Chuyện về dấu vân tay giả trên tờ di chúc 22 năm trước

Sự kiện: Tin pháp luật

Ông Mười bị tù vì tội không chấp hành án, nhưng sau khi ông chấp hành án phạt tù xong thì cấp giám đốc thẩm hủy bản án có liên quan đến bản án mà ông không chấp hành.

Từ nhiều năm nay, ông Nguyễn Văn Mười (sinh năm 1958, ngụ thị xã Long Mỹ, Hậu Giang) gửi nhiều đơn kêu oan bản án chín tháng tù về tội không chấp hành án, đồng thời đề nghị khởi tố người làm giả chữ ký trong tờ di chúc khiến ông phải trả đất, rồi gặp nhiều hệ lụy sau đó.

Bản án buộc trả đất từ 18 năm trước

Năm 1976, ông được cha dượng chia cho 3.900 m2 đất ruộng. Năm 1993, ông dùng phần diện tích đất này đổi lấy đất của một người hàng xóm. Cả hai đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) năm 1995, sử dụng ổn định đến nay.

Đến năm 2002, ông N (anh em cùng mẹ khác cha với ông Mười) kiện tranh chấp thừa kế QSDĐ. Chứng cứ mà ông N cung cấp cho tòa là tờ di chúc đề ngày 11-6-2001, thể hiện nội dung mẹ ruột để lại phần đất trên cho ông N.

Tháng 4-2005, TAND huyện Long Mỹ (nay là thị xã Long Mỹ) xác định việc ông Mười đổi đất với hàng xóm mà không thông qua ý kiến của mẹ ruột là trái với quy định của pháp luật. Từ đó, HĐXX tuyên buộc người hàng xóm đã đổi đất với ông Mười phải trả lại phần đất nói trên cho ông N.

Ông Mười kêu oan nhiều năm nay. Ảnh: AH

Ông Mười kêu oan nhiều năm nay. Ảnh: AH

Sau đó, người hàng xóm đã thi hành bản án sơ thẩm, rồi kiện ông Mười đòi lại phần đất đã đổi. Tháng 4-2007, TAND huyện Long Mỹ tuyên buộc ông Mười trả lại đất cho người hàng xóm.

Tháng 1-2008, TAND tỉnh Hậu Giang tuyên không chấp nhận kháng cáo của ông Mười, vẫn buộc ông trả lại đất cho người hàng xóm.

Cho rằng bản án tuyên không đúng nên ông Mười đã không tự nguyện chấp hành bản án cũng như quyết định cưỡng chế. Do đó, hồ sơ được chuyển qua cơ quan công an. Năm 2012, ông Mười bị khởi tố về tội không chấp hành án. Tháng 11-2016, TAND thị xã Long Mỹ phạt ông Mười 12 tháng tù. Ông Mười kháng cáo kêu oan. TAND tỉnh Hậu Giang giảm cho ông ba tháng tù, tuyên phạt ông chín tháng tù. Ông Mười đã chấp hành xong án phạt tù vào tháng 2-2018.

Tái thẩm hủy án vì tình tiết dấu vân tay giả

Tháng 6-2018, ông Mười có đơn đề nghị xem xét lại bản án sơ thẩm tranh chấp thừa kế QSDĐ hồi năm 2005 theo thủ tục tái thẩm. VKSND Cấp cao tại TP.HCM cũng kháng nghị, đề nghị xét xử tái thẩm hủy bản án này.

Tháng 2-2019, TAND Cấp cao tại TP.HCM mở phiên tòa tái thẩm, tuyên hủy bản án sơ thẩm năm 2005 của TAND huyện Long Mỹ. HĐXX nhận định: Trong quá trình thi hành án, ông Mười có khiếu nại nên Công an huyện Long Mỹ đã trưng cầu giám định dấu vân tay của mẹ ông trên tờ di chúc. Kết quả cho thấy: “Dấu vân tay trên tờ di chúc và các dấu vân tay làm mẫu so sánh không phải của cùng một người. Đây là tình tiết quan trọng của vụ án mới được phát hiện mà đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án”.

Hồ sơ vụ án được giao về TAND thị xã Long Mỹ để xét xử sơ thẩm lại. Tuy nhiên, ông N rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện nên tòa đình chỉ giải quyết vụ án.

Theo hồ sơ mà ông Mười cung cấp cho PV, trong quá trình tòa giải quyết vụ án ở giai đoạn trước đây, ông Mười đã tố cáo ông N giả mạo chữ ký để chiếm đoạt đất của ông.

Tuy nhiên, năm 2008, Cơ quan CSĐT Công an huyện Long Mỹ xác định việc làm giả này không có mục đích lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân; không có mưu cầu lợi ích cho bản thân. Đồng thời bản án dân sự phúc thẩm không đề cập đến tờ cam kết này.

Mặt khác, BLHS năm 1999 chưa có quy định cụ thể về tội giả mạo chữ viết và chữ ký của cá nhân nên hành vi này do pháp luật dân sự điều chỉnh.

Bản án có hiệu lực phải được nghiêm chỉnh chấp hành

Hiến pháp quy định bản án có hiệu lực phải được tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành. Tại thời điểm ông Mười phải thi hành bản án dân sự (trả đất cho người hàng xóm), chưa có quyết định giám đốc thẩm (của bản án sơ thẩm tranh chấp thừa kế QSDĐ hồi năm 2005) nên hành vi không chấp hành bản án của ông Mười là vi phạm pháp luật và bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội không chấp hành án quy định tại Điều 305 BLHS 1999.

Tuy nhiên, cũng cần xem xét tình tiết dấu vân tay trên tờ di chúc là giả. Đây là tình tiết quan trọng có thể làm thay đổi bản chất vụ án. Lẽ ra khi đó Cơ quan CSĐT Công an huyện Long Mỹ cần có kiến nghị xem xét lại vụ án thay vì khởi tố ông Mười không chấp hành án khi đã có kết luận giám định xác định dấu vân tay trong tờ di chúc là giả.

Luật sư TRƯƠNG VĂN TUẤN, Đoàn Luật sư TP.HCM

SONG MAI ghi

Nguồn: [Link nguồn]

Kỳ án mẹ ghẻ rắp tâm sát hại con chồng bằng thuốc độc cyanide vì mâu thuẫn thừa kế đất đai

Thời điểm năm 2010, vụ giết người bằng cách đầu độc cyanide được các trinh sát hình sự CATP Hà Nội điều tra khám phá là vụ án đầu tiên xảy ra trên địa bàn thành phố....

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ANH HÀO ([Tên nguồn])
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN