Bài 5: Hoàn thiện hành lang pháp lý để ngăn chặn, xử lý tình trạng đẻ thuê

Sự kiện: Tin pháp luật

Vì hiếm muộn mà rất nhiều gia đình phải nhờ mang thai hộ. Nhưng khi không đủ các yêu cầu theo quy định của pháp luật, họ tìm đến các dịch vụ “chui” để lách luật. Có cung ắt có cầu, vì thế thị trường đẻ thuê diễn ra rất nhộn nhịp trên mạng internet và đời thực. Để phát hiện, xử lý tình trạng mang thai hộ vì mục đích thương mại thì cần có những giải pháp căn cơ của hệ thông pháp luật…

Khó khăn vì ràng buộc pháp lý

Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con. Mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác.

Theo Luật sư Nguyễn Phó Dũng, Giám đốc Công ty Luật TNHH OPIC và cộng sự, để mang thai hộ hợp pháp, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định, người mang thai hộ phải là người cùng hàng với vợ hoặc chồng. Ví dụ như chỉ có thể nhờ chị hoặc em gái bên vợ, chồng trong vòng 3 đời mang thai hộ. Đối với một số gia đình thì đây là nguyên nhân chủ yếu khiến các cặp vợ chồng hiếm muộn không thể tìm được người mang thai hộ, khiến họ phải tìm đến những "cò mồi" hay đường dây chuyên làm việc này. Bên cạnh đó, khung xử phạt cho những đối tượng vi phạm pháp luật còn thấp, nên cò mồi mang thai hộ có khi bị bắt, nộp phạt xong rồi lại tái phạm.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Phó Dũng, Giám đốc Công ty Luật TNHH OPIC và cộng sự, pháp luật quy định rất rõ trong Điểm G, Khoản 2, Điều 5, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 là cấm thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính.

Điều 60, Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, sinh sản vô tính, mang thai hộ vì mục đích thương mại.

Bên cạnh đó, Điều 187, Bộ luật Hình sự 2015 quy định người nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: Đối với 02 người trở lên; Phạm tội 02 lần trở lên; Lợi dụng danh nghĩa của cơ quan, tổ chức; Tái phạm nguy hiểm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Dưới góc độ ngành y tế, Thạc sỹ, bác sỹ Tạ Việt Cường, Phó giám đốc Trung tâm khám và điều trị, chăm sóc sức khỏe sinh sản - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cơ sở 2 đã chứng kiến rất nhiều trường hợp hiếm muộn đáng thương mà không tìm được người mang thai hộ. “Trước đây tôi gặp trường hợp bệnh nhân bị bệnh lạc tử cung, sau đó buộc phải phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tử cung. Bệnh nhân đó vô cùng khao khát có con nhưng theo đúng quy định của pháp luật thì gia đình bệnh nhân này rất khó có thể tìm được người mang thai hộ. Đến giờ họ vẫn chưa tìm ra lối thoát để có thể có con được. Tôi cho rằng, pháp luật cần có những kết nối giữa cung – cầu mang tính nhân đạo để hỗ trợ giúp đỡ những vợ chồng không thể sinh con”.

Cũng theo các chuyên gia y tế, tỷ lệ vô sinh đang ngày một tăng, kéo theo đó là nhu cầu mang thai hộ. Điều này dẫn đến tình trạng trạng công khai môi giới dịch vụ mang thai hộ, bán trứng, tinh trùng trên các trang mạng xã hội. Thượng tá Khổng Ngọc Oanh, Phòng 5, Cục CSHS, Bộ Công an đánh giá, đây là một thực trạng khá phức tạp. Không chỉ trên các trang mạng, ngay tại cổng một số bệnh viện cũng xuất hiện tình trạng môi giới, cò mồi mang thai hộ, bán trứng, tinh trùng.

Các đường dây mang thai hộ hoạt động tinh vi

Các đường dây mang thai hộ hoạt động tinh vi

"Lực lượng Công an luôn tích cực điều tra xác minh, truy quét loại tội phạm này. Tuy nhiên, vẫn rất khó phát hiện bởi có những đường dây, đối tượng ở khâu này không hề biết mặt đối tượng ở khâu kia. Mỗi một công đoạn có một đối tượng độc lập thực hiện, dưới sự điều hành của một đối tượng giấu mặt mà nạn nhân thì hầu hết họ không muốn khai báo với cơ quan chức năng, đều lẩn tránh, không tố giác nên cơ quan chức năng rất khó có căn cứ để điều tra xác minh, phát hiện tội phạm", Thượng tá Khổng Ngọc Oanh nhận định.

Bên cạnh đó, chế tài của pháp luật hiện nay mới chỉ quy định trong luật y tế về mua bán tinh trùng, trứng, phôi, noãn, còn Bộ luật Hình sự thì quy định chưa rõ ràng nên rất khó làm căn cứ để cơ quan công an điều tra, truy tố. Nếu có căn cứ xử lý hành chính thì mức xử phạt những đối tượng này còn thấp chỉ từ 50-200 triệu đồng, còn đối với xử lý hình sự, khung hình phạt cũng chỉ lên 2 năm tù giam.

Ngăn chặn từ khâu tiếp nhận hồ sơ

Một thực tế nữa là việc nhận diện các hồ sơ giả của các nhân viên y tế tại các bệnh viện, đa phần các nhân viên y tế đều chưa nắm rõ cách phân biệt giấy tờ giả. "Nhiều nhân viên y tế có quan điểm họ không có trách nhiệm để phân biệt giấy tờ giả. Khi tiếp cận hồ sơ có con dấu, chữ ký "tươi", họ cũng không có nghiệp vụ để phân biệt được đó là giả. Bệnh nhân đến là họ tiếp đón và can thiệp y tế theo chức năng”, Thượng tá Khổng Ngọc Oanh cho biết.

Chia sẻ dưới góc độ ngành y tế, Thạc sỹ, bác sỹ Tạ Việt Cường, Phó giám đốc Trung tâm khám và điều trị, chăm sóc sức khỏe sinh sản - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cơ sở 2 cho biết, rất khó khăn cho cán bộ y tế, hành chính của các bệnh viện trong việc nhận biết, phân biệt giấy tờ giả. Bởi lẽ, đa phần các y, bác sỹ, cán bộ nhân viên bệnh viện chủ yếu chỉ nắm rõ công tác chuyên môn y tế của mình, nhất là các cơ sở y tế tư nhân thì việc nhận biết, phân biệt giấy tờ giả lại càng khó khăn.

Theo đánh giá của lực lượng công an, tội phạm tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại rất khó phát hiện

Theo đánh giá của lực lượng công an, tội phạm tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại rất khó phát hiện

Nhiều đường dây tổ chức mang thai hộ bị lực lượng công an triệt phá, chính vì thế lực lượng chức năng cũng đang kiến nghị có những quy định, quy chế phối hợp giữa lực lượng công an và ngành y tế để trao đổi thông tin. Khi có những nghi ngờ về mang thai hộ vì mục đích thương mại thì lực lượng y tế và công an sẽ có sự trao đổi, trên cơ sở thông tin để cùng nhau xác minh, phát hiện và ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật này.

Đồng tình với quan điểm này, Thiếu tá Hoàng Văn Hùng, Đội trưởng Đội 2, Phòng CSHS, CATP Hà Nội cho rằng, mang thai hộ vì mục đích thương mại bản chất xuất phát là từ những nhận thức lệch chuẩn của người có nhu cầu mang thai hộ. Do pháp luật của Việt Nam chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo nên các đối tượng đã lợi dụng các kẽ hở pháp luật để trục lợi. “Để có giải pháp, biện pháp hữu hiệu thì tôi cho rằng, ngoài việc sửa đổi hoàn thiện về luật, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền để giáo dục chung đến người dân. Các cơ sở khám chữa bệnh cần có thông tin và xác minh kỹ hơn nữa khi tiếp nhận hồ sơ mang thai hộ và nhận mang thai hộ”, Thiếu tá Hoàng Văn Hùng cho hay.

Xung quan việc hoàn thiện pháp lý, Luật sư Nguyễn Phó Dũng, Giám đốc Công ty Luật TNHH OPIC và cộng sự cho rằng, cần xử phạt nghiêm các trường hợp mang thai hộ vì mục đích thương mại, có chế tài xử phạt thật nặng đối với những hành vi môi giới, dụ dỗ người khác thực hiện mang thai hộ vì mục đích thương mại.

Điều 95, Luật Hôn nhân Gia đình quy định: cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Tuy nhiên, để tránh những hậu quả khó lường, điều kiện để thực hiện mang thai hộ được quy định rất chặt chẽ.

Cụ thể, bên nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện như: Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; vợ chồng đang không có con chung. Người được nhờ mang thai phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc chồng; từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ. Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có hôn nhân thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng…

(Hết)

Nguồn: [Link nguồn]

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm phóng viên ([Tên nguồn])
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN