Đại tá kể chuyện dẹp loạn giang hồ đất Cảng: “Ông trùm, bà trùm” làm kinh tế

Lợi dụng những kẽ hở của luật pháp, “ông trùm”, “bà trùm” giang hồ đất Cảng đã lấn sân làm kinh tế sử dụng thủ đoạn máu lạnh, liều lĩnh để kiếm tiền.

Đại tá Lê Hồng Thắng được vinh danh trong chương trình “Vinh quang Việt Nam – Dấu ấn 30 đổi mới” (Ảnh: ANHP).

Đại tá Lê Hồng Thắng được vinh danh trong chương trình “Vinh quang Việt Nam – Dấu ấn 30 đổi mới” (Ảnh: ANHP).

Giang hồ đất Cảng hoành hành

Theo Đại tá Lê Hồng Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.Hải Phòng, thời điểm những năm 90 của thế kỷ XX có thể gọi là thời kỳ “hoàng kim” của giới giang hồ đất Cảng. Thời kỳ này, khi bộ luật Hình sự 1999 chưa ra đời, công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm gặp rất nhiều khó khăn khi hầu hết những ông trùm, bà trùm đất Cảng đều là những đối tượng hết sức tinh vi, lọc lõi với nhiều thủ đoạn ranh ma để tránh né sự quản lý, đấu tranh của cơ quan chức năng.

“TP.Hải Phòng lúc đó có lớp lớp “ông trùm”, “bà trùm" xuất hiện. Trên địa bàn quản lý của Đội Án tuyến chúng tôi thời kỳ đó, nhiều loại tội phạm hoành hành ngang ngược như các đối tượng đánh mích (trộm cắp trên xà lan), trộm cắp đèn báo hiệu đường biển đường sông.

Đường bộ có các đối tượng hình sự ở bến xe, các chợ đầu mối, đường hàng không thì có các sân bay”, Đại tá Thắng nhớ lại.

Việc phân loại các đối tượng cộm cán có tiền án, tiền sự là bước đầu tiên để Đội Án tuyến có thể kiểm soát, nắm bắt địa bàn được phân công.

 “Về nhóm đối tượng, đầu tiên phải nói đến là các đối tượng cửu vạn hay còn gọi là bốc xếp. Lực lượng này có ở tất cả các bến tàu, bến xe, sân bay, các chợ đầu mối.

Tiếp đó là các đối tượng trộm cắp trên xe khách, thủ đoạn chủ yếu là rạch túi lấy ví hay móc trộm, sau nữa là đến các đối tượng đỏ đen, chuyên mang mấy con bài rồi xào xáo trên ô tô khách để lừa bịp những người có máu cờ bạc là khách đi xe.

Ngoài ra còn nhiều các đối tượng hình sự phức tạp khác nữa”, Đại tá Thắng liệt kê lại.

Sân bay Cát Bi là một trong những điểm nóng về tình hình trị an những năm 90.

Sân bay Cát Bi là một trong những điểm nóng về tình hình trị an những năm 90.

Giang hồ lấn sân làm kinh tế

Tình hình an ninh trật tự những năm 90 theo Đại tá Thắng là rất phức tạp. Lý giải vấn đề này, Đại tá Thắng cho hay đây là thời điểm nhiều đối tượng hình sự là các ông trùm, bà trùm có tiếng tăm trong giới giang hồ bắt đầu xâm nhập vào các lĩnh vực ngành hàng.

“Ngày xưa lưu manh thì nó chỉ là lưu manh thôi, các đối tượng này chỉ có đi cướp, đi trộm hoặc nặng hơn là giết người.

Nhưng thời điểm tôi công tác tại đội Án tuyến là thời điểm các đối tượng lưu manh này làm kinh tế, điển hình việc làm kinh tế bằng cách tập trung vào hành vi cưỡng đoạt tài sản trong công việc bốc xếp là nhức nhối nhất.

Cụ thể, thời điểm này bộ luật Hình sự 1999 chưa ra đời, các đối tượng đã lợi dụng thỏa thuận dân sự để ép giá, cưỡng đoạt tài sản trong hoạt động bốc vác hàng hóa.

Nếu tiểu thương không nghe lời, không sử dụng lực lượng bốc xếp này thì sẽ bị hành hung, thậm chí là bị chém, khủng bố tinh thần và đe dọa tính mạng”, Đại tá Thắng phân tích.

Tại các sân bay những năm 90 chỉ có 1 ngày 1 chuyến bay. Lúc này, có một số người làm dịch vụ chuyển hàng từ Hải Phòng vào miền nam bắt đầu bị các tay anh, chị lưu manh lấn sân.

“Các đối tượng lưu manh tiến quân vào sân bay xảy ra hai vấn đề. Thứ nhất là các đối tượng này cũng là đối thủ cạnh tranh, làm dịch vụ chuyển hàng như các tiểu thương này.

Thứ hai là chúng muốn thâu tóm tất cả những người làm dịch vụ này lại thành một hình thức hợp tác xã để chúng đứng ra thu tiền bằng nhiều thủ đoạn ranh ma, thậm chí là cả vũ lực”, Đại tá Thắng cho hay.

Tại các cảng tàu thủy, các đối tượng lưu manh cũng “tiến công” các cửa hàng XiMen (cửa hàng miễn thuế). Với sự máu lạnh, liều lĩnh cùng nhiều thủ đoạn, giữa các băng nhóm lưu manh bắt đầu gianh trành quyền quản lý các cửa hàng này để mua lại hàng hóa, tuồn hàng hóa ra ngoài.

“Các đối tượng lưu manh cũng nhảy vào tất cả các lĩnh vực tại cảng như việc bốc xếp, tranh giành nhau gỗ lạp (loại gỗ đóng khung đựng hàng hóa), giành nhau dầu thải, đoạt các mối mua bán hàng điện tử cũ từ nước ngoài về khỏi tay các tiểu thương”, Đại tá Thắng kể lại.

Để có thể “dẹp loạn”, đấu tranh, đưa các ông, bà trùm đất Cảng và hàng trăm đối tượng lưu manh có số má này vào quy củ, Đội Án tuyến thời bấy giờ đã phải chịu tải một khối lượng công việc cực lớn. Với cương vị Đội Phó, sau là Đội Trưởng, Đại tá Lê Hồng Thắng đã họp bàn cùng 13 thành viên còn lại của Đội Án tuyến để đưa ra phương thức đánh “cuốn chiếu”, tập trung toàn bộ lực lượng vào từng địa điểm một, mục tiêu đầu tiên Đội Án tuyến nhắm đến chính là các bến xe khách.

----------------------

Tại bến xe Tam Bạc liên tục nổi lên những ông trùm khét tiếng cát cứ như Sơn “bình”, Tuấn “voi”, Tuấn “y”, Khải “điên”, Trường “con”, anh em nhà Cường “cận”, Ngân “cận”… Các nhóm lưu manh này chia làm 2 ca cửu vạn, lũng đoạn để kiếm lời bỏ túi. Các trinh sát hình sự đã mất nhiều thời gian thâm nhập vào nội bộ các băng nhóm, tiếp xúc với tiểu thương ở nhiều tỉnh thành để xác định được giá bốc xếp 1 cục hàng.

Mời quý vị đón đọc kỳ tiếp theo Đại tá kể chuyện dẹp loạn giang hồ đất Cảng: Chiến dịch “Cuốn chiếu” vào 19h ngày 6/9/2019.

Đại tá kể chuyện dẹp loạn giang hồ đất Cảng và cuộc đối đầu với anh trai Dung Hà

Xuất thân từ ngành an ninh điều tra, tuy nhiên từ khi bén duyên với Đội Cảnh sát hình sự đặc biệt H88, Đại tá Lê Hồng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Sơn ([Tên nguồn])
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN