Khắc khoải vì ngày về vắng bóng cha

Sự kiện: Đằng sau song sắt

Những bước thành công và gục ngã của tù nhân tài hoa ấy luôn in dấu chân cha.

LTS: Quãng thời gian khi thụ án ở trại giam Hoàng Tiến (Hải Dương), những nét tài hoa của Vũ Duy Hải vẫn được thể hiện qua những bản nhạc viết về cuộc sống sau song sắt do chính Hải sáng tác. Mỗi sáng tác của Vũ Duy Hải đều gửi gắm một tâm sự, một bài học, như một cách anh và những người bạn tù của mình nói lên sự sám hối thực sự của mình sau những sai lầm đã gặp phải. Các cán bộ quản giáo của trại nói, trong những cuộc thi “Tiếng hát, tình đời” giữa các trại giam, nhiều sáng tác của Vũ Duy Hải đã được trao giải cao và được phạm nhân các trại vô cùng yêu thích. Hải trở thành một “nhạc sĩ” nổi tiếng phía sau song sắt. Vì thế, càng có nhiều người nuối tiếc cho Hải, một người đàn ông có tài, nhưng đã không đi đúng con đường mà đáng ra phải đi.

Tình yêu âm thầm của người cha

Tôi sinh ra trong một gia đình cơ bản, cha mẹ đều là cán bộ công chức. Anh chị em của tôi cũng là những người thành đạt ngoài xã hội. Không một ai – ngoài tôi – dính líu với pháp luật và phải sống cuộc đời của một người ăn cơm tù, mặc áo số. Đó là điều khiến tôi – trong những năm tháng ở tù – mãi luôn đau đớn. Nhưng điều khiến tôi thực sự cảm thấy day dứt với người cha đã sinh thành ra tôi, bởi tôi là đứa con được ông yêu thương nhất, kì vọng nhất, nhưng cũng là đứa con khiến ông đau đớn nhất và thất vọng nhiều nhất.

Tôi là con út trong gia đình, nên từ bé đã được cha mẹ yêu thương, chiều chuộng. Nhưng khác với những người cha chiều con một cách mù quáng, cha tôi vừa chiều tôi, thương tôi, nhưng cũng rất nghiêm khắc với tôi. Ông đặc biệt chú trọng việc dạy con, dạy cái những đạo lý làm người. Một trong những nguyên tắc của ông là đã sống thì không được làm điều trái với đạo đức, với lương tâm. Từ bé, tôi đã là đứa con hợp với tính cha nhất trong nhà. Ông thương tôi bởi tính tình hiền lành, dịu dàng và cách sống tình cảm. Từ bé đến lớn, có chuyện gì, tôi cũng thủ thỉ tâm sự với cha. Đổi lại, khi gặp điều gì lo âu, cha tôi cũng ngồi nói chuyện với tôi như nói chuyện với một người đàn ông trưởng thành. Suốt những năm tháng ấu thơ, cho đến khi trưởng thành, tôi vẫn giữ thói quen gần gũi với cha. Nên ngay cả khi lấy vợ, dù đã sống riêng, đã có mái ấm riêng, tôi cũng phải qua nhà cha mẹ, khi thì để chào cha, khi thì để hỏi han sức khỏe ông, khi thì mua cho ông một bát cháo ăn đêm rồi yên tâm về nhà.

Trong gia đình, tôi là người con duy nhất sớm bộc lộ năng khiếu nghệ thuật từ nhỏ. Cha tôi muốn để tôi được tự do phát huy sở trường của mình, nên dù định hướng cho anh chị tôi theo con đường học hành bình thường, ông vẫn chiều lòng tôi, cho tôi đi theo con đường âm nhạc. Ngay cả trong những năm tháng kinh tế giai đình khó khăn, tôi vẫn được cha cho đi học nhạc, được ông đầu tư mua cho từ cây đàn đến những quyển sách dạy nhạc. Những lúc ngồi bên cha và chơi một bản nhạc với tay đàn ngày càng tiến bộ, là những lúc tôi thấy cha tự hào về tôi nhiều nhất. Ngày trẻ, tôi thường đi biểu diễn ở các tỉnh. Cha tôi không bao giờ hỏi tôi lịch diễn thế nào, không bao giờ khen ngợi tôi diễn hay hay không, nhưng có những lần, trong những buổi đi diễn xa nhà hàng trăm cây số, khi đang đứng diễn trên sân khấu, tôi đã xúc động đến trào nước mắt khi nhìn thấy bóng dáng quen thuộc của cha dưới hàng ghế khán giả. Ông cổ vũ tôi một cách âm thầm và dõi theo mỗi bước đi của tôi trên đường đời. Sự gắn bó giữa tôi và cha không chỉ là tình cảm thiêng liêng ruột thịt của một người cha với một người con trai, mà còn là sự gắn bó của hai người bạn tri kỷ.

Có năng khiếu, nên tôi chẳng khó khăn gì để thi đỗ vào Nhạc viện. Tôi theo học ở trường suốt nhiều năm trời, theo đuổi ước mơ làm nghệ thuật. Tốt nghiệp, tôi được mời dạy ở Sài Gòn. Số phận đáng lẽ ra đã định cho tôi con đường trở thành một nhạc sĩ, một giảng viên, một người ươm mầm cho những tài năng mới của âm nhạc. Nhưng khi sự nghiệp đang hứa hẹn, tôi lại đem lòng yêu một cô gái ở quê nhà. Phần vì tiếng gọi tình yêu, phần vì muốn được ở gần gia đình, chăm sóc cha mẹ, tôi đã từ bỏ con đường sự nghiệp thênh thang phía trước chấp nhận về sinh sống và làm việc tại thành phố quê nhà, để đổi lấy một cuộc sống êm ấm và hạnh phúc bên gia đình, cha mẹ và vợ con.

Hát tiếp bài ca hi vọng

Thu nhập của một nghệ sĩ ở một thành phố nhỏ chẳng đáng là bao, vợ lại không có nghề nghiệp, nên tôi đã quyết định kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ, vừa để vợ tôi có công ăn việc làm, vừa có thêm thu nhập cho gia đình. Nhưng việc kinh doanh vừa mới bắt đầu, thì cũng là lúc nhà nghỉ của tôi bị phát hiện có cất giữ ma túy. Là người chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của nhà nghỉ, tôi bị bắt đi tù.

Cái tin tôi bị bắt là một cú sốc thực sự lớn với cha, người lúc nào cũng yêu quý và tin tưởng vào sự chín chắn của tôi. Nhưng có lẽ vì tình yêu thương dành cho đứa con trai út quá lớn và có lẽ bởi cha tôi là một người có trái tim quá nhân hậu và vị tha, nên dù đau đớn đến tột cùng, ông vẫn chưa bao giờ có một lời trách móc trước những việc tôi đã làm. Khi vào trại thăm tôi, cha tôi thường bảo: “Con hãy coi đây là một vấp ngã, một bài học cho con sau này. Cha tin con đã thấm thía và nhất định sẽ lấy lại được tất cả những gì đã mất”.

Sự động viên của người cha già với tôi là một điều thực sự vô cùng quý giá. Bởi những năm đầu tù tội, tôi đã suy sụp, tuyệt vọng đến mức tưởng như không thể đứng dậy, khi nhận ra mình đã vấp ngã, đã sai lầm, đã mất đi không chỉ công danh, sự nghiệp mà còn mất cả vợ con. Vợ chồng tôi đã ly hôn sau đó. Đến giờ, khi tự vấn lại lòng mình, tôi không trách vợ mình khi cô ấy viết đơn xin li hôn. Bởi tôi hiểu, bắt môt người phụ nữ chờ đợi ngần ấy năm là điều quá phũ phàng và tàn nhẫn. Trong câu chuyện buồn của cuộc đời mình, chỉ với hi vọng hạnh phúc và nụ cười sẽ trở lại với những người xung quanh tôi.

Tuy nhiên, mất mát vẫn là mất mát. Với một người đàn ông, dù mạnh mẽ đến mấy, cũng không thể không đau đớn trước quá nhiều mất mát. Với một người có tâm hồn nghệ sĩ như tôi, thì mất mát đó thực sự là một cơn ác mộng không dễ vượt qua. Suốt một thời gian đầu vào trại, tôi sống không có hi vọng, không có niềm tin. Tôi chán nản, hoang mang và thường xuyên vi phạm kỉ luật của trại. Bởi tôi nghĩ cuộc đời mình đã không còn gì để mất. Nhưng những suy nghĩ đó của tôi thay đổi vào một ngày cha tôi đến thăm tôi, cầm lấy tay tôi bằng bàn tay ấm áp nhưng đã nhăn nheo gầy guộc vì tuổi già của ông. Khoảnh khắc đó giúp tôi nhận ra răng, nếu tôi không cố gắng cải tạo để sớm trở về, rất có thể tôi sẽ không bao giờ còn cơ hội được gặp lại cha trong cuộc sống đời thường, khi tôi không phải khoác trên mình bộ quần áo sọc dọc đầy đau đớn của một người tù. Đó sẽ là sự bất hiếu lớn nhất, là lỗi lầm lớn nhất mà tôi gây ra cho cha mình.

Chính khao khát được trở thành người tự do, được trở về để tạ tội với cha đã giúp tôi vượt tuyệt vọng để tích cực cải tạo. Nhờ lao động tích cực, phấn đấu cải tạo, tôi trở thành một phạm nhân gương mẫu và là một đội trưởng năng nổ trong đội văn nghệ trại giam. Tôi sáng tác những bản nhạc khơi gợi sự hướng thiện trong lòng những người tù xung quanh mình và viết những bài hát thể hiện lòng biết ơn trước tình cảm, sự giúp đỡ và động viên chân thành của các quản giáo dành cho những người tù lầm lỡ như tôi. Nhưng khi tôi đang nỗ lực đi trên con đường tìm về với cái thiện, với những điều đã đánh mất trong quá khứ cũng là lúc tôi nhận được tin cha mình đã qua đời.

Ngày nhận được tin cha mất, tôi đã khóc, khóc rất nhiều. Khóc vì một nỗi đau mất mát mà tôi chưa từng trải qua trong đời. khóc vì đã không thể thực hiện được lời hứa của mình, là trở về bên cha trong những ngày tháng cuối đời. Chính khao khát được đoàn tụ với cha là động lực lớn nhất của tôi trong những ngày tháng tù tội, là cái giúp tôi có đủ niềm tin, nghị lực và ý chí để vượt qua khó khăn. Nhưng sau những thăng trầm, những biến cố, những đổ vỡ của cuộc đời và những mất mát không gì sánh nổi, tôi đã vững vàng, để không gục ngã, không buông xuôi cuộc đời mình trước những mất mát đó. Bởi tôi hiểu, cả cuộc đời này, tôi chỉ còn duy nhất một cách, duy nhất một cơ hội để chuộc lỗi với người cha đã khuất, đó là phải luôn nhìn về phía trước, phải vươn lên để làm lại cuộc đời đã mất của mình.

Hương Ngọc (Ghi theo lời kể Phạm Nhân Vũ Duy Hải – trại giam Hoàng Tiến)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đang Yêu
Đằng sau song sắt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN