Đại án 9.000 tỉ: Hàng trăm tỉ trong 6 sổ tiết kiệm là của ai?

Sự kiện: Tin pháp luật

Phiên tòa càng “nóng” lên từng ngày khi xuất hiện nhiều tình tiết tranh cãi về việc ai mới là người sở hữu thực sự số tiền trong 6 sổ tiết kiệm liên quan đến khoản tiền 300 tỉ rút khỏi VNCB không có hồ sơ vay.

Đại án 9.000 tỉ: Hàng trăm tỉ trong 6 sổ tiết kiệm là của ai? - 1

Ông Danh cho rằng “chủ thật sự” của 6 sổ tiết kiệm đồng ý vay 300 tỉ đồng.

Ngày 30.12, phiên tòa phúc thẩm vụ án 9.000 tỉ đồng tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) do Phạm Công Danh và đồng phạm gây ra tiếp tục diễn ra.

Sáng cùng ngày đã có nhiều tranh cãi quanh số tiền trong 6 sổ tiết kiệm gửi tại VNCB mà sau đó liên quan đến khoản tiền 300 tỉ đồng bị rút khỏi VNCB không có hồ sơ vay.

Cụ thể 6 sổ tiết kiệm này được đứng tên bởi Ngô Bích Thùy Trang, Nguyễn Thị Mỹ Dung và Trần Hoài Phục Vì sự cần thiết, HĐXX đã triệu tập nhóm người này tới để tham gia phần xét hỏi.

Ông Phục tham gia xét hỏi đâu tiên trong 3 người, khi được hỏi về nguồn tiền ở đâu mà có để gửi vào VNCB hàng trăm tỉ đồng, người này đã từ chối trả lời nguồn gốc vì cho rằng không thuộc phạm vi vụ án, song vẫn khẳng định tiền của mình.

Lúc này buộc HĐXX phải nhắc lại lời khai trước đó của chính ông Phục rằng: “Tiền tôi gửi vào VNCB là của ông Trần Quí Thanh (chủ tịch Tân Hiệp Phát), tiền lãi sau đó cũng gửi cho ông Thanh.”

Đáp lại, ông Phục vẫn tái khẳng định là tiền của bản thân và từ chối trả lời nguồn gốc số tiền ở đâu mà có. Người này cho biết đã thông tin rõ với người đại diện, người đại diện cũng trả lời cụ thể với tòa vào phiên tòa sáng cùng ngày. Ông Phục cũng cho biết sổ tiết kiệm nhận từ nhân viên ngân hàng và bản thân giữ sau đó. Vì dự định vay vốn nên đưa lại sổ cho ngân hàng giữ, ông Phục trả lời câu hỏi của HĐXX về việc ai giữ sổ tiết kiệm. 

Phần xét hỏi, Mai Hữu Khương cho biết tiền để 3 người nói trên làm 6 sổ tiết kiệm là từ một tài khoản khác chuyển qua. Bị cáo khẳng định hồ sơ lưu tại VNCB (bây giờ là CB). HĐXX sau đó đã đề nghị đại diện CB sớm nộp lại sao kê, chứng từ về nguồn gốc số tiền này.

Tham gia phần xét hỏi, bà Thùy Trang nói giống ông Phục là để sổ tại VNCB. Lí do bà Trang đưa ra là vì…tin tưởng VNCB. HĐXX lại nhắc đến lời khai của bà Trang từng thừa nhận tiền gửi tại VNCB là của ông Thanh, tiền lãi cũng chủ tịch Tân Hiệp Phát nhận, bà Trang không trả lời trực tiếp. Người này chỉ nói rằng “tôi không phủ nhận lời khai của mình, nhưng hôm nay, tôi trực tiếp đứng đây khẳng định số tiền gửi tại VNCB là của cá nhân tôi.”

Bà Dung cũng như hai người trong nhóm khi cho rằng tiền gửi ngân hàng là của bản thân và chính mình nhận tiền lãi. Tuy nhiên, HĐXX nhắc lại lời khai của người này: “ Tôi là nhân viên của Tân Hiệp Phát, có 3 sổ tiết kiệm tại VNCB với hơn 103 tỉ đồng, nguồn tiền mượn từ ông Trần Quí Thanh và có giấy tờ đánh máy rõ ràng.”

Cũng như hai người trước, bà Dung né tránh trả lời trực tiếp và chỉ nói rằng tiền gửi ở VNCB là của mình.

Trước đó ông Danh và bị cáo Khương khẳng định số tiền trong 6 sổ tiết kiệm là của ông  Thanh. Giữa ông Danh và Thanh có mối quan hệ vay mượn nên ông Phục, bà Trang và Dung mới để lại 6 cuốn sổ ở VNCB nhằm mượn 300 tỉ.

HĐXX cũng khẳng định, việc số tiền này thật sự của ai tòa sẽ đánh giá dựa trên hồ sơ, chứng cứ đã có chứ không phụ thuộc vào lời khai từ ông Phục, bà Trang hay Dung hay các bị cáo.

Để làm rõ vấn đề, HĐXX, đại diện VKS đã đề nghị triệu tập thêm một số người liên quan đến phiên tòa để tham gia phần xét hỏi, ông Trần Quí Thanh cũng buộc phải có mặt vao ngày 3.1.2017. Trước đó HĐXX từng cho rằng những ai được yêu cầu triệu tập phải có mặt, nếu không có sẽ bị xử lí theo quy định, thậm chí sẽ dùng biện pháp áp giải tới tòa.     

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo K.Phong ([Tên nguồn])
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN