Khi “ca sĩ” kẹo kéo cầm micro không phải để hát

Sự kiện: Tin pháp luật

Đêm đến, người ta thấy trên các con đường, tụ điểm vui chơi, giải trí cũng như các quán nhậu ở khu vực kênh Nhiêu Lộc, Thị Nghè, đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh, TP.HCM)… thường xuất hiện nhóm các “ca sĩ” kẹo kéo. Riết rồi nhiều người cũng quen, thi thoảng “ăn nhậu” tại khu vực này mà thiếu các “ca sĩ” này góp vui thì cũng thấy… nhớ.

Những “ca sĩ” kẹo kéo này không những vì miếng cơm, manh áo mà với họ còn là hát với cả sự đam mê. Và cũng chính vì vậy, dù rằng vẫn còn nhiều người không đồng tình vì “ồn ào” thì giọng ca, tiếng hát của họ cũng được một bộ phận dân… “ăn nhậu” đón nhận.

Và rồi, một thời gian, khu vực vắng mặt các “ca sĩ” này thật. Họ đang ở đâu, làm gì? Họ bỏ nghề chăng… nhiều người hỏi nhau.

Cầm micro để… trả lời Hội đồng xét xử

Phiên tòa hôm đó khá “đặc biệt” (tòa lưu động tại Khu dân cư đường Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22, quận Bình Thạnh, TP.HCM), là người viết muốn nói tới người dự tòa: Ngoài thành phần theo quyết định triệu tập của tòa thì phần đông người dự tòa là những người… bán kẹo kéo. Họ đến để theo dõi các “đồng nghiệp ca sĩ” của họ trả giá cho hành vi “giết người”.

Khi “ca sĩ” kẹo kéo cầm micro không phải để hát - 1

Các bị cáo là “Ca sĩ” kẹo kéo tại phiên tòa.

“T Ngọc Sơn kìa”; “C Tuấn Vũ kìa”… là những cái tên được các “đồng nghiệp kẹo kéo”này nhắc đến khi xe của Cảnh sát áp giải các bị cáo tới tòa. Gặng hỏi thì người viết được biết, các bị cáo có giọng ca “giống” ca sĩ nào thì y rằng trong giới kẹo kéo đặt cho họ “biệt danh”ấy.

Cũng khá lâu họ mới có dịp đứng trước micro (cả 6 bị cáo vốn là “ca sĩ” kẹo kéo này bị bắt gần năm nay, từ tháng 12/2014 đến ngày ra tòa), tiếc rằng đây là micro của tòa để dành cho họ trả lời tòa, chứ không phải để dành cho họ “mang lời ca, tiếng hát góp vui cho đời”. Tuy vậy, một bị cáo cũng vì thói quen nên trước khi trả lời tòa đã “a lô” vào micro như khi họ “thử máy” để bắt đầu hát vậy!

6 “ca sĩ” kẹo kéo trước vành móng ngựa, họ là ai?

6 bị cáo là “ca sĩ” kẹo kéo có thể không là đại diện cho rất nhiều người đang sống bằng công việc này. Tuy nhiên, cũng như nhiều ngành, nghề khác, ngoài mưu sinh, để tồn tại được với nghề, mỗi “ca sĩ” kẹo kéo còn phải có cả sự đam mê.

Nguyễn Văn Cường (SN 1992), sinh ra và lớn lên ở huyện Hòn Đất (Kiên Giang). Tuổi thơ của Cường là những ngày ruộng, đồng. Không được học hành (lý lịch tư pháp mà tòa công bố tại tòa là bị cáo này… không đi học ngày nào). 

Cũng như nhiều thanh niên khác, 20 tuổi Cường khăn gói lên chốn thị thành thực hiện ước vọng đổi đời. Kẹo kéo là công việc Cường chọn. Việc “hướng nghiệp” của Cường có thể là một chọn lựa đúng, khi hàng đêm anh này thu được 2-3 trăm ngàn đồng – một khoản thu giúp Cường tạm sống được. 

Tuy nhiên, lên Sài Gòn chưa đầy 4 tháng thì Cường phạm tội, “Cháu nó mới lên Sài Gòn mà có gửi ít tiền về nhà phụ giúp gia đình, tôi mừng lắm, ai ngờ…” người thân Cường thuật lại cái thời khắc hay tin Cường bị bắt.

Khác với Cường, Bùi Hữu Hòa còn khá trẻ (SN 1998) mồ côi cha, Hòa cũng được mẹ ráng lo cho Hòa học hành. Tuy nhiên chỉ học xong lớp 9 thì bị cáo này cũng nghĩ học ở nhà phụ giúp mẹ. Từ tháng 4/2014, Hòa lên Sài Gòn bán kẹo kéo và bị bắt sau 7 tháng sau đó. 

Thanh, Liêm, Tới và Châu – 4 bị cáo còn lại trong vụ án – cũng có gia cảnh như Cường và Hòa, gia cảnh khó khăn, tuổi thơ đồng án nhiều hơn ở trường học và cũng vừa chân ướt, chân ráo chốn thành thị mưu sinh và cùng “dính” vào vụ án “giết người”.

Xin đừng đánh đồng “ca sĩ” kẹo kéo

Như trên có nói, phiên tòa hôm ấy khá đông người dự tòa là các “ca sĩ” kẹo kéo. Ngồi khuất sau bãi giữ xe (cạnh nơi xử án) là một thiếu nữ còn khá trẻ. T là tên bạn trẻ này. T từ vùng quê lên Sài Gòn và bán kẹo kéo vài tháng nay. “Quê em miệt thứ Kiên Giang, chừ Internet anh ơi, từ ngày báo đăng đại ca kẹo kéo giết người, ba mẹ em nghe đồn rồi lên mạng đọc và sợ lắm, cứ nghĩ rằng nghề này có giang hồ này nọ nên gia đình cứ kêu em về hoài” T nói với người viết.

“Giang hồ” mà T nói là vầy: Sau khi xảy ra vụ án, trên các trang mạng xã hội, chẳng rõ vì sao đã “giựt tít” phong ngay cho Cường – bị cáo chính vụ án – là “đại ca” của giới kẹo kéo!

Và cũng như T, nhiều người bán kẹo kéo mà người viết gặp trong phiên tòa hôm ấy đều có nỗi niềm riêng: Từ ngày báo chí đăng tải vụ án, nhiều ánh mắt không còn thiện cảm lắm với họ. Những cây kẹo kéo bán ra cũng ít dần, trong khi đó, giá tiền nhà trọ thì cứ tăng…

“Giết người” có phải vì kẹo kéo đâu…

Đó là câu nói của một người bán kẹo kéo khác mà người viết nghe được. Và, theo diễn biến phiên tòa thì đúng là như vậy:

Nguyễn Văn Cường quen Nguyễn Hữu Hận do cả 2 hàng ngày cùng bán kẹo kéo. Hai người phát sinh mâu thuẫn từ khi Cường biết chuyện 3 người (gồm Hận, bạn gái Hận và bạn gái Cường là Nguyễn Thị Châu) cùng thuê khách sạn ngủ qua đêm.

Khoảng 23h ngày 10/10/2014, Cường và Châu cùng nhóm bạn ngồi uống bia tại quán lề đường Xô Viết Nghệ Tỉnh (quận Bình Thạnh). Sau đó, cả nhóm này đi bán kẹo kéo ở gần quán Ốc Đêm (gần cầu vượt Hàng Xanh).

Tại đây, nhóm của Hận cũng bán kẹo kéo. Thấy Hận nên Cường nổi nóng, xuống xe lấy dao ra cãi nhau và đòi đâm Hận. Cường rủ nhóm bạn của mình lên cầu Sài Gòn đón đầu để đánh Hận. 

Đến rạng sáng ngày 11/12/2014, nhóm bán kẹo kéo của Hận qua cầu Sài Gòn thì bị nhóm của Cường chặn lại đánh. Kết quả người bạn của Hận là anh Trần Văn Trà (SN 1981) tử vong.

Qua truy xét, ngày 12/12/2014, công an bắt giữ được Cường các thành viên trong nhóm.

Phiên tòa khép lại, nhiều người dự tòa còn nán lại, họ cùng “bàn luận” xem nên “giải thích” sao cho mọi người vụ án vì theo họ “Tối nay mà đi bán kẹo kéo thế nào cũng có người hỏi chuyện tòa xử án này”.

Đang trò chuyện cùng tôi, T – người có đề cập ở trên – có chuông điện thoại. Khéo léo đi xa vài bước chân, giọng T nhỏ nhẹ “Tử hình ba ơi” rồi quay lại chỗ tôi, T nói “Ba ở quê gọi hỏi xử án sao, ông già lo lắm”…

Câu chuyện của những người bán kẹo kéo dự tòa có thể vẫn còn dài. Tuy nhiên, mọi người phải ra về vì bảo vệ phiên tòa nhắc nhở giải tán, trả mặt bằng cho người đi đường…

Trong những bước chân vội vàng, tôi còn kịp nghe tiếng họ: “Nay tòa xử, báo chí đăng, tối nay đừng bán ở đường Xô Viết Nghệ Tỉnh nữa, người ta không mua đâu…”

Tại phiên tòa lưu động của TAND TP.HCM ngày 16/9/2015. Bản án đã tuyên Nguyễn Văn Cường (SN 1992, tỉnh Kiên Giang) mức án tử hình; Nguyễn Thanh Liêm (SN 1995, tỉnh Vĩnh Long) tù chung thân; Dương Hoàng Thanh (SN 1994, TP.Cần Thơ) và Nguyễn Tấn Tới (SN 1995, tỉnh Cà Mau) mỗi bị cáo 12 năm tù; Bùi Hữu Hòa (SN 1998, tỉnh Kiên Giang) 8 năm tù cho cùng tội danh “giết người”. Đối với bạn gái Cường là Nguyễn Thị Châu (SN 1997, tỉnh Sóc Trăng) 9 tháng tù treo về tội danh “che giấu tội phạm”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tân Châu (Tiền Phong)
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN