‘‘Không có chỗ cho du lịch tình dục trẻ em"

Việc xâm hại tình dục trẻ em thông qua con đường du lịch không phải là một loại tội phạm mới, loại tội phạm này đã xuất hiện ở Việt Nam trong những năm gần đây. Đặc biệt là khi lượng khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam ngày càng gia tăng cũng đồng nghĩa với loại tội phạm này sẽ ngày càng phức tạp. Cần phải được ngăn chặn càng sớm càng tốt bởi sẽ không thể lường trước được sự bùng nổ của nó.

Mỗi năm có 800 vụ xâm hại tình dục

Những năm gần đây, tình hình tội phạm xâm hại tình dục trẻ em tại Việt Nam diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng. Trung bình mỗi năm xảy ra khoảng 800 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Điều đáng nói trong số các vụ án xâm phạm tình dục thì nạn nhân đều tuổi còn quá nhỏ và đặc biệt là có những em chưa đầy 10 tuổi đã làm gái bán dâm cho người nước ngoài.

Báo cáo mới đây của Cục Cảnh sát hình sự thì trong khoảng từ năm 2009-2011, có 4.353 vụ án xâm hại trẻ em với 5.370 đối tượng gây án và 4.688 nạn nhân bị xâm hại, trong số này có 2.664 vụ xâm hại tình dục trẻ em chiếm 61%. Số đối tượng có liên quan là 2.855 người, số nạn nhân bị xâm hại là 2.584 em. Địa bàn xảy ra hầu hết tại các địa phương trong cả nước, trong đó nhiều nhất ở các tỉnh miền Tây Nam bộ. Các cơ quan chức năng của Việt Nam đã tiến hành điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các đối tượng phạm tội và những kẻ dâm ô bệnh hoạn đã phải trả giá trước pháp luật.

Số liệu thống kê của Cục Thống kê tội phạm Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong 5 năm từ 2007-2011 cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố điều tra 6.502 vụ với 6.791 bị can phạm vào các tội liên quan đến xâm phạm tình dục trẻ em. Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố 5.298 vụ với 5.867 bị can. Tòa án các cấp đã đưa ra xét xử 5.222 vụ với 5.740 bị cáo. Những con số nêu trên cho thấy tính quyết liệt của các cơ quan chức năng đối với nạn xâm hại tình dục trẻ em. Tuy nhiên, loại tội phạm này vẫn ngày một gia tăng với nhiều diễn biến phức tạp. Nạn nhân bị tấn công là những em bé còn quá nhỏ, 2,3 tuổi. Còn đối tượng phạm tội thì không chỉ là người Việt mà còn là người nước ngoài.

Những đứa trẻ da trắng tóc vàng

Không khó để có thể tìm thấy những đứa trẻ da trắng tóc vàng mặc quần áo dân tộc ở các vùng du lịch. Nguyên nhân là do mẹ nó đã bị “khách du lịch” chiếm đoạt, hoặc vì kiếm tiền mà những người mẹ kia chấp nhận mua bán và hậu quả để lại là những đứa trẻ không có bố lại chẳng giống ai mà người ta vẫn gọi là “những em bé dân tộc tóc vàng”, hoặc “những đứa con lai”. Điều đó cho thấy, xâm hại tình dục qua con đường du lịch đã xuất hiện ở Việt Nam trong những năm gần đây. Không chỉ xâm hại tình dục “người lớn” mà hiện nay, nạn nhân bị xâm hại còn là những đứa trẻ chưa trưởng thành và không có khả năng tự bảo vệ mình.

Nhiều năm trở lại đây khi Thái Lan siết chặt các hoạt động liên quan đến tình dục trẻ em thì Việt Nam trở thành điểm đến của hoạt động phi pháp này.

Theo Thiếu tướng Trần Trọng Lượng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm Bộ Công an thì từ trước đến nay, tại Việt Nam chưa có dự án, báo cáo nghiên cứu đánh giá về tội phạm xâm hại tình dục trẻ em thông qua con đường du lịch. Tuy nhiên, hàng năm vẫn có những vụ xâm hại tình dục trẻ em thông qua du lịch được phát hiện. Đối tượng phạm tội là người nước ngoài đến Việt Nam tham quan, du lịch, dạy tiếng Anh... Tuy nhiên tội phạm xâm hại tình dục vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Bên cạnh đó, việc giao lưu giữa Việt Nam và các nước ngày càng đa dạng, hàng năm có khoảng 5-6 triệu khách du lịch là người nước ngoài, chưa kể hàng chục triệu khách du lịch trong nước gia tăng đột biến trong những tháng nghỉ hè thì việc cần phải ngăn chặn loại tội phạm này là hết sức cần thiết. Mặc dù mới xuất hiện ở Việt Nam nhưng nếu chúng ta không ngăn chặn ngay từ đầu thì nó sẽ phát triển với một tốc độ chưa từng thấy gây hậu quả xã hội khôn lường. Mà bài học ở Thái Lan là ví dụ.

Đấu tranh với tội phạm bóc lột tình dục trẻ em

Ở Việt Nam hiện nay việc hợp tác phòng chống tội phạm du lịch tình dục trẻ em là lĩnh vực khá mới mẻ. Chúng ta chưa có lực lượng cảnh sát du lịch chuyên biệt để phát hiện và xử lý những đối tượng có hành vi xâm hại tình dục với trẻ em thông qua con đường du lịch. Để phát hiện, ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, đồng thời nâng cao năng lực cho lực lượng trực tiếp điều tra, truy tố, xét xử loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em thông qua du lịch, Bộ Công an đã phối hợp với Cơ quan phòng chống tội phạm và ma túy của Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNODC) xây dựng một dự án về phòng chống loại tội phạm này.

Trong năm 2012, dự án sẽ triển khai một số hoạt động như bổ sung và hoàn thiện báo cáo rà soát pháp luật của UNODC, khảo sát thực tiễn tình hình thực thi các quy định của BLHS liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em đồng thời chỉ ra những vấn đề còn tồn tại và khuyến nghị để hoàn thiện pháp luật sao cho có thể bảo vệ trẻ em tốt hơn. Dự án cũng sẽ cùng với Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan có liên quan soạn thảo các văn bản pháp luật về phòng chống du lịch tình dục trẻ em.

Một sáng kiến được Cơ quan phát triển quốc tế Australian AID tài trợ 7,5 triệu đô la Australia để đấu tranh với bóc lột tình dục trẻ em, chủ yếu trong lĩnh vực du lịch tại khu vực sông Mê Kông. Việt Nam cùng với Lào, Campuchia và Thái Lan là những quốc gia được ưu tiên hàng đầu thực hiện dự án này. Dự án sẽ đảm bảo khung pháp luật đáp ứng các chuẩn mực quốc tế để truy tố tội phạm xâm hại tình dục trẻ em qua con đường du lịch. Dự án cũng sẽ hỗ trợ kỹ thuật với lực lượng chức năng thông qua các hoạt động tập huấn và triển khai các quy chuẩn để tăng cường năng lực xác định, bắt giữ, truy tố hiệu quả tội phạm du lịch tình dục trẻ em. Sau khi kết thúc dự án, các nhóm trong lực lượng công an hiện nay tại Việt Nam sẽ tập trung vào công tác điều tra tội phạm du lịch tình dục trẻ em, kết hợp với Interpol để đảm bảo rằng tội phạm sẽ bị xác định, điều tra, bắt giữ, truy tố và nạn nhân là trẻ em sẽ được hỗ trợ một cách thích hợp.

Thiếu tướng Trần Trọng Lượng cho biết, tham gia dự án sẽ tạo cơ hội cho lực lượng thực thi pháp luật trong nước xây dựng mối quan hệ tăng cường năng lực và chia sẻ thông tin kinh nghiệm với các nước trong khu vực. Việc tham gia dự án là nghĩa vụ và trách nhiệm thể hiện sự cam kết của Chính phủ Việt Nam trong đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này. Khi dự án đi vào thực hiện sẽ góp phần kiềm chế sự gia tăng của loại tội phạm xâm hại tình dục thông qua du lịch tại Việt Nam, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em.

Ngày 5-7 vừa qua tại Bản Lác, Mai Châu (Hòa Bình), Tổng cục Du lịch đã phối hợp với Tổ chức World Vision và Cơ quan phát triển quốc tế Australian AID tập huấn về hoạt động du lịch an toàn cho trẻ em tại các điểm du lịch với thông điệp “Cùng nhau chúng ta có thể ngăn chặn du lịch tình dục trẻ em” và “Việt Nam không có chỗ cho du lịch tình dục trẻ em”. Trên thực tế, Bản Lác là một điểm đến thu hút hạng vạn lượt khách quốc tế đến cùng ăn, cùng ở và cùng sinh hoạt văn hóa với người dân bản địa. Lượng khách ngày một tăng đã góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương nhưng kéo theo đó là du lịch tình dục trẻ em bắt đầu xuất hiện, cần phải được ngăn chặn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yên Hưng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN