Chân dung gã con rể vác dao đuổi mẹ vợ

Con gái đau khổ về thể xác một phần, nhưng nỗi đau lớn nhất của người mẹ già la phải chứng kiến cảnh gia đình Dung “tan đàn xẻ nghé”. Rồi đây, điều bà lo sợ nhất là những đứa cháu sẽ không còn nơi nương tựa nếu cha đối diện với lao lý, còn mẹ thì không vượt qua được hiểm nguy.

Ngồi bên hành lang bệnh viện khoa Hồi sức tích cực (BV Đa khoa tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu), bà Sâm liên tục thở dài khi kể về câu chuyện bất hạnh của con gái mình trót lỡ đa mang. Bà cho biết gia đình cũng nghèo, đông con những ai cũng siêng năng, Dung là con thứ 2 nên phải sớm bươn trãi. Thời con gái, Dung được rất nhiều thanh niên cùng quê đem lòng thầm thương trộm nhớ. Trong số đó, Toàn cũng thường xuyên “trồng cây si”.

Chân dung gã con rể vác dao đuổi mẹ vợ - 1

Bà Sâm ngồi thẫn thờ đợi vào thăm con gái. Ảnh: T.G

Nhờ vào tài ăn nói khéo léo, vẻ bề ngoài mộc mạc, chất phác, hiền lành nên Toàn dần chiếm được cảm tình của con gái mình. Tuy nhiên, ngày ấy, bà đã liên tục phản đối mối tình này. Bởi theo bà, trước mặt gia đình mình, Toàn thể hiện tính lễ phép, gia giáo nhưng bà được nghe rất nhiều chuyện “con rể” tương lai một mình uống hết chai rượu nên rất lo sợ cuộc sống của Dung sau này. Linh tính của một người làm mẹ khiến bà ra sức ngăn cản nhưng cũng không làm cho con gái lung lay từ bỏ ý định. 18 tuổi, Dung đồng ý cất bước theo Toàn về làm dâu, với giấc mơ về một hạnh phúc mà lúc yêu nhau hai đứa thường vẻ ra viễn cảnh.

Ngày đầu xây mộng tương lai, cả hai chỉ trông chờ vào vài sào ruộng làm điểm tựa mưu sinh. Lúc hết mùa vụ, Toàn tỏ ra siêng năng, cần cù, thương vợ con khi tìm việc làm thêm. Thế nhưng, chỉ được thời gian ngắn ngủi sống trong hạnh phúc, tràn ngập tiếng cười, còn lại tất cả quãng đời sau này, chị Dung phải vật lộn với hành trình chạy trốn, rơi vào bi kịch. Chẳng hiểu từ lúc nào, bản tính hiền lành của Toàn đã thay đổi đến chóng mặt. Toàn có một thói quen cố hữu là thường tìm đến men say khi nhàn việc. Rượu vào, Toàn sẵn sàng gây sự với bất cứ ai xung quanh mình, ngay cả vợ cũng thường xuyên phải chịu đựng.

“Ban đầu con Dung chỉ phải hứng những lời chửi rủa thô kệch, nhưng một ngày hắn “thượng cẳng tay hạ cẳng chân” nhưng thấy vợ vẫn cắn răng chịu đựng nên Toàn lấn tới. Mỗi lần tức tối gì thay vì dùng lời thì Toàn đều lấy vũ lực để “nói chuyện” với vợ. Có hôm, Toàn nhậu say, vô cớ lôi vợ đang nằm ngủ dậy, mắng chửi xối xả, kèm theo đó là những cái bạt tai tới tấp mặc Dung van xin, cúi lạy. Thời điểm đầu, bao trận đòn roi trút xuống như cơm bữa, Dung vẫn cắn răng cam chịu, không dám than vãn với bất cứ ai để giữ hạnh phúc gia đình được êm ấm”, bà Sâm nhớ lại.

Một lần, bà Sâm nhìn mặt con gái quầng tím nên quyết hỏi cho ra nhẽ, nhưng chị Dung chỉ trả lời qua quýt: “Đi chăn trâu bị cây  đánh trúng vào mắt nên thâm tím thôi”. Tuy nhiên, mãi đến sau này, bà và người thân cũng biết được hết nguồn cơn sự việc. “Nhiều khi chứng kiến cảnh con Dung ôm mặt khóc vì thằng Toàn, tôi thương lắm nhưng không biết phải làm sao. Từng đôi lần lựa lời khuyên bảo vợ chồng phải sống hòa thuận nhưng chưa kịp nói hết câu thì hắn đã quát lại: “Vợ tôi thì tôi dạy mắc mớ gì đến bà”. Nhiều lần thấy nó đánh con Dung, mấy đứa con tui vào can thì bị hắn đánh lại. Có lần thằng Tuyển anh trai vào can cũng bị nó vác dao đuổi đánh chạy trốn khắp làng. Mấy năm trước chỉ vì vợ chồng có xích mích nhỏ, hắn đi uống rượu về thì rượt đánh con Dung. Do không chịu nổi đòn roi phải chạy ra nhà tôi lánh nạn”.

Cách đây 10 năm, trong một lần truy tìm vợ để đánh, Toàn tìm đến nhà bà Sâm nhưng không thấy. Sẵn “máu điên” trong người, Toàn lập tức đập phá hết đồ đạc của nhà mẹ vợ, ngay cả bàn thờ tổ tiên cũng bị hắn đạp đổ. Khi bà Sâm ra sức ngăn cản thì bị gã cầm dao truy đuổi. Bà bỏ chạy thì Toàn cũng đuổi theo chém vào đầu, phải khâu 16 mũi. Thời điểm đó, Công an huyện Tân Kỳ cũng xuống lập biên bản, điều tra nhưng gia đình bà Sâm không dám làm lớn chuyện. “Tính nó bặm trợm, hung hãn nên sợ sau này nó trả thù. Hơn nữa nếu mình làm căng quá chỉ thiệt thòi cho con gái và các cháu”, bà Sâm cho hay.

Giờ đây, khi thấy con gái rơi vào nguy kịch, bà bỏ quê vào đây chăm sóc. Bao khoản tiền lo lệ phí, bà lại phải vay mượn anh em, hàng xóm, thậm chí bán cả đám lợn non để có tiền thuốc men. “Tui chỉ mong con gái được bình an! Tấm thân già này bao năm vất vả cũng không thể so sánh được với nỗi đau mà Dung đang gánh chịu. Làm cha mẹ, có ai mong muốn tình cảnh bi đát này đâu cơ chứ…”, bà Sâm nói trong nước mắt, rồi vội vàng chạy đến bên phòng bệnh con gái.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Tuế (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN