Kịch bản của kẻ sát nhân

Chỉ vì mâu thuẫn trong việc tranh chấp lối đi mà ông Hải đã rắp tâm giết hại người hàng xóm từng là đồng đội của mình.

Trong hàng trăm vụ trọng án giết người mà Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (CSĐTTP về TTXH) Công an tỉnh Đồng Nai khám phá, nhiều đối tượng đã sử dụng thủ đoạn tinh vi để qua mặt cơ quan chức năng, gây nhiều khó khăn cho việc điều tra. Với hơn 30 năm trực tiếp tham gia phá nhiều chuyên án lớn, thượng tá Bùi Thanh Sơn (Phó trưởng phòng CSĐTTP về TTXH) nhớ nhất vụ truy tìm hung thủ đặt bom trong chiếc máy cassette làm bốn trẻ vô tội chết và bị thương ở huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai.

Tiếng nổ giữa miền quê yên tĩnh

Sáng sớm ngày 8-6-2005 khu vực xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai chìm trong yên lặng thì bất thần người dân nghe một tiếng nổ đinh tai phát ra từ căn nhà của ông Lê Trọng Đạt, sau đó là những tiếng la khóc thảm thiết. Mọi người vội chạy đến nơi và bàng hoàng chứng kiến cảnh tượng hãi hùng. Trong căn buồng nhỏ nhà ông Đạt, vụ nổ đã thổi tung 2 mét vuông tường gạch, nền nhà lõm một hố to, mái tôn tốc trống hoác, bốn đứa con ông Đạt đang quằn quại trên nền gạch vương máu.

Mọi người giúp sức đưa các con ông Đạt đi bệnh viện cấp cứu, tuy nhiên hai em Lê Trọng Giao (17 tuổi) và Lê Thị Nga (10 tuổi) đã chết trên đường. Tại bệnh viện, bác sĩ xác định hai em Lê Trọng Đoàn (12 tuổi) và Lê Trọng Kết (15 tuổi) bị thương nặng... Trong nỗi đau tột cùng vì mất con, người cựu chiến binh Lê Trọng Đạt cố nén nỗi đau vào lòng lo chuyện hậu sự và trình báo sự việc với cơ quan điều tra. Theo lời ông,  khoảng 5 giờ 45 ngày 8-6-2005, khi ông chở vợ là bà Lê Thị Tình từ căn nhà mới ở trong rẫy tại ấp Suối Râm ra nhà cũ cách đó 1,5km thì phát hiện bên hông nhà cũ có một bao xác rắn loại 50kg, trông giống như ai đó làm rớt hoặc đồ ăn trộm bỏ lại. Mở miệng bao, vợ chồng ông Đạt thấy bên trong có cái áo dài màu tím, chiếc máy cassette màu đen loại sử dụng cả băng lẫn đĩa, khoảng 5kg hạt điều lép cuối mùa, bịch thuốc rê, hộp quẹt màu vàng, đèn pin cũ và cái kìm, tuốc-nơ-vít, bóng đèn tròn và đoạn dây điện có phích cắm... Do có chuyện phải đi gấp nên ông Đạt mang chiếc bao vào nhà cất, rồi khóa cửa lại.

Sau khi chở vợ vào lô cao su mót mủ, ông Đạt quay về căn nhà cũ cho heo ăn và làm những việc lặt vặt xung quanh. Thấy chiếc bao xác rắn mới lượm được, ông mở ra lấy chiếc máy cassette cắm điện xài thử. Nhưng cầu dao điện bị đứt, máy không hát được, ông Đạt đem bỏ lại vào bao và chất lên xe chở về nhà mới trong ấp Suối Râm.

Một tiếng sau khi ông Đạt về đến nhà, thấy các con còn đang ngái ngủ trong buồng nên ông bực mình đánh thức, Lê Trọng Kết nấu tô mì gói mang ra phòng khách cho cha. Lúc này, Lê Trọng Giao quét nhà nhìn thấy chiếc bao xác rắn bèn mở ra xem. Khi thấy chiếc máy cassette, Giao mang cắm vào ổ điện ở phòng khách định hát thử, nhưng phích không ăn điện, vì vậy Giao mang máy vào buồng ngủ cắm, lúc này trên giường các em Giao là Kết, Đoàn, Nga đang nằm. Giữa lúc ông Đạt đang đưa đũa quơ vội vài cọng mì lót dạ thì bất ngờ một tiếng nổ khủng khiếp phát ra từ trong buồng, sau đó là tiếng rên la thảm thiết của các con. Ông vội buông đũa, chạy vào buồng thì chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng.

Vụ nổ bất ngờ ở vùng quê yên bình Cẩm Mỹ đã gây xôn xao dư luận, Ngay khi nhận được tin báo, đại tá Nguyễn Phi Hùng, lúc đó là Phó giám đốc CA tỉnh (hiện là Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm) đã huy động CA nhiều đơn vị nghiệp vụ phối hợp với Bộ chỉ huy quân sự tỉnh xuống hiện trường điều tra. Từ lời khai của ông Đạt và các nhân chứng có liên quan, kết hợp kết quả khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra bước đầu nhận định nguyên nhân chính là do chiếc máy cassette đã bị cài thuốc nổ bên trong, khi em Giao cắm điện vào thì nguồn điện kích nổ, gây thương vong. Hàng loạt giả thuyết được đặt ra, không loại trừ kẻ nào đó đặt bom hại cả nhà nhằm trả thù ông Đạt do tính ông nóng nảy nên hay xảy ra mâu thuẫn, xung đột với người dân xung quanh. Trước đó đã có người bỏ thuốc độc vào thức ăn của heo nuôi tại nhà ông Đạt, làm cả đàn 31 con chết. Tuy nhiên giả thuyết ông Đạt bị mưu sát là rõ nhất vì kẻ thiết kế bom trong cassette phải là một tay chuyên nghiệp, dân thường khó thể làm được.

Trước tính chất nghiêm trọng của vụ việc, chuyên án được thành lập do chính đại tá Nguyễn Phi Hùng, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, trực tiếp chỉ đạo. Phân tích nguyên nhân, động cơ gây án, tổ do đồng chí Bùi Thanh Sơn (lúc bấy giờ là trung tá, Đội trưởng Đội Điều tra trinh sát) làm tổ trưởng nhận định kẻ thủ ác cài bom trong cassette nhằm mục đích trả thù ông Đạt. Tuy nhiên, việc truy tìm đối tượng không dễ dàng, tất cả thông tin thu thập được cho thấy ông Đạt có nhiều mối hiềm khích với người dân địa phương, đồng thời cũng có ý kiến bảo người đặt bom trong cassette chính là ông Đạt vì ông này là bộ đội nên việc ấy dễ thực hiện. Ông Đạt muốn trả thù một người nào đó, nhưng khi chưa thực hiện ý đồ thì em Giao đã cắm máy gây nổ...

Ghi nhận ý kiến đóng góp, phân tích của các lực lượng tham gia, ban chuyên án xoáy sâu vào mâu thuẫn giữa ông Đạt với những người khác. Thượng tá Sơn kể: “Theo nhận định của tôi lúc bấy giờ, đối tượng đặt bom chỉ nhằm vào ông Đạt. Đó là người rất rành quy luật đi lại, tính tình của ông Đạt, biết được ngày ông này dọn nhà nên mới thực hiện âm mưu cài bom trong cassette như vậy”.Từ nhận định đó, việc sàng lọc, phân tích từng mối mâu thuẫn với ông Đạt được thực hiện một cách thận trọng, tỉ mỉ.

Hành trình truy tìm hung thủ

Qua sàng lọc từ hàng trăm nguồn tin, hướng điều tra tập trung vào Đỗ Minh Hải (SN 1954), nhà ở sát rẫy của ông Đạt. Khai thác đối tượng, có một chi tiết khiến tổ đánh án đặc biệt chú ý. Trong hai ngày 6 và 7-6-2005, khi chở con đi thi tốt nghiệp THPT ở TX.Long Khánh, Đồng Nai, ông Hải đều đưa đi, đón về từng buổi. Riêng ngày 8-6-2005, hôm xảy ra vụ nổ, sáng ông Hải đưa con đi thi, nhưng đến chiều mới chở về. Lý giải việc này, ông Hải trả lời do ngày thi cuối của con bị mệt vì không ngủ trưa hai ngày trước, ông đợi con thi xong đón về luôn. Quá trình làm việc với cơ quan điều tra, ông Hải luôn tỏ vẻ bình thản, còn kêu vợ làm gà mời các điều tra viên nhậu. Thậm chí, ông này luôn cố ý nói tốt về bản thân, nhiều lần lái hướng điều tra sang ông Đạt và cung cấp nhiều nhân chứng để chứng tỏ ông Đạt mới chính là người cài bom.

Khai thác mối hiềm nghi này không có kết quả, trong khi công tác khám nghiệm hiện trường không xác định được chiếc máy cassette loại gì, nơi nào bán bởi bị nổ tan nát. Đặc biệt, việc xác minh nguồn gốc các đồ vật trong chiếc bao xác rắn còn lại sau vụ nổ tốn rất nhiều thời gian và công sức của lực lượng đánh án mà vẫn chưa có kết quả.

Tiếp tục truy nguyên, điều tra viên chú ý chi tiết ông Hải từng là thủ trưởng của ông Đạt trong một đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ. Sau khi xuất ngũ, ông Đạt mua mảnh đất phía sau rẫy của ông Hải và mâu thuẫn cũng bắt đầu phát sinh từ đó, gay gắt đến mức chỉ cần trái điều nhà ông Hải rụng xuống đường đi, con của ông Đạt tới nhặt là dẫn đến cãi nhau giữa hai gia đình. Tới khi đàn heo nhà ông Đạt bị đầu độc chết, ông Đạt nghi con ông Hải bỏ thuốc độc nên làm đơn thưa nhưng CA xã xác định không có cơ sở buộc tội. Từ đó, ông Hải bực tức rào đường đi xuống rẫy ông Đạt, lối đi chỉ còn 1 mét. Do không thể đưa máy xới vào rẫy làm việc nên ông Hải lập hàng rào đến đâu, vợ chồng ông Đạt phá dỡ đến đó, dẫn đến mâu thuẫn giữa hai bên thêm trầm trọng.

Năm 2003, do vụ việc giải quyết ở địa phương không xong, hai bên đưa nhau ra tòa và phần thắng thuộc về ông Đạt, tòa tuyên buộc ông Hải phải chừa lối đi cho ông Đạt. Sau vụ tranh chấp lối đi, giữa ông Hải và ông Đạt không còn nảy sinh mâu thuẫn nào khác. Đến năm 2004, khi cha ông Hải từ quê ở Bắc Giang vào chơi và qua đời tại đây, ông Đạt đã qua thăm hỏi, hai bên tay bắt mặt mừng. Còn ngày hai em Giao và Nga chết, ông Hải vẫn qua chia buồn, đồng thời cho con mình mang tiền sang phúng điếu.

Hơn 6 tháng điều tra, các lực lượng tham gia phá án rút dần để thực hiện những nhiệm vụ khác, chỉ còn lại thượng tá Sơn, thượng tá Trần Mạnh (Phó trưởng Công an huyện Cẩm Mỹ) và đồng chí Thư (Phó đội trưởng Đội CSĐTTP về TTXH CA huyện Cẩm Mỹ) vẫn tiếp tục đeo bám. Tranh thủ những lúc rảnh rỗi, thượng tá Sơn lại khoác ba lô, đón xe buýt đến Cẩm Mỹ phối hợp với đồng đội tiếp tục điều tra, truy xét. Nhiều lần đứng trước mộ của hai em Giao và Nga, nhìn di ảnh hai đứa trẻ vô tội trạc tuổi con mình phải chịu cái chết oan ức, lòng ông quặn thắt và thấy mình có lỗi vì chưa tìm ra hung thủ.

Gần hai năm trôi qua nhưng chân tướng hung thủ vẫn chưa lộ diện. Cùng thời gian này, năm 2007, trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh xảy ra hai vụ nổ nên Bộ Công an đã chỉ đạo Công an tỉnh Đồng Nai lật lại quá trình điều tra các vụ nổ ở Đồng Nai..

Chính lúc này, thượng tá Sơn mạnh dạn nêu ra nhận định, dựa vào tâm lý tội phạm thì thủ phạm gây án chỉ có thể là Đỗ Minh Hải, bởi ông này là người có mối mâu thuẫn âm ỉ, sâu sắc nhất với gia đình ông Đạt. Thật ra, gần hai năm sau ngày xảy ra vụ nổ, không lúc nào thượng tá Sơn không nghĩ đến vụ án, ông đã nhiều lần đến nhà ông Hải làm việc, thậm chí mời đến cơ quan công an lấy lời khai. Mặt khác, trong quá trình theo dõi, trinh sát phát hiện, ngoài người vợ chính và 3 đứa con sống ở xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ, ông Hải còn có vợ bé và hai con ở quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh. Sau khi xuất ngũ, ông Hải chuyển toàn bộ chế độ nghỉ hưu và lương của mình cho vợ bé nhưng vẫn về ở với vợ lớn. Tại địa phương, ông Hải tích cực tham gia công tác an ninh ấp, sống hòa đồng với mọi người xung quanh.

Chọn bước đột phá từ người vợ bé ông Hải ở TP.Hồ Chí Minh, qua nhiều ngày truy xét và sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, tổ đánh án nắm được chi tiết đắt giá: cuối năm 2003 ông Hải có mua một chiếc máy cassette xài rồi ở khu bán đồ điện tử gần nhà vợ bé. Tiếp tục khai thác tình tiết này, trinh sát đeo bám đối tượng liên tục nhiều ngày. Từng chiến đấu ở nhiều chiến trường khác nhau, kinh nghiệm trinh sát dày dạn nên ông Hải nhận ra mình đang bị theo dõi, từ đó có nhiều biện pháp đối phó với cơ quan điều tra. Tuy nhiên, dù cẩn thận đến mức nào, kẻ gian cuối cùng cũng bộc lộ sơ hở.

Trên cơ sở những bằng chứng thu thập được, ngày 4-9-2007 ban chuyên án quyết định bắt giữ ông Hải. Khám xét nhà đối tượng, công an thu được những bằng chứng quan trọng liên quan đến việc ông Hải mua máy cassette ở TP.Hồ Chí Minh... Những ngày đầu bị bắt, ông Hải không tỏ ra nao núng, thậm chí còn dọa kiện các điều tra viên bắt oan mình, đồng thời không chịu ăn cơm, chỉ khi các điều tra viên đánh đòn tâm lý thì thái độ ông ta bắt đầu nhu hòa hơn. Đến ngày làm việc thứ 3, ông Hải đề nghị điều tra viên chấp thuận 3 việc thì ông ta mới khai nhận, đó là: “Phải cho tôi xem lời khai nhân chứng bán máy cassette, kết quả khám xét và phải đưa tôi về thăm vợ lớn ở Cẩm Mỹ”.

Đặt tờ giấy trắng trước mặt ông Hải, thượng tá Sơn nói thẳng: “Điều kiện anh đưa ra chúng tôi không thể đáp ứng được. Chúng ta nên nói chuyện như những người đàn ông. Có lẽ khi nói ra sự thật anh sẽ cảm thấy thanh thản lương tâm, vì người anh muốn giết là ông Đạt chứ không phải hai đứa trẻ vô tội”. Sau một hồi trầm ngâm suy nghĩ, ông Hải bất ngờ đề nghị điều tra viên cho uống nước và ăn cơm, sau đó bắt đầu viết lời khai.

Câu đầu tiên ông Hải ghi vào tờ giấy do điều tra viên đưa cho là: “Tôi chính là thủ phạm gây ra vụ nổ ở nhà Đạt. Tôi rất hối hận vì đã giết hai đứa nhỏ, mà không phải là Đạt”. Lời khai cho thấy chỉ vì mâu thuẫn trong việc tranh chấp lối đi mà ông này đã rắp tâm giết hại người hàng xóm từng là đồng đội của mình. Ông Hải đã chuẩn bị một kế hoạch cài bom rất hoàn hảo trong hai năm từ 2003 đến 2005 mới thực hiện. Từ năm 2003, ông Hải đã chuẩn bị mọi vật dụng gồm: máy cassette, chiếc áo màu tím, cây đèn pin cũ và 2 cục pin, hộp quẹt, chiếc kìm, tuốc-nơ-vít, 5kg hạt điều lép, 4 thỏi thuốc nổ TNT, 4 kíp điện, 1 kíp nổ, 1 quả lựu đạn... từ nhiều nơi khác nhau nhằm đánh lạc hướng cơ quan điều tra. Những vật dụng này, ông Hải cho vào bao xác rắn và cất vào tủ riêng, không cho vợ con vào buồng khi ông chưa cho phép. Để tránh sự nghi ngờ của mọi người và cơ quan công an, ông Hải còn chủ động giảng hòa với ông Đạt đồng thời cố ý để mọi người biết chuyện này.

Ngày 7-6-2005, biết tin ông Đạt chuẩn bị dọn đồ sang nhà mới, ông Hải quyết định cài bom trong cassette rồi mang bao xác rắn chứa nhiều đồ đạc đến để ở nhà cũ ông Đạt. Đêm đó, lúc vợ con ở phòng khách xem tivi, ông Hải bí mật vào buồng lôi mớ vật dụng chuẩn bị gần 2 năm để cài bom vào máy cassette. Để chắc ăn, ông còn cho thêm một quả lựu đạn có gắn kíp nổ, rồi đấu tất cả vào dây nguồn. Tiếp đó, ông ta lau chùi máy cassette cẩn thận, lấy chiếc áo cũ quấn lại, rồi bỏ tất cả và tủ. Số thuốc và kíp nổ còn lại ông Hải mang ra suối Râm phi tang.

Đêm đó, khoảng 3 giờ 30 ngày 8-6-2005 ông Hải bí mật mang bao xác rắn chứa máy cassette và số vật dụng chuẩn bị sẵn đến nhà ông Đạt để lại, rồi về nhà mà vợ con chẳng hay. Khi ông Đạt mang bao xác rắn về nhà thì vụ nổ đau lòng xảy ra...

Với hành vi cài bom cassette làm bốn đứa con của ông Lê Trọng Đạt chết và bị thương, ngày 24-3-2009, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh đã tuyên phạt bị cáo Đỗ Minh Hải mức án tử hình cho hai tội “giết người” và “tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”. Ngày 22-6-2009, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.Hồ Chí Minh đã tuyên y án tử hình đối với ông Hải. Tháng 6-2011, Hội đồng thi hành án hình sự của tỉnh đã thực thi bản án.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mai Phạm Minh Gia (Công an TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN