Ký ức đen tối của nạn nhân duy nhất sống sót khi bị nhóm buôn người bỏ rơi ở Anh

"Cắn răng” trao 14.000 bảng Anh cho một băng “Đầu rắn”, người đàn ông được hứa hẹn rằng sẽ có một cuộc sống tươi đẹp ở nước Anh. Nhưng sự thật hoàn toàn ngược lại.

Việc phát hiện 39 thi thể ở thùng xe tải tại Anh gợi nhớ những ký ức bi thảm về những thảm kịch tương tự của người nhập cư trái phép. Họ phó mặc số phận, chấp nhận trở thành nạn nhân của các đường dây buôn người để tìm đường tới “miền đất hứa”. Tuyến bài “Kinh hoàng những hành trình vượt biên” một lần nữa như lời nhắc nhở đau đớn về mối nguy hiểm do nạn buôn bán người gây ra.

Năm 2004, sự kiện được xem là một trường hợp điển hình của "thảm họa nhập cư" đã xảy ra tại Anh. Một nhóm gồm 24 người nhập cư Trung Quốc làm nghề thu hoạch sò ở Vịnh Morecambe thuộc vùng Lancashire đã bị mắc kẹt khi thủy triều dâng lên khiến 21 người chết đuối, 2 người mất tích. Li Hua là người duy nhất sống sót nhưng cho tới nay, dù đã 42 tuổi, có vợ và 2 con, anh vẫn không thể quên được những gì đã xảy ra ngày hôm ấy.

Những nạn nhân của thảm họa Morecambe từng gây chấn động Anh

Những nạn nhân của thảm họa Morecambe từng gây chấn động Anh

Vỡ mộng “miền đất hứa”

Li Hua sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo của miền Nam Trung Quốc. Nghề trồng rau chỉ đủ để anh nuôi thân. Vậy nên khi những kẻ buôn người mời chào anh về một cơ hội đổi đời ở Anh quốc, Li Hua lập tức nắm lấy, dù chi phí phải trả lên tới 14.000 bảng Anh (hơn 400 triệu đồng), số tiền khổng lồ với người lao động nghèo.

Sau khi trao tiền cho một băng “Đầu rắn” - băng đảng buôn người khét tiếng tại Trung Quốc, anh đặt chân lên nước Anh vào năm 26 tuổi. Cũng giống như rất nhiều lao động nhập cư người Trung Quốc khác, anh và cả gia đình phải oằn mình gồng gánh khoản nợ lớn cho giấc mơ đổi đời tại trời Âu.

Câu chuyện của Li Hua khá phổ biến tại tỉnh Phúc Kiến, nơi những nam giới trẻ thường lựa chọn cách đi lao động tại châu Âu với kỳ vọng sẽ thu về được một khoản tiền lớn sau 3 - 4 năm.

Li Hua đến Anh bằng cách trốn sau một chiếc xe tải. Sau hành trình gian nan, anh cũng đến được “miền đất hứa”. Nhưng khi vừa đặt chân tới London, những kẻ buôn người liền bỏ anh và những người khác lại, không tiền và không có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh.

"Một người đàn ông tiếp cận và hỏi tôi rằng có một công việc ở Liverpool. Trong tình cảnh này, tôi lập tức đồng ý. Và chỉ khi đến nơi, tôi mới biết công việc ấy là đi nhặt sò. Trong số chúng tôi chẳng có ai từng làm việc tương tự như vậy cả. Nhưng chúng tôi vẫn phải làm để sống sót".

Chỗ nghỉ ngơi bẩn thỉu và lạnh lẽo

Chỗ nghỉ ngơi bẩn thỉu và lạnh lẽo

Nhưng rồi, thay vì một cuộc sống dễ dàng như hứa hẹn, Li bị bắt phải lao động 7 ngày trong tuần trong điều kiện khủng khiếp chỉ với 10 bảng Anh (gần 300.000 đồng) mỗi ngày.

Nhặt sò tại các vùng biển của Anh là một công việc khá mạo hiểm, đòi hỏi phải có các công cụ an toàn như áo phao. Nhưng cả nhóm chẳng được cấp bất kỳ thứ gì, thậm chí còn không được cảnh báo về mối nguy đến từ thủy triều và hố cát sụt. "Công việc rất vất vả. Bạn được đưa cho một công cụ để đào, cào được sò thì dùng tay nhặt và bỏ vào túi. Một người phải nhặt ít nhất 2 - 3 túi mỗi ngày”, Li nói.

Vậy nhưng, nhóm của Li mỗi ngày chỉ được ăn bánh mì, uống nước lã, chỗ ở lụp xụp và bẩn thỉu. Họ phải ngủ trên sàn bê tông lạnh, 25 người 1 phòng phải nằm sát cạnh nhau, 2 người chỉ có một tấm chăn mỏng và phòng thì không hề có lò sưởi. Tất cả đều không dám kháng cự vì khoản nợ từ những kẻ buôn người. "Sau mỗi ngày làm việc, chúng tôi đều cảm thấy kiệt sức, chẳng còn muốn ăn uống tắm rửa mà chỉ muốn ngủ".

Thảm kịch gây chấn động

Một đêm đông lạnh giá vào tháng 2/2004, Li nằm trong số 24 người đã bị nhấn chìm dưới làn nước thủy triều lạnh buốt của vịnh Morecambe khi đang làm việc. Li nhớ lại, anh đã bị những con sóng dữ khủng khiếp quật lên xuống khi cố gắng bơi.

“Tất cả hoảng sợ, la hét và than khóc. Tôi chứng kiến tận mắt cảnh nhóm của mình chìm dần. Tôi đã cực kỳ hoảng sợ và cảm giác bất lực. Tôi đã nghĩ mình sẽ chết. Toàn thân tôi tê dại, thậm chí còn không cảm thấy lạnh nữa”.

May mắn thay, Li được đội cứu hộ bờ biển phát hiện và đưa vào bờ. Trước mắt anh lúc ấy là những thi thể không có lấy mảnh vải che thân. Quần áo của họ đã bị làn sóng dữ lột sạch.

Thảm họa ngày ấy đã khiến dư luận Anh chấn động. Sau khi điều tra, cảnh sát phát hiện các băng đảng buôn người có thể kiếm được hàng triệu bảng mỗi ngày trong khi các nạn nhân chỉ được trả 10 bảng.

Thậm chí sau thảm họa, Li vẫn sợ các ông chủ đến mức anh phải khai với cảnh sát rằng mình và cả nhóm đang đi dã ngoại thì bị thủy triều cuốn trôi. Dĩ nhiên, các điều tra viên không tin điều đó. Họ nhận ra anh đã quá sợ hãi, nên đưa anh vào chương trình bảo vệ nhân chứng.

Lin Liang Ren bị kết án 14 năm tù - một mức án được đánh giá là quá nhẹ

Lin Liang Ren bị kết án 14 năm tù - một mức án được đánh giá là quá nhẹ

Được cảnh sát đưa vào chương trình bảo vệ nhân chứng, Li sau này đã ra tòa với tư cách là nhân chứng. Nhờ đó mà “trùm” Lin Liang Ren đã bị kết án với tội danh ngộ sát 21 người, chứa chấp người nhập cư bất hợp pháp và cung cấp điều kiện lao động dưới tiêu chuẩn. Tên này bị kết án 14 năm tù giam - một mức án được đánh giá là quá nhẹ so với hậu quả mà hắn cũng như những kẻ trong đường dây của mình gây nên.

-------------------------------------

Mời quý vị đón đọc phần tiếp theo của tuyến bài Kinh hoàng những hành trình vượt biên vào 04h00 ngày 31/10/2019.

Giấc mơ dang dở của bé gái chết khát khi cố tìm đường vượt biên

Liều lĩnh trao tính mạng cho một hành trình vượt biên đầy nguy hiểm được “bảo trợ“ bởi những kẻ buôn người, cô bé...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đàm Anh (Theo The Sun) ([Tên nguồn])
Kinh hoàng những hành trình vượt biên Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN