Khi trinh sát đối đầu trùm giang hồ sẵn sàng nổ lựu đạn

Nhiều ngày trời, các trinh sát lùng sục lần theo dấu vết đấu trí với trùm giang hồ khét tiếng, cuối cùng, cuộc đời tên tướng cướp hung tàn đã kết thúc bởi chính quả lựu đạn trên tay hắn phát nổ.

Khi trinh sát đối đầu trùm giang hồ sẵn sàng nổ lựu đạn - 1

Phải nhiều ngày trời các trinh sát đấu trí căng thẳng để truy bắt "trùm giang hồ" trong tay có lựu đạn.

Liên tiếp gây án chấn động

Đối với lực lượng Cảnh sát Hình sự Công an TP.Hà Nội thì có lẽ hành trình truy bắt trùm giang hồ khét tiếng một thời với biệt danh Trung “thộn” đã để lại dấu ấn khá đặc biệt.

Những lần gặp Đại tá Nguyễn Thanh Hùng trong các buổi gặp gỡ, giao lưu điển hình tiên tiến của lực lượng Cảnh sát Truy nã tội phạm, tôi luôn bị cuốn hút bởi những câu chuyện đánh án mưu trí, quả cảm của anh và đồng đội.

Anh chia sẻ: “Trong từng trận chiến đấu với tội phạm, chúng tôi xác định phải rèn luyện để có được bản lĩnh tỉnh táo, xử lý tình huống linh hoạt thì cơ hội chiến thắng sẽ cao”.

Thời điểm Trung “thộn” trốn trại và liên tiếp gây ra các vụ án chấn động, Đại tá Nguyễn Thanh Hùng khi đó còn đang đeo quân hàm Đại úy, giữ cương vị Đội trưởng đội Cảnh sát Đặc nhiệm Công an TP.Hà Nội.

Theo hồ sơ lưu lại, Trung “thộn” tên thật là Nguyễn Quốc Trung (SN 1955, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Mới mười mấy tuổi đầu, Trung đã nổi tiếng là kẻ gan lì, hung hăng. Đám dân anh chị đất Hà thành lúc bấy giờ có những khi còn “xuống nước” nhượng bộ để không gây thêm thù chuốc oán kẻ “ngựa non háu đá” như Trung “thộn”.

Năm 17 tuổi, trong một cuộc hỗn chiến, Trung cùng đồng bọn đã gây ra vụ án mạng ở ngay ngã tư Phố Huế – Nguyễn Công Trứ (Hà Nội). Sau đó, Trung bị tuyên án 20 năm tù.

Những ngày ở trong khám, Trung “thộn” luôn khiến các cán bộ quản giáo phải đau đầu khi hắn thường xuyên gây gổ đánh nhau, quậy phá đủ kiểu. Lợi dụng sơ hở, Trung “thộn” đã tìm cách bỏ trốn khỏi nơi giam giữ.

Sau đó, hắn chập lại thành “cặp bài trùng” với một tay giang hồ khét tiếng tuyến Hà Nội - Lạng Sơn thời bấy giờ. Tuy nhiên, lần trốn trại thứ nhất, chỉ sau thời gian ngắn trốn trại, Trung “thộn” đã bị lực lượng công an bắt giữ. Chưa chịu khuất phục, Trung “thộn” ngày đêm ủ mưu tìm cách vượt ngục lần nữa.

Lần trốn trại thứ hai, Trung “thộn” mò về Hà Nội và tìm đến nương nhờ một số đệ tử thân tín. Trung bị truy nã đặc biệt nguy hiểm trên phạm vi toàn quốc.

Thời gian này, Trung liên lạc với Đỗ Trung Hào (trú tại phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm), một bạn tù trước đây của hắn. Khi trốn trại, Trung “thộn” rủ Hào lên Lạng Sơn lập băng cướp, luôn dùng súng và lựu đạn để uy hiếp các nạn nhân.

Chỉ trong thời gian ngắn, băng nhóm của Trung “thộn” liên tiếp gây ra các vụ cướp táo tợn, khiến người dân rất hoang mang lo sợ. Với nỗ lực phá án, Công an Lạng Sơn đã xóa sổ được băng cướp, bắt giữ 7 tên, còn 2 tên bỏ trốn chính là Trung “thộn” và Hào.

Biết Công an Lạng Sơn đang lùng sục, lần theo dấu vết của mình, Trung đã tuyên bố xanh rờn với đám giang hồ đàn em rằng: “Không bao giờ để công an bắt lần nữa, nếu bị bắt phải có vài người chết theo”.

Cũng vào thời điểm đó, tại Hà Nội, ngày 6/10/1993 trên phố Trần Khánh Dư đã xảy ra vụ hai tên cướp ngang nhiên mang súng xông vào cửa hàng bán vật liệu xây dựng của gia đình anh S., cướp chiếc xe Dream.

Trước khi tẩu thoát, bọn chúng còn lạnh lùng ném lại quả lựu đạn khiến đứa con nhỏ 4 tuổi của vợ chồng anh S. tử vong tại chỗ. Nhận được thông tin, lực lượng cảnh sát hình sự dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Giám đốc Công an TP.Hà Nội nhanh chóng vào cuộc điều tra, truy tìm hung thủ gây ra vụ án mạng đau lòng trên.

Quá trình ghi lời khai, theo lời kể của vợ chồng anh S. thì khi hai đối tượng xông vào cướp, một tên quát lớn: “Tao đang bị truy nã, không còn gì để mất! Nếu không đưa chìa khóa xe, tao bắn chết”.

Trong khi công an đang xác minh, rà soát hàng loạt đối tượng giang hồ cộm cán có biểu hiện nghi vấn thì chỉ 3 ngày sau, tại khu vực Bồ Đề, Gia Lâm, Hà Nội (nay thuộc quận Long Biên, Hà Nội) lại xảy ra vụ án đối tượng dùng súng và lựu đạn khống chế cướp xe máy của anh Trần Hữu H., cán bộ xí nghiệp cầu 208.

“Vào hang bắt cọp”

Căn cứ vào mô tả nhân dạng của các nhân chứng, kết hợp với các tài liệu thu thập được, cơ quan điều tra xác định, một trong hai tên cướp có vũ khí trên chính là Nguyễn Quốc Trung, tức Trung “thộn”.

Nguồn tin trinh sát báo về, Trung “thộn” luôn mang theo súng và có “sở thích” giắt lưng 4 quả lựu đạn. Hắn luôn cảnh giác cao độ, tìm đủ mọi cách trốn tránh lực lượng chức năng, chính vì thế việc tìm ra tung tích của tên tướng cướp hung tàn này không hề đơn giản.

Nhiều ngày lần theo dấu vết, thu thập nguồn tin, cuối cùng tổ trinh sát dưới sự chỉ huy của Đội trưởng Nguyễn Thanh Hùng đã xác định được Trung “thộn” đang ẩn náu tại nhà một đệ tử tên L. “ve” ở huyện Việt Yên, Bắc Giang.

Lực lượng phá án được lệnh bao vây căn nhà của L. “ve”. Tuy nhiên, khi đó vợ con L. cũng đang ở bên trong, 3 con chó nhà L. cũng rất hung dữ nên tổ công tác quyết định không tập kích, vì nếu tập kích sẽ không đảm bảo an toàn cho vợ con L “ve”.

Các trinh sát tiếp tục mai phục, khi thấy vợ con L. “ve” ra khỏi nhà, các mũi tấn công được lệnh ập vào. Tuy nhiên, Trung “thộn” cũng không phải dạng vừa, hắn đã cảnh giác và kịp vọt sang ngôi nhà cạnh đó. Đây là nhà của chú ruột L. “ve”. Khi các chiến sĩ công an khép chặt vòng vây, kêu gọi Trung đầu hàng trong vòng 30 phút nhưng hắn vẫn “im hơi lặng tiếng”.

Các trinh sát kiểm tra rất kỹ bên trong căn nhà nhưng vẫn không thấy bóng dáng hắn đâu. Bằng kinh nghiệm nghề nghiệp, Đội trưởng Nguyễn Thanh Hùng khẳng định, Trung “thộn” vẫn còn ở trong nhà, chưa thể thoát ra khỏi vòng vây.

Anh lệnh cho anh em tiếp tục kiểm tra lại lần nữa. Trinh sát Nguyễn Trọng Ban báo cáo: “Còn cái hòm gỗ trên gác xép chưa đụng đến vì rất nhỏ, người khó có thể nằm vừa”.

Ngay lập tức, Đội trưởng Hùng yêu cầu anh Ban trèo lên kiểm tra. Khi nắp hòm vừa hé mở, một họng súng bất ngờ chìa ra. Rất nhanh, anh Ban kịp ngả người ra phía sau. Tiếng súng nổ vang lên, viên đạn sượt qua trán, găm vào tường.

Ở phía sau, Đội trưởng Nguyễn Thanh Hùng bắn liền mấy phát về phía chiếc hòm, yểm trợ cho đồng đội rút lui. Vừa lúc đó, một tiếng nổ chát chúa vang lên, các trinh sát kịp nằm xuống và rất may là không có ai bị thương.

Sau này các anh mới biết, thực ra khi đó, Trung ném hai quả lựu đạn, nhưng chỉ có một quả phát nổ, quả còn lại bị mắc trên dây buộc màn.

Tiếp theo, nghe tiếng bước chân di chuyển trên gác xép, Đội trưởng Hùng biết Trung “thộn” chưa trúng đạn nên hô anh em rút ra sân. Một tiếng “kịch” nữa kêu lên từ dưới nền nhà của tầng một, chỉ cách trước mặt anh Hùng chừng 2m, đó là quả lựu đạn thứ ba Trung “thộn” ném về phía công an, nhưng rất may, nó cũng không phát nổ.

Từ trong nhà, Trung “thộn” điên cuồng như một con thú dữ, liên tiếp nhả hàng loạt đạn AK về phía lực lượng công an. Tên tướng cướp một tay cầm súng, tay kia cầm lựu đạn đã rút chốt lao người ra hòng tẩu thoát.

Tiếng súng rền vang, cuộc đấu trí căng thẳng đến nghẹt thở. Trung “thộn” bị trúng đạn vào cánh tay trái nên ngã vật xuống đất, nằm đè lên quả lựu đạn. Cuộc đời tên giang hồ khét tiếng kết thúc khi quả lựu đạn phát nổ.

Cuộc truy bắt để đời

Nghe tin Trung “thộn” bị tiêu diệt, người dân địa phương kéo đến xem đông nghịt. Mọi người rất cảm động và tung hô các chiến sỹ công an vì sự dũng cảm, mưu trí của các anh đã đem lại bình yên cho cuộc sống. Hơn 20 năm sau, trong số các trinh sát tham gia cuộc truy bắt Trung “thộn”, giờ đây nhiều người trong số họ đã giữ những vị trí chỉ huy trong các đơn vị của Công an TP.Hà Nội.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Hường - Nguyễn Bắc (Người đưa tin)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN