Gã tử tù tột cùng của sự dã man (P.2)

Vụ tàn sát 4 mạng người ở tiệm vàng cách đây 13 năm đã làm rúng động HN 1 thời.

Đi cướp để lấy tiền trả nợ

Theo những gì hắn khai, có thể hình dung được nguyên nhân khiến hắn gây án dã man với gia đình ông chủ tiệm vàng Kim Sinh rất đơn giản: Để có tiền trả nợ, vì đêm 17/7/1999 hắn thua cháy túi tại một chiếu bạc ở thị trấn Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Rời khỏi sới bạc, đầu óc hắn quay cuồng với suy nghĩ kiếm đâu ra tiền để trả cho chủ sới hơn 20 triệu khi đã trót vay và thua hết.

Nằm nghĩ một đêm, trong cái đầu ngu muội của hắn bỗng nảy sinh một ý nghĩ tàn độc khi nhớ tới vợ chồng ông chủ tiệm vàng Kim Sinh mà ngày xưa hồi còn buôn vàng cốm, hắn thường qua lại để bán vàng cho ông và vẫn hay ngủ lại ở nhà ông bà Sinh.

Sáng hôm sau, hắn lẳng lặng dậy sớm, sắp xếp mấy bộ quần áo vào chiếc cặp màu đen và nói với vợ “đi Nam Định có việc”. Sở dĩ hắn chọn nhà ông Sinh vì hắn biết vợ chồng ông năm nay đã ngoài 70 tuổi, hai con trai ở cùng thì một người là anh Tảo bị tâm thần nặng, còn một người là anh Thức cũng bị tâm thần nhưng ở thể nhẹ hơn. Nhà ông Sinh có một người giúp việc là chị Nghĩa nhưng chị này chỉ đến làm việc vào ban ngày, còn ban đêm không ngủ lại. Tên Châu mang theo 700 nghìn đồng, đến chiều thì hắn tới bến xe Kim Mã. Việc đầu tiên khi đặt chân tới Hà Nội là hắn thuê xe ôm từ bến xe Kim Mã ra chợ Hôm Đức Viên mua một con dao giấu vào chiếc cặp đen mang theo. Sau đó, Châu thuê xe ôm tới ngã tư Ô Chợ Dừa ăn một bát phở. Ăn xong, Châu tìm một hàng nước chè đối diện với tiệm vàng Kim Sinh ngồi hút thuốc chờ trời tối. Khoảng 20 giờ 30, Châu đi bộ vào tiệm vàng Kim Sinh.

Gã tử tù tột cùng của sự dã man (P.2) - 1

Những bức thư được chị Định cẩn thận chép ra một cuốn sổ.

Vợ chồng ông Phạm Công Sinh - chủ tiệm vui mừng khi thấy người quen liền hỏi han rất niềm nở. Sau một hồi nói chuyện thì ông Sinh hỏi hắn tối nay ngủ ở đâu và ông mời hắn ngủ lại nhà mình. Ông không ngờ đã rước vào nhà một đại họa. Châu vui vẻ nhận lời. Tối đó, hắn ngủ cùng giường với anh Thức. Vài phút sau, cháu nội ông Sinh là anh Phạm Ngọc Toản đến. Châu mời anh Toản hút thuốc nhưng anh này từ chối, sau đó cả anh Toản và chị Nghĩa đều về nhà. Ông Sinh khóa cửa, tắt điện đi ngủ.

Châu nằm trên một chiếc giường cùng phòng với anh Thức. Hắn xem tivi một lúc rồi tắt. Nhưng đôi mắt hắn mở chong chong, hắn vừa nằm vừa đợi đến lúc cả nhà ngủ say. Khoảng 3 giờ sáng ngày 19/7/1999, Châu ngồi dậy. Trong đêm tối, đôi mắt ác thú của hắn vằn lên những tia máu. Hắn nhẹ nhàng mở chiếc cặp đen, lôi ra con dao đã mua từ chiều rồi đến gần anh Thức, lúc này đang say ngủ. Hắn dùng tay trái bịt mồm, chân phải đè lên bụng và dùng dao cứa vào cổ anh Thức. Nghe tiếng động do anh Thức đập chân xuống giường, ông Sinh tỉnh ngủ hỏi thì Châu tỉnh bơ: “Nó mê ngủ đấy ông ạ”. Ông Sinh nhìn nhưng bên trong tối om không thấy gì, ông lại đi tiếp vào phòng anh Tảo và bật điện. Thấy anh Tảo vẫn đang ngủ, ông lại đi ra. Lúc này, vì có ánh điện nên Châu sợ ông Sinh sẽ phát hiện nên hắn chờ ông đi vào sát giường anh Thức thì dùng dao đâm một nhát vào người nhưng trượt. Ông Sinh giằng co con dao với hắn nhưng sức vóc của một ông già ngoài 70 tuổi không lại được với con thú đang say máu trong hắn. Hắn đâm và chém liên tiếp vào người ông Sinh khiến ông gục xuống. Nghe tiếng kêu của chồng, bà Tịch chạy ra cũng bị hắn đâm cho đến chết. Trong lúc giằng co với bà Tịch, tên Châu đã nắm phải lưỡi dao khiến bàn tay trái của hắn bị thương.

Anh Tảo choàng thức dậy, nhưng vốn là người tâm thần nên anh không sao hiểu được bi kịch đang đổ xuống gia đình mình. Tên Châu không giết anh Tảo ngay mà hắn tìm chìa khóa cửa và chìa khóa két sắt. Sau đó, Châu dùng chìa mở hai két sắt nhưng không được, hắn tiếp tục dùng chiếc kéo sắt đập vỡ tủ kính rồi vơ vét tất cả vàng, nhẫn, dây chuyền... cho vào cặp. Xong xuôi, hắn phá một chiếc hòm sắt dùng đựng nữ trang của bà Tịch, cướp đi sợi dây chuyền, chiếc lắc đeo tay bằng vàng ta, dây chuyền, hoa tai, nhẫn, đồng hồ...

Gã tử tù tột cùng của sự dã man (P.2) - 2

Bây giờ chị Định khá bận rộn với cửa hiệu tạp hóa.

Quay lại chỗ anh Tảo đang ngồi, bản chất dã thú của hắn lên tới đỉnh điểm khi hắn quyết tâm giết nốt người tâm thần vô hại này. Sau đó, Châu cầm dao vào nhà vệ sinh rửa máu dính ở dao và vứt vào trong chiếc xô nhựa màu đỏ để trong nhà tắm. Hắn còn tắm rửa, giặt chiếc quần đùi đen có dính máu xong rồi lại mặc tiếp và xách cặp ra cửa, mở khóa. Khi ra đến ngoài đường, hắn đi bộ đến cổng Bệnh viện Đống Đa, thuê một người xe ôm chở ra bến xe phía Nam để bắt xe khách về nhà bà cô ở Nam Định.

Người ở lại chịu nghiệp chướng

Những ngày tháng nằm trong buồng biệt giam, hơn lúc nào hết, Nguyễn Minh Châu thấm đến tận cùng sự trả giá. Mỗi tháng một lần, Lê Thị Định - vợ hắn lại khăn gói quả mướp từ Tuyên Quang xuống thăm chồng. Mỗi lần gặp nhau qua vách ngăn cũng chỉ được vài phút, thế nhưng với Châu đó là những giây phút có ý nghĩa nhất trong cuộc đời hắn. Ngày 20/3/2001, Châu đã bị đưa ra pháp trường xử bắn. Người chết là hết tội, nhưng những người ở lại như vợ con hắn, người thân của hắn cho đến bây giờ cũng vẫn không sao rửa được vết nhơ mà hắn đã viết lên cuộc đời họ.

Nguyễn Minh Châu là con thứ tư trong gia đình có chín anh chị em. Hắn được tiếng là ưa nhìn nhất nhà và cũng nổi tiếng ăn chơi nên tuổi mười tám đôi mươi đã có khá nhiều các cô gái mải chơi... xin chết. Nhưng cũng giống như rất nhiều gã đàn ông hư hỏng khác, hắn lại chỉ thích các cô gái ngoan ngoãn, nết na. Trong số những người con gái hắn để mắt tới, có chị Lê Thị Định. Đến năm 21 tuổi thì hắn quyết định lấy Định làm vợ, một người phụ nữ chăm chỉ, phục tùng hắn vô điều kiện, không bao giờ dám làm gì trái ý chồng. Khi Châu chưa gây án, chị này chỉ có một ước mơ duy nhất là chồng mình bỏ được cờ bạc, nghiện hút, nhưng Châu vẫn chứng nào tật nấy, dù đã nhiều đêm chị khóc hết nước mắt khuyên can hắn. Nếu như không cờ bạc, không nghiện hút thì rất có thể Châu đã trở thành một đại gia có máu mặt ở vùng đất Chiêm Hóa, vì hắn làm ăn cũng có lộc, cũng trải qua đủ nghề, từ đào đãi vàng, công nhân rồi buôn vàng cốm, nhưng được đồng nào lại ra đồng ấy. Có bao nhiêu tiền hắn cũng nướng hết vào sới bạc, khi từ sới mò về nhà vào mỗi rạng sáng hắn chỉ còn là thân hình xơ xác, hai mắt đỏ ngầu vì mất ngủ và cái túi rỗng không.

Trước khi gây ra vụ thảm án, hắn đã có một tiền án về tội đánh bạc và một tiền sự tội nghiện hút. Lấy chồng lấy vợ âu cũng là cái duyên, bởi thế, chúng tôi rất ngạc nhiên và ngồi nhìn chị Định rất lâu khi tìm đến Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Người phụ nữ ấy hơn chục năm nay vẫn ở một mình, mở một cửa hàng tạp hóa sinh sống, nuôi hai con ăn học. Có với nhau hai người con, năm hắn gây án, cô con gái lớn của vợ chồng Châu học lớp 8, còn cậu em học lớp 6. Nỗi bất hạnh của Định và những đứa con hình như được dịp giãi bày, những giọt nước mắt buồn tủi lăn dài không dứt trên gương mặt khá ưa nhìn nhưng bầm dập nỗi cay đắng của chị. Không biết khi đã lạc vào một thế giới khác, Châu có biết những hệ lụy mà anh ta gây ra cho vợ con, cho người thân nó kinh khủng tới mức nào không mà chúng tôi đồ rằng, nếu không phải là người có bản lĩnh thì có lẽ chị Định đã phải ôm con bỏ xứ mà đi.

Khi mới bị bắt, Nguyễn Minh Châu từng hỏi dồn dập các anh Cảnh sát hình sự: “Bao giờ thì cháu bị bắn?” và tỏ ra bình tĩnh khi khai lại quá trình phạm tội của mình, không một chút ăn năn, hối hận. Nhưng dường như khi nhắc tới vợ con, Châu như bị chạm vào một góc khuất lương tri còn sót lại trong tâm hồn đen tối của hắn. Hắn không còn tỏ thái độ ngông nghênh, bất cần nữa. Trong suốt quá trình bị biệt giam, Châu hoàn toàn chấp hành mọi nội quy của trại một cách có ý thức mà không có ý định quậy phá, bởi hắn hiểu tội ác của hắn đến ông trời vốn rộng lòng cũng không thể dung tha. Hắn cũng không gửi đơn xin Chủ tịch nước tha tội chết như hầu kết những kẻ tử tù đều làm để hy vọng vớt vát cuộc sống dù là niềm hy vọng mong manh. Niềm an ủi duy nhất mà hắn được vợ thông báo trong mỗi lần gặp mặt ngắn ngủi, đó là hai đứa con rất ngoan ngoãn, học giỏi. Không biết có phải đó là sự bù đắp cho cuộc đời của chị Định hay không. Cô con gái lớn đã tốt nghiệp đại học và đi làm. Có cơ quan ở tỉnh Tuyên Quang đã nhận cô nhưng có lẽ vì những mặc cảm mình là con của một tử tù nên cô đã tìm một công việc ở xa nơi mình sinh sống. Cậu con trai cũng tốt nghiệp đại học, rất chăm ngoan, không nề hà giúp đỡ mẹ những công việc trong gia đình từ nấu cơm, rửa bát, quét nhà...

Chúng tôi không biết chị Định đã phải vượt qua quãng thời gian khủng khiếp sau khi chồng mình bị bắt như thế nào, nhưng cũng hình dung được mẹ con chị đã phải cố gắng vượt lên dư luận khắc nghiệt ở mảnh đất bé nhỏ ấy bằng một nghị lực phi thường, như lời chị nói là “phải có nghị lực gấp đôi người bình thường”. Một bước ra đường chị cũng bị người đời khinh rẻ, săm soi. Dù các con chị rất chăm ngoan, học giỏi nhưng đã có lúc dư luận ác độc khiến hai đứa trẻ chán nản, sợ hãi không muốn đến trường. Và nước mắt, có lẽ là thứ sẵn nhất của mẹ con chị thời điểm lúc bấy giờ. Thế mới biết, hệ lụy mà những kẻ như Nguyễn Minh Châu gây ra cho người thân của mình khủng khiếp đến nhường nào.

Lời cuối của kẻ tử tù

Những ngày cuối cùng trong buồng biệt giam, Châu đã hì hục viết thư cho vợ con bằng tất cả những gì có thể viết được ra chữ, từ một vỏ bao thuốc lá đến tờ giấy bỏ đi. Và bức thư cuối cùng hắn đã viết bằng những suy nghĩ ấp ủ trong suốt gần hai năm trời nằm trong buồng biệt giam. Những ân hận, day dứt đã làm khổ vợ khổ con, gia đình khiến hắn được trở về đúng với con người sơ khai của hắn. Những bức thư chồng gửi về, 13 năm rồi nhưng chị Định vẫn giữ gìn cẩn thận. Những nét chữ của Châu vẫn hiện hữu như ngày nào, thỉnh thoảng giở ra chị lại ứa nước mắt. Chị sợ thời gian sẽ làm hỏng những bức thư ấy nên đã cẩn thận chép lại vào cuốn sổ bằng những nét chữ rất đẹp. Tôi cũng thấy ngạc nhiên về Định, một người đàn bà ít tiếp xúc với chữ nghĩa nhưng lại trân trọng những chữ nghĩa của một người chồng tử tù. Trò chuyện thật lâu với chị tôi mới hiểu rằng, chị trân trọng những gì được coi là kỷ vật của người chồng tội lỗi để lại, bởi vì chị tin những lời nói, những dặn dò, những trăng trối của Châu là thật, là những gì con người nhất của anh ta khi tội ác đã xếp sang một bên, khi Châu đã trở về với đúng nghĩa một con người.

Và dường như chỉ khi đọc lại những bức thư ấy, chị Định mới cảm nhận được hết tình cảm vợ chồng mà Châu đã dành cho chị, dù lúc sống anh ta chẳng làm được gì cho vợ con vui lòng, ngoài những giọt nước mắt buồn tủi. Ai đó đã nói, lời trăn trối bao giờ cũng là lời nói chân thật nhất. Chúng tôi cũng tin như thế khi đọc lại bức thư của Nguyễn Minh Châu - tử tù có cái tên rất đẹp, nhưng những gì hắn làm lại không đẹp như cái tên của hắn.

Hà Nội ngày 21/3/2000

Em yêu quý! Các con thương nhớ!

Đêm nay anh về thăm em cùng các con qua trang giấy nhỏ và cây bút giữa đêm trường qua nhiều đêm mất ngủ vì nhớ và thương em và các con nhiều.

Em thân yêu! Giờ này chắc em cũng thao thức không ngủ được phải không em? Hãy tha lỗi cho anh em nhé. Anh không biết nói gì nhiều trong lúc đau khổ này, anh chỉ cầu mong sao cho em và các con luôn mạnh khỏe và làm ăn luôn gặp may mắn trong cuộc sống là anh vơi đi nỗi buồn mà! Đầu thư anh chúc em và các con luôn bình an nhé! Qua em cho anh gửi lời hỏi thăm sức khỏe của bố mẹ cùng anh em con cháu trong toàn gia quyến nội ngoại và tất cả anh em bạn bè hàng xóm với nhé!

Định ơi! Em biết không trái tim anh hàng ngày như muốn rỉ máu bởi nỗi nhớ em và hai con cùng gia đình. Anh không có thời gian và không có cơ hội để rút kinh nghiệm nữa rồi. Bây giờ ngày đêm anh chỉ âm thầm cầu nguyện cho mẹ con em và gia quyến luôn được bình yên trong cuộc sống, làm ăn may mắn, các con học tập tiến bộ, vươn lên để vượt qua mọi thử thách mà Chúa đặt ra để thử lòng mọi người ở thế gian này... Đừng oán trách anh em nhé! Anh đã làm cho mẹ con em phải điêu đứng khổ sở thế này, anh ân hận lắm nhưng tất cả đều đã quá muộn, bây giờ anh phải chấp nhận định mệnh đau lòng...

...Tất cả là tại nơi anh tất cả, em không có lỗi gì đâu! Em cứ tin là khi ra đi anh mang theo tất cả những suy nghĩ tốt về em, cho dù thế nào đi nữa thì em vẫn là người chịu mọi thua thiệt và đã hy sinh tất cả cho anh mà. Chỉ có anh mới đáng cho em hờn trách thôi.

Chúng mình lấy nhau đã 15 năm. Nếu tính từ lúc quen và yêu nhau thì đã 20 năm. Hai mươi năm qua, anh được em lúc nào cũng dành cho anh tình cảm và sẵn sàng hi sinh vì anh mà! Em ơi, trước lúc ra đi, anh mong em hiểu rằng, suốt thời gian 20 năm qua, mặc dù anh chơi bời trác táng, sa đọa là thế nhưng tình yêu anh đã dành cho em trọn vẹn, anh nói thật lòng đấy, lúc nào anh cũng nghĩ tốt cho em, mong em hiểu anh nhiều nhé! Bây giờ với anh tất cả đã là quá khứ, dĩ vãng tan vào hư vô, song điều mong muốn cuối cùng của anh là em và các con luôn mạnh khỏe thông minh để vượt qua mọi thử thách và cám dỗ của ma quỷ. Vì thế gian đầy những sự cám dỗ mà nếu con người ta không có bản lĩnh vượt qua để sa ngã thì tất nhiên phải trả giá. Hãy tránh xa các sự cám dỗ vật chất và tình cảm tầm thường, em phải xác định được đâu là người và đâu là quỷ. Cũng một con người nhưng có thể khi nó muốn cám dỗ mình thì chính là lúc nó mang suy nghĩ của con quỷ. Anh nói vậy em hiểu không? Mình đánh thức nó để nó sống đúng là con người chứ nếu mình nghe theo sự cám dỗ của nó tức là mình đã bị quỷ ám, và em biết không?

... Hãy cố gắng đứng vững trong quãng đời còn lại, hãy vì các con, vì tương lai mà vươn lên bỏ mọi mặc cảm xung quanh mình để chứng minh cho mình, hãy cố gắng lên em nhé...

Một năm sau, Nguyễn Minh Châu bị đưa ra trường bắn trả giá cho tội lỗi tày trời của mình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồ Phương (Công An Tp.HCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN