Đường tới án tử của một Việt kiều

Chính phủ Australia đã đề nghị Singapore khoan hồng cho Van nhưng bị từ chối.

Nguyen Tuong Van, một thanh niên gốc Việt đã bị bắt giữ tại sân bay Changi. Trong khi làm thủ tục xuất cảnh tại cửa hải quan, nhân viên hải quan đã phát hiện gần 400 gram heroin trong hành lý xách tay của người đàn ông này. Bằng chứng đã quá rõ ràng không thể chối cãi và đây chính là cái giá mà anh ta phải trả cho sự liều lĩnh của mình. Bản án tử hình dành cho Nguyen Tuong Van là một cái giá quá đắt, anh ta phải từng bước tiến gần đến giá treo cổ để kết liễu cuộc đời một tên trùm buôn ma tuý với số lượng lớn xuyên quốc gia.

Nguyen Tuong Van bất ngờ bị nhân viên hải quan yêu cầu quay trở lại với túi hành lý xách tay, anh ta vẫn giữ được vẻ bình tĩnh tự tin khi nghĩ rằng nhân viên hải quan có điều gì nhầm lẫn. Sự thực thì không thể che đậy được nhưng Nguyen Tuong Van có thừa sự liều lĩnh, có đủ lòng tin vào sự lạnh lùng của mình, anh ta cho rằng mình sẽ không thể bị bắt.

Ngay sau khi vào phòng kiểm tra, nhân viên hải quan cùng với cảnh sát điều tra đã yêu cầu Nguyen Tuong Van mở tung chiếc va li trong đó chỉ đựng toàn quần áo và đồ dùng cá nhân. Ngoan ngoãn làm theo mọi mệnh lệnh của cảnh sát, Nguyen Tuong Van khẳng định rằng hành lý của anh ta chỉ có vậy, không biết cảnh sát muốn tìm kiếm thứ gì trong đó. Thủ đoạn cất giấu tinh vi của Nguyen Tuong Van cuối cùng cũng đã bị cảnh sát phát hiện ra, 400 gram heroin là kết quả mà cảnh sát tìm thấy được trong đống hành lý mà theo Nguyen Tuong Van khai là chỉ có quần áo và đồ dùng cá nhân.

Lòng tham đã đánh mất lý trí

Nguyen Tuong Van là một thanh niên gốc Việt sinh sống tại thành phố Melbourne, Australia. Nguyen Tuong Van và người em trai sinh đôi ra đời tại một trại tị nạn ở Thái Lan. Cả hai anh em đã cùng sang Australia định cư theo mẹ với hy vọng sẽ có một cuộc sống sung túc và đủ đầy nơi đất khách. Sau khi học hết phổ thông trung học, Nguyen Tuong Van không thi đại học mà quyết định rời khỏi vòng tay của mẹ để lao vào cuộc sống bon chen khắc nghiệt.

Lăn lộn với đủ thứ nghề để có thể kiếm tiền nuôi sống bản thân và lo cho mẹ và em trai, Nguyen Tuong Van đã làm rất nhiều công việc khác nhau bởi anh luôn nôn nóng với mục đích làm giàu của mình, chính vì vậy mà làm rất nhiều việc nhưng chẳng có việc gì khiến anh hài lòng. Sự nóng vội đã khiến Nguyen Tuong Van nghĩ đến việc làm liều, anh ta biết rằng chỉ có buôn ma tuý thì mới có thể nhanh chóng đổi đời. Nghĩ là làm, Nguyen Tuong Van bắt đầu tìm hiểu về thị trường ma tuý cũng như móc nối được với những con buôn, rồi những tên trùm buôn ma tuý với số lượng lớn.

Tháng 11 năm 2002, Nguyen Tuong Van đã bắt đầu cho chuyến hàng đầu tiên của mình. Nguyen Tuong Van được một tên trùm ma tuý đề nghị anh ta vận chuyển ma tuý từ Campuchia đến Melbourne và Sydney. Rời Australia qua Singapore và thành phố Hồ Chí Minh, sau khi quay trở lại Singapore, Van đã được hướng dẫn các cách giấu hàng, cách tán nhỏ bạch phiến rồi quấn quanh người.

Vừa đến phi trường Changi để làm thủ tục xuất cảnh thì một máy dò kim loại đã phát tín hiệu báo động khi soi qua gọng kính của anh ta. Một cuộc kiểm tra được tiến hành và Van bị phát hiện đang vận chuyển hai bánh heroin, một buộc trên người, một để trong hành lý xách tay. Ngay sau khi bị bắt thì Nguyen Tuong Van đã không còn tỏ ra lỳ lợm và lạnh lùng như trước nữa. Anh ta vừa khóc vừa khai báo với cảnh sát rằng người em trai song sinh của anh ta là một kẻ nghiện ma tuý rất nặng nên anh ta đã cố gắng tìm mọi cách để có thể cứu vớt được em trai mình.

Nguyen Tuong Van đã phải đối mặt với phiên toà xét xử vì tội vận chuyển ma tuý với số lượng lớn. Tại toà Nguyen Tuong Van nói rằng vì em trai của mình đã vay nợ quá nhiều, lại đang phải sống một cuộc sống khổ cực vì đã làm nô lệ cho ma tuý trong suốt nhiều năm qua. Trong thời gian bị truy tố tại Singapore, Nguyen Tuong Van đã phải vay nợ 25.000 AUD (hơn 18.000 USD) để lo những thủ tục pháp lý.

Sau phiên toà sơ thẩm, Nguyen Tuong Van đã gửi đơn kháng án lên toà phúc thẩm với hy vọng sẽ được toà chấp thuận bởi hoàn cảnh đẩy đưa anh đến với con đường tội lỗi nhưng toà phúc thẩm đã bác đơn kháng án của Van. Thực tế thì nhiều người cho rằng chính người em trai đã đẩy anh vào vòng tội lỗi, vào đường dây của những vòi bạch tuộc đen, nhưng luật pháp thì không thể chấp nhận được lý do cũng như động cơ phạm tội của Van. Trước khi bị bắt, Nguyen Tuong Van chưa hề có tiền án tiền sự nhưng cũng không được đưa ra tình tiết giảm nhẹ tội.

Trong bản khai với cảnh sát, Van thừa nhận đã vận chuyển ma túy bởi anh lo lắng đến sự an nguy của em trai và của cả gia đình anh. Van còn khai đã bị ép hút heroin 2 lần khi gặp những kẻ cung cấp tại Campuchia. Số bạch phiến Van vận chuyển nhiều gấp 25 lần số lượng phải chịu tử hình theo Đạo luật chống sử dụng ma tuý của Singapore là 15 gram. Toà Thượng thẩm đã tuyên phạt Van mức án tử hình vào ngày 20 tháng 3 năm 2004 và bác bỏ tất cả những lá đơn kháng án của Van. Ngày 17 tháng 11 năm 2005, gia đình Van được thông báo án tử hình sẽ thi hành vào ngày 2 tháng 12 năm 2005.

Thủ tướng Australia John Howard có gửi thỉnh cầu cuối cùng đến Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long để xin ân xá cho Van nhưng không có kết quả. Nguyen Tuong Van sẽ là công dân Australia thứ 2 nhận án tử hình tại Đông Nam Á kể từ khi M.McAuliffe bị tòa án Malaysia xử tử vì tội buôn lậu ma túy năm 1993. Gia đình của Van tại Australia đã nhiều lần khẩn cầu nhà chức trách Singapore khoan dung. Tháng 10 năm 2005, Chính phủ Australia đã gửi tới đảo quốc sư tử đề nghị khoan hồng cho Van nhưng bị từ chối.

Ngày 17 tháng 11, Cục Phụ trách giam giữ Singapore đã gửi thư đến gia đình Van thông báo việc xử tử sẽ được tiến hành vào ngày 2 tháng 12. Cùng ngày 17 tháng 11, bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Hàn Quốc, Thủ tướng Australia J.Howard một lần nữa đề nghị Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long khoan dung cho Van nhưng cũng không thành. Lúc này thì thư thông báo ngày hành quyết đã được chuyển đến bà Kim, mẹ của Van.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Khối thịnh vượng chung diễn ra ở Malta, ông Howard một lần nữa đề cập đến việc khoan hồng Nguyen Tuong Van nhưng ông Lý Hiển Long tiếp tục từ chối. Và việc xử tử Van càng trở nên chắc chắn hơn sau khi Chủ tịch Quốc hội Singapore A.Tarmugi gửi tới Chủ tịch Hạ viện Australia D.Hawker bức thư với lời lẽ mềm mại nhưng không gì lay chuyển:

"Anh ta bị bắt khi đang sở hữu gần 400 gram heroin tinh chế, một lượng đủ để chế biến 26.000 liều cho người nghiện. Anh ta biết việc mình làm và hậu quả của nó. Chúng tôi không thể tha thứ cho hành động của Nguyen Tuong Van. Là đại diện nhân dân, chúng tôi có trách nhiệm bảo vệ cuộc sống của những người có thể bị ma túy của anh ta hủy hoại. Chúng tôi không thể để Singapore trở thành trạm trung chuyển ma túy lậu của khu vực. Dẫu rằng quyết định này có thể gây đau đớn cho gia đình Nguyen nhưng chúng tôi hy vọng ông và các đồng nghiệp hãy hiểu cho chúng tôi".

Cái giá phải trả

Rạng đông ngày 02 tháng 12 năm 2005 là thời khắc cuối cùng Van nhìn thấy được sự sáng sủa của cuộc sống. Khuôn mặt còn quá trẻ, rất hiền lành nhưng đã không còn cảm xúc bởi anh đang phải chấp nhận sự trả giá của số phận. Nguyen Tuong Van đã phải chấp nhận bản án tử hình bằng cách treo cổ. Em trai và bạn bè của Van đã đến trước cổng nhà tù, vọng khóc vọng thương cho linh hồn chàng trai trẻ sớm được siêu thoát.

Luật sư Julian Mcmahon đã nói cho các phóng viên biết rằng mẹ của Van cùng với nhiều người thân đã cầu nguyện tại một nhà thờ gần nơi Van bị treo cổ. Ông Mcmahon đã chia sẻ những giây phút cuối cùng giữa Van và mẹ của mình: “Tôi không đứng gần họ nhưng tôi thấy họ qua cửa kính, họ đã chẳng nói với nhau một lời nào, chỉ đứng im lặng và cũng khóc trong im lặng, chỉ một thoáng cam chịu hiện trên nét mặt Van, dường như Van đã sẵn sàng đón nhận kết cục bi thảm của cuộc đời mình”.

Thánh lễ được thực hiện trên khắp đất nước để đánh dấu cho việc một tử tù bị hành quyết. Tại Australia, trong nhà thờ St Ignatius Catholic ở Richmond, một hồi chuông kéo dài 25 tiếng đã được rung lên, mỗi một tiếng chuông tượng trưng cho một tuổi trong cuộc đời Van, hồi chuông chậm rãi nhưng ngắn ngủi khiến nhiều người không khỏi xúc động.

Tại Martin Place ở Sydney, một tổ chức người Việt Nam cũng tập hợp cầu siêu và đánh 25 tiếng chiêng vọng linh hồn Nguyen Tuong Van. Một đám đông người tập hợp lại và nguyện cầu trong im lặng. Nhà thờ ở Brisbane cũng lập đàn cầu nguyện cho Van. Cha Peter Dillon đã lãnh đạo giáo đoàn tại nhà thờ St Stephen's kêu gọi chấm dứt việc hành quyết. Cha Peter Dillon cho rằng việc xử tử Nguyen Van không giúp gì nhiều trong cuộc chiến chống lại tội phạm ma túy. “Tôi rất buồn vì điều này, thế giới ma túy có hàng ngàn người”.

Nguyen Tuong Van từ chối cơ hội mà Singapore dành cho các tử tù là mặc bộ quần áo đẹp nhất để chụp ảnh. Luật của Singapore không cho phép tử tù được tiếp xúc trực tiếp với thân nhân trước khi chết. Người mẹ đã xin chính phủ Singapore nới lỏng quy định này để bà có thể ôm con lần cuối. Ngoại trưởng Australia Alexander Downer cho biết sẽ đề nghị chính phủ Singapore chấp nhận điều này.

Theo kế hoạch ban đầu, ông Darshan Singh sẽ thực hiện thủ tục treo cổ Nguyen Tuong Van. Được biết, người hành quyết 74 tuổi này đã thực hiện khoảng 850 cuộc treo cổ trong suốt 50 năm qua và những gì ông ta sẽ làm với Van chỉ là một nhiệm vụ bình thường. Tuy nhiên, sau khi hình ảnh và thông tin về Singh được báo Australia đăng tải thì ông đã bị sa thải. "Họ gọi điện cho tôi cách đây vài ngày và nói rằng tôi không phải treo cổ Nguyen Tuong Van nữa, tôi sẽ không làm công việc này thêm một lần nào nữa. Tôi nghĩ người ta đã phát điên lên khi nhìn thấy ảnh của tôi trên báo", ông Singh nói. Theo tờ Sunday Telegraph của Australia thì một nhân vật mới sẽ thực hiện việc treo cổ Nguyen Tuong Van.

Một cuộc đời đã thực sự chấm hết, một kết cục nghiệt ngã cho tuổi thanh xuân, bi kịch lớn trong đời người… tất cả đều khởi nguồn từ những quyết định sai lầm, ham muốn vật chất mù quáng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Nam (Công An Nhân Dân)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN