử dụng cần sa - khi nắm được kẽ hở này lợi dụng triệt để. Tôi cũng đã từng cảnh báo trực tiếp về mối nguy tiềm ẩn này với một vị lãnh đạo đơn vị điều tra tội phạm về ma túy của Bộ Công an.
- Các anh ấy cũng đã tiếp nhận và cho biết sẽ có những đề xuất nhất định với các địa phương đang trồng nhiều cây lanh Mèo. Nhưng tôi thì tôi nghĩ rằng, thời gian nó chẳng đợi được và với số lượng cây lanh tiếp tục được khuyến khích trồng như hiện nay, nếu không có quyết sách sáng suốt kịp thời, trong tương lai rất gần chúng ta sẽ phải đau đớn chứng kiến những chuyến du lịch của các bóng ma như loạt bài điều tra của báo Dân Việt đã phản ánh.
Đáng sợ hơn nữa, họ tổ chức các đường dây chiết xuất ra ma túy để sử dụng và bán bởi nếu cứ để tình trạng này tiếp diễn việc ấy quá dễ thực hiện.
Họ rủ tôi mua “lanh Mèo” để sản xuất ma túy
Cuốn tự truyện nổi tiếng của Lê Trung Tuấn viết về cuộc đời lầm lạc trong ma túy rồi vươn lên của chính ông.
Vậy trước mắt chúng ta phải làm gì để tránh tình trạng lợi dụng trồng cây lấy sợi để phục vụ cho việc hút hít?
- Cho dù nó có những tên gọi khác nhau ra sao thì bản chất các cây lanh Mèo, gai dầu, cần sa trên vẫn là một. Ở Việt Nam đang phổ biến nhất chỉ có 2 dòng đó là Canabis sativa và Canabis indica. 99% số này được trồng ở các tỉnh miền núi phía Bắc và bà con đang gọi là gai dầu và lanh Mèo.
Như anh vừa nói về các kết quả điều tra liên quan đến hút lanh Mèo rồi ngụy trang việc dùng lanh Mèo để bán các loại cần sa bị cấm khác - tôi gọi đó là những hành động phi luân của những nhóm người lừa đảo.
Trong quá trình tiến hành nghiên cứu trên khoảng 6.000 phụ huynh học sinh, chúng tôi nhận ra rằng: 83,7% trong số họ không hiểu biết về các chất ma túy, không nhận định, nhận dạng được những chất ma túy và dấu hiệu của người sử dụng chất ma túy.
Chính vì vậy mà bố mẹ có khi còn đồng hành cùng con vào các tour du lịch như vậy. Nhưng nếu như họ biết được rằng “đây là cây cần sa, hay còn gọi là cây gai dầu, lanh Mèo, nó mang hoạt chất gây hưng phấn, kích thích, ảo giác cho con người và nằm trong danh mục cấm, ma túy của Chính phủ Việt Nam" thì họ sẽ biết cách tránh xa chúng. Nhưng tiếc là số người có được kiến thức này còn quá ít.
Từ đâu ông biết chuyện cây lanh Mèo bị các đối tượng nghiện hút lợi dụng
- Khi điều trị cho người nghiện, chúng tôi mới phát hiện một số người sử dụng cây lanh Mèo. Để không mất tiền, họ lên miền núi, lấy lá lanh Mèo mang về, phơi khô sáng ngày hôm sau dùng được ngay. Tôi đã nghiên cứu và đưa ra cảnh báo. Cách đây 500 năm thuốc phiện đâu trong danh mục cấm. Nhưng đến bây giờ đã có trong danh mục cấm. Chúng ta cần phải đưa lanh Mèo vào danh mục quản lý, không thể để các đối tượng xấu lợi dụng như hiện nay.
Có người từng rủ tôi đi mua mua sản phẩm từ cây lanh Mèo về chiết xuất tinh dầu, sản xuất ma túy. Vì trước khi thành lập Viện, tôi từng là người hơn 6 năm nghiện ma túy, các đối tượng vẫn tưởng là tôi… còn nghiện nên họ rủ. Họ đã thu mua cây lanh Mèo (cả lá, hoa và hạt) rồi chuyển đi đâu không ai biết. Tôi biết họ chế biến thành cần sa, đóng bánh, chuyển đi nước ngoài.
Và họ cũng đã chế biến những chế phẩm khác, ấp ủ thành lập nhà máy nước giải khát, thực phẩm từ các hoạt chất, tinh dầu này. Vì vậy, tôi kiến nghị, cơ quan chức năng cần có những điều chỉnh kịp thời để quản lý chặt chẽ các vấn đề trên.
- Xin cảm ơn TS Lê Trung Tuấn!
"Tôi nhận định bất cứ lúc nào, những nhóm có liên quan đến trồng, chế biến, sử dụng và tổ chức sử dụng ma túy - đặc biệt là những nhóm có sử dụng cần sa - khi nắm được kẽ hở này (sự hiểu nhầm về tác dụng của cây lanh Mèo) sẽ lợi dụng triệt để. Tôi cũng đã từng cảnh báo trực tiếp về mối nguy tiềm ẩn này với một vị lãnh đạo đơn vị điều tra tội phạm về ma túy của Bộ Công an". |
Nguồn: [Link nguồn]
Các dấu hiệu Khanh và nhóm của mình sử dụng và tổ chức sử dụng ma túy tại Dong Van Bar Coffee và suốt trong “tour du lịch...